Hy vọng ông Cù Huy Hà Vũ được tại ngoại - Dân Làm Báo

Hy vọng ông Cù Huy Hà Vũ được tại ngoại


Việt Hà - Bà Cù Thị Xuân Bích, em gái tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, vừa gửi đơn đến tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xin bảo lĩnh cho ông Cù Huy Hà Vũ được tại ngoại.

Tình trạng sức khỏe của anh trai tôi có vấn đề về tim, gia đình rất lo lắng khi nghe thấy anh trai tôi thường đau tim về nửa đêm và thường phải sử dụng thuốc của trạm nơi anh bị giam.

Bà Cù Thị Xuân  Bích

Hình do LS Vũ gởi RFA

LS Cù Huy Hà Vũ tại văn phòng của mình, ảnh chụp trước lúc Ông bị bắt giữ.


Chính quyền chưa trả lời

Đây không phải là lần đầu tiên gia đình ông Cù Huy Hà Vũ xin bảo lĩnh cho ông kể từ khi ông bị bắt tạm giam vào đầu tháng 11 năm ngoái. Sự việc này diễn ra ngay sau khi một nhà đấu tranh dân chủ trong nước khác là bác sĩ Nguyễn Đan Quế được cho tại ngoại chiều hôm 28 tháng 2. Liệu nguyện vọng của gia đình luật sư Cù Huy Hà Vũ có thể được đáp ứng trong thời gian ngắn sắp tới hay không?

Đơn xin bảo lĩnh cho luật sư Cù Huy Hà Vũ đề ngày 1 tháng 3 năm 2011 được bà Cù Thị Xuân Bích, em gái luật sư gửi đến chánh án toà án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn và chánh tòa hình sự Nguyễn Hữu Chính. Lý do xin được bảo lĩnh đưa ra trong đơn là ông Vũ đang mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình cũng xin cơ quan hữu trách có hồi âm cho gia đình đối với đơn xin này.

Thực ra tôi không được thăm, gia đình chưa ai được thăm và gặp suốt từ khi anh trai tôi bị bắt đến giờ, trong gia đình nhiều người làm đơn.

Bà Cù Thị Xuân  Bích

Đây không phải là lần đầu tiên mà gia đình ông Vũ nộp đơn xin bảo lĩnh cho ông kể từ khi ông bị bắt vào ngày 5 tháng 11 năm ngoái cũng bởi cùng một lý do sức khỏe. Bà Cù Thị Xuân  Bích cho biết gia đình đã rất nhiều lần xin được gặp ông đồng thời xin bảo lĩnh cho ông nhưng đều không được hồi âm. Bà nói:

“Tôi đã bảo lãnh 2 lần, lần thứ nhất là sau ngày anh Vũ bị bắt một ngày là ngày 6 tháng 11 năm 2010, lần thứ 2 là ngày 30 tháng 12 năm 2010 khi tôi thấy tình trạng sức khỏe của anh trai tôi có vấn đề về tim, gia đình rất lo lắng khi nghe thấy anh trai tôi thường đau tim về nửa đêm và thường phải sử dụng thuốc của trạm nơi anh bị giam. Thực ra tôi không được thăm, gia đình chưa ai được thăm và gặp suốt từ khi anh trai tôi bị bắt đến giờ, trong gia đình nhiều người làm đơn, kể cả chú ruột tôi và tôi, rất nhiều đơn thư nhưng đều không có sự hồi âm, chưa được gặp.”

Theo bà Cù Thị Xuân Bích thì ông Vũ vốn bị bệnh tim bẩm sinh từ bé, ngoài ra ông còn mắc thêm các bệnh cao huyết áp và gan nhiễm mỡ. Gia đình chỉ biết được tin tức về tình hình sức khỏe của ông Vũ qua các luật sư nhận bào chữa cho ông sau những lần họ vào trại tạm giam gặp ông. Trong số các luật sư bào chữa cho ông Vũ có vợ ông là luật sư Nguyễn Thị  Dương Hà.

Bà Cù Thị Xuân Bích cho biết tình trạng sức khỏe của ông Vũ đã ngày một xấu đi từ khi bị giam:

“Các luật sư nói là anh thường bị đau về đêm và miêu tả sắc thái của anh không được tốt như lúc trước khi bị bắt.”

vplscuhuyhavu250.jpg

Ngay cả việc gửi thuốc tim vào trong ông Vũ cũng bị trại giam từ chối mà không hề đưa ra lý do cụ thể nào.

Theo luật sư Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch liên đoàn luật sư Việt Nam, luật tố tụng hình sự của Việt Nam có quy định liên quan đến việc bảo lĩnh cho người bị tạm giam, theo đó người bị tạm giam có thể được tại ngoại nếu cả bên bảo lĩnh lẫn người được bảo lĩnh hội đủ một số điều kiện nhất định. LS Phạm Hồng Hải trình bày:

“Để một người đang bị tạm giam ra tại ngoại thì phải có hai phía là người bảo lĩnh hoặc cơ quan bảo lĩnh phải đủ tư cách và khả năng, thứ hai là bản thân người được bảo lĩnh đó thì phải được đánh giá là sau thời gian tạm giam anh có thể tại ngoại, anh không bỏ trốn, không gây khó khăn cho hoạt động điều tra xét xử và thi hành án sau này. Lúc đó người đó mới được ra. Còn nếu anh phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, làm gián điệp, khủng bố, chống chính quyền nhân dân, hoặc giết người, buôn bán ma túy thì những tội nặng như thế người ta không thể cho ra.”

Cũng theo luật sư Phạm Hồng Hải thì trong luật tố tụng hình sự của Việt Nam không có quy định về việc cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm trả lời đơn xin của bên xin bảo lĩnh. Ông nói tiếp:

“Trong luật hiện nay không có quy định sau đơn đó thì cơ quan tiến hành tố tụng trong bao nhiêu thời gian phải trả lời, chưa có quy định như vậy. Bởi vì trong trường hợp này thì chỉ là đơn đề nghị hoặc đơn xin bảo lĩnh chứ không phải đơn yêu cầu, nên cơ quan tiến hành tố tụng không có trách nhiệm phải trả lời.”

Không được thăm nuôi

Liên quan đến việc cho phép gia đình được gặp người bị tạm giam và gửi đồ tiếp tế, thuốc men, luật sư Phạm Hồng Hải giải thích việc gặp gỡ có thể không được phép đối với một số những trường hợp đặc biệt nhưng việc gửi thuốc men và đồ tiếp tế là hoàn toàn đúng luật, Ông cho biết:

Tình trạng sức khỏe của anh trai tôi có vấn đề về tim, gia đình rất lo lắng khi nghe thấy anh trai tôi thường đau tim về nửa đêm và thường phải sử dụng thuốc của trạm nơi anh bị giam.

Bà Cù Thị Xuân  Bích

“Trong luật tố tụng hình sự của Việt Nam có quy định là phải giữ bí mật điều tra, ngay trong một số vụ án hiện nay như tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phức tạp nghiêm trọng cần phải giữ bí mật điều tra thì ngay cả luật sư trong thời gian điều tra cũng không được tiếp xúc với bị can chứ chưa nói đến người nhà. Trong thời gian tạm giam thì người nhà có thể tiếp tế, gửi đồ ăn thức uống, chăn màn, quần áo, còn gặp gỡ thì tùy trường hợp. Nếu cơ quan điều tra thấy việc gặp gỡ đó không gây cản trở cho hoạt động điều tra hoặc cần thiết người gia đình động viên khuyến khích người này khai báo thành khẩn thì người ta cũng có thể tổ chức cho người nhà gặp gỡ. Nhưng nói chung là trong thời gian điều tra, trước khi có kết luật điều tra về vụ án thì người nhà hầu như rất ít được gặp trong trại tạm giam.”

Trong cáo trạng truy tố bị can đối với luật sư Cù Huy Hà Vũ của viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 17 tháng 12 năm 2010, ông Cù Huy Hà Vũ bị cáo buộc tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Cáo buộc này dựa trên việc ông Vũ đã có nhiều bài viết và trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài trong đó có nội dung tuyên truyền chống nhà nước. Còn ông Vũ thì luôn khẳng định rằng những việc mình làm là hoàn toàn hợp pháp.

tocao2-250.jpg

Điểm đáng chú ý là đơn xin bảo lĩnh mới của gia đình ông Cù Huy Hà Vũ được gửi đi ngay sau khi công an điều tra thành phố Hồ Chí Minh quyết định tạm tha đối với bác sĩ Nguyễn Đan Quế vào hôm 28 tháng 2. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị bắt tạm giam vào ngày 26 tháng 2 và bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền. Trước khi bị bắt, ông đã gửi bức thư kêu gọi người dân Việt Nam xuống đường biểu tình ôn hòa để đòi quyền lợi, và kêu gọi thành lập một nước Việt Nam mới dân chủ.

Theo bà Cù Thị Xuân Bích thì cả bác sĩ Nguyễn Đan Quế và luật sư Cù Huy Hà Vũ đều không phạm những tội như bị cáo buộc và luật sư Cù Huy Hà Vũ phải được tạm tha cũng giống như trường hợp bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Bà nói:

“Tôi vẫn hy vọng là anh tôi thứ nhất yêu nước và thứ hai là theo đúng pháp luật, hiến pháp thì những việc làm của anh tôi và tình trạng sức khỏe của anh tôi cũng giống như bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Tôi không phải là hy vọng mà tôi chắc chắn là sẽ giống như nhau, 2 trường hợp phải được đối xử giống nhau.”

Bà Bích cho biết gia đình sẽ tiếp tục gửi đơn xin bảo lĩnh cho đến khi nhận được hồi âm, và hiện giờ đó là cách duy nhất mà gia đình có. Tuy nhiên với những quy định như hiện tại trong luật của Việt Nam, thật khó có thể biết được liệu những đề nghị của gia đình bao giờ mới được hồi âm chứ chưa nói gì đến đáp ứng.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hope-for-cu-huy-ha-vu-bailed-out-rises-after-doctor-nguyen-dan-que-case-vha-03012011183730.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo