Hy vọng đã vươn lên - Dân Làm Báo

Hy vọng đã vươn lên

Ngô Nhân Dụng - Tựa đề trên đây là một bài ca của Nguyễn Ðức Quang, viết thời 1965, ở Sài Gòn. Tự nhiên trong đầu tôi lại âm vang những câu hát này trong lúc nhạc sĩ đang nằm trong bệnh viện chờ hồi phục. Tiếng hát vẳng lên không phải vì quá khứ hiện về; mà vì nhìn thấy tương lai, trước hình ảnh những thanh niên đang xuống đường làm cách mạng ở Ai Cập, ở Bahrain, và Lybia.

Họ là những hình ảnh của hy vọng. Họ đang mang lại niềm tin. Không riêng gì cho đất nước họ, mà chung cho cả loài người. Loài người lại phấn khởi, lại tin tưởng ở tuổi trẻ, tin tưởng ở tương lai. Giống như một đêm tháng 11 năm 1989, khi cả loài người nhìn cảnh bức tường Berlin bị đập vỡ, nhìn cảnh những người lính Ðông Ðức bắt tay người dân Tây Ðức. Và Rostropovitch, một nhạc sĩ Nga bị lưu đầy, tới ngồi bên bức tường đã đổ, vuốt những điệu hồ cầm bất tử của Bach. Lúc đó hy vọng cũng vươn lên trong tâm hồn nhân loại.

Năm 1965 Nguyễn Ðức Quang đã hát: “Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt. Hy vọng đã vươn dậy, như làn tên trong màn đêm.” Những lời hát đó đã được bao nhiêu thanh niên ở miền Nam Việt Nam tập họp lại, cất tiếng đồng ca. Các sinh viên học sinh từ thành phố kéo nhau về nông thôn làm trại công tác, đến các trại tị nạn xắn tay áo giúp đồng bào; trên đường họ bước đi, từ Bến Hải đến Cà Mau; trong những lúc đổ mồ hôi trên ruộng cằn, ở Ðông Hà, ở Thạnh Lộc Thôn, ở Bến Tranh; và suốt những đêm lửa trại đầm ấm. Trong thời gian đó đất nước ta còn đắm chìm trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, “trong màn đêm bao ưu phiền, trong nhục nhằn tràn nước mắt.” Nguyễn Ðức Quang đã cất tiếng và những người trẻ tuổi ở miền Nam Việt Nam ca theo: “Hy vọng đã vươn dậy trong lòng anh, trong lòng tôi, trong lòng ai.”

Tại sao những cuộc nổi dậy ở Bắc Phi, ở Trung Ðông lại khiến nhiều người Việt Nam lớn tuổi cũng cảm thấy “Hy vọng đã vươn lên?” Giáo Sư Nguyễn Minh Cần, trên 80 tuổi, ở Moskva, nước Nga, đã gửi cho bạn bè 10 điều ông tâm niệm về những bài học sau các cuộc cách mạng ở Bắc Phi. Nhạc sĩ Tô Hải ở trong nước, cùng lớp tuổi đó, rất dè dặt nhận xét hoàn cảnh nước Việt Nam không giống như Ai Cập hay Tunisie; nhưng vẫn hào hứng kể lại và bàn luận về làn sống dân chủ đang cuồn cuộn dâng lên ở những xứ xa xôi ông chưa từng đặt chân tới. Những người vào lớp tuổi 70 như Nguyễn Ðan Quế, Ðoàn Viết Hoạt, Linh Mục Phan Văn Lợi, và bao người khác, đã vào tù ra khám dưới chế độ cộng sản nhiều lần, cũng lên tiếng bày tỏ niềm hy vọng của họ vào khả năng của giới trẻ Việt Nam ngày hôm nay có thể thay đổi cuộc sống trên đất nước.

Tại sao những thanh niên Á Rập ở Trung Ðông, ở Bắc Phi lại khích động lòng người Việt Nam như vậy? Bởi vì, họ mang lại cho chúng ta niềm tin vào những lý tưởng mà chúng ta đã từng ôm ấp từ khi còn trẻ. Khi Tô Hải bỏ cuộc sống bình yên ở Hà Nội mà đi kháng chiến; khi Nguyễn Minh Cần vác súng “ta tiến lên ta diệt quân thù.” Hay khi những Nguyễn Ðan Quế, Ðoàn Viết Hoạt cùng hòa mình trong các phong trào thanh niên 1965, 66, cùng hát bài “Hy vọng đã vươn lên” của Nguyễn Ðức Quang.

Có những thời tuổi trẻ nước ta rất đẹp. Thanh niên nào cũng nuôi lý tưởng phục vụ, cũng muốn làm con người hữu ích cho đồng loại, cũng muốn sống có giá trị, sống hào hùng vượt lên trên thân phận nhỏ bé của mình. Không phải chỉ riêng ở nước ta, mà tại quốc gia nào cũng vậy, nhân loại đều như nhau. Nhiều lúc trong loài người ai cũng khát khao các lý tưởng Tự Do, Dân Chủ. Có nhiều lúc ai cũng nghĩ tới Tổ Quốc, tới Ðồng Bào.

Các danh từ đẹp đẽ như Tự Do, Dân Chủ, Tổ Quốc, Ðồng Bào là những sự thật, chứ không phải là những khái niệm trừu tượng. Người ta có thể cảm thấy những sự thật cụ thể đó ngay trong bước chân của mình đi, hiện ra khi nhìn vào con mắt những người đồng hành với mình; trong tiếng hát, tiếng hò reo của mình. Có thể thấy hơi nóng của những lý tưởng đó ngay trên da thịt mình. Ai cũng cảm thấy cuộc đời đáng sống và loài người đáng sống.

Nhưng cũng trong lịch sử loài người, chúng ta cũng thấy có những thời kỳ mà người ta không còn chút hy vọng nào vào tương lai. Có những lúc cuộc sống trì trệ, buồn tẻ, niềm tin vào cái Thiện, cái Ðẹp bị héo úa, đời sống không còn ý nghĩa nữa. Ðó là những “màn đêm bao ưu phiền,” khi “lòng thuyền còn xa bến,” như trong bài ca của Nguyễn Ðức Quang. Những lúc đó, đa số thanh niên không còn nghĩ tới các lý tưởng lớn mà chỉ lo tìm những lạc thú ích kỷ và có khi thấp kém. Hoặc họ chán chường, tuyệt vọng, dù bất mãn hoặc căm giận cũng vẫn chịu yên phận vì không tin có khả năng thay đổi cuộc đời mình. Nhưng, ngay trong khung cảnh “nhục nhằn đầy nước mắt” như vậy, “Hy vọng vẫn vươn lên!”

Như cuối năm 1989. Cả thế giới loài người đã chia sẻ những nỗi hào hứng khi các thanh niên, các sinh viên, công nhân, giới trí thức, các nhà tranh đấu dân chủ ở Ðông Âu đứng lên tự tháo gỡ gông cùm. Họ mang lại niềm tin cho nhân loại. Vì họ tin vào những lý tưởng chung của loài người, biến các lý tưởng thành sự thật.

Năm 2011 này cũng vậy, chỉ trong hai tháng qua, giới thanh niên các nước Á Rập lại mang lại một luồng gió mới, những ngọn lửa mới sưởi ấm niềm tin của loài người khi đứng lên đòi Tự Do, Dân Chủ. Ðây không phải là những cuộc nổi dậy bắt nguồn từ nhu cầu miếng cơm manh áo. Trong đám người đi biểu tình có những chuyên gia có địa vị, có tài sản, không phải chỉ có những người thất nghiệp. Họ có thể hy sinh các quyền lợi vật chất, tiền tài, khi tham gia những cuộc biểu tình. Các chính quyền như ở Bahrain đã tặng cho dân mỗi người 2,700 đô la để xoa dịu nỗi bất mãn, nhưng không thanh công.

Ðây không phải là những cuộc cách mạng được vẽ ra từ các ý thức hệ trừu tượng, cũng không do lòng súng tín tôn giáo nào thúc đẩy. Những thanh niên xuống đường không phải vì tin tưởng vào một lãnh tụ hay một đảng phái chính trị nào cả. Cho đến khi các cuộc biểu tình nhỏ đã bùng lên thành phong trào lớn, mới thấy các tổ chức hoặc các nhân vật lãnh đạo, họ xuất hiện ngay từ trong đám đông.

Nhưng đó chính là những cuộc cách mạng đích thực. Hàng trăm ngàn người xuống đường đòi thay đổi cuộc sống của mình và cả xã hội chung quanh mình; như vậy có phải là Cách Mạng hay không? Hàng trăm người đã bị bắn chết, những người khác vẫn sẵn sàng tiến tới cho tới khi đạt được mục đích; không gọi đó là Cách Mạng thì gọi là gì?

Các cuộc nổi dậy có tính cách bột phát nhưng đều có những mục tiêu rất rõ rệt. Tất cả các cuộc biểu tình phát khởi, ở Tunisie cho tới Ai Cập, Lybia, đều đưa ra những đòi hỏi căn bản: Xóa bỏ chế độ độc quyền chính trị, độc quyền kinh tế. Dân chúng phải được tuyển chọn người cầm quyền, thay đổi người cầm quyền. Bằng bầu cử tự do, qua sinh hoạt chính trị tự do. Do đó, phải có tự do ngôn luận, tự do lập hội, lập đảng. Chấm dứt những lời dối trá, những cuộc bầu cử bịp bợm. Chống tham nhũng, lạm quyền, chống bọn quyền thế bao che lẫn nhau. Chống bất công xã hội và đạo đức giả.

Người dân Ai Cập, Bahrain hay Lybia đều có những ý nguyện như nhau. Họ không cần nhân danh một tôn giáo, một chủ nghĩa hay ý thức hệ nào cả. Bất cứ một đảng phái nào chấp nhận các quyền căn bản trên đều có thể tham gia cách mạng, tham gia đời sống chính trị. Vì người dân nổi lên cũng chỉ nêu lên những đòi hỏi căn bản để mọi người được sống đúng với phẩm giá con người. Sống có phẩm giá, không chấp nhận sống nhục nhã dưới sự đè nén, trói buộc, bị bóc lột vì một thiểu số chiếm hầu hết quyền tích lũy và sử dụng của cải, tài nguyên quốc gia.

Những đòi hỏi trên đây có tùy thuộc vào một nền văn hóa hay tôn giáo nào hay không? Có tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế tới mức nào con người mới nẩy sinh ra những nhu cầu đó hay không? Có một chủng tộc, một mầu da nào thấy không cần tới những điều kiện sống như thế hay không? Chắc chắn là không. Mọi dân tộc, mọi quốc gia, khắp năm châu bốn biển, ai cũng mang những khát vọng tự do dân chủ như vậy. Loài người có những nhu cầu chung, có những giá trị chung. Tự Do, Dân Chủ, đó không phải chỉ là những khái niệm, những giá trị được đề cao trong sách vở, trong các bản tuyên ngôn. Ðó là những điều kiện cần thiết để mọi người sống có phẩm giá, có tư cách con người.

Chúng ta đều biết những giá trị trên, Tự Do, Dân Chủ. Ðã từng khát khao được sống trong những điều kiện đó. Tại sao trên thế giới vẫn còn những chế độ từ chối không cho dân được hưởng những quyền tự do căn bản này? Tại sao nhiều dân tộc bị kiềm chế không được hưởng những quyền căn bản này, mà không đứng lên giành lấy?

Bởi vì có những lúc, ở nhiều nơi, người ta đã chịu nhịn nhục, đã chịu thua, đã bỏ cuộc, không dám đòi quyền sống xứng đáng với phẩm giá con người nữa. Như nhạc sĩ Tô Hải viết: Nhiều người đã nuôi Thói Quen nhịn nhục, vui lòng sống trong cảnh bị kìm hãm, nô lệ. Hoặc họ không biết, không hiểu thế nào là phẩm giá của con người tự do. Hoặc họ biết, muốn được sống tự do, nhưng chịu thua, vì cho là mình bất lực, không thể nào thay đổi cuộc sống xã hội chung quanh mình được.

Nhưng thế giới luôn luôn thay đổi, vẫn đang tiếp tục thay đổi. Giới thanh niên càng thay đổi nhanh hơn nữa, vì họ tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn qua mạng lưới Internet. Nhìn ra thế giới, người ta sẽ hỏi: Tại sao ở Hàn Quốc mấy năm người ta lại có thể thay đổi ông tổng thống, thay đổi đảng cầm quyền trong khi ở nước mình thì trước sau vẫn từng ấy bộ mặt trâng tráo thay phiên nhau? Tại sao bên Pháp người dân có quyền công khai chỉ trích ông tổng thống mà nước mình thì không? Tại sao một công chức Nhật Bản phạm lỗi thì phải xin lỗi quốc dân và từ chức, còn nước mình thì không?

Càng biết nhiều, những người trẻ tuổi càng nhiều thắc mắc. Họ sẽ tự hỏi tại sao nước Tunisie thay đổi sau khi một thanh niên như anh Mohammed Bouazizi không chịu được nhục nhã, phải tự thiêu vì bị cảnh sát đánh đập? Tại sao một anh Khaled Said ở Ai Cập bị cảnh sát bắt giam rồi đánh tới chết lại khiến hàng ngàn thanh niên phẫn nộ kéo nhau đi biểu tình lật đổ chế độ độc tài? Tại sao những lời kêu gọi biểu tình đầu tiên ở Lybia chỉ có dăm chục thanh niên hưởng ứng, mà sau có mấy ngày con số đã kéo lên đến nửa triệu người? Rồi sẽ tới lúc các bạn trẻ ở Việt Nam cũng hỏi: Tại sao một thanh niên 21 tuổi như anh Khương ở Bắc Giang, bị bắt vì vi phạm luật giao thông mà lại bị công an đánh chết? Tại sao những Nguyễn Trường Tô, Sầm Ðức Xương và bọn quan lại một tỉnh đã cùng nhau lạm dụng quyền hành làm nhục các nữ sinh mà chúng không chịu tội, lại để cho các cô gái nạn nhân bị ra tòa?

Các thanh niên đã khởi xướng các cuộc nổi dậy ở Tunisie, Ai Cập, Lybia cũng chỉ bắt đầu với những câu hỏi tương tự như thế. Và họ làm cho cả thế giới phải thức dậy, chứng kiến, kinh ngạc, và khâm phục. Họ đã đánh thức những dân tộc cùng tỉnh dậy. Tỉnh dậy để ý thức nỗi nhục nhã của mình, bao lâu nay mình vẫn chịu sống không có nhân phẩm. Phải đứng lên đòi lại những quyền tự do căn bản đã bị tước đoạt, để xứng đáng làm người.

Các cuộc cách mạng ở Bắc Phi và Ðông Âu mang lại cho chúng ta niềm tin tưởng vào giới trẻ và vào cả loài người. Loài người có quyền sống trong phẩm giá. Thanh niên ở đâu và bao giờ cũng có khả năng sống với lý tưởng. Lý tưởng sẽ làm đẹp cuộc đời, của mình và của tất cả mọi người. Chúng ta thấy cuộc đời đáng sống và loài người đáng sống.

Các bạn trẻ ở Việt Nam sẽ có ngày chia sẻ những lý tưởng đó, sẽ cùng nhau ca hát: “Hy vọng đã vươn lên trong cuộc tình toàn thế giới! Hy vọng đã vươn dậy trong lòng anh, trong lòng tôi, trong lòng ai!”

Ngô Nhân Dụng

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=127592&z=7



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo