Người Buôn Gió - Nước Vệ năm Tân Mão, triều nhà Sản, Trịnh Vương đời thứ nhất.
Người ngoài kẻ chợ nhao nhác vì giá cả mỗi ngày một tăng cao mà không biết nguyên nhân từ đâu, thiên hạ sắp loạn thì trời mới cứu được nhà Sản. Nguyên là lúc đó bên Châu Phi bạo loạn, nhà Sản vin vào đó mà thác với dân chúng rằng do loạn lạc bốn phương mà giá cả tăng cao như vậy. Bọn gian thương có quan hệ mật thiết vời triều đình tha hồ tăng giá hốt bạc, cái nào không nắm được thì chúng xui triều đình cấm đoán như việc buôn bán vàng nén trong dân gian.Bấy giờ ở hồ Kiếm tại kinh kỳ có một vị rùa to bằng nửa cái chiếu hoa, sống ở hồ cũng đến mấy trăm năm.
Lần nọ nhà Sản có mở hội lớn, vị rùa tình cờ ngoi lên mặt nước. Thiên hạ xúm vào chiêm ngưỡng vẻ to lớn, hùng vĩ của rùa. Quan tuyên huấn nhà Sản biết chuyện bèn gọi tay chân đến bảo:
- Lập tức truyền tin cho dân chúng biết, Cụ Rùa là vật linh thiêng, một trong tứ linh đã nổi lên chúc mừng nhà Sản. Đó là vì nhà Sản làm những việc khiến không những lòng người khâm phục mà khiến cả lòng trời cũng ưng thuận.
Từ đấy trở đi, cứ mỗi lần vị rùa nổi, các quan tuyên huấn lại lập lại nhịp điệu Cụ Rùa nổi mừng ngày này, ngày nọ của triều Sản.
Nhà Sản lễ hội triền miên, một năm có 365 ngày thì nước Vệ có đến hơn phân nửa là ngày kỷ niệm, ngày truyền thống, ngày thành lập, ngày tiên đế sinh, tiên đế thác, tiên đế đi chỗ này, đến chỗ nọ, nói câu nọ, bồi câu kia. Cụ Rùa nổi ngày nào mà chả trúng, tuy nhiên nhờ đúng những ngày đó mà vị rùa được dân chúng tôn vinh là Cụ.
Lại nói đến năm Tân Mão, bốn phương loạn lạc, đình công, bãi chợ khắp nơi. Đói kém gõ cửa đến từng nhà, quan lại ra sức nhũng nhiễu, người dân khổ sở vô cùng, bao nhiêu năm rồi mới gặp lúc đói kém như vậy. Năm đó Cụ Rùa cũng ốm yếu, đói rét, bệnh tật khốn khổ vô cùng, cụ nhoi lên mặt nước ăn xác mèo chết, cá chết, mình mầy cụ đầy thương tích, lở loét do bọn tiểu nhân rùa tai đỏ xâm hạ, cụ thoi thóp từng ngày. Người dân thấy cụ than rằng:
- Đúng Cụ là linh vật, đất nước, nhân dân thế nào thì Cụ cũng như vậy.
Lời đó đến tai bọn tuyên huấn nhà Sản. Ngay lập tức hôm sau trên báo đàn nhan nhản những bài đầy vẻ miệt thị, nào là chỉ có một con rùa già thì chết, có gì nhặng cả lên. Nào là rùa ăn xác chết là chuyện bình thường có lợi cho tiêu hóa rùa như khoa học chứng minh. Rùa ốm, khó thở thì nổi thôi chứ điềm điếc nào ở đây...
Những lời ấy phát ra, hôm sau ven hồ vài tên tỏ vẻ thức thời đã dùng từ, con rùa này, con rùa kia khi đứng ven hồ nhìn thấy cụ. Chính những tên này mới hôm nào Cụ nổi lên đúng ngày này nọ, miệng chúng xoen xoét cụ linh thế này, cụ nghiệm thế kia.
Có đôi trai gái yêu nhau thắm thiết, ngày nọ giận dỗi, chia tay nhau. Cô gái ra hồ có người hỏi sao mà bỏ nhau. Cô ấy đáp.
- Yêu gì giống miệng như loài Sản.
Câu "miệng như loài Sản" trở thành một câu thành ngữ trong dân gian. 300 năm sau, một vị học giả đi tìm điển tích câu ấy, không tìm rõ được nguyên nhân. Ông ta bèn ghi vào từ điển rằng:
- Sản là trích ghép từ hai từ, Sài và Lang, sau phiên âm trệch dần đi thành Sản. Loài này ăn tạp, cho nên mới có câu thành ngữ ''miệng như loài Sản''
Người Buôn Gió