Nghiên cứu, tuyên truyền về biển đảo: Sự bài bản của Trung Quốc - Dân Làm Báo

Nghiên cứu, tuyên truyền về biển đảo: Sự bài bản của Trung Quốc

Đoan Trang - “Kiến thức là sức mạnh, và nếu các nhà khoa học Trung Quốc là những người đầu tiên khám phá vùng biển sâu của Biển Đông, thì sau đó các doanh nhân Trung Quốc sẽ có vị trí tốt hơn với những người khác trong việc khai thác bất cứ giá trị thương mại nào và hải quân Trung Quốc cũng sẽ có vị thế vượt trội hơn để bảo vệ họ”

Vào những ngày cuối năm âm lịch vừa qua (26-27/1/2011), các nhà hải dương học Trung Quốc đã nhóm họp tại một hội nghị ở Thượng Hải để thảo luận về một dự án có tên là “Biển Đông sâu thẳm” (South China Sea-Deep). Mục đích của dự án là thăm dò, khám phá Biển Đông, nơi mà Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa.

Theo một bài viết trên tờ The Economist ngày 10/2, tổng kinh phí cho “Biển Đông sâu thẳm” là 150 triệu Nhân dân tệ (tương đương 22 triệu USD), được chi trả trong vòng 8 năm tới. Dự án do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia – một cơ quan Nhà nước có trụ sở tại Bắc Kinh – thực hiện. Quỹ này không phải đơn vị duy nhất của Trung Quốc nghiên cứu về hải dương học: The Economist cho biết Trung Quốc cũng sẽ chi 400 triệu Nhân dân tệ (khoảng 58 triệu USD) để mở một trung tâm công nghệ hàng hải ở Thanh Đảo, và đầu tư tới 1,4 tỷ Nhân dân tệ (hơn 200 triệu USD) xây dựng một mạng lưới đài quan sát đáy đại dương tương tự như chương trình Neptune của Canada và Sáng kiến Đài Quan sát Hải dương của Mỹ.

Điều đáng chú ý là, cả ba dự án trên cũng không phải là một vài dự án nghiên cứu Biển Đông lẻ tẻ của Trung Quốc, mà chỉ là một phần trong công cuộc nghiên cứu và tuyên truyền về biển đảo, chủ quyền lãnh thổ, v.v. từ hơn nửa thế kỷ nay và ngày càng được tiến hành một cách bài bản, đồng bộ hơn.

Đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới

Đặc điểm nổi bật trong hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền của Trung Quốc là sự đồng bộ và toàn diện từ Trung ương xuống địa phương. Ông Phạm Hoàng Quân – một trong số rất ít người ở Việt Nam hiện nay (có thể đếm trên đầu ngón tay) nghiên cứu về cổ sử Trung Quốc – cho biết, Trung Quốc thực hiện nghiên cứu và phổ biến kết quả nghiên cứu về chủ quyền biển đảo trên ba cấp: Trung ương, địa phương (tỉnh thành), và hệ thống trường đại học.

Ở cấp Trung ương, Trung Quốc có hẳn một viện nghiên cứu rất lớn về Biển Đông là “Trung Quốc Nam Hải Nghiên cứu Viện”, và nhiều cơ quan trực thuộc Trung ương khác như: Sở Nghiên cứu Nam Hải (Viện Khoa học Trung Quốc), Bộ Tư lệnh Hải quân, Sở Nghiên cứu Tình báo Khoa học Kỹ thuật Hải dương… Hoạt động thường xuyên của các cơ quan này là tiến hành nghiên cứu, biên soạn tài liệu, tổ chức hội thảo v.v. về chủ quyền biển đảo. Ngay từ năm 1975, Viện Nghiên cứu Biển Đông đã xuất bản “Báo cáo sơ bộ về việc điều tra tổng hợp khu vực quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa, theo cách gọi của Trung Quốc).

Ở cấp tỉnh, mỗi tỉnh ven biển Trung Quốc đều có nhiều cơ quan nghiên cứu về biển đảo. Hoạt động mạnh nhất có lẽ là các cơ quan thuộc Quảng Đông, Phúc Kiến. Tháng 9 năm 1974, Bảo tàng Lịch sử Quảng Đông đã in “Hiện vật khảo cổ Tây Sa”. Năm 1976, Sở Ngoại vụ Quảng Đông tung ra một loạt tài liệu: “Địa lý các đảo Nam Hải”, “Vấn đề đối ngoại của nước ta về các đảo Nam Hải”, “Khái luận về chủ quyền của nước ta đối với các đảo Nam Hải”, v.v.

Cấp thứ ba là các trường đại học, chẳng hạn Đại học Hạ Môn trong hai năm 1975-1976 đã xuất bản trọn bộ sáu cuốn “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải nước ta”. Khoa Địa lý Đại học Sư phạm Hoa Nam xuất bản cuốn “Nghiên cứu địa danh các đảo Nam Hải” (1983). Đại học Trung Sơn xuất bản nghiên cứu chuyên đề về “Lịch sử địa lý quần đảo Nam Sa” (1991).

Các tác phẩm đều được dịch sang tiếng Anh để đưa ra thế giới. Bên cạnh đó, các cơ quan Trung Quốc cũng tiến hành dịch công trình nghiên cứu của nước ngoài sang tiếng Trung để giới khoa học tham khảo. Chẳng hạn, Tập san Sử Địa, chuyên đề về Hoàng Sa - Trường Sa, của Việt Nam ra đời năm 1974 thì năm 1978 có bản tiếng Trung. Cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời” của học giả Đào Duy Anh (không nhắc tới Biển Đông) cũng được Trung Quốc dịch sang Trung văn với tựa đề “Việt Nam cương vực sử”.

Kiến thức là sức mạnh

Trở lại với dự án “Biển Đông sâu thẳm” nói trên, theo The Economist, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định dự án không có mục đích nào khác ngoài nâng cao hiểu biết của con người. Họ cũng nói rằng dự án tập trung vào các vấn đề khoa học cơ bản chứ không nhằm tìm kiếm những thứ như dầu mỏ hay các tài nguyên khoáng sản. Tuy thế, đối tượng nghiên cứu của nó lại là Biển Đông - vùng biển với diện tích 3,5 triệu km2 và độ sâu xấp xỉ 5,5km, và được tiến hành bất chấp cuộc cạnh tranh tuyên bố chủ quyền từ mọi nước khác. Ta có thể thấy dường như Trung Quốc đã và đang tìm một cách tiếp cận khôn khéo hơn đối với vấn đề Biển Đông.

Bài viết trên tờ The Economist nhận định: “Kiến thức là sức mạnh, và nếu các nhà khoa học Trung Quốc là những người đầu tiên khám phá vùng biển sâu của Biển Đông, thì sau đó các doanh nhân Trung Quốc sẽ có vị trí tốt hơn với những người khác trong việc khai thác bất cứ giá trị thương mại nào và hải quân Trung Quốc cũng sẽ có vị thế vượt trội hơn để bảo vệ họ”.

Còn nếu chúng ta nói một cách khái quát, thì theo quy luật số lớn, số lượng nghiên cứu càng nhiều, khả năng có những công trình chất lượng càng cao.

Số lượng áp đảo

Trong số các quốc gia liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa, Malaysia, Philippines và Brunei không có nhiều cơ sở về mặt lịch sử; chỉ hai nước có sử liệu liên quan tới Trường Sa (và Hoàng Sa) là Việt Nam và Trung Quốc. Vì thế, trong việc xác lập chủ quyền đối với Trường Sa - Hoàng Sa, Việt Nam và Trung Quốc là hai bên tham gia chính với nhiều luận cứ hơn cả, và cả hai đều dựa vào tư liệu lịch sử. Do sử liệu có giá trị quan trọng như thế, nên một phần lớn “nhân tài, vật lực” nghiên cứu của Trung Quốc được dồn vào lĩnh vực này. Tuy thế, công việc nghiên cứu cũng được bài bản trong các ngành khác, và có tính liên ngành cao. Các dự án nghiên cứu đáy biển mà Trung Quốc sắp thực hiện tới đây là một ví dụ.

Chưa nói đến chất lượng của các công trình nghiên cứu về biển đảo của Trung Quốc, nhưng với số lượng cực lớn như vậy, theo nhà khoa học trẻ Việt Nam, TS Vũ Hoàng Linh: “Giả sử 10-20 năm nữa, có nhà nghiên cứu phương Tây muốn tìm hiểu về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với Hoàng Sa - Trường Sa: Cái mà ông ta tìm thấy sẽ là hàng chục bài viết của học giả Trung Quốc trên các tạp chí quốc tế nhằm chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của họ. Lúc đó, ông ta có muốn khách quan khoa học cũng khó. Tích tiểu thành đại, hàng loạt bài viết như vậy sẽ làm cán cân sức mạnh nghiêng thêm về phía Trung Quốc, gây ảnh hưởng rất bất lợi cho Việt Nam”.

***

Những điều kể trên cho thấy rằng đã đến lúc Việt Nam cần tiến hành một cách bài bản hơn chương trình mục tiêu Quốc gia nghiên cứu về biển đảo nhằm đưa tiếng nói khách quan và khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế; đồng thời nâng cao ý thức và hiểu biết của chúng ta về giá trị lãnh thổ.

Đoan Trang

http://trangridiculous.blogspot.com/2011/03/nghien-cuu-tuyen-truyen-ve-bien-ao-su.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo