"...Bằng sự khéo léo của mình, đại tá Gaddafi đã thiết lập quyền lực tuyệt đối tại Libya dù ông không đảm nhiệm một chức vụ chính thức nào trong chính quyền nước này..."
Mới đây, ba phóng viên của BBC, ABC và Sunday Times của Anh đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp đại tá Gaddafi, lãnh đạo của Libya, trong bối cảnh căng thẳng tại quốc gia Bắc Phi này đang tăng cao. Trong cuộc phỏng vấn, đại tá Gaddafi đã chính thức lên tiếng cho rằng mình chẳng có chức vụ gì để từ chức vì ông không phải vua, cũng không phải tổng thống, hay nắm bất cứ một chức vụ chính thức nào trong chính quyền.
Năm 1969, Gaddfi, lúc này 27 tuổi, đã lãnh đạo một nhóm sỹ quan quân đội thực hiện một cuộc đảo chính để hạ bệ vua Idris cùng hoàng gia và chính thức nắm quyền tại Libya. Khi đó, một Hội đồng chỉ huy Cách mạng được lập ra để cai trị đất nước, hội đồng này do ông Gaddafi giữ chức chủ tịch. Đến năm 1970, Libya chính thức thành lập chính phủ dân sự, đứng đầu là thủ tướng và ông Gaddafi đảm nhiệm chức vụ thủ tướng. Nhưng đến năm 1972, đại tá Gaddafi cũng từ bỏ chức vụ thủ tướng để không còn nắm giữ chính thức một chức vụ nào trong chính quyền. Bắt đầu từ đây, một mô hình chính phủ kép đã hình thành tại Libya.
Về mặt chính thức, chính phủ được hình thành bởi một nhánh lập pháp mà có thể được hiểu là quốc hội, được hình thành từ các Đại hội Nhân dân Địa phương, tập trung đại biểu do các địa phương bầu ra vào mỗi đợt bầu cử theo chu kỳ bốn năm. Từ quốc hội này, chính phủ được thành lập với người đứng đầu là thủ tướng. Tuy nhiên, những người muốn vào quốc hội phải được sự đồng ý từ các thành viên của một Ban cách Mạng. Ban Cách Mạng gồm đại tá Gaddafi, Ủy ban Cách mạng và các thành viên còn lại của Hội đồng Chỉ huy Cách mạng, vốn được thành lập sau cuộc đảo chính 1969. Ban cách mạng này cũng không chính thức là một đảng phái, mà được xem như một ủy ban tối thượng. Thành viên của Ban cách mạng không được bầu ra và cũng không bị khai trừ vì có công “khai quốc”. Đứng đầu Ban cách mạng là đại tá Gaddafi với danh xưng là “Lãnh đạo và người hướng dẫn Anh em của cuộc Cách mạng”.
Tất nhiên, Ban Cách Mạng này cũng không phải là một vương triều hay một tôn giáo, nên một định nghĩa rõ ràng dành cho nó là gần như không có. Cứ như thế, Gaddafi cho rằng đất nước mình cực kỳ dân chủ vì không có đảng phái chính trị và cũng không có hoàng gia, chỉ có quốc hội do dân bầu. Cho nên, dù ai cũng biết ông Gaddafi là lãnh đạo tối cao của Libya thì cũng khó có một câu trả lời ông đang nắm chức vụ gì để có thể bị bãi nhiệm.
Không chỉ khéo léo xây dựng quyền lực cho mình, đại tá Gaddafi cũng khéo léo “lo xa” sự lệ thuộc vào quân đội chính quy, để tránh tình trạng quân đội thay đổi sự ủng hộ. Theo đó, Đại tá Gaddafi không tập trung xây dựng lực lượng quân đội quốc gia, mà tập trung phát triển lực lượng quân sự có cơ cấu phức tạp cho riêng Ủy ban Cách mạng.
Các lực lượng quân sự của Ủy ban Cách Mạng không nằm trong sự quản lý của quân đội chính quy mà do Ủy Ban Cách Mạng trực tiếp lãnh đạo, lực lượng này bao gồm các tổ chức an ninh và “dân quân” do người thân của ông Gaddafi trực tiếp nắm giữ.
Chưa dừng lại ở đó, Gaddafi còn đề phòng cả trường hợp thành phần dân quân gốc Libya quay lưng với mình. Thế nên, đại tá Gaddafi còn xây dựng một đội ngũ lính đánh thuê từ nước khác. Vì là lính đánh thuê đến từ nước khác nên lực lượng này sẽ hoàn toàn “vô cảm” với người dân và đất nước Libya, họ chỉ vì tiền. Nếu chế độ của Gaddafi bị sụp đổ thì lực lượng lính đánh thuê sẽ không có chốn dung thân. Nhờ đó, trong trường hợp quân đội chuyển sang ủng hộ lực lượng chống chính phủ như Ai Cập thì cũng không phải là chấm hết cho ông Gaddafi.
Mô hình chính phủ không chính thức cùng với một lực lượng quân sự không chính thức nhưng đóng vai trò tối thượng không chỉ giúp cho đại tá Gaddafi duy trì quyền lực trong suốt 41 năm qua, mà còn tạo cho ông sự tự tin để ông tuyên bố sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.
Ngô Minh Trí