Phan Thắng - “Có thể coi ba đối tượng ĐỒNG TIỀN, LỊCH SỬ và QUYỀN LỰC là ba đỉnh của một Tam Giác Quỷ mà người trí thức luôn bị cuốn vào. Đặc điểm của Tam Giác Quỷ là làm cho con người mất tích một cách bí ẩn. Đồng tiền, lịch sử và quyền lực cũng làm cho người trí thức mất tích theo những cách khác nhau” – Trong tư cách khách mời của Văn hóa Nghệ An, Nhà thơ - Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, đã chia sẻ những suy tư của anh về thân phận và sứ mệnh của người trí thức nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng.
PV: Giữa chằng chịt các mối quan hệ xã hội, các vấn đề của đất nước và cuộc sống, giữa trách nhiệm công dân và vai trò của người trí thức, giữa những nguyên tắc được đặt ra trong các quy ước mà mình phải thực hiện.... anh suy nghĩ gì về mình trước mọi vấn đề xã hội và đất nước.
Đỗ Minh Tuấn - Nếu nói một cách hình tượng thì, trong chằng chịt các mối quan hệ xã hội của thời đại hôm nay, tôi thấy mình nói riêng và người trí thức nói chung nhiều khi ở trong tình cảnh bị lạc giữa mê cung, hay bị biến thành trò cười trong những ngôi nhà chất đầy gương méo. Càng vào sâu mê cung người ta càng đánh mất mình, không biết mình là ai và không biết mình rồi sẽ đi đến đâu! Nhưng đánh mất mình hoàn toàn, quên khuấy những nguyên tắc, quy ước mình đã từng tin cậy và rao giảng để sống mộng du trong cuộc phiêu lưu mới thì còn may. Vì khi đó người ta không có nỗi đau văn hóa như khi thấy cuộc sống xung quanh biến thành những nhà cười giải trí trong công viên. Càng vào sâu nhà cười người ta càng thấy mình méo mó, quái dị, khi béo khi gầy, khi thấp khi cao, khi bị nhân đôi nhân ba, khi lại vón cục trở thành một đống nháo nhào không diện mạo, khi lại bị nhập vào kẻ khác như một quái thai. Biết đấy không phải là mình mà không thể chối bỏ cái hình hài bị xuyên tạc ấy. Khi đó, con người có nỗi đau tha hóa, nhìn thấy nhân cách của xã hội, của chính mình bị bóp méo, bị nhào nặn hồn nhiên, như trẻ con chơi trò nặn đất. Mình càng có vai trò trí thức, càng có trách nhiệm công dân thì mình càng thấy đau, và càng thấy buồn cười. Nói hình tượng thì như vậy đấy.
Thế nói bằng lý luận thì sao? Anh nghĩ gì về mình giữa mê hồn trận những vấn đề văn hoá và xã hội hôm nay?
Đỗ Minh Tuấn: Nói bằng lý luận thì thế này, anh phải nhìn nhận và phán xét tư cách người trí thức trong anh bằng cách tìm ra những đặc trưng trong thái độ của người trí thức trong lịch sử nhân loại, ở mọi nơi mọi lúc, để xem xét mình và những trí thức quanh mình đã thể hiện những đặc trưng đó ra sao trong bối cảnh hôm nay? Một học giả Nga đã nhận xét rằng, có thể phân biệt giới trí thức với các nhóm xã hội khác căn cứ vào ba dấu hiệu có tính nguyên tắc là thái độ đối với sự giàu có, với lịch sử và với nhà nước. Ông cho rằng ba thái độ này luôn luôn là hỗn hợp của sự khinh bỉ, nôn nóng và ganh tị. Theo ông, đây là điều đặc biệt tiêu biểu đối với giới trí thức Pháp và Nga, dù cho trong các nước Anglo-Saxon những tâm trạng tương tự ở thế kỷ vừa qua cũng tăng lên đáng kể. Nhận xét của học giả Nga có thể không hoàn toàn đúng với mọi trí thức, những cũng là một cách nhìn sắc sảo có thể lấy làm một vật chuẩn để đối chiếu hành vi và suy nghĩ của người trí thức trong xã hội ta hôm nay. Nói cách khác, có thể coi ba đối tượng ĐỒNG TIỀN, LỊCH SỬ và QUYỀN LỰC là ba đỉnh của một Tam Giác Quỷ mà người trí thức luôn bị cuốn vào để xem xét cách thân phận và ứng xử của anh ta trong môi trường xã hội cụ thể. Vậy, câu hỏi trên có thể đổi thành: “Thái độ của anh với đồng tiền, với lịch sử và với quyền lực ra sao trong bối cảnh xã hội hôm nay?”
Vâng, một cách phiên dịch thú vị và dễ hiểu. Nhưng theo anh đặc điểm lớn nhất của cái Tam giác quỷ mà người trí thức xưa nay hay bị cuốn vào là gì?
Đỗ Minh Tuấn: Một đặc điểm của Tam Giác Quỷ là làm cho con người mất tích một cách bí ẩn. Thì đồng tiền, lịch sử và quyền lực cũng làm cho con người mất tích theo những cách khác nhau. Đồng tiền nhiều khi che khuất con người và biến con người thành hàng hoá. Lịch sử nhiều khi làm cho số phận cá nhân không còn lý do tồn tại. Và Quyền lực thì thường có rất nhiều cách khác nhau, khi kín đáo khi trắng trợn, để làm tiêu biến con người. Và cuộc quyết đấu của nhiều trí thức với đồng tiền, quyền lực và lịch sử đã dẫn đến hậu quả là nhiều người trong họ đã bị mất tích theo những cách không thể nào tiên liệu trước. Có thể bị mất tích trong các trại giam, có thể mất tích không còn ai nhắc đến trên mặt báo, có thể mất tích trong đời sống văn hoá nghệ thụât vì không còn khả năng sáng tác, cũng có thể bị mất tích trong trí nhớ đồng loại, không còn được ai nhớ đến nữa.v.v.
Hình như khi đưa ra hình ảnh Tam Giác Quỷ anh muốn khuôn vấn đề lại trong nhưng tương quan cụ thể. Nếu đúng vậy thì chúng ta nên lần lượt bàn về từng goc của cái Tam giác vẫn làm mất tích người trí thức. Đầu tiên hãy bàn về đồng tiền vì nó gần gũi và thời thượng? Có vẻ như đồng tiền bây giờ ít bị khinh bỉ hơn mấy thập kỷ trước đây?
Đỗ Minh Tuấn: Đúng thế đây. Thái độ coi khinh tiền bạc đặc trưng cho trí thức Pháp. Hình ảnh Serge Gainsbourg, một trí thức Pháp, đốt tờ 500 FR châm thuốc lá ngay trên truyền hình khá tiêu biểu cho thái độ này. Hình ảnh công tử Bạc Liêu đốt tiền làm đóm soi tìm đồng tiền rơi cho người đẹp cũng rất đặc trưng cho thái độ trọng nghĩa khinh tài phổ biến trong xã hội Việt Nam ngày xưa. Ấy vậy mà càng ngày đồng tiền càng tăng quyền lực. Nó báo thù những thái độ khinh miệt đồng tiền của trí thức châu Âu và kẻ sỹ phương Đông một cách ngoạn mục. Ngày xưa đồng tiền bị K.Marx gọi là “con đĩ của nhân loại” (K.Marx), nhưng hôm nay thì đồng tiền đã ngày càng trở thành biểu tượng thiêng liêng mang tự hào dân tộc. Từ chỗ coi khinh sự giàu có, các trí thức khắp nơi trên thế giới bắt đầu quen với lý tưởng làm giàu và trang sức bằng các chỉ số phát triển kinh tế. Trí thức ngày càng bị cuốn theo ma lực của cuộc sống tiêu dùng, nhiều người ngày xưa ghét giàu sang, bây giờ cũng sắm máy tính xịn để làm thơ ca ngợi những con buôn và những tiện nghi (cười). Cho nên , nói rằng thái độ khinh bỉ đồng tiền tiêu biểu cho trí thức xưa đã lạc hậu cũng không sai. Song điều đó có nghĩa là quyền lực của đồng tiền đã ngày càng làm cho người trí thức kiểu cũ bị…mất tích.
Ngày nay, khi sự phát triển của một quốc gia, sự hạnh phúc của con người được đo bằng chỉ số GDP thì thái độ kỳ thị với đồng tiền đã trở thành phản phát triển, nếu không muốn nói là bảo thủ, hẹp hòi. Anh có nghĩ vậy không?
Đỗ Minh Tuấn: Có thể nói đồng tiền đã đạt được quyền lực tuyệt đối khi trở thành chỉ số của hạnh phúc con người trong một quốc gia có GNP cao. Tôi cho rằng việc cấp cho đồng tiền vai trò thước đo hạnh phúc và tiến bộ của một dân tộc là quá trớn và dại dột, thậm chí ngu xuẩn nữa. Ông G.Soros (Mỹ), một huyền thoại trong thế giới tài chính đã phản đối việc lấy tổng sản phẩm quốc dân (GNP) làm thước đo phát triển vì, theo ông, làm như vậy có khác gì chấp nhận đồng tiền như một giá trị đích thực, một giá trị tự thân. Ông cho rằng, trên thực tế thì GNP cao chưa phản ánh sự tiến bộ xã hội. Trong một nước bệnh Aids đang hoành hành thì GNP tăng lên vì người ta phải tốn nhiều chi phí xử lý căn bệnh thế kỷ này.Vì thế, vận dụng thước đo đồng tiền sẽ không thể biết thế giới đang tiến lên hay đang đi giật lùi. Ông Soros cho rằng, các giá trị đích thực không thể dùng đồng tiền để đo lường, phải có những thước đo tiến bộ khác phản ánh được những chỉ số vô hình như hạnh phúc và quyền tự chủ của công dân. Nét đặc sắc riêng của các giá trị đích thực là chúng tự bản thân đã chứa đựng các giá trị nội tại, bất luận chúng đã chiếm lĩnh được vị trí chủ đạo hay chưa. Ông Soros khẳng định rằng các giá trị đích thực - mà người trí thức xưa nay luôn tôn thờ - khác xa với các giá trị thị trường ở chỗ tự thân nó đã có giá trị, có quyền lực, không cần phải cạnh tranh để tự khẳng định như giá trị thị trường. [1]
Nghĩa là, trước đây các giá trị văn hóa tinh thần luôn luôn ở thế thượng phong trước đồng tiền, bây giờ lại phải cạnh tranh trong thị trường để khẳng định giá trị của mình?
Đỗ Minh Tuấn: Đúng vậy. Thực tế phát triển cho thấy những điều Soros nói là rất sâu sắc. Khi đánh giá về phát triển, người ta thường quên đi những sự thụt lùi hay phá sản trong các lĩnh vực vô hình như văn hoá, tình cảm, ý nghĩa, tâm linh. Đó là nơi người trí thức nhạy cảm về ý nghĩa và giá trị. Kỹ nghệ bành trướng toàn cầu đã làm suy giảm môi trường cần có cho sự nảy sinh và phát triển tình thương, luân lý và trí thông minh của trái tim - những phẩm chất cần cho cuộc sống cộng đồng. Vì thế, cuộc sống gia đình trong các xã hội phát triển kinh tế đang trở nên nghèo nàn, đơn điệu, bị chia cắt, vỡ nát. Trẻ em không còn được hô hấp trong bầu dinh dưỡng tình cảm, tâm linh và trí tuệ như ngày xưa, mà luôn luôn dán mắt vào Tivi hay computer để sống với thế giới ảo đầy bạo lực và hoang tưởng. Gia đình hiện đại lại dạy chúng cách hành xử giản đơn kiểu duy lý thực dụng. Mọi thứ có thể quy ra luật và tiền. Mọi mâu thuẫn trong đời sống được giải quyết một cách giản đơn và thô bạo, thiếu một bàn tay khéo léo, bao dung và mềm mại của tình người và của thời gian.
Thế còn Lịch sử, nó có tăng quyền lực trước xã hội như đồng tiền không? Vì sao thái độ với lịch sử lại có thể được coi là một trong những dấu hiệu nhận diện người trí thức?
Đỗ Minh Tuấn:Không, ngày nay lịch sử không tăng quyền lực, trái lại nó còn bị người ta mưu toan loại ra khỏi đời sống nhân loại. Người ta đưa ra những học thuyết mới theo đó lịch sử giờ đây như một ông già lụ khụ không còn đủ sức khoẻ để bám theo đời sống nhân loại nữa. Đồng tiền lên ngôi cũng thỉnh thoảng đá đít cụ già lịch sử một cách láo xược. Tuy nhiên, những người trí thức đích thực vẫn luôn kiên trì bảo vệ giá trị của lịch sử, chống lại mọi biểu hiện xuyên tạc lịch sử, buôn bán lịch sử, cống nạp lịch sử cho ngoại bang. Vì với người trí thức, giá trị lịch sử là kết tinh lẽ sống, sức sống và cách sống của một cộng đồng, có thể truyền thừa cho đời sau. Giá trị lịch sử nằm trong những giá trị đích thực không thể đem ra thị trường để đo đạc cạnh tranh giá trị. Điều thú vị là mặc dù những bước chân vạm vỡ của lịch sử có những lúc dẫm nát hàng loạt trí thức tinh hoa, làm mất tích nhiều trí thức khổng lồ, nhưng người trí thức vẫn tôn thờ những giá trị lịch sử của dân tộc mình. Và một lần nữa, thái độ tôn thờ lịch sử lại đưa người trí thức đến nguy cơ bị hút vào Tam giác quỷ.
Trong nhận xét về trí thức của học giả Nga mà anh đã dẫn ra có nói đến Nhà nước như một thứ giấy quỳ có thể làm hiển thị thái độ đặc thù của người trí thức thiên niên kỷ trước. Anh cụ thể hoá khái niệm nhà nước trong ý kiến của học giả này thành ra quyền lực chính trị. Mối quan hệ giữa trí thức và Nhà nước xưa nay là thế nào?
Đỗ Minh Tuấn:Quyền lực chính trị không phải luôn luôn đối lập với quyền lực của tri thức, nhưng trong nhiều trường hợp, quyền lực chính trị đạt được do nhận thức hạn chế đi kèm với sự nhẫn tâm. Người trí thức nhiều khi không có quyền lực trong guồng máy vì trong sự hiểu biết và nhạy cảm của anh ta có hàm chứa sự bất cập về khả năng hành động không do dự. Vì thế, người trí thức xưa nay thường có thái độ ghét quyền lực, thậm chí khinh bỉ giới cầm quyền. Và ngược lại, giới cầm quyền đại diện cho nhà nước mọi thời cũng không ít khi nghi ngờ, khó chịu thậm chí coi khinh người trí thức. Mao Trạch đông còn coi trí thức như cục phân! Việc các chính khách coi thường và nghi ngờ trí thức có cơ sở ở những nhược điểm và những đặc điểm hành xử đầy nghịch lý của anh ta. Hiện nay các định nghĩa về trí thức thường tập trung vào những chức năng cơ bản sau mà một người được coi là trí thức không thể thiếu trong đó có các chức năng nổi bật nhất là sáng tạo và truyền bá văn hoá, duy trì những giá trị cơ bản của xã hội theo hướng Chân, Thiện Mỹ và chân lý, biết nhìn rõ sự vật, suy nghĩ đến cùng và dám phê phán đến cùng những gì không đúng, không tốt, không hợp lý. Nhưng người trí thức không phải lúc nào cũng kiên định được hai chức năng này vì bản thân anh ta là một thực thể đầy mâu thuẫn và đầy nghịch lý. Bách khoa toàn thư Pháp (tập X) viết: “Trong đời sống xã hội trí thức có vị trí nhất định. Họ có thể có thái độ đơn thuần”trùm chăn” cũng có thể tích cực dấn thân vào hoạt động chính trị. Người ta có thể chia trí thức thành kỹ sư và quan chức, thành nhà phản biện xã hội (objecteur), nhà luân lý học, nhà hoạt động chính trị, nhà cách mạng. Trong xã hội ổn định trí thức có thể là quan chức của chế độ hiện hành, trong xã hội khủng hoảng, họ có thể trở thành nhà lý luận cách mạng,trong xã hội buồn thảm thậm chí họ bị coi là kẻ bung xung”. [2]Nhà sử học Nga Poliakov Alecxandrovich cho rằng trí thức luôn là người khởi xướng vĩ đại nhưng cũng luôn bị gánh những tai hoạ lịch sử lớn. Vì “trong lúc phục vụ chính quyền, người trí thức lại mơ đến việc thay thế nó. Trong khi thề thốt yêu quý nhân dân, giới trí thức lại sợ và khinh bỉ họ.Trong khi ca ngợi tự do, dân chủ, bình đẳng, giới trí thức lại ủng hộ những tên bạo chúa và những kẻ trọc phú. Trong khi mong muốn tiên đoán tương lai, bản thân giới trí thức lại không được dự đoán. Trong khi tố cáo sự bất lương, giới trí thức lại sẵn sàng bán mình, hơn nữa những kẻ mua trí tuệ thì bao giờ cũng sẵn. Người trí thức thường xa lạ với cả chính quyền lẫn nhân dân: là người thân thuộc giưã những người xa lạ và là kẻ xa lạ giữa những người thân thuộc”. Thời chiến tranh lạnh, không ít trí thức chơi trò bập bênh, dựa vào chính quyền này để “gây sự” với chính quyền kia, hoặc cơ hội đóng vai nạn nhân của một nhà nước này để hưởng lộc từ một nhà nước khác. Vì thế, bên cạnh những trí thức chân chính dấn thân cho những giá trị dân chủ, nhân văn và tiến bộ, cũng có những trí thức cơ hội, trở thành con bài cho các thế lực chính trị khác nhau. Dù ở tư cách nào thì người trí thức cũng dễ bị mất tích trong Tam giác quỷ, theo các cách khác nhau. [3]
Vậy, trong tư cách người trí thức của thời đại, anh đã bị cuốn vào Tam Giác Quỷ tạo bởi Đồng tiền, Lịch sử và Quyền lực bao giờ chưa và anh đã hành xử như thế nào trong ấy để có thể sống sót và thoát ra?
- Tôi không bị cuốn vào Tam Giác quỷ một cách ngẫu nhiên, mà tôi có thái độ chủ động, phiêu lưu. Tôi không lảng tránh cái Tam Giác Quỷ này như nhiều trí thức đạo mạo khác, mà lao vào nó như một nhà thám hiểm tự tin với ảo tưởng sẽ từ đáy Tam Giác quỷ trở về với những thông tin mới mẻ và thú vị (cười). Anh có hiểu cái tự tin của nghệ sỹ khi nghĩ rằng mình có thể sắp đặt lại trật tự của thượng đế để cái xấu trở thành cái đẹp không? Cái bồn cầu là xấu, nhưng sau khi được bàn tay nghệ sỹ của Marchel Duchamp ký tên lên và đặt vào thế giới riêng của nghệ sỹ, cái bồn cầu trở nên một hình tượng nghệ thụât mang tinh thần thẩm mỹ của thời đại mới.
Nếu như đặc điểm lớn nhất của Tam giác quỷ là làm cho người mất tích một cách bí ẩn như anh nói thì kông thể nói anh đã dấn than vào Tam giác quỷ Vì anh luôn luôn hiện diện với tư cách một trí thức văn nghệ sỹ, anh đã có thời kỳ nào bị “mất tích” đâu?
Đỗ Minh Tuấn: Anh không để ý đấy thôi!Tôi có nhiều khi mất tích đấy chứ! Chẳng hạn, hơn mười năm nay nhà thơ Đỗ Minh Tuấn rõ ràng mất tích, không hề in thêm một bài thơ hay một tập thơ nào nữa. Anh ta nói anh ta ngủ đông với thi ca, nhưng ngủ đông cũng là một kiểu mất tích trong mùa rét. Vì sao nhà thơ mất tích? Chắc chắn là do anh ta say mê lao theo quyền lực của lý luận, một hình thức của quyền lực văn hoá và chính trị. Trong những năm 90, khi tôi nổi lên trong lĩnh vực phê bình lý luận với những cuộc tranh luận nảy lửa ở cả trong nước và hải ngoại về huyền thoại, về thơ hiện đại, về thơ con cóc, về văn học cách mạng và văn học hải ngoại…thì tự nhiên con người thi sỹ bị mất tích. Quyền lực của lý trí, của lý luận và của cả sự hiếu thắng, thích rạch ròi đã làm cho con người thi sỹ vốn quen sống với những thứ mơ hồ, giao thoa, mờ ảo phải lặng lẽ biến đi. Khi tôi đã nhận ra mặt trái của quyền lực trí tuệ thì thi ca vẫn chưa trở về, có lẽ vì quyền lực của đồng tiền lại làm nó mất tích lâu hơn.
Quyền lực của đồng tiền mà anh vừa nói đến hiểu theo nghĩa nào đây? Phải chăng anh kiếm được nhiều tiền hơn trước đây nên thi ca sợ hãi và…mất tích? Hay vì một xã hội chạy theo đồng tiền, hăm hở kiếm tiền, hợm hĩnh tiêu tiền là một xã hội phi thơ?
Đỗ Minh Tuấn: Thực ra, trước đây tôi cũng căm ghét đồng tiền và ác cảm với giàu sang. Khi ở Viện Triết, tôi đã viết một cuốn sách bào chữa cho việc Juda bán Chúa lấy 30 đồng bạc trắng để từ đó lên án đồng tiền đẩy nhân loại vào tội lỗi. Vì cuốn sách đó mà tôi bị kỷ luật, ra khỏi viện Triết học để đi học nghề đạo diễn. Nhưng làm điện ảnh tôi vẫn tin rằng, trong bản chất, nghệ thuật và thi ca gắn với cái nghèo, cái khổ. Đến mức, ngay cả làm phim tôi cũng thích những bối cảnh rách rưới, xưa cũ, những khuôn mặt khắc khổ, không chỉ vì nó là vẻ đẹp của nghèo khổ, mà còn vì nó là những chất liệu có chất hội họa, có màu thời gian. Và có dấu vết của thân phận nữa. Nhưng sau này tôi thấy những show trình diễn hoành tráng ở Mỹ gắn với công nghệ cao có nhiều vẻ đẹp lộng lẫy và kỳ vĩ, những bộ phim về người giàu và những tòa nhà chọc trời cũng rất xúc động, rất giàu chất thơ. Nhìn vào đó ta không thấy đồng tiền mà thấy tầm nhìn, trí tuệ và bản lĩnh của người nghệ sỹ. Vì thế, năm ngoái tôi nhận làm 70 tập Bí mật Eva chiếu trên giờ Vàng VTV3 để chia sẻ với thân phận người phụ nữ sống trong nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi, ăn mặc toàn hàng hiệu nhưng cũng đau khổ thiệt thòi, cần chia sẻ như hàng triệu người nghèo khổ khác. Làm một bộ phim về những người giàu sang là một thách đố lớn với người nghệ sỹ. Anh có thắng được ấn tượng về đồng tiền, nỗi căm ghét giàu sang trong hàng triệu khán giả nghèo, để làm họ xúc động, biết thương những con người giàu có kia không? Thực tế cho thấy hang triệu khan giả nghèo khổ ở cả nông thôn và thành thị đã háo hức theo dõi và đồng cảm với số phận của những nhân vật có cuộc sống giàu sang hơn mình gấp nhiều lần.
Như vậy thì con người đạo diễn của anh không những không bị mất tích trong Tam giác quỷ, mà còn có thể hặt hái được những thành công?
Đỗ Minh Tuấn: Không hẳn thế! Người đạo diễn trong tôi cũng có những thời gian bị mất tích do không có tiền làm phim, hoặc vì lý do nhạy cảm nào đó mà không được làm phim, không nơi nào dám bỏ tiền cho mình làm một bộ phim có thể không được duyệt. Hai tập phỉm tuyền hình Những người cha tôi làm theo kịch bản Con của Nhuệ của nhà văn Nguyễn Quang Hà từ năm 1998, theo đơn đặt hàng của VTV3, đến nay vẫn không được Đài Truyền hình VN duyệt chiếu, mặc dù tôi đã làm đúng kịch bản được duyệt và đã sửa chữa cắt bỏ hết những gì bị coi là gai góc. Bộ phim rõ ràng là mất tích trong Tam giác quỷ rồi!(cười). Và có những năm ngay cả cái tên tôi cũng bị mất tích, không có cơ hội hiện diện trên phim, trên báo vì những lý do nào đó không thể nào biết hết. Tôi phải ký bút danh để bài được in, để phim được phát sóng. Nhưng rồi, như anh thấy đấy, người đạo diễn, người viết văn viết báo vẫn trở lại từ Tam giác quỷ với cái tên đã từng bị mất tích và đang chuyện trò đàng hoàng cởi mở với anh đây. Như thế, Tam giác quỷ không phải lúc nào cũng có thể làm cho người trí thức văn nghệ sỹ mất tích mãi mãi.
Xin cám ơn anh! Chúc anh luôn du lịch dưới đáy Tam giác quỷ rồi lại trở về với những tin tốt đẹp!
Phan Thắng ( thực hiện)
[1] G. Soros- Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu-NXB Khoa học xã hội năm 1999, trang 429.
[2] Theo”Ðịnh hướng phát triển đội ngũ trí thức Việt nam trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá”- NXB Chính trị quốc gia, 2001
[3] Sách đã dẫn