Nguoivosanmoi (danlambao) - Hội nghị đang ở mức cao trào. Một vị trong chủ tịch đoàn phát biểu: "Chúng ta có nhiều chức danh, tên tuổi đa dạng: giám đốc, tổ trưởng, chủ nhiệm, trưởng ban… rồi tổng… phó… chánh… Ai cũng biết công cuộc đổi mới cần bắt đầu từ nhân dân, mà dân thì có mỗi một cái tên: Quần chúng. Như vậy không công bằng, cần chấn chỉnh, tìm một cái tên khác ngay".
Hoan hô nhiệt liệt. Một người lên diễn đàn:
- Đặc tính của dân là giản dị. Có sao nói vậy. Xưa nay, chúng ta bảo: dân là chủ. Vậy cứ lấy tên ấy mà kêu.
Nhiều vị gật gù. Song có một ý kiến bàn ra:
- Được thôi. Nhưng như vậy e lãng phí.
- Sao lại lãng phí ? –Tiếng xôn xao nổi lên.
Người nói liền rút máy tính, bấm tanh tách:
- Này nhé, đầu tiên hẳn tính tiền sơn: Rất nhiều nơi tiếp dân, phải kẻ lại thành: Nơi tiếp ông chủ. Bao nhiêu dòng viết: Giảm phiền hà cho dân, phải chữa là Giảm phiền hà cho chủ. Đó là chưa kể những văn bản, những phong trào phải thay đổi, chẳng lẽ Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phải chuyển thành Phát huy quyền làm chủ của ông chủ !
- Ừ nhỉ ! – Cả hội nghị thở dài.
Người nói vẫn chưa chịu ngồi xuống:- Tôi còn chưa dám tính tới những bất tiện khác. Ví dụ: Xin hỏi Hội nghị, người lạ có phải dân không ?
- Có ! – Nhiều ý kiến đồng tình – Chả lẽ dân chỉ toàn người quen sao ?
- Vậy thì giải quyết sao với tấm biển “người lạ cấm vào “? Chữa thành “ Ông chủ cấm vào “ hay sao ?
Im lặng. Nhiều cái chép miệng. Có tiếng than:
- Đúng là đổi mới chẳng dễ chút nào. Càng chẳng nên nóng vội.
- Chưa hết –Đại biểu nọ vẫn tiếp tục – Liệu có nên không nếu cứ gọi tên vài công trình là Nhà nước và ông chủ cùng làm ?
Bỗng thêm một người đứng lên:
Thử tìm cách khác coi. Chúng ta vẫn thường khẳng định: Dân là gốc. Hay dùng luôn tên đó ?Nó có ưu điểm là ngắn gọn, mạnh mẽ và có ý nghĩa.
Ồn ào thảo luận. Một lời bàn:
Ý đó cũng hay, nhưng cần tham khảo Phòng Thuế như thuật ngữ: "Truy thu tận gốc", chẳng lẽ được hiểu là: Truy thu tận dân ư ?
Một lời bàn khác:
- Vấn đề "giá gốc" hiện nay còn lộn xộn lắm, lúc thấp lúc cao, sẽ có kẻ xuyên tạc dân có lúc lên giá, xuống giá sao ? Còn tín dụng, những người đang đòi "Trả gốc lẫn lãi" sẽ nhân dịp này làm tình hình thêm phức tạp.
Một lời bàn tiếp theo nữa:
- Đúng đấy. Chưa tính bọn suy diễn. Dân là gốc, đương nhiên chúng ta là ngọn, là cành cây, mà tiếng "cây" gần đây mang ý nghĩa xấu…
Trên chủ tịch đoàn có ý kiến đưa xuống:
- Đừng bó hẹp từ Dân trong nghĩa đen. Chúng ta vẫn nói dân sáng suốt. Hay dùng chữ “sáng suốt “đó làm tên ?
- Đại biểu Phòng giáo dục đứng phắt dậy:
- Không. Nói thế làm sao chúng tôi thực hiện được chương trình: Xóa nạn mù chữ trong "sáng suốt" ?
- Nhưng tôi đồng ý. Một trưởng đoàn nghệ thuật kêu to:
- Làm sao có thể kết tội nghệ sĩ là chạy theo thị hiếu tầm thường của sáng suốt được nữa ?
- Tôi cũng đồng ý. Một giám đốc nhà xuất bản reo lên: Khi dân "sáng suốt", có in sách thế nào cũng không làm họ mất định hướng.
Tranh luận sôi nổi. Một đại biểu chợt nghĩ:
- Theo tôi, để đổi mới, phải đổi mới hoàn toàn. Những cái tên vừa nêu, suy cho cùng, đã từng nghe tới cả. Sao ta không đặt hẳn một cái tên thật đẹp, thật phi thường ? Hãy gọi Dân là "Hoa Hồng" coi sao ?
- Hay chứ sao ! Nhưng phiền nỗi, đã là hoa thì lúc nở lúc tàn, chẳng lẽ lại phải thêm một chữ “tươi” vào nữa ?
- Đó là chưa kể "Hoa Hồng" sao lại ngủ ngoài đường một số, một số khác lại mọc trong những ngôi nhà thiếu vệ sinh.
- Thôi, không hoa thì chim. Gọi Dân là “Sơn Ca” vậy !
- “Sơn ca” sao có lúc lai nghe nhạc hải ngoại ?
Cứ như thế ba giờ đồng hồ, hội nghị thảo luận không đi tới nhất trí.
Thấy chiều hướng hết thời gian cũng chưa ngả ngủ. Chủ tịch đoàn cắt ngang:
- Thôi, không bàn nữa. Để tôn trọng ý Dân, tốt nhất ta gọi một người vào đây, xem họ muốn đổi tên thành gì ?
Các đại biểu ra đường, tìm mãi mới thấy một người. Người ấy nghe xong rất thông cảm:
- Nếu cái tên khó thế, xin các bác cứ để sau đổi cũng được. Mấy cái dễ là cơm áo, nhà cửa, trường lớp xin các bác đổi trước cho em !
nguoivosanmoi sưu tầm