Anhbasam - Nhà báo (mới) tự do Trương Duy Nhất dám bước ra khỏi làng báo quốc doanh, nhưng là để … đu dây? Lời giải đáp có thể lấp ló đâu đây: Rùa & hoa. Có vài điều có thể bàn quanh bài nầy. Nhưng đáng nói hơn cả là một lối lẫn lộn: “Nhưng thú thật tôi buồn cho dân tộc của tôi. Một dân tộc mà việc gì tất tật từ lớn đến bé, cất được cái nhà, đào được cái hố tiêu, nhận dăm cân gạo cứu đói cũng đều mở miệng “nhờ ơn đảng và chính phủ” thì khó bơi thoát khỏi cái ao làng, chứ nói chi đến “cách mạng hoa”.
Nếu ai đó nói mấy câu trên đây thì còn có thể tha thứ cho cái nhìn nông nổi, nhưng đây lại một nhà báo, từng cùng bao đồng nghiệp và giới chức, đoàn thể hăm hở đóng góp tích cực cho cái việc ập vào miệng những người dân thấp cổ bé họng những lời tụng ca kiểu máy nói như trên, để rồi đổ vấy rằng chính họ tự “mở miệng”, và còn quay ra làm vẻ thương xót, khinh miệt họ lầm than, thì … thiệt tội nghiệp cho một cuộc lãng du, mà như mộng du ra khỏi “lề phải”. Một nhà báo lọc lõi để sống khỏe như Nhất làm sao không biết nổi tình cảnh những con người lầm than đó, nếu như sau khi nhận một món quà “hảo tâm”, mà không “mở miệng” cho bài tụng ca muôn thuở đó, liệu có sống yên nơi miền quê khốn khó? Chưa nói một khi họ không “mở miệng” thì ắt sẽ có những nhà báo mẫn cán, từng dám thêm/bớt đủ kiểu cả những bài nói của giới lãnh đạo, thậm chí đến cả Chủ tịch nước, giúp họ “tự cạy miệng”. Láu lỉnh hớt đám bọt bèo, né tránh những gì đang cuồn cuộn chảy bên dưới đó, không phải là cách làm sạch. (Mời coi thêm minh chứng mới nhất về thứ “quyền lực thứ tư” này trong: “Cô Lượm” kể chuyện diễn và dựng “cuộc đời” trên VTV).
Một nhà báo giỏi nhờ hiểu biết, trí thông minh (có thể thành láu cá), chút liều lĩnh (không hẳn là quả cảm), là chưa đủ. Còn những thứ cần hơn, đó là lòng nhân ái, tính trung thực, và bề dầy văn hóa.
Anhbasam
http://basam.info/
*
Rùa & hoa
Trương Duy Nhất - Một dân tộc mà việc gì tất tật từ lớn đến bé, cất được cái nhà, đào được cái hố tiêu, nhận dăm cân gạo cứu đói cũng đều mở miệng “nhờ ơn đảng và chính phủ”, tin thờ mù quáng vào một con rùa già ghẻ lở thì khó bơi thoát khỏi cái ao làng, chứ nói chi đến Hoa Nhài hay Hoa... Cứt Lợn.
“Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài”, nhưng hoa Nhài Tràng An khác hoa Nhài Tunisia
Cuộc cách mạng Hoa Nhài khởi phát từ Tunisia rồi lan rộng sang một số nước Bắc Phi, vùng Trung Đông và có nguy cơ thổi bùng thêm nhiều cuộc cách mạng “các loài hoa khác”.
Không thể phủ nhận rằng hương vị Hoa Nhài kia đã ít nhiều tạo “cảm hứng” và kỳ vọng vào một sự thay chuyển lớn cho nhiều người và một số tổ chức phe nhóm. Tuy nhiên, liệu một cuộc cách mạng Hoa Nhài (hay Hoa Sen, Hoa Súng, Hoa... chi chi đó) có bùng phát nổi tại Việt Nam?
Tôi cho là không. Bản tính và tư duy người Việt không thể làm “cách mạng hoa” như nhiều dân tộc khác. Một dân tộc luôn tự trói đầu mình (xem thêm bài: Tự bó đầu mình), cái gì nhìn đâu cũng ra chuyện “nhạy cảm” thì quả đúng như vị giáo sư Nobel toán học Ngô Bảo Châu nói: chẳng khác gì một bầy cừu. Một dân tộc mà chỉ số lòng tin trong dân chúng luôn ở mức hài lòng “nhất thế giới”, dễ dàng chấp thuận thực tại thì đó là một dân tộc không có khao khát lớn.
Có thể lại thêm một lần nữa bị ném đá, bị qui kết là... phỉ báng dân tộc, kẻ cơ hội, chim mồi, người của Tổng này phe nọ... Nhưng thú thật tôi buồn cho dân tộc của tôi. Một dân tộc mà việc gì tất tật từ lớn đến bé, cất được cái nhà, đào được cái hố tiêu, nhận dăm cân gạo cứu đói cũng đều mở miệng “nhờ ơn đảng và chính phủ” thì khó bơi thoát khỏi cái ao làng, chứ nói chi đến “cách mạng hoa”.
Vì thế, phương cách kêu gọi dân chúng xuống đường là thiếu hiểu biết và dại dột. Mà giả có chăng nữa, tôi cũng không thích cách chọn lựa này. Tôi vẫn tin, muốn và thấy cần thiết ở một sự thay đổi từ trên xuống, hơn là một cuộc cách mạng từ dưới lên. Thảm kịch Thiên An Môn đâu chỉ là bài học cho riêng người Trung Quốc. Sẽ có người bảo tôi hão, tuy nhiên nếu nhìn lại ta chẳng đã có một sự thay chuyển lớn từ trên xuống hồi 1986 đó sao? Nếu không, đến nay tôi chắc chắn nước Việt mình cũng chẳng hơn và khác chi Cu Ba với Bắc Hàn.
Nhưng để có được sự chuyển thay lớn theo hướng từ trên xuống, phải trông chờ ở một nhân vật đủ tầm khuynh loát (xem thêm bài Nhìn từ Trung Quốc). Sự phát triển và chuyển thay của nước Việt, người Việt nên theo hướng này.
Cả nước như lên đồng, quýnh quáng vì một con rùa già ghẻ lở
Đất nước này vui thật. Dân tộc này vui thật. Cả nước lên đồng, hoắng lên chỉ vì một con rùa già ghẻ lở. Cả Thủ đô quýnh quáng chấu vào lo cứu một con rùa già còn hơn cả cứu người. Tôi đang sợ lỡ nay mai không chữa được bệnh, nó bật ngửa ra chết không khéo dân tình lại xuống đường biểu tình đòi qui trách nhiệm, kỷ luật cách chức ông này bà nọ cũng nên. Không khéo lúc đó có người lại đòi ướp xác, xây... lăng cho cụ rùa già Hồ Gươm này thì khốn khổ cho Hà Nội nghìn năm văn vật.
Có ai liên tưởng gì đến hai hình tượng cụ rùa và hoa nhài không? “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài”. Cành nhài ấy cắm vào hình ảnh cụ rùa già ngụp hớp bì bọp thoi thóp kia có đáng thành một biểu tượng mới cho thủ đô nước Việt này?
Tôi cũng không ngờ bài “Chuyện cụ rùa Hồ Gươm” lại bị ném đá dữ dội đến thế. Một đất nước, một dân tộc đến bây giờ vẫn cứ mãi dựa níu vào những truyền thuyết hoang đường thì khó mà lớn lên được. Đến mức một con rùa già ghẻ lở cũng biến thành rùa thiêng, được xưng là Cụ (viết hoa), nhốn nháo như sắp bị... đào mộ Tổ thì xin đừng nói chi chuyện Hoa Nhài hay Hoa... Cứt Lợn.