Nguyễn Quang A - Đấy là quyết định không lạ của Đảng CSVN. Vì thực ra về mặt kinh tế Việt Nam đang xây dựng chủ nghĩa tư bản chứ chẳng còn nền tảng gì của chủ nghĩa xã hội nữa. Nên Đảng CSVN cũng phải “diễn biến hòa bình” để trở thành đảng tư sản. Trung Quốc cũng thế. Họ làm trước rồi nay ĐCSVN cũng làm vậy. Cái tên ĐCSVN thực ra chỉ là cái tên cũ.
*
Dưới đây là nội dung anh Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, trả lời phỏng vấn của phóng viên một tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 10-3-2011. Nay chưa thấy tờ báo đó đăng; có lẽ là không dám đăng. Người ta chỉ muốn trí thức góp ý riêng với các cơ quan hữu trách, để nếu không thích thì có thể tùy tiện đút vào ngăn kéo, không cần tìm hiểu và cũng không cần trả lời. Thậm chí sau khi IDS bị bức tử, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn chỉ thị: “Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, cùng Bộ Khoa học và Công nghệ có hình thức xử lý thích hợp, đúng quy định của Đảng và Nhà nước đối với việc tự giải thể của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) và những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc Viện nghiên cứu phát triển (IDS).” Đến bao giờ chúng ta mới có xã hội dân sự đích thực, chứ không phải trên những lời hô hào suông?
Bauxite Việt Nam
*
1. Từ vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân đến kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, đây là vấn đề lớn được đa số đại biểu biểu quyết thông qua tại Đại hội XI. Anh có ý kiến gì về vấn đề này?
Trả lời. Đấy là quyết định không lạ của Đảng CSVN. Vì thực ra về mặt kinh tế Việt Nam đang xây dựng chủ nghĩa tư bản chứ chẳng còn nền tảng gì của chủ nghĩa xã hội nữa. Nên Đảng CSVN cũng phải “diễn biến hòa bình” để trở thành đảng tư sản. Trung Quốc cũng thế. Họ làm trước rồi nay ĐCSVN cũng làm vậy. Cái tên ĐCSVN thực ra chỉ là cái tên cũ.
2. Theo anh, vì sao lại có sự thay đổi mang tính lý luận căn bản như thế?
Trả lời: Lý luận hiện thời của ĐCSVN là một mớ lý luận chắp vá, muốn tồn tại chắc chắn phải vất bỏ cái lý luận cũ đi và theo lý luận khác, thí dụ của đệ nhị quốc tế, chứ không phải khư khư giữ lý luận leninist-stalinist (mà chủ yếu là giữ độc quyền cho chính đảng mình), làm như vậy thì sẽ bị lịch sử vất vào sọt rác. Còn theo đường lối dân chủ xã hội như các nước Bắc Âu (và cả Âu châu bây giờ) thì sẽ còn có thể giữ được quyền chính trị, quyền kinh tế và quyền văn hóa (nhưng phải chấp nhận mất độc quyền chính trị). Không có cách khác. Việc kết nạp các nhà tư sản hay tư bản vào ĐCSVN chưa chắc đã dẫn đến sự thay đổi dân chủ đó, nhưng có thể (khi đó ĐCSVN với cương lĩnh mới chấp nhận đa nguyên chính trị, và nên đổi tên) và khi đó ĐCSVN (hay với tên mới) sẽ còn có tương lai. Ngược lại thì sẽ bị lịch sử vất vào sọt rác.
3. Điều đó có làm thay đổi bản chất của Đảng, hay đó là một sự thay đổi phù hợp với thực tiễn mà không mâu thuẫn với nền tảng tư tưởng của Đảng, của CNXH?
Trả lời: Bản chất đã thay đổi từ lâu rồi (vẫn giữ cái phần độc quyền xấu mà cần phải vứt bỏ). Làm như thế (tức là theo đệ nhị quốc tế hiện đại = dân chủ xã hội kiểu Âu châu) là hội nhập vào trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa duy nhất còn tồn tại và có sức sống. Đấy là cách làm hợp với trào lưu thế giới, hợp với lòng dân và sự phát triển của đất nước
4. Theo anh, việc thay đổi đó sẽ giúp gì cho sự phát triển của đất nước?
Trả lời: Nếu vẫn giữ độc tài chính trị thì KHÔNG giúp gì cho sự phát triển đất nước cả, nhưng nếu đi theo con đường dân chủ xã hội được nêu ở trên thì ĐCSVN (hay với tên mới) còn có vai trò và sẽ có thể giúp ích tốt cho sự phát triển của đất nước.
5. Anh dự đoán về việc đón nhận thay đổi này của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân? Liệu họ có hào hứng?
Trả lời: Nếu vẫn giữ độc quyền, sẽ thu hút được những kẻ cơ hội, muốn vào ĐCSVN để lợi dụng quyền lực kiếm chác trong kinh doanh. Nếu (đổi tên) theo đường dân chủ xã hội thì chắc sẽ thu hút được một số doanh nhân lành mạnh.
Người được phỏng vấn gửi trực tiếp cho BVN.