USD thị trường chợ đen: còn hay xóa - Dân Làm Báo

USD thị trường chợ đen: còn hay xóa

Nam Nguyên, phóng viên RFA - Câu chuyện đóng cửa các chợ đô la tự do ở Việt Nam đang gặp nhiều phản ứng từ giới doanh thương và thành phần trung lưu. Việc quét dọn các điểm thu đổi ngoại tệ có phép và không phép thật ra là chỉ thực thi pháp lệnh ngoại hối đã có từ lâu, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tồn tại một thực tế là có rất nhiều luật và qui định nhưng cả chính quyền lẫn người dân đều không áp dụng...

Chuyện lạ trên thị trường ngoại tệ, Thời báo kinh tế Việt Nam mô tả như thế khi đưa tin về hiện tượng đô la chợ đen tạm dừng giao dịch trên bề nổi kể từ trưa 7/3.

AFP - Tiền đôla Mỹ

Tất cả các báo có trang điện tử nhanh chóng đưa tin về một chiến dịch truy quét không loan báo, nhưng hầu như điểm thu đổi ngoại tệ nào cũng biết. Hà nội là điểm nhấn, ‘chợ đô la’ trên phố Hà Trung mất hẳn cảnh náo nhiệt, tấp nập người mua bán. Nhà báo mô tả con phố dường như thênh thang, xe cộ lưu thông thoải mái. Các cửa hàng vàng bạc thu đổi ngoại tệ thông báo cho khách hàng là chỉ mua bán vàng còn ngoại tệ thì ngừng giao dịch vì công an sắp truy quét.

Bắt 400 ngàn USD làm ‘mẫu’

Thế nhưng một câu chuyện còn lạ hơn xảy ra vào chiều 8/3,  Công An chuyên ngành đã chực sẵn ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam-Chi nhánh Hà Nội (EIB Hà Nội) và thu giữ gần 400.000 USD và gần 8,5 tỉ đồng được mô tả là mua bán trái phép. Theo Người Lao Động Online, Giám đốc một công ty tư nhân ủy quyền cho hai nhân viên rút tiền số ngoại tệ 390.500 USD từ tài khoản tiết kiệm cá nhân tại EIB Hà Nội và bán cho hai nhân viên một cửa hàng Vàng để nhận gần 8,5 tỉ đồng và làm thủ tục nhập vào tài khoản công ty mở ở EIB Hà Nội.

Toàn bộ giao dịch này diễn ra tại Ngân Hàng, rút ngoại tệ ra bán lấy tiền đồng và gửi lại vào ngân hàng. Công an thu giữ tiền để điều tra xử lý vì các cá nhân giao dịch không xuất trình được giấy phép mua bán ngoại tệ.

Một điểm buôn bán ngoại tệ chợ đen
Một điểm buôn bán ngoại tệ chợ đen. AFP

Chuyên gia kinh tế tài chính Huỳnh Bửu Sơn từ TP.HCM nhận định về sự kiện vừa nêu:
-“Tôi nghĩ đây chỉ là trường hợp người có nhu cầu về ngoại tệ để thực hiện một việc gì đó, một đại lý chịu trả giá cao hơn để mua được số ngoại tệ lớn. Tất nhiên đây là hành động vi phạm qui định quản lý ngoại hối và trong cao điểm ổn định tiền tệ hiện nay thì vi phạm như thế được xem là điển hình để xử lý…Trước đây những việc như thế đã xảy ra và  việc làm không đúng lúc trong lúc này có thể là sự sai lầm khá ngớ ngẩn của những đơn vị tham gia kinh doanh. Còn về bản chất vụ việc thì phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Theo VnEconomy, đại diện EIB Hà Nội phát biểu: “Theo qui định hiện hành, các cá nhân được sở hữu, giữ và gửi ngoại tệ. Khi khách hàng có nhu cầu rút, ngân hàng có trách nhiệm phải chi trả. Việc kiểm sóat các giao dịch tự do sau đó là rất khó.” Giới chức ngân hàng này bày tỏ quan ngại là các giao dịch tự do như vậy có thể lọt vào bất cứ ngân hàng nào, khi việc kiểm tra, giám sát tại các điểm thu đổi “ bên ngoài” được làm chặt trong những ngày qua.

Liên quan tới vụ việc, Người Lao Động điện tử trích lời Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm nói rằng, vụ bắt giữ gần 400.000 USD và gần 8,5 tỉ đồng tại Ngân hàng EIB Hà Nội là một vụ điển hình để công an các địa phương làm theo. Được biết, thực hiện nghị quyết 11 của chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô chống lạm phát, Cảnh sát kinh tế là lực lượng chủ công trong chiến dịch chống tội phạm buôn lậu, buôn bán ngoại tệ trái phép.  

Thị trường đô la tự do ở TP.HCM cũng trầm lắng dù phản ứng chậm hơn Hà Nội. Theo Saigon Tiếp Thị báo điện tử, nhiều tiệm vàng tại TPHCM ngừng kinh doanh đô la, còn các điểm có giấy phép cũng họat động dè chừng. Tuy nhiên tờ báo nhận định rằng, hiện tượng ngừng giao dịch đô la mới chỉ là bề nổi. Trên thực tế các tiệm vàng vẫn mua bán với khách quen và vẫn có ngay hàng ngàn đô la giao tại chỗ. Tuy nhiên dưới tác động chung, giá đô la tự do ngày 10/3 đã giảm khá mạnh, mua vào 21.400đ/USD  và bán ra 21.600/USD.

Tuổi Trẻ Online trích lời ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết qui định đã có từ nhiều năm qua, người dân có quyền được sở hữu ngoại tệ nhưng chỉ được bán ngoại tệ tại những nơi qui định như chi nhánh hoặc các phòng giao dịch của ngân hàng hoặc các quầy thu đổi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ông Minh nhìn nhận thực tế một bộ phận ngừơi dân có nhu cầu hợp pháp khó mua USD tại các ngân hàng. Người có USD cũng không mặn mà bán cho ngân hàng vì giá thấp hơn thị trường ngoài.

Ngân Hàng nhà nước Việt Nam

Ngân Hàng nhà nước Việt Nam. RFA file

Xóa thị trường đen: bất khả thi

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, chuyên gia kinh tế tài chánh Huỳnh Bửu Sơn nhận định về sự kiện thị trường ngoại tệ tự do đang bị kiểm soát chặt:

-“Tôi không nghĩ  là có biện pháp triệt để dẹp thị trường tự do đâu. Chính phủ đang có nỗ lực ổn định tỷ giá theo tỷ giá chính thức và tránh những trường hợp đơn vị thu đổi ngoại tệ áp dụng tỷ giá cao hơn tỷ giá chính thức, nhằm ổn định tiền tệ trong giai đoạn hiện nay. Còn việc dẹp bỏ hoàn toàn thị trường ngoại tệ tự do là việc rất khó khăn và phải cần thời gian khá lâu dài mà trên thực tế có thể nói rằng là chuyện bất khả thi.”        

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn nói với chúng tôi là khi tỷ giá chính thức của đồng bạc Việt Nam phù hợp với thực tế thị trường thì có thể nói là xu hướng người dân sẽ muốn giao dịch ngoại tệ với ngân hàng nhiều hơn và điều này sẽ hạn chế họat động trên thị trường tự do. Tuy nhiên việc xóa bỏ thị trường tự do sẽ rất khó vì nhu cầu ngoại tệ trên thị trường chợ đen khác hẳn và nhiều khi không thuộc nhu cầu được luật pháp công nhận.

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn nhấn mạnh:

-“Bất cứ nền kinh tế nào mà có chế độ quản lý ngoại hối nghĩa là có kiểm soát ngoại hối thì đều có tình trạng chợ đen. Bởi vì khi kiểm soát ngoại hối thì phải hạn chế nhu cầu có ngoại tệ, mà nhu cầu này rất nhiều. Khi hạn chế nhu cầu có ngoại tệ thì những người cần có ngoại tệ nhưng không thể mua được theo đường chính thức phải tìm nơi khác, do đó có sự tồn tại của thị trường chợ đen.

Hơn nữa sự giao lưu giữa các nền kinh tế rất nhiều và đồng USD là đồng tiền thanh toán có tính chất quốc tế ai cũng thừa nhận. Đô la hiện hữu bên ngoài thị trường chính thức là thực tế ở rất nhiều nước. Tỷ giá có thể là một trong những nguyên

nhân quan trọng quyết định là qui mô thị trường chợ đen sẽ lớn hay không, nhưng đồng thời kiểm soát ngoại hối cũng là nguyên nhân thứ hai khiến cho một thị thị trường chợ đen ngoại tệ chắc chắn hiện diện ở những nước theo chế độ kiểm soát ngoại hối.”

Tiền đô la (USD)
Tiền đô la (USD)

Trên Diễn đàn kinh tế VietnamNet, ông Cao Sĩ Kiêm nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định là nếu “khóa” ngay một thị trường tự do đã âm thầm tồn tại từ lâu nay thì sẽ nảy sinh những vấn đề cần xử lý.

Ông Cao Sĩ Kiêm khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước phải có sự điều phối hài hòa để tránh “nghẽn” đời sống trong dân.

Nguyên Thống đốc đã phát biểu như vậy, trước sự lo lắng của những người dân có nhu cầu chính đáng khi mua bán ngoại tệ mà ngân hàng chưa đáp ứng hết.

Câu chuyện đóng cửa các chợ đô la tự do ở Việt Nam đang gặp nhiều phản ứng từ giới doanh thương và thành phần trung lưu. Việc quét dọn các điểm thu đổi ngoại tệ có phép và không phép thật ra là chỉ thực thi pháp lệnh ngoại hối đã có từ lâu, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tồn tại một thực tế là có rất nhiều luật và qui định nhưng cả chính quyền lẫn người dân đều không áp dụng.       

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Black-market-dollars-To-be-or-not-to%20be-03112011103503.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo