VN – TQ: Những trận bão biển và câu chuyện bách chiến bách thắng - Dân Làm Báo

VN – TQ: Những trận bão biển và câu chuyện bách chiến bách thắng

Báo Không Lề (07/03/2011) – Hà Nội – Mới đây một lần nữa lại gióng lên những đợt bão biển vô cùng kinh hãi đối với Dân Tộc Việt Nam. Thêm một trận cuồng phong  xuất phát từ phương Bắc đang tiến dần về miền Trung nước ta. Những trận bão biển “nhân tạo” do những người “đồng chí 4 tốt và 16 chữ vàng” của đảng cộng sản Việt Nam tạo ra. Nó hung hãn, dồn dập, và liên tục diễn ra hàng tháng, hàng năm. Hầu như là Việt Nam gánh chịu bão nhân tạo này tương đương với mười mấy trận bão thiên nhiên trong một năm.

Việt Nam dưới chế độ XHCN luôn tự hào là “muôn năm” đã chống đỡ những trận bão biển phương Bắc này như thế nào? Với một cái chính quyền luôn kiêu ngạo khi nó được đẻ ra từ họng súng đến bây giờ là “bách chiến, bách thắng” thì liệu có thắng được trước bão Trung Quốc?.

Vào ngày 24/02/2011, Trung quốc đã xua Hải quân của mình tiến hành tập trận ngay tại khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, theo tin tức từ trong nước thì vào những ngày cuối tháng giêng năm 2011 vừa qua, thì các nhà hải dương học Trung Quốc đã nhóm họp tại một hội nghị ở Thượng Hải để thảo luận về một dự án có tên là “Biển Đông sâu thẳm”. Ngoài ra Trung Quốc còn đăng Google Maps bản đồ vẽ sai lãnh hải Việt Nam. Phải chăng đây là những toan tính để xâm chiếm biển đảo của Việt Nam một cách công khai?.

Theo các mốc lịch sử ghi chép, chỉ trong vòng thế kỷ 20 Trung Quốc đã có ít nhất 7 lần đưa quân đánh chiếm các quần đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trong những năm 1909, 46, 56, 59, 74, 88, 95.  Các mốc lịch sử này  ghi lại cho thấy khá chi tiết từng trận đánh thắng,  bại của Việt Nam. Một bước tiến lớn trong mưu đồ của Trung Quốc là vào năm 1956, lợi dụng tình hình chính trị rối ren của Việt Nam giữa hai miền Nam – Bắc, Trung quốc đã huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

- Bốn chiến hạm của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã tham dự trận hải chiến năm 1974

Lúc ấy, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đưa quân ra đóng giữ nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa với tư cách là người quản lý hợp pháp phạm vi lãnh thổ từ vỹ tuyến 17 trở vào và đã phản đối kịch liệt trước hành động xâm chiếm,  tiến hành các hoạt động ngoại giao, pháp lý để thực hiện và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1959 cuộc bành trướng của quân xâm lược Bắc Kinh vào khu vực phía tây Hoàng Sa đã bị Quân lực Sài Gòn tóm gọn và áp giải về giam tại Đà Nẵng. Lịch sử chói lọi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo Việt Nam có thể nói đến trận đánh trả của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa vào 1974. Chính quyền Sài Gòn đã huy động Hải quân và chiến đấu một cách anh dũng nhưng vì lực lượng không cân xứng, đã có nhiều chiến sĩ vùi thây nơi đây trước sự hung tàn của kẻ thù.

Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục đưa quân  đánh chiếm các quần đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Năm 1995 Trung quốc chiếm được đảo Vành Khăn thuộc một đảo đá nằm phía tây nam Trường Sa, lúc này cộng sản độc tài toàn trị khắp bờ cõi Việt Nam. Không thấy một trang sử nào chép lại sự chống trả của quân đội  mà chỉ thấy người ta biện hộ do thời thế lúc này Việt Nam phải vật lộn những khó khăn về kinh tế mà Việt Nam phải đương đầu cùng tình hình chính trị quốc tế có những diễn biến phức tạp bất lợi cho Việt Nam tại thời điểm đó. Vì phải chăng quá lo lắng cho việc tránh nguy cơ bị sụp đổ dây chuyền của khối cộng sản đang diễn ra tại Liên xô và Đông âu mà bỏ quên cả biên cương hải đảo cho kẻ thù chăng?.

Điểm qua lịch sử chúng ta mới thấy dã tâm xâm lược Việt Nam của Trung Quốc mà nhà cầm quyền Việt Nam luôn tung hứng cho mối thịnh tình anh em đồng chí môi hở răng lạnh của mình. Cũng qua đó một phần nào cho thấy được mưu đồ của cộng sản hai phương đang từng bước biến Việt Nam là của chung.

Những năm gần đây chúng ta thấy gì trên biển Đông, trên các quần đảo thuộc khu vực Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam? Năm 2005, tàu tuần tra biển của Trung Quốc bắn chết tám ngư dân Việt Nam vào đêm ngày 9/01/05. Họ là những ngư dân thuộc xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc, và xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Phản ứng của chính phủ Việt Nam trong vụ này khá chậm chạp và ủy mị. Sau vài ngày, mới thấy báo đài nhà nước đưa tin khi ông phát ngôn nhân bộ ngoại giao lên tiếng yêu cầu một cách yếu ớt. Không thấy đau trước nỗi đau con dân bị bắn giết do Trung Quốc gây ra. Đã vậy, chính Thủ Tướng Phan Văn Khải đã ca ngợi hết lời mối quan hệ “môi hở răng lạnh” Việt Nam –Trung Quốc mà không hề đả động đến vụ việc này khi có một vị lãnh đạo nước này sang thăm Việt Nam chỉ vài ngày sau đó. Lại còn thêm ông Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Duy Niên nhận lời mời của  Đại Sứ Trung Quốc đến dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam –Trung Quốc, mà cũng không hề đả động gì đến vụ việc thương tâm của ngư dân nước mình mới bị bắn chết.

Việt Nam - Trung Quốc Hợp tác chiến lược?

Ngư dân chết phơi thây ngoài biển, bị bắt đòi tiền chuộc, bị đâm thủng tàu kéo dài từ Thanh Hóa đến tận Lý Sơn, nơi đâu có tại nạn thì hung phạm đều chính là Trung Quốc. Từ việc không lên tiếng của chính phủ Việt Nam một cách dứt khoát đó nên chẳng lạ gì khi mà tần suất Trung quốc tiếp tục bắn, và bắt ngư dân Việt Nam mỗi ngày càng lớn hơn.  Ngày 27/6/2007, Anh Tiêu Viết Là thuộc thôn Châu Thuận, xã Bình Châu , Bình Sơn, Quảng Ngãi, tàu đánh cá của anh  Là đã bị tàu Trung Quốc bắn. Sáu nhân công trên tàu bị thương, trong đó có một người bị nặng là Huỳnh Văn Hưng.

Tháng 12/2009, Trung Quốc lại tiếp tục bắt giữ ba tàu cá cùng hơn 40 ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi, tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ba tàu gồm QNg 96004 của ông Lê Tân; tàu QNg 96199 của ông Lê Văn Lộc và QNg 66398 của ông Dương Lúa, đều ở đảo Lý Sơn, bị tuần ngư của Trung Quốc bắt trong hai hôm 07/12-08/12 khi đang hoạt động ở vùng biển của Việt Nam.  Khi đó, bộ ngoại giao cũng chưa lên tiếng. Rất nhiều lần ngư dân Việt Nam bị bắn giết hoặc bị bắt bớ đòi tiền chuộc từ phía Trung Quốc nhưng chính phủ Việt Nam hoặc không lên tiếng, hoặc lên tiếng một cách yếu ớt, dè dặt rồi chìm sâu vào quên lãng. Ngư dân không còn dám ra biển vì sợ tiếp tục bị bắn chết hay bị bắt đòi tiền chuộc của Trung Quốc và do lệnh cấm hoạt động trên biển áp đặt trên chủ quyền của Việt Nam của họ.

Trung Quốc đã dở đủ trò từ bắn giết đến bắt bớ ngư dân Việt Nam. Giờ đây, họ đã công khai sự có mặt của mình trên Hoàng Sa, Trường Sa bằng quân sự. Bộ ngoại giao Việt Nam lại chỉ biết lên tiếng phản đối một cách yếu ớt rồi chìm vào quên lãng. Hay là họ đang dùng phương châm  “giải quyết vấn đề Biển Đông và các vấn đề khác thông qua thương lượng hữu nghị để bảo vệ phát triển quan hệ song phương”? Hữu nghị là thế nào? Cho kẻ thù tha hồ xâm chiếm từng phần lãnh hải của đất nước, dân tộc, bắn giết ngư dân để “bảo vệ  quan hệ  môi hở răng lạnh” của tình đồng chí cộng sản chăng?

Đường lưỡi bò Trung Quốc sát thềm lục địa Việt Nam

Tại sao nhà cầm quyền không có biện pháp cứng rắn để giải quyết sự vi phạm trắng trợ chủ quyền của Trung Quốc?. Đừng có bao biện  là Trung Quốc rất mạnh, chúng ta chỉ là nước nhỏ.v.v…Đó là những kiểu bao biện bán nước. Trung Quốc mạnh hơn  và chúng ta là một nước nhỏ bé, điều đó đúng đến mấy ngàn năm lịch sử nay rồi. Nhưng hãy lật giở lại các trang vàng vĩ đại của tiền nhân chúng ta đánh đuổi kẻ thù phương Bắc tan tành xác pháo, xác phơi chất thành núi, máu chảy thành sông. Đã bao lần các triều đại Vua Chúa Việt Nam chinh phạt kẻ thù và đã chiến thắng? Có vì kẻ thù mạnh hơn, vì nước ta nhỏ hơn mà tổ tiên chúng ta ngồi yên dâng đất nước cho kẻ thù ngoại trừ Lê Chiêu Thống và Trần Ích Tắc?

Chính quyền hiện tại, thể chế độc tài toàn trị tại Việt Nam đã luôn cho rằng trong lịch sử đấu tranh của mình, họ đã chiến thắng tất cả các kẻ thù từ thực dân đến đế quốc. Thể chế độc tài này luôn lấy đó làm thước đo để tuyên tuyền trong nhân dân là “nhờ ơn đảng cộng sản nên Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Họ thường tung hê là dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại-vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đã có bao lớp người đấu tranh, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của Đảng.  Đảng cộng sản tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc đấu tranh ý thức hệ nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam đó là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Cái bách chiến bách thắng của họ là chiến đấu cật lực, đấu tranh hi sinh chỉ vì cái “lý tưởng cao đẹp của đảng” và coi đó là kim chỉ nam cho hành động chỉ và trong cái thứ chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng HCM. Lý tưởng cao đẹp của cộng sản là gì, chủ nghĩa Mac-Lê còn cao hơn cả chủ nghĩa Dân Tộc chăng?

Công an trấn sinh viên biểu tình chống Trung Quốc xâm lược

Có lẽ do vậy nên trước sự xâm lược bành trướng của Trung Quốc đối với lãnh thổ Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam đã chiến thắng, và tiếp tục bách chiến, bách thắng qua việc để cho Trung Quốc liên tục đánh giết nhân dân và dân tộc Việt Nam, qua việc  ra sức đàn áp các sinh viên, học sinh Việt Nam bày tỏ lòng yêu nước trước sự xâm lược trắng trợn Hoàng Sa, Trường Sa tại đại sứ quán của Trung Quốc năm 2007?

Bách chiến, bách thắng của đảng cộng sản Việt Nam có thắng nổi  sự xâm lược hung tàn của Trung quốc hay là cái bách chiến bách thắng đó để chống lại dân tộc Việt Nam?

Hà Nội 07/03/2011

Báo Không Lề
gửi Dân Làm Báo

http://baokhongle.wordpress.com

*

DLB thân chúc các bạn Báo Không Lề - Người dân viết báo. Nghĩ lai láng, Viết xả láng, nhiều thành công trong mục tiêu mà các bạn theo đuổi: Nói lên Sự Thật, tố cáo, vạch trần tham nhũng, đàn áp nhân dân do kẻ nắm quyền gây ra.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo