Lê Diễn Đức - Các tổ chức, đảng phái của người Việt nên tạm thời can đảm chui ra khỏi cái bọc háo danh và ích kỷ, tự cho mình hay hơn người, chống cộng dứt khoát hơn người, để kết nối với nhau và với những nhà dân chủ trong nước xây dựng một phong trào chung. Khi Việt Nam có dân chủ, ai mạnh ai yếu, ai giỏi ai dốt, sẽ tha hồ cạnh tranh, phê phán, nhưng kẻ thắng sẽ không phải nhờ có âm lượng giọng nói lớn hơn, mà là người giành được phiếu bầu của người dân nhiều hơn. Hãy chấm dứt tình trạng chưa bắt được gấu mà đảng nào cũng nghĩ mình sẽ là người cầm dao chia da...
Cuộc nổi dậy lật đổ chế độ độc tài của Tổng thống Ai Cập Mubarak đã thành công sau 18 ngày bền bỉ đối đầu với bạo lực. Cái giá phải trả là mạng sống của gần một trăm người và hàng ngàn người bị thương.
Ai Cập đang đứng trước hai lựa chọn. Một xã hội dân chủ hiện đại với sự tham gia của mọi thành phần vào việc quản lý đất nước, kể cả tổ chức “Huynh đệ Hồi giáo” đã bị Mubarak loại ra ngoài vòng pháp luật. Hoặc sẽ lâm vào bất ổn chính trị, xung đột tôn giáo...
Trước hết Hội đồng Quân sự Cấp cao phải sáng suốt chấp nhận những thay đổi cơ bản, nhượng bộ một số đòi hỏi có thể làm giảm thiểu quyền lực truyền thống, cũng như lợi ích kinh tế của giới elite quân đội và tiến tới dân sự hoá xã hội triệt để.
Bên cạnh, không thể thiếu các hoạt động thúc đẩy, gây áp lực mềm của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, hai đối tác quan trọng nhất của Ai Cập.
Tôi tin và hy vọng 80 triệu người Ai Cập có đủ tài năng để xây dựng một quốc gia dân chủ, văn minh, làm điển hình cho thế giới Ả rập. Cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp trong ngày 19 tháng 3 thể hiện bước đi đầu đúng hướng của tiến trình dân chủ hoá.
Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ thành quả “cách mạng” mà phong trào “6 Tháng Tư” là hạt nhân phải tiếp tục xuống đường. Không còn là cuộc xuống đường trên quảng trường Tahrir (khi cần thiết vẫn có thể) mà là trên bình diện tìm kiếm đồng thuận trong các giải pháp cải cách chính trị, điều chỉnh hiến pháp, thiết lập các định chế dân chủ. Trước mắt là tổ chức tốt cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 9.
Tay không chỉ có thể cản được xe tăng bằng biện pháp hoà bình, "cool & sexy" - Ảnh: Reuters
Tuổi trẻ “6 Tháng 4”
Khi một triệu người tràn xuống đường phố, tình hình đang trong cảnh khó tiên liệu, dư luận vẫn có cảm tưởng đây là một cuộc cách mạng tự phát và không cần lãnh tụ.
Lúc đó ít ai biết rằng, trong căn phòng nhỏ trên phố cổ của Cairo, một nhóm thanh niên đã lập đại bản doanh chỉ huy cuộc biểu dương lực lượng vô tiền khoáng hậu này. Đó là những chàng trai của phong trào tuổi trẻ “6 Tháng 4”, đứng đầu là Ahmed Maher, kỹ sư xây dựng, hiện 30 tuổi, có vợ và con.
Phong trào “6 Tháng Tư” được biết đến ở Ai Cập vào năm 2008. Những người sáng lập - hai thanh niên Ahmed Maher và Ahmed Salah – đưa ra ý tưởng hỗ trợ cuộc đình công của công nhân tại thành phố Mahalla. Họ chọn thời điểm hành động vào ngày 6 tháng Tư, vì thế mà có tên của phong trào. Để huy động, Maher và Salah đã tạo một trang web trên Facebook, kêu gọi mọi người tham gia bằng cách trong ngày 6 tháng 4 mặc quần áo màu đen và không đi làm. “6 Tháng Tư” nhanh chóng trở thành hiện tượng Internet: trên Facebook có khoảng 70 nghìn người ủng hộ.
Sau sự kiện này, phong trào không dừng lại mà tiếp tục phát triển thành viên, củng cố chức. Nắm bắt cơ hội từ cảm hứng của cuộc các mạng Hoa Lài ở Tunisia, họ huy động quần chúng xuống đường chống lại Tổng thống Mubarak.
Không thể thiếu chuẩn bị và tập dượt
Như vậy, để xúc tiến cuộc tổng động viên quần chúng, phong trào “6 Tháng 4” của thanh niên Ai Cập đã phải chuẩn bị 3 năm.
Cũng nên nhắc lại, để giành được thắng lợi toàn diện trong năm 1989, phong trào tranh đấu dân chủ của nhân dân Ba Lan đã được tập dượt rất sớm, bắt đầu từ cuộc tổng đình công, biểu tình đường phố đầu tiên ở thành phố Poznan vào tháng 6 /1956, tức chỉ 8 năm sau khi chính quyền cộng sản được thiết lập. Dưới sự chỉ huy của tướng Liên Xô Stanislav Poplavsky, hơn 10 ngàn công an, binh lính đã tắm máu cuộc biểu tình, làm 57 người chết, hàng trăm người bị thương.
Các cuộc đình công, biểu tình được tiếp tục trong những năm 70, đáng kể là vào tháng 12/1970 tại Gdansk, trong đó 39 người bị giết hại, 1.164 người bị thương và hơn ba ngàn người bị nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan giam giữ.
Trong thập niên 80 thanh niên Ba Lan phát động một phong trào năng động và thông minh: “Orange Alternative” (Pomarańczowa Alternatywa). “Orange Alternative”, hay “lựa chọn màu Cam” - qua ăn bận, trang trí, sử dụng đồ dùng trong sinh hoạt... , là cách chọc diễu chính quyền, chống lại màu đỏ chính trị tràn ngập trong đời sống công cộng. Phong trào xuất phát từ Wroclaw, lan ra các thành phố Lodz, Lublin và thủ đô Warsaw. Các phong trào tương tự cũng diễn ra ở các nước Tiệp Khắc và Hungary.
Gần 20 năm trước, nghiên cứu các cuộc cách mạng, đặc biệt đường lối của Gandhi (Ấn Độ) và “Công đoàn Đoàn kết” (Ba Lan), giáo sư khoa học chính trị của University of Massachusetts Dartmouth, Gene Sharp, đã viết cuốn sách cầm tay "Từ độc tài đến dân chủ" (From Dictatorship to Democracy) hướng dẫn cách lật đổ các nhà độc tài và bạo chúa một cách bất bạo động.
Gene Sharp, nhà tư tưởng chiến lược của các cuộc cách mạng bất bạo động - Ảnh: BBC News
Gene Sharp bắt đầu viết "Từ độc tài đến dân chủ" vào đầu thập niên 90 cho phe đối lập Miến Điện. Nhưng vì không biết nhiều về Miến Điện và nhà cầm quyền quân sự nên ông đưa ra những nguyên tắc chung và phổ quát. Chính đây là sức mạnh của cuốn sách vì nó có thể thích nghi với những điều kiện khác (mặc dù không phải luôn luôn thành công).
Sách của Gene Sharp được dịch ra 30 ngôn ngữ, được nhập lậu qua biên giới và tải xuống miễn phí từ trang nhà của Viện Albert Einstein, đã hỗ trợ cuộc tranh đấu trên bốn lục địa chống lại các chế độ độc tài. Những lời khuyên của Sharp đã được các phe đối lập tận dụng, từ Serbia, Ukraine, Gruzia (Georgia), tới Maldives. Và gần đây nhất tại Ai Cập.
Nhận định "đối diện với bạo lực, mọi người sẽ phải tranh đấu trên một bình diện mà bạo chúa gần như luôn luôn ở thế mạnh hơn", Gene Sharp đề xướng 198 cách phản kháng hòa bình.
Rất nhiều lời khuyên của Sharp đã thu hút sinh viên Serbia đang chuẩn bị lật đổ Slobodan Milosevic. Với trí tưởng tượng và ý thức của thời đại mới họ biến chúng thành hành động thực tế. Sau khi chiến thắng họ đã quyết định chuyên nghiệp hoá phong trào “Otpor” và biến nó thành Canvas - trung tâm tư vấn về cách thức tiến hành cách mạng bất bạo động.
Người của Canvas đã huấn luyện tổ chức Pora ở Ukraine, Kmara ở Gruzia. Dấu vết của họ có thể tìm thấy dường bất cứ nơi nào có cuộc cách mạng màu: Tulip ở Kyrgyzstan, Tuyết tùng ở Lebanon, Jeans tại Belarus… Họ đã dạy làm thế nào khởi động các cuộc biểu tình, tránh được sự theo dõi, đối đầu hoặc tra tấn. Họ cũng khuyên nên thường xuyên có những sáng kiến chọc diễu chế độ, một cái gì đó như “Orange Alternative” ở Ba Lan.
Trong bối cảnh này, luận về "cuộc cách mạng hậu hiện đại" trên "Foreign Policy", Tina Rosenberg nói ý của Gene Sharp là nhắm vào giới trẻ, kích thích được họ, rằng sự tham gia của họ chỉ đơn giản là “cool & sexy” (có thể hiểu là tươi mát và gợi cảm).
Gene Sharp khuyên nên tận dụng nhiều cách linh hoạt, từ tẩy chay, đến đám tang, bài hát... Cảm hứng được tạo ra giống như phá vỡ được cuộc tẩy chay tình dục, tức là người vợ từ chối quan hệ tình dục với chồng khi nhu cầu không được đáp ứng.
Quả đấm “Otpor” (biểu tượng của tổ chức này) đã được phát hiện trên Quảng trường Tahrir ở Cairo. Tài liệu “People Power” được phát tán trên Internet cho thấy những người Serbia đã đào tạo các thành viên của phong trào “6 Tháng Tư”. Và họ khởi động cuộc phản kháng trên Internet. Cho đến khi trên đường phố có hơn một triệu người.
Vượt qua nỗi sợ
Theo Gene Sharp, sức mạnh của chế độ độc tài dựa vào con người và trên sự vâng lời của họ. Không có con người chế độ không thể tồn tại. Dân chúng vâng lời từ thói quen, từ thuận tiện, từ sợ hãi, hoặc dưới ảnh hưởng của tuyên truyền. Thách thức là loại bỏ sự vâng lời này. Và chế độ sẽ sụp đổ.
Trong bối cảnh này, nguyệt san "Scientific American" đã trích dẫn lời của Tolstoy. Đặt câu hỏi làm thế nào 30 ngàn lính Anh lại có thể "chinh phục" 200 triệu người Ấn Độ, Tolstoy trả lời rằng "Không phải người Anh đã bắt dân Ấn Độ làm nô lệ - Chính người Ấn đã tự mình làm nô lệ".
Kỷ niệm 3 năm phát hành tạp chí “Đàn Chim Việt” tại Ba Lan (hiện là trang điện tử) tôi đề nghị toàn ban biên tập phải ra công khai. Một tiếng nói phản kháng chính danh có ý nghĩa hơn giấu mặt sau màn hình máy vi tính. Lúc ấy tôi đã viết bài “Vượt qua nỗi sợ”. Nỗi sợ bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu. Sợ chấm dứt đường về Việt Nam. Sợ bị bè bạn xa lánh. Sợ mất mát lợi ích làm ăn. Sợ liên luỵ đến gia đình. Vân vân. Rõ ràng không dễ dàng! Không phải tất cả đều đồng ý. Mà đây là những người là đang sống ở nước ngoài, trong một quốc gia dân chủ!
Năm 1979, khi chế độ cộng sản Ba Lan còn mạnh, trong chuyến hành hương đầu tiên về cố hương, Giáo Hoàng Jan Paul II trước hàng triệu người đã không sử dụng một lời nào khích động người Ba Lan lật đổ chế độ. Ngài chỉ gửi gắm sứ mệnh của mình bằng câu nói “Các con, đừng sợ hãi!”.
Theo tôi, tâm lý sợ hãi, sợ thay đổi có tính đặc thù trong ba thành phần xã hội Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất. Giới quan chức cộng sản và tất cả những người hoặc sống bằng ân sủng của chế độ, hoặc cam chịu số phận ký sinh trên hệ thống. Bộ phận này, đương nhiên sợ thay đổi vì sợ mất đi đặc quyền, đặc lợi. Không ít người sợ sự trả thù một khi có thể chế chính trị khác, mặc dù mối lo sợ này không chính đáng, không đúng trong một nhà nước dân chủ pháp trị.
Thứ hai. Khá đông đảo. Họ không quan tâm hoặc lãng tránh chính trị, sống với văn hoá nô lệ - như nhận xét của Tolstoy. Thông thường họ cơ hội, sức phản kháng của họ có thể không bị triệt tiêu, nhưng được bọc kín trong sự cam phận, chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cá nhân. Họ kỵ mọi thứ được xem là nhạy cảm với chính quyền, mặc nhiên chấp nhận bất công, bởi vì bản thân có thể luồn lách, sống chung được với lũ, với văn hoá hối lộ. Họ ít gây tổn hại trực tiếp cho ai, nhưng vô cảm và thiếu trách nhiệm với người xung quanh, chẳng khác thản nhiên vứt rác ra đường, còn dọn dẹp là việc của người khác.
Thứ ba. Dân nghèo. Bao gồm nông dân, dân miền núi, giáo dân, công nhân, sinh viên từ các tỉnh lên thành phố. Họ bươn chải với cuộc sống thiếu thốn, bị cướp đoạt đất đai, bị sách nhiễu, bị bóc lột bởi giới tư bản nước ngoài bắt tay với chính quyền....
Thành phần thứ ba này là lực lượng chủ chốt cho cuộc nổi dậy. Về tâm lý, họ vẫn ngại xung đột với chính quyền, sợ bị đàn áp và phong toả phương tiện sống vốn đã nghèo nàn. Tuy nhiên, họ là những người dễ vượt qua nỗi sợ nhất. Khi bị áp bức thái quá từ phía chính quyền, miếng cơm manh áo trực tiếp bị đe doạ, cảm thấy bị lừa gạt và phản bội, họ sẵn sàng nổi giận và xuống đường. Các cuộc biểu tình của dân oan liên tục suốt nhiều năm qua, những buổi thắp nến cầu nguyện của giáo dân Thái Hà, Đồng Chiêm, các cuộc phản đối công an gây chết người trên quốc lộ 1A, ở Bắc Giang, Thanh Hoá, Đà Nẵng ..., và gần 2.700 cuộc đình công trong giai đoạn 1995-2010 (riêng năm 2010 có hơn 200 cuộc), với số lượng người lao động tham gia lên đến hàng trăm ngàn, chứng minh điều này.
Cái khó ở chỗ là ở phần lớn giới lao động nghèo có mặt bằng dân trí thấp, chưa hiểu, thậm chí ấu trĩ về khái niệm dân chủ và tính ưu việt của nó. Nhà báo Trương Duy Nhất đã thốt lên cay đắng: “Một dân tộc mà việc gì tất tật từ lớn đến bé, cất được cái nhà, đào được cái hố tiêu, nhận dăm cân gạo cứu đói cũng đều mở miệng “nhờ ơn đảng và chính phủ”, tin thờ mù quáng vào một con rùa già ghẻ lở thì khó bơi thoát khỏi cái ao làng, chứ nói chi đến Hoa Nhài hay Hoa... Cứt Lợn”.
Cho nên vận động vào cuộc, phải cho họ thấy họ sẽ được cái gì và mất cái gì, vì ai. Trong trường hợp này, dưới phù hiệu hay lá cờ của đảng phái nào cũng mang lại hoài nghi. Có thể không thích đối đầu với chế độ, nhưng họ sẵn sàng ủng hộ thay đổi nếu ý thức được việc làm là đúng, hợp lẽ phải, không chỉ mang lợi hơn cho bản thân, mà còn cho người khác và cho cả đất nước. Các tiêu chí tranh đấu cần được giải thích rõ ràng và đơn giản, những khẩu hiệu nên gắn bó thiết thực với đời sống thường nhật. Trong tài liệu “People Power” có hình ảnh một cô gái trẻ Ai Cập nói cô không thích chính trị, nhưng cô tham gia biểu tình vì thấy có lợi cho đất nước và là ngày hạnh phúc nhất của cô. Quả thật bầu không khí “cool & sexy” rất có lý khi chúng ta nhìn thấy giới trẻ Ai Cập xuống đường đối đầu với bạo lực rộn rã như ngày hội!
Người Việt khi đứng đơn lẻ thường thụ động, thiếu tự tin, nhưng rất dễ thành anh hùng trong đám đông ồn ào. Nếu khuấy động được lực lượng thứ ba, đa số trong hai thành phần đầu sẽ ngả theo.
Kế hoạch chiến lược và chiến thuật
Trên Internet một số cá nhân, hội đoàn kêu gọi làm cách mạng hoa lài, hoa sen, tụ họp ở một số địa điểm công cộng trong nước. Điều này, theo tôi, chỉ dừng lại ở mức tượng trưng, nói lên khát vọng dân chủ, nhưng hoàn toàn chưa có khả năng khởi động thực tiễn.
Gene Sharp cho rằng quan trọng là tính hiệu quả, nhất quán và lập kế hoạch. Sau đó, toàn bộ cuộc cách mạng nhìn có vẻ tự nhiên, nhưng trước tiên phải lập kế hoạch chi tiết - suy nghĩ về những điểm yếu của chế độ, bằng phương tiện nào có thể được, làm thế nào để thu hút dân chúng. Phải hoạch định những kế hoạch chiến lược và chiến thuật. Phù hợp với bối cảnh của đất nước. Sau đó, liên tục, kiên trì theo đuổi. Không thỏa hiệp, lùi bước. Nghiến chặt răng, thậm chí cả khi bị chế độ phản ứng dữ dội.
Theo ông, thời gian chuẩn bị có thể kéo dài nhiều năm. Đôi khi không nên kêu gọi mọi người xuống đường ngay, bởi vì đối với nhiều người có thể là đồng nghĩa với sự nhận hậu quả khó chịu. Tốt hơn nên bắt đầu với một số lượng nhỏ và lượng tính xem sự hỗ trợ đến đâu. Cũng không nên đưa ra ngay khẩu hiệu lật đổ chế độ, mà cốt tập hợp sự đoàn kết của mọi người quanh các vấn đề xã hội, đời sống.
Gene Sharp cũng khuyên nên cố gắng kéo quân đội, công an về phía mình: "Những người lính bình thường cũng không hạnh phúc gì và họ cũng sợ hãi". Hãy xem dân chúng trên quảng trường Tahrir chủ động ứng xử thân thiện với quân đội. Có vẻ hài hước khi những người trẻ tuổi đến với binh lính, họ ôm, bắt tay, hôn, còn những người lính thì lúng túng không biết phải làm gì.
Sharp nhấn mạnh rằng, quan trọng nhất không phải là lật đổ chế độ độc tài, mà là đưa tới việc xây hệ thống dân chủ. Ông kêu gọi không để mất "cảnh giác cách mạng". Để không từ chiến thắng lại tạo ra một nhà độc tài mới hay một chế độ quân phiệt. Và vì vậy, người Ai Cập, sau khi chiến thắng, đã xuống đường một lần nữa để nhắc nhở quân đội rằng cuộc cách mạng là của ai. “Lật đổ xong chế độ đừng để con người lâm vào thế giới ảo tưởng. Thay vào đó, là mở cửa cho công việc cực nhọc và nỗ lực lâu dài" – Sharp phân tích.
“Đừng đòi chia da khi chưa bắt được gấu”
Tình hình Việt Nam thiếu hẳn yếu tố huy động quần chúng qua một phong trào chung không nhân danh đảng phái nào.
Được biết đến các hoạt động đơn lẻ, bế tắc vì cô độc của một số đảng phái, tôi cho rằng, hiện nay không một đảng phái hay tổ chức nào có đủ uy tín và thực lực để cuốn hút dân chúng. Đa số các đảng phái, tổ chức lại xuất phát từ nước ngoài, là cái điều mà ngay từ đầu đã kém hấp dẫn, nếu không nói là xa lạ, thiếu sự tin tưởng đối với người trong nước. Còn quá ít những sáng kiến với cảm hứng “cool & sexy” như đợt biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tháng 12/2007 hay thanh niên, dân oan mặc áo mang dòng chữ “HS-TS-VN”.
Biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tháng 12/2007 - Ảnh: OnTheNet
Trong thời kỳ cộng sản, số dân Ba Lan lưu vong ở nước ngoài nhiều hơn một chục lần người Việt ở hải ngoại, nhưng họ đã chẳng thành lập bất kỳ một đảng phái nào mà tập trung toàn lực hỗ trợ phong trào “Đoàn kết” trong nước. Trong khi đó người Việt có quá nhiều tổ chức, rất nhiều hữu danh vô dụng, chia rẽ, công kích lẫn nhau.
Trong hơn ba thập niên qua, Khối 8406, phong trào được chủ trương bởi một số nhà dân chủ có tiếng và có uy tín trong nước, lẽ ra đã có thể đảm nhận được sứ mệnh đó. Thật đáng tiếc, ngay khi ra đời nó đã đánh mất sự cuốn hút, kết dính, thậm chí gây ra nghi kỵ. Chỉ một bản tuyên ngôn mà cá nhân này, tổ chức kia tranh giành nhau quyền tác giả. Vào thời gian đó, bất bình đến mức tôi đã viết trên “Đàn Chim Việt” bài “Chia nhau chiếc bánh nhà dân chủ lớn”. Đã có hàng chục ngàn lượt người đọc, hàng trăm ý kiến phản hồi, ủng hộ lắm, mà cho rằng bài viết có hại cho phong trào dân chủ, cũng nhiều.
Các tổ chức, đảng phái của người Việt nên tạm thời can đảm chui ra khỏi cái bọc háo danh và ích kỷ, tự cho mình hay hơn người, chống cộng dứt khoát hơn người, để kết nối với nhau và với những nhà dân chủ trong nước xây dựng một phong trào chung. Khi Việt Nam có dân chủ, ai mạnh ai yếu, ai giỏi ai dốt, sẽ tha hồ cạnh tranh, phê phán, nhưng kẻ thắng sẽ không phải nhờ có âm lượng giọng nói lớn hơn, mà là người giành được phiếu bầu của người dân nhiều hơn. Hãy chấm dứt tình trạng chưa bắt được gấu mà đảng nào cũng nghĩ mình sẽ là người cầm dao chia da.
Sau chiến thắng của người Ai Cập, Gene Sharp lặp đi lặp lại rằng, đây là cuộc nổi dậy của người Ai Cập, ông chưa bao giờ liên lạc với nhóm thanh niên Ai Cập. Ông nói không ai có thể thay thế ai để giải quyết một cuộc cách mạng. Nhưng điểm cốt yếu là làm sao không để mất cơ hội. Để ngọn lửa bất mãn trong xã hội không bị tắt. Và phải giữ nó khéo léo.
Ngọn lửa bất mãn của người Việt trong nước đang cháy âm ỉ. Người Việt hải ngoại không thể thay thế người Việt trong nước là lực lượng quyết định. Trong khi trong nước thì chưa có một phong trào hội đủ điều kiện thổi bùng nó lên, ít nhất từ góc nhìn của các cuộc cách mạng màu và lý thuyết của Gene Sharp.
Cơ hội cảm hứng từ cách mạng Hoa Lài lần này vì thế bị bỏ lỡ. Nhưng lịch sử là chuỗi những sự kiện bất ngờ. Các cơ hội tiếp theo sẽ đến. Tôi tin như thế. ■
© 2011 Lê Diễn Đức