Nguyễn Hoàng Đức (chungta.com) - Có người nói, GS Châu nói vụ án là cẩu thả, nhưng vụ án đã được người ta lập kế hoạch tỉ mỉ đến từng chi tiết. Nói thế là đánh lận con đen chẳng hiểu gì cả. Sự “cẩu thả” mà GS nói ở đây là cẩu thả về mặt pháp lý, cẩu thả những thủ tục tố tụng của tòa, chứ không phải sự cẩu thả bếp núc của những người đánh án bỏ túi...
Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chính thức nhận giải Fields quốc tế, giải cao nhất giành cho toán học, đây cũng là giải cao nhất mà chưa người Việt nào đã từng nhận được, một giải thưởng cho đến nay với người Việt là độc nhất vô nhị. Như vậy GS Châu là một người trí thức có công trình siêu việt và đã thành công và được quốc tế công nhận. Giáo sư đã học được và làm được, chứ không phải trí thức như triết gia Kant nói “có trí thức mà không có khả năng phán đoán thì chỉ là vô dụng”. Sự thành công của giáo sư ở đẳng cấp quốc tế cao nhất thừa nhận, như vậy rõ ràng ông đã trở thành một quí ông rất đáng được kính trọng ít nhất là về mặt tri thức.
Có một định nghĩa về trí thức của thời đại mới là: Học nhiều mà không có tâm cảm tiến bộ thì không thể là trí thức. Tại sao? Bởi vì đó chỉ là bọn hủ nho lọ mọ xếp ngăn kéo chữ, vô ích, vô tích sự với người đời. Với giáo sư Ngô Bảo Châu, khi thấy dân tộc có một vụ án lớn nhất thời hiện đại, mặc dù ông là một nhà toán học thuần khiết, vậy mà ông đã lên tiếng, chứng tỏ ông rất có trách nhiệm với quê hương giống nòi. Ông là người trí thức lớn cả trong lý thuyết và cuộc đời công dân.
Với thành công được quốc tế công nhận, GS. Châu hoàn toàn xứng đáng là một bậc thầy của dân tộc. Vì vậy khi muốn tham vấn ông, hơn thế là một chút muốn đối thoại, thấp hơn là chia sẻ hay trao đổi, chúng ta nên tự biết mình là đang kiến diện một bậc thầy. Và buộc phải tôn trọng ông như một bậc thầy. Ông là một đẳng cấp cao, không thể như cành lá bên đường ta cứ muốn hái là với. Có một phương ngôn rằng “Văn hóa cao nhất là biết chấp nhận người khác”. Đúng vậy, chấp nhận người khác là biết vượt qua đố kỵ, đặc biệt là đố kỵ hiền tài. Vì thế khi ta biết đặt người khác và chính bản thân mình vào đúng chỗ đó là một khả năng văn hóa.
Vừa qua sau bài rất ngắn của GS Châu có nhan đề “Về sự sợ hãi”, đã ào ào nổi lên những bài viết những comment “ăn theo” phiền nhiễu đến độ, giáo sư đi đến đóng blog. Thật là không chính đáng! Nó làm cho chúng ta nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du “đầu trâu mặt ngựa ào ào như xôi”. Giờ tôi xin trao đổi thẳng thắn vào mấy điểm:
1- Có ý kiến bảo GS N B Châu là sặc mùi cơ hội.
Nghe thật buồn cười, giáo sư là người theo đuổi khoa học trong sáng và thuần khiết thì mới có thể đạt giải Fields. Vả lại, người ta cơ hội thì phải có mục đích của mình, các đỉnh cao giáo sư đã giành được ở quốc tế rồi, Việt Nam chẳng lẽ còn đỉnh cao nào mà giáo sư phải cơ hội để giành giật ư?!
2- Có người lại bảo nếu sợ hãi thì ai là người “sợ hãi”, hay chính GS Châu đang sợ hãi?
Than ôi trong câu “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”, chủ ngữ và vị ngữ rất mạch lạc và rõ ràng rồi, tại sao lại có thể hỏi chệch đi là “ai sợ hãi?” Muốn bước vào học viện trí tuệ mà còn ú ớ đến vậy làm sao khua môi múa mép được?3- Có người bảo GS Châu nói Cù Huy Hà Vũ nói có điểm chưa thuyết phục, sao không chứng minh đi!
Nói vậy là không được, trong một thông điệp “message” có hơn hai trăm từ, không thể đòi người ta chứng minh tất cả những gì không thuyết phục. Vả lại, chứng minh điều đó không phải là mục đích của thông điệp này.
4- Có người nói, GS Châu nói vụ án là cẩu thả, nhưng vụ án đã được người ta lập kế hoạch tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Nói thế là đánh lận con đen chẳng hiểu gì cả. Sự “cẩu thả” mà GS nói ở đây là cẩu thả về mặt pháp lý, cẩu thả những thủ tục tố tụng của tòa, chứ không phải sự cẩu thả bếp núc của những người đánh án bỏ túi.
a- “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.” Có rất ít người có thể hiểu được hai chữ “cẩu thả” ở đây. Cẩu thả có nghĩa là tùy tiện, cũng có nghĩa là cảm tính, nó đi ngược với đạo lý, công lý, hay nguyên lý thiện hảo, cái cội nguồn làm nên pháp lý. Vậy, chữ mà GS Châu dùng ở đây, rõ ràng ông rất tỏ tường thấu đáo vấn đề.
b- “Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”. Thật rõ ràng, quốc gia nghĩa là pháp luật, trong khi người làm luật nếu không tôn trọng pháp luật thì hẳn sẽ mất thể diện.
Trong một bài ngắn, GS. Châu đã đưa ra mấy thông điệp hết sức rõ ràng, rõ ràng cả về thái độ chân thực, rõ ràng về tính pháp lý, rõ ràng về phẩm chất trí tuệ. Một bài viết hàm súc mà chứa đựng nhiều thông điệp lớn rõ ràng như vậy có thể chưa từng thấy trong lịch sử chữ viết Việt Nam (mời quí vị đề cử để chúng ta cùng xem xét). Quả là cây nào sinh trái ấy! Xứng đáng thay một trí tuệ hiền minh khoa học chứ không phải thứ trí tuệ hủ nho u u minh minh.
Ở Âu Mỹ, người ta vẫn tổ chức cho những người tầm thường đấu quyền anh với các võ sĩ hạng nặng để xem anh chịu đựng được mấy giây, mấy trái đấm, nhưng không có nghĩa là người đấu vô danh đó ngang bằng đẳng cấp với võ sĩ. Trí thức Việt Nam ngày nay, vẫn được các chính khách và nhân dân đánh giá nói chung là không có óc tư duy độc lập, hay a dua đua đòi, là thứ không đáng phải bận tâm vì chẳng có bản lĩnh làm được cái gì lớn cả… Qua cuộc đeo bám bài viết của GS. Châu mới đây, có nhiều cây bút và comments (cái tên thật không dám trưng vậy mà cứ đòi lớn tiếng bàn về lòng dũng cảm, chẳng khác gì chuột bàn đeo chuông vào cổ mèo), thêm một lần chứng tỏ, trí thức Việt vẫn quen kiểu ăn theo nói leo, còn “dại lâu dốt bền” quá. Những hạt bụi có thể bám lên cánh của con đại bàng, nhưng sau đó không thể tuyên ngôn ta đã cùng bay lên và hạ xuống cùng cánh đại bàng, bởi vì khi nước mưa rơi xuống, bụi cũng rơi xuống theo, còn cánh đại bàng vẫn còn nguyên đó.