Hôm nay đọc báo thấy một thông tin thú vị: Thầy Nguyễn Thiện Nhân nghe sinh viên thảo luận bằng tiếng Anh trong một chương trình học "tiên tiến". Tôi có vài phân vân về chương trình tiên tiến (chưa biết tiếng Anh là gì? Advanced Program?) Nói đến tiếng Anh, tôi chợt nhớ đến chuyện xưa khi thầy Nhân nói chuyện (bằng tiếng Anh) trong một hội thảo ở New York. Nhìn lại những slides của Thầy mà … giật mình.
Chương trình tạo tiên tiến là một sáng kiến thoạt đầu mới nghe qua thì cũng hay. Theo chương trình đào tạo này, đại học Việt Nam mua giáo trình từ nước ngoài (chủ yếu là Mĩ) về giảng dạy cho sinh viên Việt Nam. Như vậy có thể xem đây là một cách “du học tại chỗ”. Nếu tôi không lầm thì một số ít đại học Á châu từng làm (nhưng không mấy thành công). Riêng trong bối cảnh Việt Nam, tôi nghi ngờ hiệu quả của chương trình tiên tiến theo kiểu mua giáo trình của nước ngoài.
Chưa biết các trường đã chi bao nhiêu để mua giáo trình, nhưng việc dùng giáo trình của người khác để dạy cho sinh viên mình là điều rất khó khăn. Mỗi slide trong bài giảng, thậm chí mỗi dữ liệu trong slide là cả một câu chuyện, và câu chuyện đó chỉ có thể truyền đạt bởi người soạn ra nó, chứ làm sao một giảng viên ngoài không/chưa quen với câu chuyện có thể truyền đạt được. Ở nước ngoài, bài giảng – nhất là bài giảng sau đại học – của các giáo sư thực chất là những nghiên cứu của chính họ hoặc nghiên cứu của đồng nghiệp họ. Họ hiểu sâu sắc những thông tin trong bài giảng đó, mà người khác chắc chắn không hiểu được. Nếu tôi đưa bài giảng do tôi soạn cho một đồng nghiệp khác giảng, làm sao đồng nghiệp đó có thể hiểu tôi muốn nói gì trong bài giảng, làm sao người khác có thể biết câu chuyện đằng sau một cái ảnh hay một đồ thị hay một con số? Thật ra, chương trình giảng dạy của các đại học Mĩ tràn đầy trên mạng, người ta thậm chí còn truyền thanh cả video bài giảng. Nhưng rất ít ai có thể sử dụng những bài giảng đó cho sinh viên mình nếu không là "người trong cuộc".
Giảng bài khác với đọc sách. Giảng bài theo tôi là truyền tải những kiến thức mà sách giáo khoa không có để gây cảm hứng cho người học. Đọc slide không phải là giảng. Do đó, tôi không ngạc nhiên khi biết sinh viên bỏ các chương trình gọi là “tiên tiến” này. Câu hỏi đặt ra là Nhà nước chi tiền như thế có xứng đáng không? Cần phải có phân tích “cost-benefit” nghiêm chỉnh để trả lời câu hỏi đó, chứ không thể tiếp tục chi tiền mãi được.
Chương trình giảng dạy tiên tiến tạo điều kiện cho sinh viên thảo luận bằng tiếng Anh. Nói về ngoại ngữ, giới trẻ ngày nay hơn chúng tôi (hay cụ thể là hơn tôi) ở thế hệ trước. Qua internet, họ có nhiều thông tin hơn chúng tôi. Họ giỏi tiếng Anh hơn chúng tôi. Có lần tôi thấy các em ở Đại học Bách khoa TPHCM dùng cả hai tiếng Anh và Pháp để trao đổi với giảng viên người Pháp. Thời của tôi, học được một ngoại ngữ là vất vả lắm rồi và chủ yếu là để đọc chứ ít khi nào dám nói (vì phát âm không chuẩn), chứ nói gì biết cả hai thứ tiếng mà còn nói được như các em bây giờ. Đến khi ra ngoài thì phải làm và học lại từ đầu, và thời gian để học cũng chẳng bao nhiêu, nên đành lỡ chuyến tàu. Nhưng nói chung, tôi mừng cho giới trẻ đã giỏi hơn thế hệ đàn anh về mặt ngoại ngữ.
Ngay cả Thầy Nhân cũng rất ấn tượng với tiếng Anh của các em sinh viên trong chương trình tiên tiến (như bài báo cho biết). Nhưng nếu tôi là các em được khen, tôi sẽ không bao giờ dám tự hào khi nghe Thầy Nhân khen. Trong thực tế thì tiếng Anh của sinh viên ta -- dù là đạt điểm 8-9 của IELTS hay TOEFL – vẫn còn kém lắm. Nói thì tàm tạm thôi; viết thì còn lâu mới đạt. Mà, dù cho có du học ở Mĩ, Úc, Anh cả chục năm đi nữa, thì tiếng Anh của “phe ta” vẫn kém. Cố nhiên, cũng có vài cá nhân đạt tiếng Anh, nhưng kinh nghiệm tôi thấy hiếm lắm. Nói như thế để mấy em chuẩn bị tinh thần học hỏi thêm (nhiều) khi ra ngoài này học, chứ đừng nên tin vào mấy lời khen “tưới hột sen” của người lớn và tưởng rằng mình thành thạo tiếng Anh. Nghe lời họ là chuốc lấy thất bại thê thảm nhé.
Ngay cả tiếng Anh của Thầy Nhân, dù đã từng học ở Mĩ, cũng chưa lưu loát mấy. Khoảng 4 năm trước, Thầy Nhân có nói chuyện trong Diễn đàn về đại học có tên là “Universities as Engines of Developments” (Đại học như là cỗ máy phát triển) do New School tổ chức tại New York vào ngày 20/7/2007. Bài nói chuyện của Thầy có tựa đề là “Looking for ways to create top-class universities in Vietnam” (ngộ quá, phải không?), nhưng không đề tên thầy là tác giả mà chỉ đề “Ministry of Education and Training, Vietnam”. Bài nói chuyện bao gồm 21 slide mà báo chí nhận xét là trôi chảy. Có rất nhiều vấn đề đáng bàn trong những slide này, vì từ nội dung, ý tưởng, cách trình bày, đến tiếng Anh, tất cả đều có vấn đề. Riêng về phần tiếng Anh, có thể nói rằng mỗi slide đều có ít nhất là một sai sót. Sai về cách dùng từ, sai về cách viết và văn phạm, thậm chí sai cả đánh vần! Cố nhiên, đây không phải là slide do Thầy soạn ra (vì làm gì có thì giờ), mà rất có thể là phụ tá của Thầy soạn. Nhưng vấn đề là Thầy là người dùng slide để nói chuyện trong buổi hội thảo. Nếu người nào đó [không có chức danh] nói thì chắc cũng chẳng sao, nhưng Thầy là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo của một nước 86 triệu dân có nền văn hiến lâu đời mà dùng bộ slide có quá nhiều sai sót như thế thì thật là khó coi. Đó là viết, thế còn nói thì sao? Các bạn có thể xem một video clip sau đây để thấy Thầy Nhân nói tiếng Anh.
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=zg2hosnZIc0]
Tôi cũng từng nghe Thầy nói tiếng Anh trong lần khai mạc hội nghị về quản lí bệnh viện ở vùng Đông Nam Á tại khách sạn Equatorial (TPHCM) cũng khoảng 3 năm trước. Hình như Thầy có thói quen đọc bài viết chứ không hẳn là ứng khẩu dựa vào bài viết. Nhưng tiếng Anh của Thầy như vậy cũng là hay rồi, ít ra Việt Nam cũng có một bộ trưởng thạo tiếng Anh. Hay là Thầy nên làm Bộ trưởng Ngoại giao?
Đào tạo tiên tiến. Trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Nếu được thế thì hay quá, và chẳng bao lâu đại học ta sẽ trở thành đẳng cấp quốc tế, lọt vào danh sách top-200 hay tệ lắm là cũng top-500 – một viễn ảnh tuyệt vời. Nhưng trước khi bán niềm hi vọng cho các em sinh viên, chúng ta cần bằng chứng.
NVT
===
http://www.vtc.vn/giaoduc/538-282283/giao-duc/pho-thu-tuong-nghe-sv-thao-luanbang-tieng-anh.htm
Phó thủ tướng nghe SV thảo luận ... bằng tiếng Anh
06/04/2011 08:55
(VTC News) – Trong suốt khoảng 30 phút dự giờ, nghe SV chương trình đào tạo tiên tiến thảo luận bằng tiếng Anh ngày 5/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ra rất vui, ngạc nhiên, phấn khởi.
Vào sáng 5/4, trước khi làm việc cùng với lãnh đạo ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM về các chương trình đào tạo ĐH tiên tiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn công tác Chính phủ đã có khoảng 30 phút dự giờ, trực tiếp nghe SV năm 2 của chương trình đào tạo ĐH tiên tiến tranh luận hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Trong suốt tiết học về môn khoa học máy tính này, vị trí về thầy trò đã hoàn toàn hoán đổi cho nhau. SV đã được cho phép hoàn toàn làm chủ giờ học của mình, cùng với nhóm bạn thảo luận, nói chuyện với nhau hoàn toàn bằng tiếng Anh về đề tài nghiên cứu của mình. Đây là những tiết học có thể dễ dàng bắt gặp tại các nước có chương trình ĐH cấp bậc tiên tiến.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ cảm xúc của mình với SV chương trình đào tạo tiên tiến sau tiết dự giờ (ảnh: N.D) |
Sự tự tin, sáng tạo, hóm hỉnh của các SV đã mang lại cho các thành viên trong đoàn làm việc những tiếng cười thật thoải mái. Chia sẻ với các thầy cô và SV ĐH KHTN ngay sau tiết dự giờ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ông rất vui, ngạc nhiên, phấn khởi khi nhìn thấy khả năng tự tin, bàn luận rất sôi nổi của các SV lớp học, nhất là các em lại trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh.
“Mặc dù mới chỉ năm 2, nhưng nhiều em đã thể hiện có những ý tưởng nghiên cứu rất độc đáo”.
Tại buổi làm việc sau đó, GS TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện cả nước có khoảng 1.000 SV (30 SV nước ngoài) đang theo học các chương trình đào tạo ĐH tiên tiến ở 35 chương trình đào tạo khác nhau. Có tổng số 23 trường ĐH trong cả nước đang thực hiện chương trình này, trong đó ĐH KHTN TP.HCM (trực thuộc ĐHQG TP.HCM) là trường nằm trong top 5 trường xuất sắc nhất của chương trình này.
Cũng theo Thứ trưởng Ga, trung bình kinh phí để đào tạo một SV hệ tiên tiến vào khoảng 50 triệu đồng/năm (gấp 10 lần SV hệ bình thường). Hiện kinh phí dành để đào tạo 3 khóa SV trong cả nước chiếm đến 860 tỷ đồng, khoảng 60% tổng dự toán.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác Chính phủ làm việc với ĐH KHTN TP.HCM sáng 5/4 (ảnh: N.D) |
Dù vậy, theo đại diện Bộ GD&ĐT cũng như PGS TS Dương A’i Phương – Hiệu trưởng trường ĐH KHTN TP.HCM, việc tuyển sinh các SV vào chương trình đào tạo tiên tiến đang gặp nhiều khó khăn, nhất là khó tuyển SV. Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ: “Số lượng đầu vào đang giảm”, còn Hiệu trưởng ĐH KHTN TP.HCM thì: “Vì phải sàng lọc đầu vào, chỉ chọn những SV thật sự xuất sắc nên đầu vào hiện đang khó tuyển.”
Ngoài ra, việc mời các giảng viên – GS có chất lượng đến từ nước ngoài đến dạy cho chương trình cũng đang gặp khó vì thù lao khá thấp. SV theo học chương trình này chưa được các Ngân hàng cho vay tiền học với mức độ cao, thủ tục thoải mái, đội ngũ giảng viên Việt Nam dành cho chương trình này còn thiếu và yếu, chương trình học và phương pháp giảng dạy chưa đổi mới…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các ban ngành đoàn thể, cơ quan có liên quan cần vào cuộc, tập trung giải quyết các khúc mắc của SV, thầy cô đã nêu ra trong buổi làm việc.
Cụ thể, Bộ Tài Chính cùng Bộ GD&ĐT cần phải làm việc lại để gia tăng số lượng học bổng cho SV đang theo học chương trình này, làm việc với các Ngân hàng TMCP để có những chương trình cho SV vay tiền với số lượng lớn để đóng học phí, tăng cường giao lưu, trao đổi SV giữa các chương trình tiên tiến của VN và các nước có nền GD tiên tiến trên thế giới.
Theo lãnh đạo Chính phủ, để tăng cường chương trình cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước trong thời gian tới, cần phải tiếp nhận và lan tỏa chương trình đào tạo tiên tiến này trong thật nhiều các trường ĐH, tiến tới phổ biến rộng rãi tại toàn bộ các trường ĐH trong cả nước.
Việt Dũng