Thanh Quang, phóng viên RFA - Hiện nay trước sức ép trên mọi bình diện từ phía Trung Quốc, rất nhiều ý kiến cho rằng cần có một sự bắt tay, nương tựa với một thế lực khác để tạo thế cân bằng với Trung Quốc ? Vậy kết cục của vụ án Cù Huy Hà Vũ có trở thành một gáo nước lạnh dội vào quan hệ khác của Việt Nam? Liệu Việt Nam có bị rơi vào tình cảnh “tứ bề thọ địch” cả trong lẫn ngoài trong thời gian sắp tới; hay Việt Nam đã yên chí lớn, quyết tâm xây dựng quan hệ làm ăn lâu bền với Trung Quốc, vì nó thật sự phù hợp hơn về mặt thể chế chính trị nên sẽ an toàn hơn ?...
*
Toà án Nhân dân TP Hà Nội hôm mùng 4 tháng Tư vừa rồi phán quyết 7 năm tù 3 năm quản chế dành cho TS luật Cù Huy Hà Vũ về tội gọi là “tuyên truyền chống nhà nước XHCNVN”
AFP - Công an áp giải TS Cù Huy Hà Vũ đến tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sáng ngày 4-4-2011.
Án quyết đó càng gây thêm căm phẫn trong công luận. Chẳng hạn như, GS Phạm Toàn từ trong nước lên án.
Một bản án không có giá trị pháp luật
Phạm Toàn: Đó là một phiên tòa lưu manh, ô nhục.
Lến tiếng với đài ACTD ngay sau phiên xử kết thúc, LS Nguyễn Thị Dương Hà, vợ TS Cù Huy Hà Vũ, khẳng định:
LS.Dương Hà: Bản thân buổi xét xử không có giá trị pháp luật, vì là bản thân chủ tọa phiên tòa vi phạm luật tố tụng, tức là vi phạm pháp luật, cho nên bản án của ông ấy nó không còn khách quan nữa. Cho nên theo tôi phiên tòa này đã vi phạm pháp luật, các luật sư không có lỗi gì hết mà lỗi ấy thuộc về thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính.
Và, với tư cách là một người vợ, LS Dương Hà không khỏi xót xa khi trực tiếp chứng kiến cảnh chồng bà bị còng tay, bị án tù oan khiên. Bà nhắc lại lời của chồng:
LS.Dương Hà: Chồng tôi nói “Đây là vụ án mà tôi biết rằng đây là vụ án dàn dựng lên để chống lại tôi”, cho nên tôi rất là xót xa và đau lòng, tôi rất buồn bởi vì thực chất mà nói nếu hành xử theo đúng pháp luật thì chồng tôi hoàn toàn không có tội, mà thậm chí lại có công trong việc bảo vệ pháp luật, luôn luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho chính quyền, cho nhân dân, cho tổ quốc, cho nên tôi rất là xót xa, rất là đau lòng trước việc chồng tôi bị đối xử như vậy.
Đường phố chung quanh khu vực tòa án hôm xử TS luật Cù Huy Hà Vũ đông nghẹt người. RFA
Nỗi xót xa, đau lòng đó có lẽ không riêng ở người vợ của nạn nhân chế độ, mà xem chừng như còn lan toả tới tha nhân, nhất là giới viết nhật ký trên mạng.
Chẳng hạn như blogger Hà Văn Thịnh bày tỏ nỗi niềm của ông trước tình cảnh tù tội của TS Cù Huy Hà Vũ, và rồi buồn cho đất nước, dân tộc:
Blogger Hà Văn Thịnh: Thứ nhất là buồn cho Cù Huy Hà Vũ. Thứ hai là buồn cho dân tộc này, đất nước này bởi vì nếu như cứ tồn tại những bất công như vậy thì đến bao giờ dân tộc mới ngóc đầu lên được, đến bao giờ Việt Nam mới đứng thẳng được như hy vọng của mọi người? Nếu anh sợ sự thật, anh sợ những cái sai của anh sẽ gây ra phản ứng thì rõ ràng anh chẳng cầu mong tiến bộ gì cả.
Quan điểm của tôi là đã sai là phải nhận. Những vấn đề như tham nhũng, những vấn đề như Vinashin không bao giờ thấy xử sai phạm nào cả thì làm sao mà dân tộc tiến bộ được. Tôi buồn là buồn như vậy.
Công khai ở chỗ nào
Blogger Mẹ Nấm lưu ý – và thắc mắc - về điều gọi là tính công khai của phiên xử vừa rồi, cho đó chỉ là 1 trò hề của giới cầm quyền. Dù “trò hề” có như thế nào đi chăng nữa, theo Blogger Mẹ Nấm, thì những lời nói, bài viết của TS Cù Huy Hà Vũ cho thấy “bản chất của CSVN”; Và ngày 4 tháng Tư năm 2011, tại phiên toà gọi là xét xử công khai TS Cù Huy Hà Vũ, Blogger Mẹ Nấm tin tưởng, nhân dân trong nước và thế giới sẽ hiểu rõ hơn về ngành tư pháp Việt Nam - một bằng chứng lịch sử không thể chối cãi.
- Điều đầu tiên tôi nghĩ đến phiên toà xét xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội hôm nay, đó là tính công khai, minh bạch của Toà án. Công khai??? Sao lại phong toả những con đường dẫn đến toà án???? Công khai ??? Sao lại cho phép mỗi mình vợ ông Cù Huy Hà Vũ được tham dự phiên toà, còn những người thân khác trong gia đình ông thì không??? Công khai???? Sao lại cấm tất cả các trang thiết bị tác nghiệp của phóng viên tại phiên toà???...Công khai ở đây có nghĩa là một trò hề của một vở kịch tồi không hơn không kém.
TS luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 4-4-2011. AFP
Tôi không hy vọng gì nhiều ở phiên toà hôm nay, bởi ở cái xứ này, không có gì là không thể, nhất là khi anh lên tiếng công khai đụng chạm đến quyền lợi và sự sống còn của một nhóm lợi ích đang nắm quyền điều hành đất nước…Dù có thế nào đi nữa những lời TS Cù Huy Hà Vũ nói, những bài ông viết đã chỉ ra cho cá nhân tôi thấy rằng: bản chất của Cộng sản là như thế đó…
Ông Vũ đã nói: « Và cuối cùng, để không hổ thẹn với tất cả những ai đã dành trọn niềm tin nơi tôi trong cuộc đấu tranh vì công lý, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Lịch sử, Tổ quốc và nhân dân Việt Nam sẽ phá án cho tôi, công dân Cù Huy Hà Vũ ». Và tôi tin là như thế.
Qua bài “Vụ án Cù Huy Hà Vũ và trò chơi dân chủ”, Blogger Nguyễn Hưng Quốc lưu ý rằng bản án nặng nề mà giới cầm quyền VN dành cho TS Hà Vũ sẽ tạo nên phản tác dụng cho họ về mặt quốc tế, và, về phương diện nào đó, bản án này trở thành bản án dành cho chính nhà cầm quyền VN.
…Xử nặng. Trong trường hợp này, chính quyền sẽ đạt được mục đích trừng phạt và răn đe nhưng lại đối diện với một nguy cơ khác: trở thành một thứ nhà nước khủng bố dưới mắt quốc tế…Riêng việc mang Cù Huy Hà Vũ ra tòa, chính quyền Việt Nam cũng đã chọn một trò chơi khá liều lĩnh:
Trò chơi dân chủ. Trò chơi ấy diễn ra ở tòa án, dưới chiêu bài luật pháp và trở thành tâm điểm chú ý của rất nhiều người, không những người Việt Nam mà còn cả người ngoại quốc, đặc biệt những người quan tâm đến Việt Nam và tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó có không ít quốc gia vốn thường xuyên phê phán tính chất thiếu dân chủ trong sinh hoạt chính trị và xã hội Việt Nam.….
Phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ, do đó, trở thành phiên tòa xét xử chính chính quyền Việt Nam.
Bản án dành cho toàn dân tộc Việt Nam
Blogger Luật sư Lê Quốc Quân, một trong những người bị công an hành hung, giam giữ khi ra sức đến gần khu toà án, đã lên tiếng về phiên xữ TS Cù Huy Hà Vũ. Qua bài “Lời bào chữa của LS Quân cho TS Cù Huy Hà Vũ”, blogger Lê Quốc Quân so sánh phiên toà trước kia khi Thực Dân Pháp xét xử cụ Phan bội Châu với phiên toà xử Cù Huy Hà Vũ vừa rồi, như sau:
- Một điều tôi muốn thưa cùng các thẩm phán rằng phiên tòa cụ Phan Bội Châu năm 1925, tức là cách đây gần 90 năm, dưới sự đô hộ của Chế độ thực dân Pháp, ông cũng bị truy tố vào tội giống như anh Vũ. Thế mà “Từ sáng sớm dân chúng lũ lượt kéo đến tòa án để theo dõi vụ xét xử công khai.
Tòa án đầy người từ ngoài sân đến phòng xử”. Không những thế mà trước và sau khi xét xử học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị bày tỏ quan điểm ủng hộ Cụ Phan và chống lại bản án. Gần 90 năm trôi qua, chế độ được coi là “dân chủ gấp vạn lần tư bản” lại rất có thể“bịt miệng” người trong tòa và “chặn chân” quần chúng ngoài tòa.…Trong vụ án Phan Bội Châu, khi đó chưa hề có Đảng Cộng Sản, các tờ báo đã được rầm rộ đưa tin, cung cấp các góc nhìn khác nhau, tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi về chính trị, vừa mang tính học thuật vừa nồng nàn lòng yêu nước.
Nếu như hôm nay chúng ta có tự do báo chí, chắc chắn sẽ có nhiều tranh luận, bút ký, bài báo, phóng sự trực tiếp, huyên náo và đầy sáng tạo.
Công An ngăn cản một số người dân bên ngoài tòa án Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2011. AFP
Theo Blogger Lê Quốc Quân thì hành động giới cầm quyền xét xử và cầm tù TS luật Hà Vũ là vi hiến, vi phạm Điều 69 của Hiến pháp VN, đi ngược lại Điều 19 Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền, cũng như họ từng hành động sai trái như vậy đối với những luật gia khác có tâm huyết với đất nước, dân tộc như các LS Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Bắc Truyển, Phan Thanh Hải, Lê Quốc Quân, Trần Thị Thuỳ Trang…
LS Lê Quốc Quân nêu lên câu hỏi vì sao như vậy, và blogger này cũng tự giải đáp:
- Vì cũng như anh Cù Huy Hà Vũ, chúng tôi đều tin rằng pháp luật được sinh ra để cho con người ta dựa vào đó mà hành xử. Nó là nền tảng, là đường kẻ, là rường cột và là sợi dây đòi buộc chúng ta tuân theo. Thế nhưng khi chúng ta chân thành “tin vào lời luật” mà không tỉnh táo để “nhìn việc luật làm” thì dễ mắc nạn. Là luật sư chúng ta tin rằng thủ tướng cũng là công dân như muôn vàn công dân khác và chúng ta có quyền kiện. Chúng ta tin rằng Nhà nước đang thực tâm muốn chống lại tham nhũng để rồi các luật sư lại mày mò đi tìm chứng cứ để khởi xướng những hoạt động vì những mục tiêu chung và bị bắt.
Nhiều luật sư cũng giống như anh, vì lòng yêu nước và đam mê cống hiến cho sự nghiệp chung mà đã tự ứng cử, tự lăn xả vào cuộc đời, tự chuốc lấy bao nhiêu vất vả để thành tâm xây dựng quê hương. Nhưng kết cục thì bị dính đòn.
…Cuối cùng thì rõ ràng bản án này không phải là bản án dành riêng cho Anh Vũ mà là bản án dành chung cho tất cả những người yêu nước, bản án cho toàn dân tộc Việt Nam.
Bài tựa đề “TS Cù Huy Hà Vũ – một công dân bình thường” đăng trên
Blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN, đề cập tới lý do vì sao mọi người cần mạnh dạn lên tiếng bảo vệ TS Hà Vũ:
- Nước Việt Nam ta tưởng chừng đã có cơ hội thoát khỏi vòng xoáy vô tận đó: Năm 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, xóa bỏ chế độ phong kiến, và Hồ Chí Minh, người đứng đầu đất nước lúc đó, đã long trọng tuyên bố: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được". Từ vai trò thần dân, người dân Việt Nam được hứa hẹn trở thành CÔNG DÂN, có những quyền tự do và bình đẳng như bao dân tộc văn minh khác trên thế giới. Một vị thủ tướng từ nay bình đẳng trước pháp luật như một anh dân thường...
Thế nhưng, lời hứa đó, sau hơn 60 năm, vẫn chưa trở thành sự thật.
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=CuJg9815EuA&feature=player_embedded]
Tín hiệu từ vụ án xử Cù Huy Hà Vũ
Thủ tướng ngày nay, cũng giống như một vị hoàng đế ngày xưa, có quyền "bất khả xâm phạm". Ông Cù Huy Hà Vũ, công dân đầu tiên dám đâm đơn kiện Thủ tướng, đã nhanh chóng gặp rắc rối và vướng vào vòng lao lý. Muốn thay đổi, bắt buộc chúng ta phải lên tiếng…Đơn giản hơn, chúng ta lên tiếng bảo vệ ông Cù Huy Hà Vũ, bởi vì chúng ta muốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận mà ông Cù Huy Hà Vũ nói riêng, và các công dân Việt Nam nói chung, xứng đáng được hưởng. Chúng ta lên tiếng bảo vệ ông Cù Huy Hà Vũ, bởi vì chúng ta không muốn thấy một nhóm người lạm dụng quyền lực do dân ban cho để bẻ cong công lý, bẻ cong sự thật, để bỏ tù những người dám nói trái họ. Khi chúng ta lên tiếng bảo vệ ông Cù Huy Hà Vũ, chúng ta đã bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính chúng ta, bởi vì những gì xảy ra cho ông Cù Huy Hà Vũ có thể sẽ xảy ra cho bất kỳ ai trong chúng ta, những người muốn nhìn thấy một chính quyền minh bạch hơn, chịu trách nhiệm hơn trước nhân dân và tổ quốc.
Lưu ý về “tín hiệu từ vụ án xử Cù Huy Hà Vũ”, Tác giả Phúc Lộc Thọ qua bài “VN có chuẩn bị bước qua thời kỳ ‘Chiến tranh lạnh’ với Phương Tây và Hoa Kỳ không ?” có cái nhìn bản án 7 năm tù 3 năm quản chế mà Hà Nội dành cho TS Cù Huy Hà Vũ theo 1 góc độ khác
– Góc độ nguy cơ Bắc Thuộc thêm 1 lần nữa:
- Hiện nay có 3 quốc gia rất nghiêm khắc trong việc giám sát công dân của mình có những cử chỉ quan hệ với Mỹ và phương Tây, đó là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và bây giờ phải chăng là Việt Nam; qua vụ án Cù Huy Hà Vũ với việc kết án tới 7 năm tù và 3 năm quản thúc tại gia đối với ông thật sự là một đòn cảnh cáo nặng nề, choáng váng đối với ai có ảo tưởng tiếp cận các giá trị kinh tế, văn hóa, chính trị của Mỹ và phương tây…
Hiện nay trước sức ép trên mọi bình diện từ phía Trung Quốc, rất nhiều ý kiến cho rằng cần có một sự bắt tay, nương tựa với một thế lực khác để tạo thế cân bằng với Trung Quốc ? Vậy kết cục của vụ án Cù Huy Hà Vũ có trở thành một gáo nước lạnh dội vào quan hệ khác của Việt Nam? Liệu Việt Nam có bị rơi vào tình cảnh “tứ bề thọ địch” cả trong lẫn ngoài trong thời gian sắp tới; hay Việt Nam đã yên chí lớn, quyết tâm xây dựng quan hệ làm ăn lâu bền với Trung Quốc, vì nó thật sự phù hợp hơn về mặt thể chế chính trị nên sẽ an toàn hơn ?
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/Blog-reading-ha-vu-reactions-04062011071656.html