Bắt tay nhau "giải phóng" nhân dân - Dân Làm Báo

Bắt tay nhau "giải phóng" nhân dân

Ban bồi thường “làm thuê” cho chủ dự án

“Đã 66 tuổi đời, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một “HĐKT” quái lạ như thế này! Đường đường là Trưởng ban BTGPMB (một cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện Đức Hòa) lại ký hợp đồng với công ty tư nhân “kê biên giải phóng mặt bằng” để thu tiền tỷ thì chẳng còn gì để nói!”. - nạn nhân Đỗ Văn Được

Sau khi báo chí có bài viết liên quan đến vụ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhận hơn một tỷ đồng của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tân Đô (Cty Tân Đô) bằng “hợp đồng kinh tế”, nhiều bạn đọc, nhất là người dân bị thu hồi đất ở huyện Đức Hòa bày tỏ bức xúc đặt ra hàng loạt câu hỏi:

Ai cho phép ký hợp đồng? Tiền tỷ nhận được sử dụng ra sao, có chia chác không? Ngoài dự án này, Trưởng Ban bồi thường Nguyễn Đa Nhiêm còn đặt bút ký “hợp đồng kinh tế” tương tự nào không, nhận bao nhiêu tiền của các doanh nghiệp?...

Hợp đồng kinh tế được hai bên ký kết
Hợp đồng kinh tế được hai bên ký kết

"Sáng tạo" kiểu hợp tác làm ăn mới“

“Hợp đồng kinh tế” (HĐKT) số 48/HĐKT-BT.GPMT về việc “kê biên giải phóng mặt bằng giao Cty Tân Đô xây dựng hạ tầng công nghiệp” được Giám đốc Cty Tân Đô Nguyễn Tất Thắng (đại diện bên A) và Trưởng ban BTGPMT huyện Đức Hòa Nguyễn Đa Nhiêm (đại diện bên B) ký ngày 8-2-2006. Địa điểm để hai bên bàn bạc, ký kết là trụ sở Ban BTGPMB ở thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. “HĐKT” dài năm trang, gồm 8 điều, với nội dung cụ thể như sau:

Theo thỏa thuận tại điều 1 của “HĐKT”, Giám đốc Nguyễn Tất Thắng và Trưởng ban Nguyễn Đa Nhiêm cùng “nhất trí”: bên B được đại diện cho bên A thực hiện toàn bộ các công việc liên quan đến kê biên 3,095 triệu mét vuông đất của 209 hộ dân tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa; lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Theo điều 2 và 3, “HĐKT” được tiến hành trong 180 ngày với bảy phần việc cụ thể mà bên B phải thực hiện. Thứ nhất, tổ chức họp dân thông báo chủ trương quy hoạch. Thứ hai, lập biên bản kê biên từng hộ dân về diện tích đất, tài sản trên đất và các vấn đề khác có liên quan đến việc lập phương án bồi thường. Thứ ba, tiến hành áp giá, lập phương án bồi thường hoàn chỉnh trình Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư huyện Đức Hòa và UBND huyện Đức Hòa để phê duyệt.

Thứ tư, lập bản đề nghị (kèm theo trích lục bản đồ địa chính) để Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đức Hòa tham mưu UBND huyện ra quyết định thu hồi đất cho từng hộ dân. Thứ năm, tham mưu cho UBND huyện Đức Hòa ra quyết định bồi thường cho từng hộ dân. Thứ sáu, cung cấp hồ sơ pháp lý và thông báo để bên A chuẩn bị tiền bồi thường cho các hộ dân theo danh sách do bên B lập. Thứ sáu, giao cho bên A các hồ sơ kê biên và phương án bồi thường được UBND huyện Đức Hòa phê duyệt. Thứ bảy, hướng dẫn cho bên A lập thủ tục để được bàn giao mặt bằng đã giải tỏa.

Sang điều 4 và điều 5,  hai bên xác định “giá trị HĐKT” được tính theo “tỷ lệ phần trăm” với số tiền “tạm tính” là 1,032 tỷ đồng và “phương thức thanh toán” chia làm ba đợt (như Báo CATP đã phản ánh). Cụ thể, đợt một: bên A nộp 309,7 triệu đồng (tương đương 30% giá trị của “HĐKT”) ngay khi hợp đồng được ký kết; đợt hai: bên A thanh toán 516 triệu đồng sau khi bên B hoàn chỉnh công tác kê biên và áp giá lập phương án bồi thường; đợt ba: bên A thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng. Nếu các lần thanh toán mà  bên A trễ hạn quá một tháng (kể từ ngày có giấy “đề nghị thanh toán”) thì bên B có quyền đưa vụ việc ra trước cơ quan thẩm quyền giải quyết. Bên A phải chịu mức “lãi suất” quá hạn cho bên B.

Chuyển sang điều 6, hai bên xác định rõ “trách nhiệm” phải làm. Cụ thể:

Đối với bên B: Tổ chức thực hiện toàn bộ các công việc quy định tại điều 3 của HĐKT, đảm bảo đúng cam kết như đã thỏa thuận. Ngoài ra, bên B phải giải quyết các khiếu nại có liên quan đến tài sản trên đất và các chính sách mà người bị thiệt hại được hưởng theo quy định của pháp luật. Bên B còn phải bàn giao cho bên A một bộ hồ sơ đầy đủ liên quan đến các công việc đã thực hiện được nêu trong HĐKT cùng các giấy tờ có liên quan khác khi bên A có yêu cầu.

Đối với bên A: lập thủ tục để trình UBND tỉnh Long An ra quyết định thu hồi đất; cung cấp cho bên B các tài liệu phục vụ kê biên (số liệu đo đạc, bản vẽ của khu vực giải tỏa, danh sách các hộ dân bị giải tỏa...). Khi phương án bồi thường được phê duyệt bên A phải chuẩn bị tiền bồi thường để kịp thời chi trả cho dân. Ngoài ra, bên A còn cử người đại diện để cập nhật số liệu đã thực hiện trong từng giai đoạn làm cơ sở cho việc thanh toán đúng cam kết theo quy định tại điều 5 của hợp đồng.

Về trách nhiệm hai bên phải “phối hợp”: Khi có khiếu nại về giá bồi thường đất và tài sản trên đất hay phát sinh vướng mắc thì bên B kết hợp với bên A cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Hai bên phối hợp thống nhất việc chi trả tiền bồi thường, địa điểm chi trả và thông báo cho các hộ dân biết...

Hai điều cuối 7 và 8 trong “HĐKT” quy định về giải quyết khi các bên xảy ra tranh chấp và các khoản thi hành cũng như hiệu lực của hợp đồng...

Thực chất là "làm thuê" được trả công

Là người phát hiện ra “HĐKT”, ông Đỗ Văn Được (bị thu hồi 13.435m2 đất làm dự án) kêu trời: “Đã 66 tuổi đời, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một “HĐKT” quái lạ như thế này! Đường đường là Trưởng ban BTGPMB (một cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện Đức Hòa) lại ký hợp đồng với công ty tư nhân “kê biên giải phóng mặt bằng” để thu tiền tỷ thì chẳng còn gì để nói!”. Ông Được bức xúc: Đối với những dự án thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng hay an ninh quốc phòng thì các cán bộ Ban BTGPMB huyện Đức Hòa (trong đó có ông Nguyễn Đa Nhiêm) được hưởng lương Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện các công việc như đã nêu trong hợp đồng này.

Ngược lại với các dự án  kinh doanh thu lợi, cụ thể như dự án của Cty Tân Đô, chủ đầu tư phải thực hiện nhiều phần việc theo đúng  quy định pháp luật, trong đó có việc thương lượng với chủ sử dụng đất về giá đền bù. Đằng này, chủ đầu tư không làm, bỏ tiền “khoán gọn” cho Ban BTGPMB huyện Đức Hòa rồi “ngồi chơi xơi nước”. Ban BTGPMT nhận tiền “làm thuê” nên đứng về phía chủ đầu tư, dùng quyền ép dân, áp giá đền bù rẻ mạt...

Với những gì đã và đang xảy ra, chúng tôi nhận thấy việc tố cáo của ông Được là có cơ sở. Báo CATP đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An khẩn trương chỉ đạo làm rõ, xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh để bức xúc của người dân kéo dài...

http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Ban-boi-thuong-lam-thue-cho-chu-du-an/39673



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo