Năm 2009, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng NN&PTNT là 3.600 tỉ đồng nhưng cuối cùng chỉ còn 744 tỉ.
Như đã thông tin ở số báo trước, cuộc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tiến hành tại Công ty Cho thuê tài chính II - Ngân hàng NN&PTNT (ALC II) năm 2010 cho thấy những số liệu rõ ràng hàng ngàn tỉ đồng thua lỗ và những sai phạm, làm trái nghiêm trọng tại đây. Bước đầu báo cáo kiểm toán cũng đã xác định được địa chỉ trách nhiệm tập thể và cá nhân cụ thể.
Ngân hàng NN&PTNT liên đới trách nhiệm
Địa chỉ đầu tiên, trực tiếp và rõ nhất được chỉ ra là ông Vũ Quốc Hảo, Tổng Giám đốc ALC II, cho đến khi những sai phạm ở đây bắt đầu bị Ngân hàng NN&PTNT phát hiện vào đầu năm 2009. Kiểm toán Nhà nước kết luận ông Hảo đã cố ý làm trái các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), của Ngân hàng NN&PTNT và kể cả của chính Hội đồng quản trị (HĐQT) ALC II, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tiền và tài sản Nhà nước. Về trách nhiệm tập thể, HĐQT và các phòng chức năng ở ALC II đã thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc trực tiếp có nhiều sai phạm, tham mưu những nội dung trái pháp luật.
Gián tiếp hơn, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Ngân hàng NN&PTNT, chủ quản của ALC II, cũng có trách nhiệm, có sai phạm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của ALC II - một tổ chức tài chính tín dụng phi ngân hàng mà luật đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, ông Đỗ Tất Ngọc là chủ tịch HĐQT Ngân hàng NN&PTNT giai đoạn 2007 đồng thời là chủ tịch HĐQT ALC II đã ký những văn bản cho phép ALC II nâng hạn mức vay vốn bỏ qua các chuẩn mực an toàn, trong khi lúc ấy ALC II đã thực nợ vượt hạn mức cho phép của NHNN.
Những sự việc xảy ra ở ALC II còn có phần trách nhiệm của ban giám đốc, ban kiểm soát, một số phòng ban chuyên môn thuộc Ngân hàng NN&PTNT do không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, không phát hiện những rủi ro tiềm ẩn.
Kiểm điểm chưa nghiêm túc
Những sai phạm ấy đã được thống đốc NHNN chỉ ra từ đầu năm 2010 và yêu cầu kiểm điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, việc kiểm điểm sau đó của các tập thể, cá nhân tại Ngân hàng NN&PTNT vẫn chưa đầy đủ, chưa thấy hết trách nhiệm của mình. Thậm chí NHNN đã yêu cầu kiểm điểm lại để báo cáo Chính phủ nhưng đến thời điểm kiểm toán, Ngân hàng NN&PTNT vẫn chưa thực hiện.
Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ngân hàng NN&PTNT phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan. ALC II hiện đang trong tình trạng giám sát đặc biệt của Ngân hàng NN&PTNT. Vì vậy, ban lãnh đạo phải cùng với tổ giám sát đặc biệt rà soát lại các khoản đầu tư trái quy định, có biện pháp tăng tài sản đảm bảo cho các khoản đầu tư, hủy hoặc thanh lý các hợp đồng đầu tư để thu hồi tiền, tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho Nhà nước.
Người lao động bị thiệt do lỗi một nhóm người
Những sai phạm, thất thoát, lỗ nghiêm trọng tại ALC II ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hơn 40.000 lao động trong hệ thống Ngân hàng NN&PTNT. Năm 2009, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng NN&PTNT hơn 3.600 tỉ đồng nhưng hợp nhất với khoản lỗ, lãi ở ALC II và các công ty con khác chỉ còn 744 tỉ đồng. Thu nhập của người lao động trên toàn hệ thống dựa trên chỉ tiêu lợi nhuận bị ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Ngân hàng NN&PTNT cần đề xuất với cấp có thẩm quyền để người lao động trong hệ thống không bị thiệt thòi do sai phạm của một nhóm nhỏ cá nhân ở ALC II.
Nguyên tổng giám đốc ALC II bị đe dọa tính mạng
Quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã có phối hợp, chia sẻ thông tin với Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Cục Điều tra tội phạm tham nhũng (C48 Bộ Công an)… Vì vậy, chuyên án ALC II và các cuộc xác minh, thanh tra đột xuất, toàn diện đã được tiến hành.
Thông tin ban đầu cho thấy ông Vũ Quốc Hảo đã thông đồng với nhiều chủ doanh nghiệp bên ngoài, đứng ra huy động vốn, cho vay lại có thu phí, mà bản chất là tham nhũng. Ông Hảo còn liên quan đến nhiều hợp đồng danh nghĩa là đầu tư, mua tài sản nhưng thực chất là nhằm chuyển tiền cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài, kể cả các công ty sân sau, người quen để sử dụng vào mục đích khác. Trong số này, hàng chục tỉ đồng được chia chác trở lại để ông Hảo mua bất động sản.
Ngoài ra, trong thời gian làm tổng giám đốc ALC II, ông có nhiều mối quan hệ tài chính bất thường với bên ngoài. Nên từ khi bị cách chức (đầu năm 2009), ông Hảo bị những đối tượng ngoài xã hội đe dọa tính mạng. Để bảo vệ mắt xích trách nhiệm quan trọng này, từ đầu năm 2011 đến nay, ALC II đã phải thuê công ty bảo vệ canh chừng ông Hảo 24/24 giờ.
__________________________________________________
Cho thuê tài chính là gì?
Cho thuê tài chính là hoạt động tín dụng trung và dài hạn thông qua việc cho thuê máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác trên cơ sở hợp đồng cho thuê giữa bên cho thuê là các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và bên thuê là khách hàng.
Bên cho thuê (công ty cho thuê tài chính) cam kết mua máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác theo yêu cầu của bên thuê (cá nhân, tổ chức) và nắm quyền sở hữu đối với các tài sản thuê trong suốt quá trình thuê. Bên thuê được sử dụng tài sản thuê, thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê đã được hai bên thỏa thuận và không được hủy bỏ hợp đồng thuê trước thời hạn. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được chuyển quyền sở hữu (với giá tượng trưng), mua lại hoặc tiếp tục thuê tài sản đó theo các điều kiện đã được hai bên thỏa thuận.
Ở đây cần hiểu tài sản thuê là các máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác được công ty đứng ra mua theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với các tài sản này trong suốt thời hạn cho thuê. Hiện nay, các công ty cho thuê tài chính không được cho thuê bất động sản, cũng không được cho vay tiền.
Công ty cho thuê tài chính đầu tiên thành lập ở Việt Nam vào năm 1996 và hoạt động này chỉ sôi nổi kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 16 năm 2001. ở Việt Nam, công ty cho thuê tài chính thường là công ty con trực thuộc ngân hàng.
Ông ĐINH THẾ HIỂN,
Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và tin học ứng dụng
NGHĨA NHÂN