Dai như đỉa - Dân Làm Báo

Dai như đỉa

Sau những thớt nghiễn, móng trâu, rễ hồi, râu ngô non, mèo, ốc bươu vàng, đồng vụn, cáp quang và gần đây nhất là gỗ sưa, đến bây giờ, các thương lái Trung Quốc lại bắt đầu chiến dịch mua vét…đỉa.

Nông dân các tỉnh đã bắt đầu “kiếm thêm” bằng cách vãi vôi khắp các cánh đồng để bắt đỉa, để bán đỉa với giá 10 ngàn đồng mỗi con, hay cả triệu mỗi cân, dù chỉ nghe mang máng là họ mua về… làm thuốc. Có lẽ không xa, sẽ lại tái hiện phong trào “nhà nhà đỉa, người người đỉa” y như cách thức chúng ta nhập khẩu ốc bươu vàng hơn chục năm trước hay “mót cáp quang” hồi năm 2007.

Tháng 4- 2007, các cơ quan quản lý tá hoả tam tinh khi tuyến cáp quang quốc tế TVH nối Việt Nam với Thái Lan và Hồng Kông bị cắt trộm. Tập đoàn Bưu chính viễn thông sau đó ước tính 11 km cáp quang bị cắt đã gây thiệt hại hàng chục triệu USD. Vụ trưởng Vụ Viễn Thông- Bộ TT và TT, ông Phạm Hồng Hải khi đó đã khuyến cáo rằng: Sợi cáp quang không thể bán cho người thu mua phế liệu vì lõi làm bằng thủy tinh chứ không phải làm bằng đồng. Nhưng khuyến cáo đó không có tác dụng. Liền sau đó, liên tiếp xảy ra các vụ cắt cáp ở hàng loạt các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Sự thể bấy giờ nghiêm trọng đến mức các lực lượng hải quân, biên phòng, công an được huy động tuần tra để bảo vệ cáp, có ý nghĩa như những huyết mạch nối Việt Nam với thế giới. Tổng cục Cảnh sát thậm chí có lệnh cấm khai thác “cáp phế liệu” gửi hầu hết tỉnh, thành và từ động thái này, lại lòi ra chuyện một vài tỉnh thậm chí còn cấp phép cho ngư dân khai thác phế liệu đối với loại tài sản quốc gia quan trọng như cáp quang biển. Khó có thể đổ lỗi cho ngư dân vì với họ cáp quan trọng hay cáp phê liệu cái nào cũng là cáp. Khi quăng lưới, cắt cáp, họ không phân biệt được, cũng chả cần phân biệt cáp với cá có gì khác nhau khi bản chất vẫn là chuyện “quy ra tiền”.

Vài tháng sau đó, khi nữ “cáp tặc” Nguyễn Thị Bích Phượng bị bắt giữ tại Bà Rịa- Vũng Tàu, bị đưa ra toà và lĩnh án 12 năm tù, người ta mới hiểu tại sao Phượng sẵn sàng thế chấp tài sản, mua 3 con tàu chỉ để đi cắt trộm cáp quang trên biển bán phế liệu. Rất đơn giản bởi người mua là các thương lái Trung Quốc.

Cho đến bây giờ, cũng không ai hiểu được họ mua loại cáp đó để làm gì.

Nhiều thứ khác cũng chung tình trạng “không rõ nguyên nhân”, chẳng hạn gỗ sưa- nghe đồn quý lắm, nhưng quý để làm gì thì không ai biết, hay móng trâu, rễ hồi, thớt nghiến cũng vậy.

Liệu Trung Quốc đã thiếu đỉa đến độ phải mua vét ở Việt Nam?

Khi các sản phẩm kỳ dị được mua vét với số lượng lớn, với giá cao bất thường thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phải đặt câu hỏi “vì sao” để khuyến cáo dân chúng cần phải làm gì mới tạo ra được sự đồng thuận, chứ không thể cứ chạy theo để cấm một cách thụ động khi sự bất bình thường đã để lại hậu quả.

Dù là động vật hút máu bị ghê sợ, nhưng rõ ràng việc vét đỉa ở khắp các cánh đồng miền Bắc để phục vụ cho nhu cầu kỳ quái không xuất phát từ nhu cầu thị trường trong nước đáng phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Với 10 ngàn đồng cho mỗi con đỉa, có thể ngay ngày mai, người dân sẽ đổ xô vào nuôi đỉa, y như cách thức họ nuôi ốc bươu vàng hay rùa tai đỏ. Mà đỉa thì … “sống dai như đỉa” khi mỗi con chết đi có khả năng sinh ra 3 con mới.

Hồi những năm 90 của thế kỷ trước, khi ốc bươu vàng được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, người ta chỉ biết đến nó như một nguồn thực phẩm mới, thậm chí, một phương pháp làm giàu. Khi dịch ốc bươu vàng bùng phát trên toàn quốc, những cánh đồng bị tàn phá dưới miệng ốc mới cho thấy mặt trái của vấn đề.

Nhiều sự việc ngay khi xảy ra, như việc thu gom cáp quang phế liệu, có thể nhìn thấy ngay hậu quả, tính ngay được thiệt hại hàng chục triệu USD. Nhưng nhiều việc khác, chẳng hạn cách thức con ốc bươu vàng được du nhập và phát triển ở Việt Nam lại cần thời gian để hiểu hết được cái hại.

Gom đỉa, vét những thứ đại loại như đỉa. Đúng là một chính sách hút máu dai như đỉa.
Không biết sau đỉa sẽ là gì nữa đây.

Nguồn : Blog Tuanddk



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo