Khi luật pháp được dùng đúng chỗ - Dân Làm Báo

Khi luật pháp được dùng đúng chỗ

Trung Bảo - Nếu là người chí công vô tư, sau khi nhận huân chương Quân công hạng 1 vì chỉ đạo phá chuyên án C509 liên quan đến các nhà hoạt động Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung...tướng Lê Hồng Anh nên kỷ luật thuộc cấp của mình vì vật chứng "hai chiếc bao cao su" trong vụ bắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Cách tạo cớ bắt người bằng bao cao su và phòng trọ khiến hình ảnh lực lượng an ninh trở nên xấu xa vô cùng trong mắt đa số người Việt, vốn sống trong một xã hội mà chuyện tình dục vẫn còn bị xem là một đề tài nhạy cảm.

Sau phiên tòa hôm 4.4, những người siêng lướt mạng không thấy các thành phần trước đây đã hân hoan khi ông Hà Vũ bị bắt vì bao cao su bày tỏ thêm ý kiến gì về vụ xử ngoài sự chỉ trích cá nhân ông tiến sĩ này là người "ngông cuồng, trịch thượng, ngạo mạn". Tiếc thay, những đức tính mà họ nhận xét về ông Hà Vũ không làm nên một sự vi phạm pháp luật. Ngụy tạo bằng chứng để bắt người mới phạm vào Bộ luật Hình sự và từ chối không đưa bằng chứng ra trước phiên tòa mới phạm vào Luật Tố tụng.

Có thể hiểu được sự khó khăn của ông chánh án Nguyễn Hữu Chính khi cương quyết không đưa ra 10 tài liệu, bài viết được sử dụng như bằng chứng để buộc tội ông Hà Vũ vi phạm điều 88 BLHS. Đưa cho một người có khả năng hùng biện như ông Hà Vũ những tài liệu đó giữa một phiên tòa thu hút nhiều sự chú ý có thể giúp ông này biến phiên tòa thành một dịp "tuyên truyền" cho danh tiếng và quan điểm của ông trước đông đảo quần chúng. Cái hại này lớn hơn việc vi phạm công khai Luật Tố tụng. Không đưa ra bằng chứng "hai bao cao su", chánh án Nguyễn Hữu Chính cũng gián tiếp chỉ ra chỗ sai trái của lực lượng an ninh khi tiến hành thủ tục bắt người.

Khác với những nhà hoạt động bị đưa ra xét xử, ông Hà Vũ khiến chính quyền khó chịu hơn khi ông liên tục sử dụng công cụ pháp luật để kiện những tổ chức, cá nhân cụ thể trong bộ máy chứ không chỉ chống lại một ý thức hệ chung chung. Đầu tiên là Ủy ban Nhân dân Huế, cuối cùng là cá nhân ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Vũ đã tạo ra một tiền lệ, người dân biết mình có quyền kiện bất cứ ai có việc làm sai phạm pháp luật.

Cứ tưởng tượng, hàng nghìn người nộp đơn khiếu kiện lên tòa án vì cho rằng các quan chức "cướp" đất của mình sẽ khiến bộ máy công quyền gian nan ra sao! Thay vì những cuộc "tụ tập" đông đảo ngoài đường là hàng nghìn lá đơn khởi kiện, là hàng nghìn yêu cầu trả lời về việc không đưa ra xử lý vụ việc vi phạm trước pháp luật. Trong mắt người dân, sẽ không còn các "quân vương" bất khả xâm phạm mà tất cả sẽ trở nên bình đẳng trước pháp luật.

Đi cùng những vụ kiện đương nhiên sẽ là sự liên kết giữa những luật sư và người dân mất đất. Việc khởi kiện trên diện rộng cũng sẽ lôi kéo sự chú ý của truyền thông bên ngoài và cả trong nước. Tạo ra một mối liên kết giữa các tầng lớp nhân dân trong những vấn đề như vậy, điều các nhà cầm quyền không bao giờ muốn.

Không có gì khó chịu cho một nhà nước hơn là người dân dùng luật pháp của chính nhà nước đó để chống lại nó.

Có lẽ, ông Cù Huy Cận khi còn sống sẽ không thể nào tưởng tượng nổi tòa án Nhân dân Hà Nội, cách nhà ngục Hỏa Lò chỉ hơn 200 mét, lại là nơi xử con trai của ông vì tội "tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN". Nhà ngục Hỏa Lò, nơi từng giam giữ các đồng chí của ông Huy Cận vì tội "hoạt động, tuyên truyền chống phá nhà nước bảo hộ". Người xưa có tích "bể dâu" quả thật rất thâm thúy.

Trong tác phẩm Quân Vương của Niccolo Machiavelli, một tác phẩm được xem là kim chỉ nam của ngành chính trị học, ông viết: "Như đã lưu ý, bậc quân vương nên chú trọng vào việc tránh những gì khiến ông bị thù ghét và khinh miệt". Dung túng lực lượng kiêu binh bắt người với chứng cứ ngụy tạo, giết người nhưng không bị xử lý đích đáng sẽ tạo nên sự thù ghét. Liên tục vi phạm những điều luật do chính mình đề ra sẽ tạo nên sự khinh miệt.

Trung Bảo

http://menam0.multiply.com/journal/item/464/464

 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo