Không thu phục được nhân tâm sẽ không có cách mạng - Dân Làm Báo

Không thu phục được nhân tâm sẽ không có cách mạng

Lê Nguyên Hồng - Có người nói: “Muốn làm cách mạng phải có minh chủ”. Có người lại nói: “Ngày nay là thời của Đa nguyên, không cần phải có minh chủ mà cần có nhiều tổ chức được đoàn kết lại”. Cả hai người nói trên đều đúng, mặc dù ý kiến của họ có vẻ như trái chiều nhau.

Ai đó thuyết phục được số đông, tập hợp được họ, đoàn kết lại và cùng thực hiện một mục đích nào đó, chính là người ít nhiều có tố chất làm một minh chủ. Trên thực tế, không phải bất cứ ai có tài cao học rộng, hiểu biết nhiều, kinh nghiệm sống nhiều, mới có khả năng thu phục được đám đông. Có lẽ người “có duyên” khiến một số đông nào đó phải quy phục, tuân phục, chỉ là người biết rõ những người trong số đông kia đang muốn gì mà thôi.

Tại sao một Năm Cam ít học, không mấy khả năng dao búa, lại có thể thu phục được hàng trăm những kẻ giang hồ máu lạnh cộm cán đầu quân dưới trướng của mình? Tại sao một Dung Hà chỉ là một phụ nữ, dù có máu lạnh đến mấy, hung tợn đến mấy, cũng vẫn là phận nữ nhi chân yếu tay mềm lại có thể lên làm trùm giang hồ suốt từ Bắc chí Nam, với hàng ngàn đệ tử? Đơn giản vì Năm Cam và Dung Hà đều là những kẻ khôn ngoan lọc lõi, biết thu phục đàn em bằng cách thỏa mãn những thú vui, những sở thích rất bản năng trước mắt của đám đệ tử, đó chính là sự chia chác lợi nhuận một cách hợp lý. Nhưng thiết nghĩ cũng phải nhắc đến việc hai trùm giang hồ nói trên biết cách khai thác ân oán giang hồ (là những loại tình cảm và tâm lý xã hội đen có thật). Sau đó cũng chính vì sự không chấp nhận chia xẻ quyền lực với kẻ ngang hàng, nên Năm Cam và Dung Hà đã triệt hạ nhau, dẫn đến vụ sát hại Dung Hà còn Năm Cam thì lãnh án tử hình. Đó cũng là kết cục tất yếu cho những kẻ sống bằng những nghề bất hảo…

So sánh quả là luôn khập khiễng. Nhưng lấy ví dụ Năm Cam và Dung Hà ra để dẫn chứng cho mẹo thu phục lòng người thì có lẽ không có gì quá đáng. Từ đó rút ra một kết luận rằng: Việc thu phục nhân tâm là điều mà bất cứ ai, làm bất cứ ngành nghề gì cũng cần phải làm, nếu họ muốn điều hành được đám đông nhờ sự nể trọng và tuân phục.

Thuật Tâm công, hay Đắc nhân tâm, là một nghệ thuật thu phục lòng người quan trọng. Nhưng trước hết ta cần biết độ lượng trong việc đánh giá tư cách, năng lực, hành vi của người khác, vì không ai là người hoàn hảo trên đời. Để làm được điều này tưởng như vô cùng đơn giản, nhưng thực ra không hề dễ dàng, vì cái “tôi” của mỗi người là rất lớn. Chúng ta thường tự cho phép bản thân đứng trên cao để đánh giá người khác, thay vì nên tự xếp mình đứng ngang bằng hoặc thấp hơn đối tượng để nhìn nhận vấn đề.

Vậy một người sẽ trở thành minh chủ phải như thế nào?

Trước hết người đó phải không nghĩ, hoặc không đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu làm một minh chủ. Vị trí minh chủ là cái tất nhiên đến, qua sự chọn lựa theo lối chọn lọc tự nhiên, hiểu cụm từ “chọn lọc tự nhiên” ở đây không phải là cách chọn lọc tự nhiên trong sinh tồn của sinh vật.

Một cá nhân cần tỏ ra quan tâm và yêu mến mọi người, đôi khi sẽ nhận được những kết quả còn cao hơn cả sự mong đợi. con người thường cảm kích những ai thực lòng yêu mến họ. Quy luật này quả đơn giản, hãy tỏ cho người ta thấy mình đã yêu quý họ, một cách tự nhiên, họ sẽ coi ta như người thân thiết. Khi đó họ sẽ dễ dàng lắng nghe, sẵn sàng chấp nhận ý kiến của ta.

Hãy khen ngợi người khác, nhưng phải đúng lúc đúng chỗ và phải đúng “liều lượng”. Hãy chia xẻ suy nghĩ và tình cảm của mình với mọi người, nếu thấy điều kiện phù hợp về hoàn cảnh không gian, thời gian.

Hãy cho, tặng cho mọi người những gì mình có, và sẽ nhận được sự đền đáp. Tất nhiên ta không cần phải cho người khác những thứ mà ta không có, điều đó thực ra là một sự giả dối, không thực tế. Năm Cam và Dung Hà là những đầu lĩnh xã hội đen biết ra tay cứu giúp những kẻ túng quẫn trong lúc những kẻ ấy sa cơ. Đây là một đòn thu phục rất tâm lý, nhưng lại quá dễ làm với những ai đang có khả năng tài chính mạnh trong tay. Điều này gần giống như là việc đầu tư sản xuất hay kinh doanh: Hãy tạo ra lợi nguận trước cho đối tác, trước khi chúng ta thu lợi lại cho mình.

Người muốn thu phục được đám đông phải làm được một hay nhiều việc mà người khác không làm, hoặc không làm được, thậm chí chưa dám nghĩ để làm. Điều này có giá trị vô cùng lớn.

Khi đã có vị thế xây dựng bằng sự tin tưởng, tức là ai đó đã tự tạo ra cho mình một đẳng cấp trong cộng đồng. Đẳng cấp này chính là thứ “quân hàm dân sự” vô hình, được truyền miệng, khiến những người chưa từng quen biết hoặc chỉ vừa mới quen biết, đã có sẵn sự nể trọng đối với họ.

Trong quá khứ, đại đa số dân chúng ở các nước như Nga, Ấn, Nam Phi, Việt Nam, Trung Quốc, chưa hề gặp mặt Lê Nin, Gandhi, Nelson Mandela, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông vv.., nhiều lắm thì họ chỉ được thấy các lãnh tụ minh chủ của mình qua phim ảnh, sách báo. Nhưng họ vẫn sẵn sàng tin nghe, thậm chí dám hy sinh tính mạng của mình cho minh chủ của họ. Đó là vì sao? Chính là vì những lãnh tụ kể trên đã đạt được một đẳng cấp tột đỉnh của quyền lực thu phục nhân tâm, thông qua những hy sinh ban đầu của họ…

Một người có tố chất minh chủ, vì vậy phải biết hy sinh. Họ biết chấp nhận thiệt thòi trước mắt. Như người anh trong gia đình chấp nhận nhận phần ít hơn các em của mình, thậm chí nhường phần của mình cho các em, và luôn giành lấy công việc nặng nề hơn mọi người, người ấy chắc chắn sẽ được các em của mình nể trọng.

Trong lĩnh vực cách mạng, một người có điều kiện và tố chất của một minh chủ (hay nói gọn nghĩa hơn là làm thủ lĩnh hay lãnh đạo), phải là người thu phục được nhân tâm, có uy tín cao trong cộng đồng. Nếu người đó đã từng hoặc đang là nhân sự trung, cao cấp của một quốc gia thì rất có ưu thế (tỉ như cựu quân cán chính trung, cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa ngày trước, hay cựu cán bộ cao cấp của nhà nước Việt Nam Cộng Sản hiện nay). Bên cạnh đó lợi thế về mặt tầm cao trí thức như các vị tiến sĩ, cử nhân, các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, là điều rất thuận lợi. Vấn đề bề dày thành tích cống hiến cho cộng đồng cũng là một tiêu chuẩn đáng đề cập…

Tóm lại, người lãnh đạo cách mạng sẽ phải là một con người có tố chất làm minh chủ, họ phải có nhiều ưu điểm vượt trội hơn những người khác trong cộng đồng. Tất nhiên những phẩm chất căn bản hàng đầu bắt buộc họ phải có, đó là sự dũng cảm, tầm suy nghĩ rộng, có trái tim nóng và cái đầu minh tiệp.

Tuy nhiên, không có một chuẩn mực nào, không có một ngôi trường nào trên thế giới đào tạo ra một con người chỉ để làm lãnh đạo cách mạng. Vì vậy cơ hội làm cách mạng cũng như cơ hội vươn lên làm lãnh đạo hay lãnh tụ cách mạng là bình đẳng cho tất cả mọi người.

Thời của sự Đa nguyên, cách mạng dân chủ có cần minh chủ không? Rất cần. Bởi vì nếu nếu không có những nhà lãnh đạo đủ tài năng, đức độ thu phục nhân tâm, có tiếng nói thuyết phục để kết nối các tổ chức, thống nhất các tổ chức đấu tranh lại thành một khối liên minh vững chắc, thì cách mạng chỉ là một mớ hỗn độn các bè phái. Cách mạng sẽ nhanh chóng đi vào ngõ cụt rối rắm bới chuyện “lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng”.

Đa nguyên là bản chất của cuộc sống, thế nhưng trong cách mạng, nếu không có trật tự thì sự đa nguyên sẽ tự hủy hoại thành quả đấu tranh, vì Đa nguyên luôn ẩn chứa tính cạnh tranh sâu sắc, khi cách mạng chưa hoàn thành thì chính sự cạnh tranh của Đa nguyên lại là loại “dao động con lắc” làm chậm, thậm chí lật đổ “chiếc xe” cách mạng.

Vậy chắc chắn rằng: Đa nguyên chính trị xuất hiện nhiều tổ chức, nhiều đảng phái là lẽ tất nhiên. Nhưng không có minh chủ, không thu phục được nhân tâm thì sẽ không có cách mạng, hoặc sẽ chỉ là cách mạng “một nửa”, không thể đi đến thành công.

Lê Nguyên Hồng

http://nguyenhong8406.blogspot.com/2011/04/khong-thu-phuc-uoc-nhan-tam-se-khong-co.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo