Nguyễn Tường Thụy - Có một điều cần suy nghĩ là “lề trái” toàn viện vào những lý lẽ căn cứ vào pháp luật Việt Nam và những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ok. Cánh này còn trưng ra các bức ảnh chặn đường, bắt người, đăng lại cả những bài báo “lề phải” để độc giả suy ngẫm (“bọn này” có vẻ tự tin đáo để), trong khi “lề phải” chẳng bao giờ dám đăng lại bài của “lề trái”.
*
Vậy là một tuần đã qua kể từ vụ xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ về tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN VN”.
Trước sự kiện động trời này, chẳng lẽ báo chí Nhà nước không nói gì. Thôi thì mỗi tờ đưa lên một bài ngay sau phiên xử. Có những bản tin ngắn gọn, chủ yếu là trích dẫn và cũng chỉ dám đưa một nửa sự thật. Có tờ thêm chút bình luận. Còn “Sài Gòn tiếp thị” thì coi như không biết đến cái vụ xử án này.
Thế rồi thôi. “Lề phải” để mặc cho “lề trái” ra sức tung hoành. Vietnamnet quay sang đưa tin về “cụ” rùa Hồ Gươm, Hồ Gươm có 1, 2 hay 5 “cụ” làm giáo sư Hà Đình Đức cũng đau đầu. Nhiều tờ khác trở lại những tin cướp, hiếp, giết, ảnh nuy … vẫn xảy ra hàng ngày.
Cho đến bây giờ, xem chừng cánh “lề trái” vẫn chưa bớt hăng hái (“bọn này” ở đâu ra mà đông thế?). Ngoài việc chứng minh Cù Huy Hà Vũ vô tội, lên án Hội đồng xét xử không làm đúng qui định về thủ tục tố tụng … , “lề trái” còn cho rằng việc phiên tòa sử dụng lực lượng bảo vệ, công an chìm, nổi và các phương tiện hỗ trợ (kể cả các phương tiện kỹ thuật hiện đại) quá mức cần thiết để bắt người, dẹp đám đông, ngăn chặn dân tụ tập, mang hoa để ủng hộ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là biểu hiện của sự sợ hãi.
Có một điều cần suy nghĩ là “lề trái” toàn viện vào những lý lẽ căn cứ vào pháp luật Việt Nam và những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ok. Cánh này còn trưng ra các bức ảnh chặn đường, bắt người, đăng lại cả những bài báo “lề phải” để độc giả suy ngẫm (“bọn này” có vẻ tự tin đáo để), trong khi “lề phải” chẳng bao giờ dám đăng lại bài của “lề trái”.
Giáo sư Ngô Bảo Châu, niềm tự hào của người Việt Nam (và cả của Đảng, Nhà nước Việt nam), thần tượng của thế hệ trẻ, cũng đưa ra một câu để đời: “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”.
Tôi chợt nhớ đến Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975. Trước sự tiến công như vũ bão của đối phương, không khí chính trị ở Sài Gòn lúc đó vô cùng căng thẳng, an ninh rất hỗn loạn. Tất nhiên, vất vả nhất vẫn là lực lượng cảnh sát. Tôi đọc báo Hà Nội hồi ấy, thấy một câu chuyện thế này: cảnh sát Sài Gòn đàn áp, giải tán đám đông và không cho báo chí tiếp cận lấy tin, mới chĩa súng đe bắn một phóng viên Pháp (của hãng AP). Phóng viên này liền phanh ngực ra thách thức: “Bắn đi! Các anh thua rồi”.
Tác giả bài báo bình luận: “Phải nói phóng viên này có một nhãn quan rất tốt”.
Nguyễn Tường Thụy