Ngô Nhân Dụng - Sau khi đọc tin, coi hình ảnh hoặc chứng kiến thái độ bình tĩnh của người Nhật Bản sau cuộc động đất và sóng thần vừa qua, chúng ta phải công nhận dân Nhật có những đức tính mà mình phải học. Thái độ khiêm cung này rất cần thiết; vì nếu mình không nhìn thấy, không biết thán phục những cái hay của người khác thì cũng không biết tự sửa chữa những cái dở của mình.
Nhưng không thể so sánh Việt Nam với Nhật Bản hay với bất cứ nước nào, để nói dân tộc này hơn hay kém một dân tộc khác. Người mình có những ưu điểm khác với người Nhật, cũng như người Nhật có những nhược điểm khác với mình. Chúng ta có thể nhìn lại với con mắt quân bình, không thiên kiến, để thấy không phải cái gì mình cũng nên giống như người Nhật Bản. Có thể rút kinh nghiệm vụ động đất vừa qua để thấy xã hội Nhật Bản có một tinh thần khắc kỷ và trật tự rất mạnh; nhưng ngược lại họ quá cứng rắn, có khi thành cố chấp. Trong khi cũng phải công nhận dân Việt mình thì có tính mềm dẻo, linh động nhiều khi quá đáng, cần phải tránh.
Tuần báo Economist tường thuật sau trận động đất và sóng thần đánh vào làng Kesennuma, nơi có hơn 25 ngàn người chết hoặc mất tích, cho thấy guồng máy chính quyền Nhật Bản quá cứng nhắc. Vì động đất người dân phải xếp hàng chờ đợi mua xăng. Tuy các nhà máy lọc dầu gia tăng hoạt động, số cung cấp xăng dầu không giảm đến mức quá thiếu thốn; nhưng chính việc áp dụng luật lệ cũng làm cảnh thiếu xăng trầm trọng hơn. Một điều luật ở Nhật bắt các trạm xăng phải dự trữ một số lượng đủ cung cấp cho 70 ngày. Ngay trong cảnh mới động đất xong, các trạm xăng khi thấy số dự trữ xuống tới mức 70 ngày cũng ngưng bán. Tất nhiên người tiêu thụ ở Nhật bình thản chấp nhận cảnh khan hiếm xăng do luật lệ gây ra như thế; vì bản chất họ luôn luôn trọng kỷ luật. Nhưng người ngoài thì ai cũng thấy trong hoàn cảnh khẩn cấp thì bảo vệ một điều luật như vậy là cố chấp! Phải đợi 10 ngày sau, chính phủ trung ương mới cho phép các trạm xăng chỉ giữ một khoảng dự trữ cho 45 ngày mà thôi!
Có thể nói hệ thống chính trị nước Nhật được xây dựng rất kiên cố, xã hội quá trật tự, không uyển chuyển để thích ứng với cơn nguy biến. Ngay khi bại trận, họ đã xóa bỏ chế độ quân phiệt độc tài, nhưng cả xã hội và hệ thống hành chánh vẫn tổ chức theo lối hàng dọc từ trên xuống dưới. Mọi sinh hoạt chính trị, kinh tế đều đặt dưới sự điều hành của ba thế lực trong xã hội. Đó là guồng máy hành chánh, các ngân hàng lớn, và các đại công ty. Chưa kể, một đảng chính trị gần như nắm độc quyền trong hơn nửa thế kỷ, vì đảng Tự do Dân chủ liên kết được cả ba thế lực trên. Người dân Nhật thản nhiên chấp nhận tình trạng đó từ năm 1947 khi bản hiến pháp dân chủ được áp dụng. Nhờ đảng Tự do Dân chủ và các đồng minh của họ trong guồng máy hành chánh và giới tài phiệt đã mang lại cuộc sống thịnh vượng, với những người lãnh đạo có tư cách đáng kính trọng cho nên dân Nhật vẫn chấp nhận. Nhưng một hệ thống chính trị tập trung và chỉ huy như vậy chứa sẵn mối rủi ro, nếu dân trí không cao hoặc nếu người cai trị không lương thiện. Thói quen răm rắp tuân theo lệnh trên của người dân và quyền hành tập trung vào guồng máy hành chánh đó không còn thích hợp khi phải đối phó với những biến cố bất ngờ lớn.
Người Nhật Bản đã nhìn thấy nhược điểm đó một lần trong vụ động đất ở Kobe năm 1995. Năm đó, chính phủ Nhật lúng túng và chậm chạp trước tai biến lớn lao (phải công bằng mà nói thêm rằng chính phủ Mỹ cũng lúng túng như vậy trong thời gian bão Katrina). Cuộc động đất Kobe đã khiến nhiều người Nhật cảm thấy mất lòng tin vào khả năng của họ. Năm nay chính phủ Naoto Kan đã phản ứng rất nhanh trong việc trấn an tinh thần dân chúng. Các công chức bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghệ làm việc ngày đêm, có lúc làm việc trong bóng tối để tiết kiệm điện. Nhưng guồng máy hành chánh vẫn chạy theo thói quen cố hữu.
Một nghị sĩ đảng đối lập, ông Kouta Matsuda đã cố gắng đi cấp cứu vùng Miyagi mà ông là đại biểu. Vốn là một nhà kinh doanh thành công, ông Matsuda đã lái một chiếc xe tải nhỏ 4 tấn chở phẩm vật tới giúp các cử tri của mình. Nhưng cảnh sát không cho phép ông lái chiếc xe đó trên con đường dành cho xe tải. Bởi vì đã có lệnh con đường đó được dành riêng cho các xe cấp cứu. Ông cho biết tại Miyagi còn rất nhiều thực phẩm nhưng thiếu một hệ thống phân phối hữu hiệu.
Sau đó, ông Matsuda đã mượn một chiếc máy bay trực thăng chở thức ăn, thuốc men và dụng cụ để sạc điện cho máy điện thoại di động tới Miyagi; nhưng cảnh sát không cho phép máy bay đáp xuống. Cũng vì đã có lệnh cấm. Ông bèn xin phép được thả các phẩm vật từ máy bay xuống đất; lại bị từ chối, vì làm như vậy là trái luật lệ, mặc dù chiếc trực thăng bay là là chỉ cách mặt đất có một mét!
Người Nhật rất trọng kỷ luật. Một chuyến xe lửa phải ngưng chạy trong 16 tiếng đồng hồ, nhưng tất cả các hành khách vẫn bình tĩnh và lễ độ; các phòng vệ sinh vẫn sạch sẽ không một vết nhơ. Đức tính kỷ luật của cả một dân tộc rất đáng kính phục. Nhưng thi hành luật lệ một cách cứng nhắc thì không nên, sẽ trở thành cố chấp. Người Việt Nam trái lại; có thói quen sống linh động, “chín bỏ làm mười.” Nhưng biến báo, uyển chuyển thái quá thì có khi sẽ thành vô kỷ luật.
Giữa hai thói xấu, tính cứng nhắc và thiếu kỷ luật, chúng ta không thể nói thói nào xấu hơn. Nhưng người ta chỉ phạm lỗi cứng nhắc hoặc cố chấp khi phải đối phó với những hoàn cảnh bất thường. Nghĩa là những trường hợp hiếm hoi. Trong hoàn cảnh bình thường, giữ đúng kỷ luật thì không gọi là cố chấp nữa. Còn thói “biến báo” có khi bất chấp kỷ luật thì nếu đã tập nhiễm sẽ khó bỏ; có thể sẽ trở thành một thói xấu thường xuyên, xã hội sẽ khó sống hạnh phúc.
Tại sao người Nhật với người Việt mình khác nhau như vậy? Những thói quen có tính cách tập thể này chắc đã thành hình suốt chiều dài lịch sử mỗi dân tộc. Trong hơn một ngàn năm gần đây, lớp người được kính trọng nhất trong xã hội Việt Nam là các nhà Nho. Ở Nhật Bản, lớp người ưu tú là những võ sĩ, đẳng cấp bushi xuất hiện từ thời đại Bình An (Heian, 794 - 1185). Năm 1185 Tướng quân Minamoto Yoritomo biến tầng lớp Samurai thành một định chế chính thức. Họ cũng được rèn luyện theo luân lý Nho giáo giống như các nhà Nho Việt Nam; nhưng người Nhật lấy các võ sĩ làm gương. Nho giáo truyền vào nước Nhật qua ngả Hàn Quốc. Năm 285, Vua Keun Ch'ogo thuộc triều đại Paekche đã cử một nhà Nho là Wang In đem 10 chương trong sách Luận Ngữ và cuốn Nhất Thiên Tự (Senjimon) sang Nhật Bản. Nho giáo được đưa sang Việt Nam sớm hơn; chính thức bắt đầu từ thời Sĩ Nhiếp (187 – 226). Cùng học một hệ thống đạo lý nhưng ở nước Nhật thì đẳng cấp võ sĩ là tiêu biểu cho nền đạo đức, nhấn mạnh đến lòng trung thành tuyệt đối với chủ nhân, tức là các sứ quân; trong khi đó ở nước ta chính các nhà Nho, tức là những văn nhân, là lớp người chuyên chở đạo lý.
Văn khác với võ; người Nhật cương còn người mình nhu. Vì kỷ luật là điều kiện sống còn của các người ra chiến trận, còn các nhà văn cần được tự do, và nghĩ đến tình hơn lý, trọng những cá tính đặc thù hơn tính chất đồng nhất của tập thể. Dân tộc nào cũng cần biết khai triển những ưu điểm của nền văn hóa mình trong khi phải học hỏi người khác.
Khung cảnh thiên nhiên có thể thay đổi lối sống. Khổng Tử đã nhận xét về ảnh hưởng của địa dư trên tính khí con người: "Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã; quân tử cư chi. Nhẫm kim cách, tử chi bất yếm, bắc phương chi cường dã; nhi cường giả cư chi" (Dậy dỗ người với lòng khoan nhu; không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của người phương nam; người quân tử theo đó. Nằm ngủ với áo giáp, binh khí; chết cũng không sợ, đó là sức mạnh của người phương bắc; người hùng mạnh theo đó, Trung Dung, 10) [寬柔以教,不報無道,
南 方之強也,君子居之。衽金革,死而不厭,北方之強也,而強者居之]. Trong câu trên Khổng Tử nói đến những giống dân không phải người Hán sống ở phía Nam Trường Giang và phía Bắc vùng châu thổ Hoàng Hà. Dân Nhật Bản có sức mạnh của người phương Bắc, người Việt Nam có sức mạnh của người phương Nam.
Nhu quá thành vô kỷ luật, cương quá thành cố chấp. Mỗi dân tộc Việt và Nhật có nhiều ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng của luân lý Nho giáo cũng như dân Hàn Quốc; và mỗi nước đã phát triển trên những con đường khác nhau. Chúng ta không nên thấy những thói quen xấu của người Việt Nam gần đây mà nghĩ rằng đó là những tật xấu có từ lâu, do bản tính dân tộc. Thực ra đại đa số những thói xấu như sống vị kỷ, vô kỷ luật, trọng tiền tài; đến cảnh quan chức tham nhũng, vô trách nhiệm, khinh dân, như chúng ta đang chứng kiến trong xã hội hiện nay đều là do ngoại cảnh hoặc gây ra, hoặc đẩy lên đến mức độ quá cao, quá lộ liễu. Vì thượng bất chính, hạ tất loạn, điều này ai cũng biết.
Nhật Bản là một nước dân chủ, tinh thần võ sĩ và luân lý Nho giáo vẫn tồn tại mặc dù chế độ chính trị thay đổi. Nhưng truyền thống của dân Nhật cũng đưa tới những nhược điểm trong hệ thống chính trị, hiện rõ qua vụ động đất vừa qua. Nổi bật nhất là trong vụ nhà máy điện nguyên tử Daiichi.
Như trên đã nói, hệ thống chính trị Nhật Bản tuy là dân chủ nhưng vẫn quá tập trung. Đặc biệt là giới tư bản nắm guồng máy tài chánh, kinh tế, cộng tác quá chặt chẽ với hệ thống hành chánh. Người Nhật đoàn kết và tin cẩn nhau, nhìn ai cũng thấy người ta lương thiện, chính trực, ai cũng trọng công ích, có tinh thần trách nhiệm; đó là một ưu điểm tập thể nhờ truyền thống võ sĩ đạo. Nhưng khi những công chức có nhiệm vụ kiểm soát giới quản lý trong lãnh vực tư mà tin tưởng quá đáng vào những người mình phải kiểm soát, thì họ rất dễ phạm những sai lầm. Tình trạng cộng tác mật thiết đó khiến trong hệ thống bị thiếu thói quen chất vấn, tranh luận, thói quen nghi ngờ, phải kiểm tra và tái kiểm tra. Khi nhà quản lý bỏ qua không quan tâm đến những báo động về mối rủi ro mà giới công chức đồng ý một cách dễ dàng thì công chúng sẽ lãnh hậu quả xấu. Mặc dù giới công chức Nhật không cấu kết với giới quản lý kinh doanh, nhưng họ có thể làm không tròn nhiệm vụ kiểm soát chỉ vì hai bên đoàn kết và tin cẩn nhau quá đáng!
Từ mười năm qua nhiều chuyên gia độc lập đã báo động công ty điện lực TEPCO, chủ nhân nhà máy Daiichi rằng các lò nguyên tử ở đó, do các kỹ sư Mỹ thiết kế từ nửa thế kỷ trước, đã lỗi thời, nhưng các báo động đó bị bỏ qua. Các chuyên viên ở nhà máy đã không thực hiện đủ những cuộc thanh tra kỹ thuật định kỳ bắt buộc, kể cả lần trước ngày động đất hai tuần. Khi động đất xẩy ra, các lò nguyên tử đang giữ chứa nhiều thỏi nguyên liệu hạt nhân đã dùng rồi, nhiều hơn con số tối đa được giữ. Một tháng trước ngày động đất, các công chức đã chấp thuận lời yêu cầu của công ty TEPCO triển hạn việc sử dụng sáu lò nguyên tử thêm 10 năm nữa mặc dù đã có những báo động là sức chịu đựng quá nặng nề rồi.
Không ai nghi ngờ giới công chức Nhật Bản đã dễ dãi với công ty điện lực vì được hối lộ. Tuy nhiên, trong hệ thống điều hành kinh tế cũng như chính trị một quốc gia, sau khi tạo ra những định chế cân bằng để tự kiểm soát thì vẫn còn phải tạo thêm thói quen chất vấn, tranh luận với nhau, chứ không thể nhân danh tình đoàn kết mà hoàn toàn tin tưởng nhau. Đây là một vấn đề văn hóa chứ không còn là chính trị nữa.
Tất nhiên, dù hệ thống chính trị nước Nhật có nhược điểm như thế, nó cũng trăm lần tốt hơn một hệ thống chính trị hoàn toàn dựa trên tham nhũng và tinh thần bè đảng, bất chấp công ích và đạo lý. Nhưng xin đừng ai nghĩ rằng tình trạng xấu xa tàn tệ đó là do bản chất của người Việt Nam tạo ra! Không người Việt Nam nào chấp nhận tình trạng đó. Khi so sánh với nước ngoài, ai cũng cảm thấy nhục nhã.
Ngô Nhân Dụng
http://www.diendantheky.net/2011/04/nguoi-viet-khac-nguoi-nhat.html