Năm Tân Mão, mới chớm bắt đầu đã chứng kiến vô số cảnh báo đầy bất trắc. Tiền mất giá, động đất, sóng thần, những cuộc nổi dậy của nhân dân Ả-Rập, tuy xa mà thật gần, đều là những sức ép bắt buộc phải cải cách nền quản trị quốc gia ở bất cứ nơi đâu. Liệu những biến động lan nhanh và quá đỗi bất ngờ ấy có là dịp để suy nghĩ lại về các thiết chế quản trị quốc gia ở đất nước chúng ta?
Nhà kinh tế trẻ nổi danh Acemoglu cho rằng sự khác nhau về thể chế chính là một nguyên nhân giải thích vì sao các quốc gia trở nên giàu hay nghèo, dân chủ hay chuyên chế. Những nhóm lợi ích thâu tóm được quyền lực trong quốc gia thì cũng thâu tóm luôn các nguồn tài nguyên, và ngược lại. Vì lợi riêng, họ cản trở nhân dân, không cho dân biết, không cho dân bàn, không cho dân tham gia quyết định các chính sách quốc gia. Câu chuyện ấy thật cũ, nhà cai trị nào từ cổ chí kim mà chẳng khoe rằng mình thấu hiểu lòng dân, thậm chí chiều theo lòng dân, lòng dân là ý trời (thiên ý, dân tâm). Chỉ có điều khác với trước đây, Internet và thời đại của điện thoại đi động đã làm cho tri thức, hiểu biết và đủ loại thông tin lan đi quá nhanh. Lỡ tay nhấn nút trên bàn phím, vô tận những điều tưởng như thâm cung bí sử có thể bị lật tẩy bẽ bàng và dễ dàng trở thành những chủ đề đàm tiếu trong dân gian. Hóa ra, đằng sau nhằng nhịt những lời hoa mỹ ấy, lợi ích kinh tế đã gắn kết những người cai trị lại với nhau. Thể chế đã ra đời như một thỏa hiệp giúp cho sự cai trị của họ. Lòng dân cũng tựa như cái lò-xo hay cái nồi hơi, càng đè nén càng tăng tích tụ năng lực phản kháng. Người dân thường lo có cái ăn, cái mặc, có công ăn việc làm, con cái được học hành và cuộc sống được yên ổn, khi những giá trị tối thiểu ấy bị đe dọa thì sức ép phản kháng tăng nhanh. Bởi thế, “chăm lo cho nhân dân”, tuy là cách nói trịch thượng của vua chúa ngày xưa coi nhân dân như con trẻ, song thoảng khi vẫn được lặp lại trong cách nói của nhiều người cai trị ngày nay. Muốn cai trị, tránh động loạn, các nhà cai trị phải thỏa hiệp. Dân chủ đã ra đời như thế, có dáng dấp của những lựa chọn tập thể mang tính thỏa hiệp, hơn là quà tặng của giới cầm quyền và càng không thể được nhập cảnh dễ dàng vào một quốc gia chỉ với vài lời tuyên bố. Làm cho người dân trở thành những công dân tích cực, không thờ ơ với chính trị, tích cực tham gia xây dựng và giám sát các chính sách điều hành quốc gia là cách hầu như duy nhất để cải thiện nền quản trị quốc gia. Muốn vậy, như người ta thường nói, người dân phải được biết, được tham gia bàn luận, được tham gia quyết định và được tham gia giám sát chính quyền, càng chặt chẽ, nghiêm khắc càng tránh được động loạn và những cuộc biểu tình. Rất nhiều cố gắng minh bạch hóa nền hành chính và tăng sự tham gia của người dân đối với chính quyền, rõ nhất ở cấp địa phương (dân chủ cơ sở) đã được thực hiện ngày càng thành công ở Việt Nam. Cũng như sức ép của cái lò xo hay hơi nóng từ nồi hơi, yêu cầu của nhân dân đang hối thúc cải cách từ dưới lên, làm cho chính quyền địa phương ngày càng phải thân thiện với nhân dân, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, và hy vọng ngày càng trở thành thực sự của nhân dân. Chúng ta mong sức ép ấy cũng ngày càng đeo bám dai dẳng và trở nên đủ mạnh để tiếp tục hối thúc cải cách trách nhiệm giải trình và cung cách làm việc của các cơ quan Trung ương cấp quốc gia, bắt họ phải chịu trách nhiệm trả lời trước quyền lực nhân dân. Năm nay, bản Hiến pháp 1992 đang được đem ra để bàn luận, hy vọng những cơn sóng thần, động đất và biến động dữ dội từ thế giới Ả-Rập có thể gợi thêm suy nghĩ cho người dân và những người cầm quyền trên đất nước chúng ta.
Phạm Duy Nghĩa