Hiệu Minh - Hôm nay, nhắc đến 24 Cột Cờ người ta không còn nhớ nụ hôn say đắm và nước mắt chia li, mà họ liên tưởng đến thế hệ con cháu của nhà thơ và của những người cùng thế hệ với thi nhân, đã hành xử và “đối thoại” với nàng Thơ bằng còng số 8 và luật pháp...
*
Người ta bảo thi sỹ có thể chết nhưng nếu bài thơ hay sẽ bất tử. Nhưng điều này chưa chắc đã đúng nếu theo dõi tin mạng mấy ngày qua.
Vụ án Luật sư Cù Hà Huy Vũ đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn đâu đây trên thế giới ảo. Nó chẳng liên quan gì đến thơ ca, đến mảnh đất nhỏ giữa Hà Nôi, nơi vị luật sư này cất tiếng chào đời. Người ta bàn nhiều hơn về dân chủ, công bằng xã hội, quyền con người và sự bất cập.
Tin tức đã lấn át một mảng Thơ Tình đẹp nhất trong thế kỷ 20 ở một đất nước chịu nhiều đau khổ, chết chóc và chiến tranh.
Chợt nhớ hai thi nhân Việt Nam đã khuất núi: Xuân Diệu và Huy Cận cùng nuôi nấng luật sư Cù Hà Huy Vũ.
Tôi không phải là người yêu thơ, không thuộc nhiều thơ. Thơ Xuân Diệu chẳng thuộc bài nào, thơ của Huy Cận càng không. Nếu có trích dẫn thì “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, rất nhiều lần bị bắt giò trên blog.
Dẫu vậy, mỗi lần đi qua đường Điện Biên Phủ, tôi thường đánh mắt vào ngôi nhà số 24. Nơi đó, Xuân Diệu và Huy Cận sống cho đến cuối đời. Bây giờ đang bầy bán xe máy, cạnh có quán café và biển đề “Văn phòng Luật sư Cù Hà Huy Vũ”.
Tịnh không thấy bóng dáng của những câu thơ bay bổng như mái tóc xoăn trước gió của cố thi nhân. Sau những chuyện vừa rồi thì giọng ngân nga của Thơ Tình đã thật sự tắt hẳn và theo ông về bên kia thế giới.
Hôm nay, nhắc đến 24 Cột Cờ người ta không còn nhớ nụ hôn say đắm và nước mắt chia li, mà họ liên tưởng đến thế hệ con cháu của nhà thơ và của những người cùng thế hệ với thi nhân, đã hành xử và “đối thoại” với nàng Thơ bằng còng số 8 và luật pháp.
Như một định mệnh, trong cuộc sống tình yêu không xuôn xẻ của mình, Xuân Diệu từng viết “Người ta khổ vì thương không phải cách //Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người //Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi//Người ta khổ vì xin không phải chỗ”.
“Thương không phải cách” đã biến địa chỉ số 24 thành nơi đong đếm quyền lực và pháp đình. Có lần ngôi nhà đã bị phá tường rào, rồi dọa đưa ra tòa. Mà lẽ ra, nơi đó xứng đáng là “một cõi đi về” của giới văn nhân, của người yêu thơ, giúp những kẻ có trái tim thổn thức tìm lại chốn xưa của một thần đồng thơ Tình để chia sẻ nỗi lòng.
Có lần Xuân Diệu viết về cha mẹ như là khuyên những đứa con “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong//Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ//Vượt đèo Ngang, kiếm nơi cần chữ//Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong//Hai phía đèo Ngang: một mối tơ hồng”.
Rồi “Muốn ăn nhút, thì về quê với bố//Muốn ăn quýt, ăn hồng, theo cha mày mà về ngoài đó//Muốn uống nước dừa, ăn xoài chín đỏ//Muốn ăn bánh tét, bánh Tổ//Thì theo tao, ở mãi trong này… Đội ơn Thầy, đội ơn Má sinh con//Cảm ơn Thầy vượt đèo Ngang bất kể//Cảm ơn Má biết yêu người xứ Nghệ//Nên máu con chung hòa cả hai miền”.
Miền quê “đàng ngoài, đàng trong” thấm đẫm tình người đã sinh ra hai thi nhân tên tuổi lớn. Thế mà trong thời hội nhập, miền đất ấy không dạy nổi đám con cháu sống nhân ái như trong thơ các ông từng viết.
Xuân Diệu sống độc thân gần suốt cuộc đời, dù có một người đàn bà ở với ông vài tháng và hàng xóm Huy Cận “tối lửa tắt đèn” có nhau.
Ông từng thổ lộ “Anh có nhà có cửa//Nhưng không vợ không con/Sợ cái bếp không lửa//Sợ cái cửa không đèn//Những đêm đi xa về//Tận xa nhìn cửa đóng//Không ánh sáng đón mình//Không có ai trông ngóng”.
Có lẽ khi viết bài thơ này, Xuân Diệu không thể nghĩ, định mệnh “cô đơn” trong thơ đã đúng với ngoài đời sau đó nửa thế kỷ. Nếu hồn xưa có quay về chốn cũ thì vẫn “sợ khung cửa sổ” như ngày nào. Lần này không phải sự cô độc làm tan nát trái tim người thi sỹ.
Biết bao giờ mảnh đất mà Xuân Diệu từng nhắn bạn bè “Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì ghé, hững hờ thì qua” sẽ là nơi tình tự của thơ ca Việt Nam như ông từng viết cho người tình Bạch Diệp
“Anh không xứng là biển xanh//Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng//Bờ cát dài phẳng lặng//Soi ánh nắng pha lê//Bờ đẹp đẽ cát vàng//Thoai thoải hàng thông đứng//Như lặng lẽ mơ màng//Suốt ngàn năm bên sóng//Anh xin làm sóng biếc//Hôn mãi cát vàng em//Hôn thật khẽ, thật êm//Hôn êm đềm mãi mãi”.
Ước mong sao, một ngày nào đó, một ai đó, với sự kỳ diệu nào đó, sẽ giúp cho Thơ Tình trác tuyệt ở ngôi nhà số 24 Cột Cờ được tiếp tục sang sảng như giọng đọc của Xuân Diệu năm nào.
Hiệu Minh. 6-04-2011.
Tin đọc thêm.
Để bạn nhớ nhà mình, Xuân Diệu có câu thơ dễ thuộc “Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì ghé, hững hờ thì qua”. Phố Cột Cờ sau này đổi thành đường Điện Biên Phủ.
Năm 2002, Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định thu hồi một phần diện tích nhà đất từng là nơi ở của cố nhà thơ Xuân Diệu và cũng là nhà của Luật sư Cù Huy Hà Vũ để làm Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu.
Giới văn nghệ sỹ, vốn yêu Xuân Diệu và trân trọng Huy Cận, rất muốn ngôi nhà của thi nhân thuộc về nền thi ca nước Việt.
Ls. Cù Huy Hà Vũ cho rằng đây là một quyết định trái pháp luật, và ông đã làm đơn khiếu nại. Vụ việc thêm căng thẳng khi ngôi nhà số 24 bị đập phá hồi năm ngoái (1-2010).
Thêm vào đó Ls Vũ có phát biểu về nhân quyền, đa đảng, kiện Thủ tướng, và nhiều vụ động trời khác. Ông là tâm điểm chú ý của báo chí trong thời gian dài.
Ls. Cù Huy Hà Vũ là con trai của Huy Cận, nguyên Bộ trưởng Bộ VH. Ls. cũng là con nuôi và là cháu ruột của nhà thơ Xuân Diệu. Mẹ của ông là bà Ngô Thị Xuân Như, em ruột Xuân Diệu, thuộc dòng họ Ngô Đức Kế nổi tiếng.