Ðừng nghĩ chỉ là ‘hòn đá ném xuống ao bèo’! - Dân Làm Báo

Ðừng nghĩ chỉ là ‘hòn đá ném xuống ao bèo’!

Song Chi  - Người dân VN có lòng với đất nước thì chỉ thấy ngao ngán lên tận cổ trước đường lối đối nội cũng như đối ngoại của nhà nước VN!...

*

Trong tuần này, tiếp tục làm nóng dư luận trong và ngoài nước vẫn là câu chuyện về Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và hậu phiên tòa xét xử ông diễn ra vào ngày 4 tháng 4 vừa qua tại Hà Nội.

Sau phiên tòa, giữa hàng trăm hàng ngàn lời chỉ trích nhằm vào nhà nước VN và sự khen ngợi dành cho ông Cù Huy Hà Vũ, vẫn có những tiếng nói lẻ tẻ bênh vực chế độ và bôi nhọ, lăng mạ ông Vũ.

Một blogger, là tổng biên tập của một tờ báo mà tôi hoàn toàn không muốn nhắc tên ở đây, vốn “nổi tiếng” vì những bài viết chuyên bưng bô chế độ, bôi nhọ, đả kích những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ khi họ bị kết án, vào tù, đã gọi sự kiện Cù Huy Hà Vũ là “hòn đá ném xuống ao bèo.” Rằng: “Mặt trời vẫn mọc ở đằng Ðông và lặn ở đằng Tây. Chính quyền chẳng vì họ mà suy vi và đám đông, chẳng gương họ mà khai sáng.” Cũng chính blogger này, trong phiên tòa xử Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long hơn một năm trước đây, đã viết bài mỉa mai: “Vì sao họ cô đơn đến thế?”

Ðúng là nếu ai đang sống ở VN và không quan tâm đến chính trị thì vụ Cù Huy Hà Vũ có vẻ như chẳng ảnh hưởng gì đến chế độ. Nhưng nếu nhìn kỹ, sẽ thấy rất nhiều biến chuyển.

Từ ngay chính những người dấn thân - ngày càng vượt qua sự sợ hãi và thuyết phục được dân chúng rằng lẽ phải nằm về phía họ, chứ không phải nhà cầm quyền. Ngọn đuốc tiếp sức từ Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Ðài, Phạm Hồng Sơn qua Lê Công Ðịnh, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức... đến Cù Huy Hà Vũ đã rút ngắn được một đoạn đường khá dài. Và chính nhân thân người bất đồng chính kiến - không còn là người của chế độ miền Nam hay con cái của họ, tức là những người sẵn có mối thù riêng hoặc chí ít, không thiện cảm với nhà nước này, chế độ này. Cũng không chỉ là những trí thức đơn thuần. Ðây là con nhà nòi cộng sản, từ dòng họ, gia đình, bố mẹ đều là những “công thần” của chế độ.

Về phía dư luận, có những sự đồng thuận, phối hợp... mà trước đó không thể có, hoặc chưa có. Sự nhất trí của những đảng viên cộng sản lão thành. Sự phối hợp lên tiếng của các tổ chức Công Giáo, tôn giáo trong vụ án chính trị của một trí thức “vô thần.” Sự lên tiếng bênh vực của các tổ chức hải ngoại cho một ông con nhà nòi cộng sản... Và thái độ của quần chúng nhân dân. Kể cả những nhà báo “lề phải” đi dự phiên tòa như nhà báo, blogger Ðào Tuấn, những người đang sống ngay trong lòng chế độ và không thuộc “lề trái” như nhà văn Phạm Viết Ðào, TS Nguyễn Xuân Diện, TS Tô Văn Trường, blogger Ðông A... cho tới ông giáo sư, nhà toán học Ngô Bảo Châu vừa mới được nhà nước VN ra sức tiếp đón, tặng nhà, tặng danh hiệu... cũng phải lên tiếng chỉ trích.

Một điều gì đó đã dịch chuyển, đã thay đổi.

Thế nhưng nhà cầm quyền thì vẫn không biến chuyển. Nếu không muốn nói là cách hành xử của họ còn tệ hơn. Vì sao họ lại hành động ngược đời, thất nhân tâm như vậy?

Tôi không muốn bàn đến nữa, vì đã từng viết bài về bản chất của các chế độ độc tài nói chung và cộng sản nói riêng. Tôi chỉ muốn nói đến hệ lụy đối với nhà nước VN sau vụ án này. Bởi tưởng muốn làm gì thì làm, dư luận có la ó thì vài bữa cũng êm, thế giới có la ó thì... làm gì được nhau? Lại cho bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao lên ca bài ca con vẹt, lý sự cùn rằng “đây là chuyện nội bộ của VN,” rằng ở VN không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” hoặc “các nước nhận xét thiếu khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch” là xong chứ gì! Tưởng vậy mà không phải vậy!

Qua phiên tòa, một lần nữa, nhà nước VN đã chứng minh với thế giới rằng đây là một nhà nước hoàn toàn không đáng tin cậy, luôn luôn nói một đằng làm một nẻo. Mặc dù đã ký và cam kết tôn trọng những chuẩn mực quốc tế về tôn trọng nhân quyền, thực thi nền pháp trị và tiến hành những cải cách, thế nhưng đến lúc hành xử, vẫn hành xử không giống ai. Tóm lại là “không chơi được.”

Khi kết tội ông Vũ là đã trả lời phỏng vấn của các báo, đài nước ngoài, VN cũng cho thấy họ tiếp tục coi Mỹ và phương Tây là kẻ thù về mặt ý thức hệ. Làm sao Mỹ và phương Tây có thể tin được VN thật lòng muốn làm bạn với họ khi trong bụng vẫn coi họ là kẻ thù?

Sau phiên tòa Cù Huy Hà Vũ, Hoa Kỳ, Anh, Liên Hiệp Châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích VN.

Trang Mạch Sống của tổ chức CAMSA, Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á Châu, ngày 7 tháng 4 có đưa tin về việc “...DB Christopher Smith (Cộng Hòa, NJ) đưa dự thảo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam vào Hạ Viện.”

Ngày 8 tháng 4, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình về tình hình nhân quyền thế giới trong năm 2010, trong đó có VN, với rất nhiều bằng chứng vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo.

Ðiều này làm dấy lên mối lo ngại quen thuộc về việc VN có thể bị đưa trở lại vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC), và nếu vậy, thì VN sẽ có nguy cơ bị chế tài bởi chính phủ Hoa Kỳ theo luật định. Ai cũng biết, trước đây VN đã từng bị đưa vào danh sách này và nhờ nỗ lực cải thiện hồ sơ tôn giáo mới được rút ra vào năm 2006.

Phải chăng nhà cầm quyền VN tự tin rằng hiện nay chính quyền Obama không muốn làm căng với VN vì mối quan tâm chung đối với sự lớn mạnh của TQ? Có thể chính quyền Obama thật sự không muốn đẩy VN vào vòng kiềm tỏa của TQ hơn nữa, nhưng xếp VN vào loại chơi được thì chắc chắn là không.

Bên cạnh đó là một số thông tin đáng chú ý: Trước hết là thông tin được đăng trên nhiều tờ báo chính thống của VN, về việc Nhật Bản đang cân nhắc cắt giảm khoảng 20% viện trợ nước ngoài trong tài khóa năm nay nhằm tập trung tài chính khắc phục hậu quả và tái thiết sau thảm họa kép động đất và sóng thần hôm 11 tháng 3 vừa qua. Cái này mới gay go cho VN đây. Giữa lúc tình hình kinh tế VN đang lao đao như vậy.

Thông tin đáng chú ý thứ hai về việc bộ trưởng Tài Chính VN tới Mỹ, gặp gỡ bộ trưởng Tài Chính Mỹ, phó chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, chủ tịch Hội Ðồng Doanh Nghiệp Mỹ-ASEAN v.v... để “thúc đẩy hợp tác tài chính giữa VN và Mỹ” (theo Vietnamplus ngày 9 tháng 4). Ðọc phía sau dòng chữ, cho thấy VN đang thật sự cần đến sự giúp đỡ về tài chính hoặc gia tăng đầu tư, từ phía chính phủ Hoa Kỳ.

Cần đến người ta như vậy mà lại đi chơi một vụ nổi đình đám dư luận như vụ Cù Huy Hà Vũ, hỏi có ai lại muốn giúp một nhà nước không đáng tin, chuyên đàn áp nhân dân của mình và làm ăn kinh tế thì bết bát, tham nhũng kinh hoàng?

Nhiều nhà báo, giới blogger đã nói rằng vụ án CHHV là cú thua đậm về nhiều mặt cho nhà cầm quyền VN, là tự mình rơi vào thế bị cô lập từ trong ra ngoài. Thế là thậm nguy, khi làm ăn thì kém, nợ nước ngoài đầm đìa, lưng vốn ngoại tệ không còn mấy đồng mà lại khiến cho thế giới càng chán ghét thêm.

Thật ra nhà cầm quyền VN cũng tính trước cả rồi. Nếu chính phủ Hoa Kỳ đồng ý giúp đỡ VN bằng cách này hay cách khác, kèm theo sự than phiền về thành tích nhân quyền thì có gì đâu, phiên tòa phúc thẩm ông Cù Huy Hà Vũ, Hà Nội sẽ giảm án một, hai năm để “đáp lễ.” Còn nếu chính phủ Hoa Kỳ không mặn mà giúp, thì chạy sang Trung Quốc. Việc hai người thực tập Pháp Luân Công ở VN sắp bị đưa ra tòa xét xử vì đã truyền thanh các chương trình radio nói về Pháp Luân công vào TQ là bằng chứng cho thấy Hà Nội muốn chứng tỏ sự trung thành với Bắc Kinh. Thêm bản án xử Cù Huy Hà Vũ cũng khiến TQ hài lòng vì VN đã tự mình làm xấu đi mối quan hệ với phương Tây. Trước đây, đã có không ít hơn một lần, các ông lãnh đạo VN vác mặt đi vay nợ Hoa Kỳ không được, lại chạy sang TQ, mà cứ mỗi lần chạy sang TQ thì đều có cái giá của nó!

Người dân VN có lòng với đất nước thì chỉ thấy ngao ngán lên tận cổ trước đường lối đối nội cũng như đối ngoại của nhà nước VN!

http://www.nguoi-viet.com



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo