Kỳ Duyên (tuanvietnam) - Nhưng những con sâu- như ông đã trầm ngâm và xấu hổ thốt lên, thì DDT sẽ phải là loại biệt dược gì?... Đương nhiên không thể khác, thuốc DDT đặc trị- chính là 1 thiết chế quản lý xã hội văn minh, tiên tiến, hợp quy luật và vì lợi ích dân tộc.
Mới đây, 1 bài viết trên VietNamNet khiến dư luận cả xã hội xôn xao: "Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy". Xôn xao, vì đó là câu phát ngôn cực kỳ ấn tượng, và hay nhất của ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1 (TP. HCM).
"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này"
Đọc kỹ, người viết bài này đã lặng đi hồi lâu.
Xin cảm ơn ông Trương Tấn Sang đã hiểu, và chia sẻ với nỗi đau của nhân dân.
Nhân dân phát ngôn, thì rất có thể "danh chính đấy, ngôn thuận đấy" nhưng vẫn bị coi là "nghịch nhĩ", cho dù từ lâu, nhân dân đã nhìn thấy nhiều sâu.
Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang |
Còn ông, một chính khách cao cấp, một người trong cuộc đứng trên muôn người- "danh có chính, ngôn mới thuận".
Đương nhiên, có sâu thì phải có thuôc trừ sâu DDT. Nhân dân ngàn đời nay- chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa- vẫn làm như thế.
Nhưng những con sâu- như ông đã trầm ngâm và xấu hổ thốt lên, thì DDT sẽ phải là loại biệt dược gì? Để có thể diệt trừ được, nhất là sâu tham nhũng, loại sâu quốc nạn. Làm đất nước suy vi. Làm nhân dân mất niềm tin. Làm kẻ thù hí hửng. Làm vị thế dân tộc yếu đi trong con mắt quốc tế. Họa của quốc gia chưa đến từ bên ngoài, mà rất có thể nảy nòi từ bên trong, bắt đầu từ loại sâu này.
Đương nhiên không thể khác, thuốc DDT đặc trị- chính là 1 thiết chế quản lý xã hội văn minh, tiên tiến, hợp quy luật và vì lợi ích dân tộc. Nhiều người vẫn hoài nghi về loại thuốc đặc trị đã có chưa, nhưng cũng không ít người nhen nhóm niềm hy vọng, khi ông nhấn mạnh: "Mục tiêu trước mắt là sửa đổi cơ chế, thể chế và tổ chức chỉ đạo".
Một sự sửa đổi cơ chế hay đổi mới tiếp tục- là nhu cầu tự thân, là tiếng gọi thiết tha của dân tộc, của sự phát triển. Nhưng sự sửa đổi đó, phụ thuộc lớn vào tầm tư duy chiến lựơc, vào cái tâm và bản lĩnh của bộ máy lãnh đạo đất nước. Đổi mới theo phương cách nào là sự chọn lựa tài ba hay không, nhưng cuối cùng hành pháp vẫn phải ra hành pháp, lập pháp phải ra lập pháp, tư pháp phải ra tư pháp.
Lịch sử của mọi quốc gia trên thế giới không có chỗ cho chữ "giá như", mà lịch sử chỉ có chỗ cho chữ "trả giá". Nếu thất bại chỉ dân tộc là thiệt thòi, và nhân dân lãnh đủ. Nếu thành công, dân tộc ấy có cơ phát triển và thăng hoa.
Dân tộc Việt Nam đã trả giá, và chấp nhận trả giá đắt trong quá khứ chiến tranh chống xâm lược, để có một nền độc lập, tự do vô giá. Nhưng trong thời hội nhập, chúng ta phải trả giá đắt bằng biết bao tiền thuế của dân, lại là vị đắng của sự non kém.
Vì lẽ đó, nhân dân đang trông đợi vào sự sửa đổi vĩ đại như ông, thay mặt cho các đồng chí, đồng sự đã cam kết trước các cử tri, cũng là trước nhân dân. Một chữ Đợi, xin đừng để quá lâu, đừng để như ý tứ ca từ Đợi thiết tha của nhạc sĩ Huy Thục: "Đợi một ngày, đất lạ thành quen. Đợi một đời anh quen thành lạ!". Xin đừng để một đời...
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-05-18-bay-sau-va-noi-niem-cua-nguoi-lanh-dao