Anh Thư (danlambao) - Chuyện có thật vừa xảy ra ở thành phố văn minh nhất nước, thành phố gần mang tên bác, nhưng không phải bác Hồ đâu nhé mà là bác Thanh đấy, bác Nguyễn Bá Thanh (thành phố Đà Nẵng).
Tôi có người bạn xa xưa, giờ sống ở Đà Nẵng, lâu rồi bạn bè không gặp, tôi điện thoại hỏi thăm sức khỏe bạn, nhân đó cũng hỏi thăm luôn cháu nó học hành thế nào.
Bạn tôi nói : cháu nó học lực khá, mẹ nó vừa mới cho nó ăn đòn.
Nghe qua câu nói, tôi nghĩ chắc là bạn tôi vẫn cái tính chảnh như ngày nào, nó muốn con nó cũng phải nhất thiên hạ, nên tôi chửi nó : Mi xem lại đi, ngày xưa mi học trung bình có đúng không, bây giờ con mi nó học khá là nó đã hơn mi rồi, mắc chi mà mi đánh nó.
Bạn tôi trả lời : Ngày xưa tao học trung bình nhưng cả lớp đều là trung bình, chỉ vài người học khá. Xét về vị thứ thì tao đứng ở vị trí giữa lớp. Bây giờ cháu nó học khá nhưng mà đứng ở vị trí cuối lớp, thử hỏi có đáng bị đánh không.
Nghe cũng thấy lạ, tôi hỏi tiếp : Thế lớp cháu có bao nhiêu khá, bao nhiêu giỏi, bao nhiêu trung bình. Bạn tôi trả lời là có một vài cháu khá còn lại là giỏi hết, không có cháu nào trung bình cả.
Đứng ở vị trí cuối lớp thì bị đòn là đúng rồi, nhưng mà có thể cháu bị oan đấy. Bạn tôi cũng không hiểu sao cháu lại bị oan. Vậy nên tôi xin ngẫm nghĩ mà luận bình cái sự nghiệp giáo dục thời nay, thử lời bình có đúng không nhé :
Thời xưa tôi học, xếp loại học lực có đủ cả năm bậc là giỏi, khá, trung bình, yếu và kém. Bây giờ thang xếp bậc xưa vẫn còn đó nhưng người ta chỉ dùng có hai bậc là giỏi hoặc khá thôi. Đa phần người ta xếp học lực theo tiêu chí không phải là học lực của học sinh. Xếp học lực chỉ có hai bậc là giỏi hoặc khá vậy thì tiêu chí để sắp xếp trên cũng sẽ tương ứng có hai bậc, thí dụ như : có hoặc không ; nhiều hoặc ít. Tiêu chí đó có thể là sự quan tâm của phụ huynh với giáo viên : có hoặc không ; nhiều hoặc ít.
Tôi nói đến đây bạn tôi thú thật là do bận công việc nên tối về quan tâm đến bài vở của cháu chứ ít quan tâm đến thầy cô, vậy nên nói cháu bị oan cũng có lý. Bạn tôi còn thắc mắc : chỉ là học sinh khá và học sinh giỏi thì làm sao có học sinh ở lại lớp.
Tôi nói : Thời đại ngày nay làm gì có chuyện học sinh ở lại lớp. Nghe thầy giáo nói học sinh học không được khá là bố mẹ học sinh thấy ngại lắm rồi, rồi giải quyết cái ngại ấy bằng cách đem tiền ra cho thầy cô giáo kèm cặp học sinh cho được khá trở lại. Học sinh xếp loại khá hay không khá là quyền của giáo viên mà, giáo viên dại gì xếp hạng học sinh trung bình để vừa mất lòng phụ huynh vừa mang cái tiếng là không biết dạy.
Giáo dục thời nay vì bệnh chạy theo thành tích nên chỉ còn dùng hai bậc xếp hạng trên cùng là giỏi và khá mà thôi, không ai dùng các bậc trung bình, yếu và kém nữa.
Nhưng chỉ có xếp bậc giỏi và khá không thôi thì làm sao đánh giá được đúng bản chất học lực của học sinh ? Bạn biết không, trước mắt là vậy, rồi thế nào bộ giáo dục cũng có cách để giáo viên xếp hạng học sinh đủ năm bậc như xưa. Các từ : kém, yếu và trung bình không ai dùng nữa nên bộ giáo dục cũng sẽ thay đổi các từ trong thang xếp hạng học lực, thành ra là : khá, giỏi, siêu giỏi, đại giỏi và siêu đại giỏi. Chỉ có cách đó thôi.
Còn nữa.
Tương ứng với xếp hạng trên thì bảng điểm thầy cô chấm cũng đổi từ điểm thấp nhất là điểm 6 cho đến điểm 16 chứ, sẽ không còn sử dụng điểm 5 nữa vì đó là điểm trung bình mà.
Thành phố mi là thành phố văn minh nhất nước, không có tệ nạn xã hội thì làm sao có học sinh dở được. Giả sử con mi mà không biết chữ nào (giả sử thôi nhé vì con mi còn có mi dạy nữa chứ không phải chỉ có thầy cô giáo dạy ) người ta vẫn dán cho nó cái mác học sinh khá và lên lớp, lên lớp cho đến khi con mi đỗ đạt tú tài. Trình độ con mi thế nào thì xã hội gánh chịu, chứ ngành giáo dục thì không những hoàn thành nhiệm vụ phổ cập trung học mà còn được thành tích dạy học sinh luôn khá giỏi nữa đấy.
Vậy là tất cả các cháu ở Đà Nẵng năm học này đều xứng danh là cháu ngoan bác Thanh. Thế nào bác Thanh cũng hãnh diện mà đem cái thành tích ấy ra khoe khoan, tuyên bố báo chí cho cả thế giới biết : thành phố của Bác là điển hình cho chế độ ta, chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ mà cái gì cũng tốt, cái gì cũng đẹp.
Đúng không mi, chào mi nhé !