“Góc khuất” trong bão giá - Dân Làm Báo

“Góc khuất” trong bão giá

Bút Lông - Vào đầu tháng 5, trong khi nhiều mặt hàng bị chi phí đẩy buộc phải điều chỉnh tăng giá thì lại có những mặt hàng buộc phải âm thầm giảm giá, mà hai mặt hàng “chiến lược” thép và đường là những ví dụ tiêu biểu.

Cụ thể, các đại lý tại Hà Nội đã thông báo giá bán các loại thép giảm khoảng 200.000-300.000 đồng/tấn, tùy chủng loại. Lý do của cú giảm giá “ngược chiều” này được Hiệp hội Thép cho biết là do thép trong nước đang phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN (hiện nay đang rẻ hơn thép trong nước 500.000-600.000 đồng/tấn). Song nguyên nhân cơ bản hơn là lượng hàng tồn kho đang rất lớn (ước lượng thép tồn khoảng 360.000 tấn; phôi tồn 580.000 tấn) bởi các nhà đầu cơ các loại trót ôm hàng “đón gió” tăng giá từ những tháng trước.

Thép đã vậy, đường cũng “đắng” không kém. Vào đầu tháng 5, các nhà máy đường đã phải giảm giá còn 17.000-18.000 đồng/kg, một vài nơi còn bán dưới giá 17.000 đồng/kg. Lý do được Bộ NN&PTNT giải thích là lượng đường tồn kho cao (hiện là 525.000 tấn, cao hơn 142.200 tấn so với cùng kỳ năm 2010). Đấy cũng là hệ lụy từ việc một số nhà máy “ém” hàng đợi tăng giá và nhất là giá đường thế giới giảm kéo theo lượng đường nhập lậu ồ ạt về.

Giống như một số mặt hàng thiết yếu khác, thép và đường vừa là hàng tiêu dùng, vừa là vật tư đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên chuyện lo ngại hai mặt hàng này tăng giá cũng là có cơ sở, nhất là các dự báo sản lượng và nhu cầu tiêu thụ của các bộ chuyên ngành quá cao so với thực tế. Sản lượng thấp, nhu cầu cao, lại lo lạm phát nên dễ hiểu tại sao nhiều người lao vào đầu cơ và nay phải “lãnh đạn” do sự liều lĩnh này. Đặc biệt, trong cuộc chơi này không ai dự báo được giá thế giới sẽ lại “rơi” nhanh như vậy. Trong khi “cái áo” trách nhiệm của “Gia Cát Dự” chưa ai túm được bao giờ thì vốn đầu cơ dùng để “ém” hàng đang phải trả lãi suất trên dưới 20%, lại bị hàng ngoại cho “nốc ao” ngay trên sân nhà khiến giao dịch đóng băng thì chuyện giảm giá, thậm chí bán cắt lỗ, ắt sẽ phải xảy ra.

Trong kinh tế thị trường và nhất là khi độ mở của nền kinh tế rất cao như Việt Nam (khoảng 80%), mỗi quyết định đầu tư đều phải tính toán kỹ lưỡng, trên cơ sở các số liệu chính xác, các dự báo tin cậy. Đặc biệt nó còn phải dựa trên sự ổn định và minh bạch cao của cơ quan ban hành chính sách thì “học phí” cho sự liều lĩnh mới giảm đến mức thấp nhất.

Nguồn : Blog Bút Lông



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo