Lạm phát là do chi tiêu công quá mức - Dân Làm Báo

Lạm phát là do chi tiêu công quá mức

(Dân trí) - Yếu tố tiền tệ, chi tiêu công quá mức và phân bổ vốn thiên lệch ở khu vực thị trường được các chuyên gia xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong thời gian vừa qua.

Lạm phát luôn cao mức tăng trưởng

Lạm phát thực sự đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 4/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã tăng tới 9,64%, đã cao hơn mục tiêu kiềm chế ở 7% mà Quốc hội thông qua đầu năm.

Lạm phát đang trở thành mối lo ngại của toàn xã hội.

Nhận diện về tình hình này, tại buổi giao lưu trực tuyến mới đây với chủ đề: “Lạm phát 2011: Nhận diện và giải pháp”, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) cho rằng, trong thời gian qua, lạm phát của Việt Nam luôn cao hơn một cách bất thường so với các nước trong khu vực. Trong khi ở các nước này nhìn chung mức lạm phát luôn thấp hơn mức tăng trưởng GDP (cụ thể là hầu hết đều dưới 5%) từ năm 2004 đến nay, thì lạm phát ở Việt Nam luôn cao hơn tăng trưởng GDP.

Ông Du chỉ ra rằng, nguyên nhân cơ bản của lạm phát ở Việt Nam chính là yếu tố tiền tệ. Nói một cách khác nguồn vốn đã không được sử dụng hiệu quả do: đầu tư công quá mức; sự thiên lệch trong việc phân bổ vốn ở khu vực doanh nghiệp; và cuối cùng là việc theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá đồng tiền trong bối cảnh lạm phát luôn tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Không thể phủ nhận sự cần thiết của đầu tư công song nhà nước chỉ nên tham gia vào những lĩnh vực đem lại lợi ích lớn cho cả nền kinh tế mà tư nhân không có động cơ để làm hoặc làm không có hiệu quả. “Nhưng trên thực tế, nhà nước đã tham gia quá nhiều vào các hoạt động kinh tế và nhiều khi còn cạnh tranh và chèn lấn khu vực tư nhân.” - ông Du nhận định.

Cũng liên quan đến đầu tư công, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương bổ sung thêm: “Lạm phát của Việt Nam bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng và cách thức mà chúng ta sử dụng để đạt được mục đích tăng trưởng. Tăng trưởng của chúng ta cho đến nay chủ yếu vẫn dựa vào mở rộng đầu tư, nhưng đầu tư nhìn chung lại kém hiệu quả, nhất là đầu tư nhà nước.”

Hiện tượng lựa chọn ngược khi lãi suất cao

Theo nhận định của ông Du, lãi suất cao là kết quả của lạm phát cao và việc thắt chặt tiền tệ của Ngân Hàng Nhà nước. Lãi suất cao, đầu tư sẽ giảm do vậy sẽ giảm áp lực tăng giá trong trước mắt. Tuy nhiên, khi đầu tư giảm sẽ dẫn đến tăng trưởng giảm đó là tác động trực tiếp của lãi suất cao.

Ở đây có một vấn đề cần quan tâm là hiện tượng lựa chọn ngược và rủi ro đạo đức (tâm lý ỷ lại) khi lãi suất bị đẩy lên cao. Theo ông Du, khi lãi suất cao, những hoạt động kinh doanh thông thường với suất sinh lợi kém, rủi ro vừa phải không thể đi vay được vì suất sinh lợi không bù đắp được chi phí lãi vay. Chỉ những khoản đi vay có rủi ro cao kèm với suất sinh lợi cao mới có thể vay được. Hiện tượng này gọi là lựa chọn ngược.

Hơn thế, đối với những người đi vay, do lãi suất cao, để có thể bù đắp được chi phí lãi vay nên người ta có xu hướng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh rủi ro cao hơn để mong có được một suất sinh lợi tương ứng.

Nếu vòng xoáy trên cứ tiếp tục thì cuối cùng hầu hết các khoản vay đều là những khoản vay có rủi ro hay không trả được nợ cao. Hậu quả là nợ xấu ngân hàng cao và đến một lúc nào đó các ngân hàng có thể mất thanh khoản kéo theo toàn hệ thống sụp đổ do hiệu ứng dây chuyền.

Do vậy, song song với việc cải thiện môi trường kinh doanh thì việc duy trì mức tăng giá hay lạm phát thấp là vấn đề cốt lõi đối với một nền kinh tế và là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, trong năm nay, nếu Chính phủ kiên trì thắt chặt tài khóa và tiền tệ thì nguyên nhân cầu kéo (do mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ) lạm phát sẽ dần được loại trừ.

Tuy vậy, nếu không khởi động trên thực tế quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì nguyên nhân sâu xa của lạm phát vẫn còn nguyên, và nguy cơ lạm phát do cầu kéo sẽ quay trở lại.

LH

http://www.baomoi.com/Home/TaiChinh/dantri.com.vn/Lam-phat-la-do-chi-tieu-cong-qua-muc/6218154.epi

*

Lạm phát còn diễn biến phức tạp

Năm 2011 rất khó có thể kiềm chế lạm phát ở mức 11,75% như năm 2010 và đạt dưới 15,5% là tốt rồi. Đó là ý kiến của GS TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Sáng 5/5, tại buổi công bố báo cáo khảo sát tình hình kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2011 của Uỷ ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP), ông Lê Xuân Bá nhấn mạnh rằng, lạm phát ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề đau đầu của Chính phủ: “Tôi dự đoán nếu năm nay, lạm phát đạt dưới 15,5% là rất tốt rồi”.

Nguyên nhân lạm phát bao gồm cả khách quan như giá nguyên liệu đầu vào tăng, lạm phát thế giới tăng, thiên tại, dịch bệnh và cả yếu tố chủ quan như nhu cầu và sức mua tăng, điều chỉnh tỉ giá, tăng thuế VAT và tự do hóa giá cả, tăng lương...

Ông Bá nhấn mạnh: “Nhiều nhà kinh tế, trong đó có cả tôi, cho rằng đôi khi yếu tố chủ quan cao hơn. Các nước xung quanh cũng lạm phát nhưng chỉ vài phần trăm, không lên tới hai con số như Việt Nam”.

Ông Bá lưu ý, lạm phát không chỉ là hệ quả của các chính sách năm 2011, mà còn là hệ quả các chính sách từ lâu, chẳng hạn các chính sách đầu tư ồ ạt năm 2009.

Ông Bá giải thích, lạm phát của Việt Nam là do cơ cấu kinh tế lạc hậu, tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào vốn đầu tư. Năm 2010, vốn đầu tư là 830 nghìn tỉ đồng, chiếm 41,9% GDP. “Với Việt Nam, đầu tư chiếm trên 40% GDP là quá cao. Con số đầu tư lớn mà hiệu quả không cao là điều đáng lo ngại. Trong tương lai nên giảm bớt đầu tư”. Bài học của các nước khác là tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào khoa học công nghệ, tri thức, đóng góp của tri thức vào tăng trưởng lên tới 60%, thậm chí 80 - 90%.

Để lạm phát thấp, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng suất lao động, hiệu quả đầu tư. “Nếu không làm được, lạm phát sẽ là vấn đề tương đối thường trực, có thể hôm nay giảm nhưng sẽ làm bùng lên bất kỳ lúc nào”, ông Bá nói. Ông cho rằng, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm nay có khác biệt đáng kể so với các năm trước.

Cho đến năm 2010 vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn ưu tiên tăng trưởng kinh tế và lạm phát, song tăng trưởng vẫn được chú trọng. Tuy nhiên, Nghị quyết 11 của Chính phủ tháng 2/2011 đã có nhiều thay đổi lớn khi chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát.

Trong các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô này, Việt Nam sẽ cắt giảm đầu tư công khoảng 97 nghìn tỉ đồng, bằng khoảng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Chính phủ cũng yêu cầu hạn chế cho vay bất động sản, thị trường chứng khoán, để mục tiêu đến tháng 6/2010 đầu tư vào bất động sản chỉ còn tối đa là 32% và cuối năm 2011 là tối đa 16% tổng dư nợ của các ngân hàng.

Theo M.H - Lao động

http://dantri.com.vn/c76/s76-478815/lam-phat-con-dien-bien-phuc-tap.htm



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo