Đào Trung Đạo (RFA Blog) - Trong tựa đề bài chúng tôi đặt dấu hỏi (?) không có nghĩa những ý kiến được trình bày sau đây là một sự suy diễn. Ngược lại, tuy dấu hỏi không mang ý nghĩa một sự nghi ngờ, nhưng chúng tôi có ý đặt vấn đề “sẽ như thế nào?”
Từ hơn hai thập niên Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vẫn gắn bó với hai chữ Đổi Mới vì không Đổi Mới có nghĩa xụp đổ. Nhưng nội dung khái niệm Đổi Mới không bao giờ được giới lãnh đạo phát biểu rõ ràng minh bạch. Khái niệm này được vận dụng tùy giai đoạn, tùy tình huống lịch sử, và cũng tùy theo nhân vật lãnh đạo nào có quyền lực nhất. Lý do chính yếu khái niệm Đổi Mới không thể có một nội dung minh bạch được trình bày trong chính sách vì đây chỉ là một thử nghiệm có tính cách đối phó với tình hình. Hơn nữa nội bộ ĐCSVN cũng có nhiều phe phái, nhóm này muốn đổi mới với tiến độ nhanh, nhóm kia chống đối Đổi Mới phần vì quyền hành cá nhân và phe nhóm phần vì sợ hãi nguy cơ Đảng bị xụp đổ, nhóm khác lại chỉ muốn Đổi Mới với tiến độ chậm vừa phải. Chúng tôi gọi sự Đổi Mới là chính sách đối phó tình hình, một kiểu chiến lược giai đoạn vì từ trong bản chất người cộng sản hoặc vĩnh viễn là cộng sản hoặc Thực Sự Đổi Mới thì sẽ không còn là người cộng sản nữa.
Hiện nay quyền lãnh đạo ở Việt Nam vẫn hoàn toàn nằm trong tay những người cộng sản. Trong lịch sử nắm giữ chính quyền kể từ năm 1955, cứ khách quan mà nhận xét thì quả thực chưa bao giờ ĐCSVN lại ở thế yếu như hiện nay. Họ đang chịu sức ép từ nhiều hướng: kinh tế đứng bên bờ vực do lạm phát phi mã và nguy cơ tan rã của những Doanh Nghiệp Nhà nước, sự thất bại của chiến lược ngoại giao đa phương trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc và mối quan hệ nước đôi với Hoa Kỳ được đặt trên giả thuyết không tưởng vào vị trí địa lý chiến lược quan trọng của Việt Nam trong cuộc thử sức thế lực Mỹ-Trung, sự bất tín nhiệm của đa số dân chúng đối với ĐCSVN và những bày tỏ chống đối công khai của các người tranh đấu cho tự do dân chủ ngày càng nhiều và ở diện rộng và có mức độ không thể dập tắt một cách dễ dàng, đàn áp triệt hạ lại càng gây hậu quả tiêu cực, nội bộ Đảng không đoàn kết, và cuối cùng là chất lượng đảng viên thoái hóa trầm trọng biểu hiện trong nạn tham nhũng không thể chế ngự.
Trước tình hình này và chỉ còn không đầy hai tuần lễ là đến ngày bầu cử Quốc Hội khóa XIII chúng tôi nhận thấy có hai sự kiện quan trọng chỉ ra một sự chuyển hướng của ĐCSVN:
Thứ nhất, trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận 1 (TP.HCM) với tư cách ứng viên DBQH sáng 7/5 Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang ngoài những phát biểu về đẩy lùi tham nhũng, nhìn nhận tình cảm và nguyện vọng của cử tri, hứa hẹn QH khóa XIII sẽ có những chương trình, quyết sách lớn để đưa nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống, sửa đổi cơ chế, thể chế và tổ chức chỉ đạo từ trung ương xuống địa phương v.v… Nhưng quan trọng hơn hết lại là sự quyết tâm thay đổi và tuy nói rằng “Điều đó là tự nhiên thôi từ cấp trung ương đến địa phương” ông Trương Tấn Sang chốt cuộc tiếp xúc cử tri bằng câu nói “Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để mãi như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bày sâu là “chết” cái đất nước này.”
Người nghe lời nói của ông Trương Tấn Sang có thể suy nghĩ theo hai dạng: Đối với những người có tính đa nghi thì cho rằng ông ta là một người làm chính trị lão luyện cho nên lời nói của ông ta chỉ cốt lấy lòng cử tri. Sự nghi ngờ này không có cơ sở vì ông Trương Tấn Sang chẳng cần lấy lòng cử tri, việc ông đắc cử là chắc chắn, bầu bán cho có hình thức hợp lệ thôi. Chiều hướng suy nghĩ thứ hai là: ta biết rằng hiện nay ông Trương Tấn Sang là người đứng hàng số 1 trong số các lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN cho nên lời tuyên bố của ông chỉ ra một sự chuyển hướng trong tương lai.
Nhận định này của chúng tôi được hậu thuẫn bởi sự kiện sau đây: Chỉ 3 ngày sau lời phát biểu của ông Trương Tấn Sang, vào ngày 10/5 Tạp chí Cộng sản tổ chức cuộc tọa đàm “giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị” ở Hà Nội với sự tham dự của nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chiến lược và học viện lớn để trình bày ý kiến về nhu cầu bức thiết đổi mới chính trị. Chúng ta biết rằng Tạp chí Cộng sản là cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSVN, phải có sự chấp thuận của lãnh đạo cao cấp của Đảng cuộc tọa đàm này mới xảy ra. Và những phát biểu được VietNamNet trích dẫn hẳn phải là của những nhân vật có tầm vóc trong Đảng. Chẳng hạn như ông Bùi Tất Thắng là Phó Viện trưởng Viện chiến lược (Bộ KH&ĐT), ông Dương Xuân Ngọc nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí,, ông PGS Vũ Văn Phúc Tổng Biện tập tạp chí Cộng sản, Thiếu tướng Lê Văn Cương, ông Dương Phú Hiệp nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương v.v…Nói chung tất cả những phát biểu của các vị này đều chốt vào điểm: phải đổi mới chính trị về mọi mặt và từ trên xuống dưới đúng như ý kiến của ông Trương Tấn Sang.
Hai sự kiện lớn hòa điệu trong bản hợp ca Đổi Mới này chỉ ra điều gì? Đó là:
- Ông Trương Tấn Sang đã thành công trong việc hiệp thương với nhóm ủng hộ đổi mới trong Đảng, đẩy lùi phe bảo thủ vào thế hạ phong.
- Ông Trương Tấn Sang đã củng cố được quyền lực của người lãnh đạo số 1.
- Quốc Hội Kháo XIII sẽ có đa số đại biểu theo chiếu hướng lãnh đạo của ông Trương Tấn Sang.
Nhưng như trên đã nói, đối với người cộng sản dù thuộc khuynh hướng tiến bộ hay bảo thủ, Đổi Mới chỉ là chiến lược đối phó chứ khó có thể có thực chất. Nhưng điều chúng ta có thể chờ đợi ở kết quả của một giai đoạn mới chuyển hướng là: trước thực trạng thê thảm của nền kinh tế hiện nay của Việt Nam, trước sự chia rẽ nội bộ trong ĐCSVN, trước sức ép chính trị từ Trung Quốc (vụ Biển Đông và chủ trương chỉ cho phép Việt Nam có những thay đối chính trị sau khi Trung Quốc đã thay đổi) và Hoa Kỳ (vấn đề Nhân quyền và đầu tư), trước sức ép của phong trào dân chủ nhân quyền đang lên trong xã hội v.v… ĐCSVN đang bị động trước những thử thách nghiệt ngã nên Đổi Mới theo người cộng sản quan niệm và thực hành xem ra khó bề thành công như trong những năm cuối 80s để có thể cứu vãn được sự biến chất đưa tới sự xụp đổ của Đảng.
Trừ phi ông Trương Tấn Sang có khả năng tạo được biến cố lịch sử như ông Gorbachev trước đây!