Đừng nghĩ những ý kiến trái chiều của trí thức là chống đối ! - Dân Làm Báo

Đừng nghĩ những ý kiến trái chiều của trí thức là chống đối !

Đoàn Quý (SGTT) – Cần có cơ chế cho các nhà trí thức, khoa học được tham gia đóng góp, phản biện ngay từ đầu đối với những chính sách của thành phố. Thậm chí cho phép nhà khoa học cùng làm việc với bộ máy quản lý nhà nước của thành phố. Từ đó mới ra được sản phẩm có giá trị thương phẩm của nhà khoa học và có lợi ích cho sự nghiệp chung.

Đó là ý kiến của các nhà trí thức, khoa học, các chuyên gia tại TP.HCM tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với giới trí thức ngày 25.5.

Thể chế hóa cơ chế phản biện

Phải có quyết tâm, cơ chế phù hợp thì mới tập hợp được đội ngũ trí thức. Ảnh: Đoàn Quý

Theo TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, phó ban công tác phía Nam liên hiệp Hội Việt Nam, quy chế này phải phản ánh cho được vai trò của trí thức là tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ mới... Trong đó, trí thức phải được tôn vinh thông qua những đóng góp cụ thể của mình.

“Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Liên hiệp hội Việt Nam, Chính phủ mở ra cơ chế vĩ mô, trong đó có quy chế làm việc cho các nhà khoa học đóng góp với đất nước, thì tại sao TP.HCM lại không có? TP.HCM phải thực hiện cụ thể hơn, thiết thực hơn, bởi vì thành phố có “tài nguyên con người”. Tôi quan tâm “hậu” cuộc gặp gỡ này là gì? Phải có chương trình hành động của trí thức theo đơn đặt hàng của lãnh đạo thành phố, phải có cơ chế, quy chế phối hợp về lâu về dài thì mới gọi là phát triển bền vững”, ông Trang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS TS Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch liên hiệp hội Khoa học - kỹ thuật TP.HCM cho rằng, lãnh đạo TP.HCM cần cung cấp thông tin đầy đủ (hoặc đặt hàng sớm) để liên hiệp Hội kịp thời tham gia tư vấn, phản biện các dự án lớn của Nhà nước đối với địa bàn thành phố và các tỉnh phía Nam ngay từ khi bắt đầu chuẩn bị dự án. “Đặc biệt, TP.HCM cần thể chế hóa từng bước công tác tư vấn, phản biện đối với từng loại dự án”, ông Giao nói.

Ở một góc nhìn khác, PGS TS Hoàng Tuấn Anh, phó chủ tịch liên hiệp hội Khoa học - kỹ thuật TP.HCM, nói lãnh đạo TP.HCM phải coi chuyện lắng nghe các nhà trí thức, khoa học trong quá trình ra quyết định là một công đoạn hết sức quan trọng để giúp những quyết sách của lãnh đạo thành phố thêm hiệu quả, thêm đúng đắn.

PGS TS Phan Minh Tân, giám đốc sở Khoa học – công nghệ TP.HCM cũng cho rằng, cần xem xét lại cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức hiện nay. “Dường như, cơ chế chính sách này đã lạc hậu, đặc biệt là cơ chế quản lý tài chính đang là rào cản cho sự phát triển khoa học công nghệ của thành phố”, ông Tân nói.

Vị giám đốc sở cũng để nghị thành phố thành lập một Hội đồng tư vấn riêng cho 6 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã đề ra.

Lắng nghe ý kiến trái chiều

Theo PGS TS Lê Kế Lâm, chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM, nguồn nhân lực có trí thức, có tay nghề cao là một vốn quý để góp phần đưa TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển. Đặc biệt, đây là cái vốn quý gấp hàng tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, đặc điểm của trí thức là hay "nói ngang", nói thẳng vì họ hiểu biết, họ thấy có những cái đúng, cái sai. Do đó, trong phát biểu của trí thức có những cái khó nghe, nhưng có những cái là chân lý. “Lãnh đạo TP.HCM, nên tìm biện pháp, cơ chế như thế nào đó để phát huy được những tư duy, những đóng góp của trí thức cho thành phố. Đừng nghĩ rằng, những ý kiến trái chiều của nhà trí thức là chống đối. Không phải đâu, họ rất yêu Tổ quốc, đất nước Việt Nam”, ông Lâm nhấn mạnh.

PGS TS Lê Kế Lâm cũng cho rằng, để cho trí thức nói, sau đó mở những cuộc tranh luận xem ai đúng, ai sai và cũng là để cho người ta tâm phục khẩu phục là điều rất cần thiết.

Từng là người giám sát và phản biện những chính sách của TP.HCM, theo ông Trương Văn Đa - nguyên phó chủ tịch HĐND TP.HCM khóa IV, nếu như TP.HCM không có những chính sách, chiến lược phù hợp thì khó khai thác được nguồn lực từ các nhà trí thức, khoa học cho sự phát triển của TP.HCM. “Mặc dù, nhiều người đã nghỉ hưu, nhưng tâm huyết của họ còn rất cao, vốn tích lũy của những người này rất lớn và nói chung là họ muốn cống hiến. Đặc biệt, họ là những trí thức do Đảng ta đào tạo trước đây, đã từng ăn cơm nắm, đi xe đạp và làm khoa học... Do đó, đối với họ không có sự câu nệ khi thành phố cần”, ông Đa chia sẻ.

Cần gắn kết khoa học với doanh nghiệp

Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh cho biết, hiện nay có một thực tế là sự gắn kết giữa giới trí thức và các nhà doanh nghiệp còn rất lỏng lẻo. “Phải có sự tham gia hợp tác giữa doanh nghiệp với các chuyên gia tư vấn hàng đầu, các nhà khoa học chuyên môn. Việc liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà trí thức, khoa học với nhau sẽ tạo điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”, ông Minh nói.

Đồng tình, PGS TS Phan Minh Tân cho rằng thành phố cần tạo điều kiện để kết nối hơn nữa liên hiệp hội Khoa học- kỹ thuật thành phố với hiệp hội Doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh triển khai kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất kinh doanh, tăng cường cơ chế đặt hàng nhằm gắn kết nghiên cứu với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ông Tân cũng kiến nghị thành phố khôi phục lại hội đồng Khoa học – công nghệ của thành phố bao gồm một số nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý hàng đầu, với nhiệm vụ tư vấn, tham mưu...

Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khẳng định “TP.HCM sẽ tạo điều kiện tốt hơn để đội ngũ các nhà trí thức, khoa học có thể cống hiến nhiều hơn nữa năng lực, trí tuệ của mình giúp thành phố phát triển. Thường trực thành ủy nhất trí việc khôi phục lại hội đồng Khoa học – công nghệ theo hướng tinh gọn gồm các nhà khoa học, chuyên gia các ngành mũi nhọn”.

ĐOÀN QUÝ

Nguồn : Báo SGTT



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo