Trọng Nghĩa (RFI) - Sau các giới chức địa phương tỉnh Điện Biên, đến lượt giới lãnh đạo cao cấp tại Việt Nam lên tiếng về vụ hàng ngàn người Hmong tập hợp biểu tình tại huyện Mường Nhé, giáp giới với Lào và Trung Quốc. Tối hôm qua, 09/05/2011, Thông tấn xã Việt Nam đã cho đăng bài phỏng vấn phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, xác định trở lại rằng tại đấy "cho đến nay, tình hình… đã yên ổn".
Bản tin của TTXVN không nói rõ là Phó Thủ tướng Việt Nam đã đến thăm huyện Mường Nhé vào lúc nào, chỉ cho biết là ông được phái đến nơi để chỉ đạo công cuộc phát triển vùng Tây Bắc, trong đó có tỉnh Điện Biên. Nhưng theo báo chí trong nước, ông Trương Vĩnh Trọng đã tới Mường Nhé ngày 07/05. Ông là nhân vật cao cấp nhất trong đảng Cộng sản Việt Nam, đặc trách vấn đề phát triển các tỉnh miền núi vùng Tây Bắc.
Hãng tin Việt Nam đã chính thức xác nhận sự kiện người Hmong biểu tình, được gọi là « việc tập trung đông người », cũng như địa điểm cụ thể của nơi xẩy ra sự kiện : Đó là bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Trả lời câu hỏi của TTXVN về sự kiện này, Phó Thủ tướng Việt Nam đã lên tiếng trấn an : « Cho đến nay, tình hình tại đây đã yên ổn. Sự việc đã được giải quyết một cách rất thiện chí và nhân đạo. Mặc dù là vụ việc tụ tập đông người, gây rối, nhưng vẫn được giải quyết trong hòa bình. Tất cả đồng bào tụ tập theo lôi kéo, dụ dỗ của kẻ xấu, đều đã trở về quê quán ».
Về nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình của người Hmong, ông Trương Vĩnh Trọng chỉ nhắc lại quan điểm chính thống từng được đưa ra từ khi sự kiện được tiết lộ, theo đó, một số người Hmong, vì « trình độ nhận thức còn hạn chế », cho nên đã « nhẹ dạ, cả tin, hiếu kỳ » để nghe theo các « luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu ».
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Việt Nam cũng hàm ý nhắc đến một nguyên nhân khác, căn bản hơn, có thể làm người Hmong bất bình : Hoàn cảnh kinh tế khó khăn và bất công mà những người thuộc sắc dân thiểu số này đang phải hứng chịu. Ông đã yêu cầu chính quyền địa phương phải « bảo đảm đời sống của đồng bào, không để đồng bào bị đói; quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, đặc biệt chú ý tạo điều kiện cho con em đồng bào đi học ».
Lãnh đạo Việt Nam đồng thời cam kết là chính quyền Trung ương « sẽ có những chủ trương, chính sách cụ thể để đầu tư, thực hiện nhằm cải thiện đời sống cho bà con về giao thông, cơ sở vật chất, tín dụng, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, giải quyết việc làm cho đồng bào ».
Các phát biểu của ông Trương Vĩnh Trọng không có gì mới so với tuyên bố trước đây của ông Mùa A Sơn, Chủ tịch tỉnh Điện Biên, hay ông Lê Thành Đô, Phó chủ tịch tỉnh, theo đó người dân Hmong đã nghe theo kẻ xấu phao tin đồn nhảm về "một thế lực siêu nhiên" sắp hạ trần, và từ đó đòi lập vương quốc riêng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga cũng không nói gì khác hơn khi giải thích rằng những cuộc tập hợp biểu tình xẩy ra vì người Hmong mê tín dị đoan và bị những kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây ra tình trạng mất trật tự, trị an.
Các nguồn tin từ Việt Nam tuy nhiên không nói gì về chiến dịch « đàn áp » do quân đội Việt Nam tiến hành, trong lúc tình hình này rất được các phương tiện truyền thông phương Tây chú ý. Vào hôm qua, 09/05, vụ việc này tiếp tục bị hai tổ chức bảo vệ người Hmong tại Hoa Kỳ tố cáo.
Trong bản tin ngày 09/05 của Trung tâm Phân tích Chính sách Công CPPA (Center for Public Policy Analysis) tại Washington, thì quân đội Việt Nam vẫn tiếp tục chiến dịch « đàn áp » người Hmong, và đã điều thêm cả trung đoàn lên Ðiện Biên để truy bắt những người đang lẩn trốn.
Dựa theo các nguồn tin từ tỉnh Ðiện Biên và cả từ tỉnh Phongsali lân cận tại Lào, CPPA đưa ra các con số mà họ nói là “rất đáng tin cậy”, theo đó, đã “có thêm 14 người Hmong thiệt mạng, nâng tổng số người biểu tình bị sát hại lên thành 63 người, chưa kể đến hàng trăm người mất tích, hay bị bắt ”.
Mặt khác, tổ chức bảo vệ nhân quyền này còn xác định là trong những người Hmong biểu tình, còn có cả một số người theo đạo Công Giáo. Nguồn tin này được một tổ chức khác, cũng ở Hoa Kỳ là Hmong Advance, Inc. loan báo. Theo bà Christy Lee, giám đốc điều hành của tổ chức này, có trụ sở ở Washington, cuộc biểu tình ở Mường Nhé quy tụ gần 5.000 người theo đạo Tin Lành và 2,000 người theo đạo Công Giáo.
Các thông tin trên không thể được kiểm chứng qua các nguồn tin độc lập khác. Một trong những lý do là cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn không cho phép các phóng viên ngoại quốc lên tỉnh Điện Biên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã viện lý do thời tiết xấu và đường xá trắc trở để ngăn không cho phóng viên nước ngoài lên vùng xảy ra biểu tình.
Tình cảnh các dân tộc thiểu số tại Việt Nam Tại Việt Nam, theo con số chính thức của Nhà nước, ngoài người Kinh hay Việt, tức sắc tộc đa số, còn có 53 sắc tộc thiểu số sinh sống, với khoảng 10 triệu người trên tổng số 86 triệu cư dân của cả nước. Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, rất nhiều người thuộc các sắc tộc thiểu số lâm vào nạn nghèo đói. Tỷ lệ đói nghèo trong các sắc tộc thiểu số cao gấp đôi so với sắc tộc đa số. Trưởng đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam John Hendra khẳng định, khoảng 50% người dân tộc thiểu số có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo khó. Cư dân thuộc những sắc tộc thiểu số thường không được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe công cộng, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các cộng đồng này cao hơn rất nhiều so với người Kinh. Cũng theo đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, huyện Mường Nhé (Điện Biên), nơi vừa xảy ra các biến động, là một trong những khu vực nghèo khổ nhất tại Việt Nam. |