RFA - Bầu cử Quốc hội, lạm phát gia tăng, ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc cấm biển, là những vấn đề thời sự gây nhiều chú ý nhất cho dư luận Việt Nam tuần này.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, vào Chủ Nhật 22 tháng 5 này, cử tri Việt Nam sẽ đến các phòng phiếu trên cả nước để bỏ phiếu bầu chọn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cho khóa tới.
Ngư dân Đà Nẵng
Khác với sinh hoạt bầu cử tại các quốc gia đa đảng, ở Việt Nam do tất cả các ứng cử viên đều thuộc cùng một đảng nên không có tiến trình vận động tranh cử, mà chỉ có thủ tục “tiếp xúc cử tri”.
Các ứng viên cũng không phải trình bày chương trình hành động hay trả lời chất vấn của cử tri, mà chỉ cần lắng nghe và ghi nhận ý kiến của dân chúng.
Phản ứng của dân trước bầu cử
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, nhiều người dân đã không cam chịu với những gì đã được sắp xếp sẵn.
Chuyện xảy ra khi Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân có cuộc tiếp xúc với cử tri tại xã Quang Tiến, huyện Tân Yên thuộc tỉnh Bắc Giang. Trong lần tiếp xúc này phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gặp chống đối từ nhiều cử tri. Người dân đến mong gặp ông để hỏi cho ra lẽ những gì mà kỳ bầu cử trước đây ông đã hứa với họ nhưng không thực hiện. Tuy nhiên những người này bị ngăn cản bởi lực lượng công an bảo vệ không cho tiếp xúc với ông Phó Thủ tướng.
Anh Nguyễn Văn Thành, một người dân cố tìm cách vào nơi ông Phó Thủ tướng phát biểu nhưng bị công an ngăn cản, nói:
"Tôi đã đăng ký chỗ này, hai cái anh ở trong phòng chỗ công an kia kìa! ảnh bảo phải đăng ký để nó có số thứ tự để người ta sắp xếp tránh rối loạn bởi vì nó đông quá mà thời gian ở đây chỉ có hai tiếng thôi. Tôi đăng ký ngay cái phòng chỗ công an đang ngồi đấy. Ngày hôm qua hai người ngồi đấy!
Cho đến bây giờ thì không cho tôi vào thì mất hết quyền công dân của chúng tôi chứ! Chúng tôi cũng là con người chứ! Thế thì ngoài 8 xã ra đây, chúng tôi không phải là công dân là con người à? Vậy thì trong việc này như thế nào đây?"
Một người dân khác là chị Nguyễn Thị Liên lên tiếng trong khi đứng trước cửa hội trường vì chị và hàng chục người khác không được vào tham dự chất vấn Phó Thủ tướng, chị Liên cho biết:
“Làm thì láo báo cáo thì hay” thôi chứ thực tế người dân bọn tôi đông lắm mấy chục người, vào đây có đơn từ rồi muốn đòi cái quyền lợi. Đòi những cái gì mà ông ấy đã viết giấy ông ấy hứa với chúng tôi nhưng mà không gặp được.
Có văn bản ông ấy hứa với chúng tôi mà bây giờ hết 5 năm rồi bây giờ ông ấy sang khóa mới mà vẫn chưa giữ lời hứa, và công an không cho bọn tôi vào. Dân đang chửi bới rồi họ là dân ở Quang Tiến mà, bọn tôi chỉ đòi đúng quyền lợi, đúng pháp luật do các ông ấy đề ra chứ tôi có đòi hỏi gì đâu?"
Pano tuyên truyền, vận động bầu cử QH khóa
Một cử tri khác là anh Phùng Văn Liệu, thẳng thắn cho biết anh sẽ không bỏ phiếu vì nhận thấy nó rất vô nghĩa đối với người dân, và đặc biệt trong trường hợp của anh:
"Bây giờ chúng tôi nói thẳng với các anh, nếu không giải quyết cho chúng tôi thì cái đợt bầu cử tới này chúng tôi không đi bỏ phiếu đâu! Các anh muốn làm thế nào thì làm.
Bầu cử cho ai? Bầu cử để làm gì? Lãnh đạo ai? Chúng tôi rất bức xúc. Hôm nay chúng tôi yêu cầu các anh nhờ đến ở trên có tiếng nói về yêu cầu mong muốn của nhân dân giải quyết đúng luật của nhà nước thôi chứ chúng tôi không đòi hỏi hơn!"
Về phía chính quyền, thông tin đăng tải trên báo chí cho biết: “Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tại các địa phương trên cả nước đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho ngày hội bầu cử của toàn dân.”
Tuy nhiên, khác hẳn với không khí bầu cử ở các nước dân chủ, tại Việt Nam do vẫn còn theo thể chế độc đảng nên từ việc thiết lập danh sách ứng viên, công tác tiếp xúc với cử tri, đến việc kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử đều do đảng cộng sản Việt Nam thực hiện; vì vậy câu hỏi được đặt ra là: Tại sao người Việt Nam phải tiêu tốn cả ngàn tỷ đồng cùng với không ít thời gian và sức lực cho một công việc mà kết quả đã được chọn lựa sẵn?
TQ cấm biển VN
Tuần này, các tranh chấp tại Biển Đông thêm căng thẳng, khi Trung Quốc lại ra lệnh cấm đánh cá trong vùng Hoàng Sa và Trường Sa, gây cản trở cho sinh kế của ngư dân Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng như những năm trước, ngư dân miền Trung cho biết bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc, họ vẫn ra khơi đánh cá; với lập luận rằng đây là khu vực chủ quyền của Việt Nam.
Trong khi đó, chính quyền Việt Nam một mặt khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi, một mặt lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc cũng như khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông.
Về xã hội, tuần này chính phủ Việt Nam cho biết số lượng các vụ đình công đang tăng mạnh, do ảnh hưởng của lạm phát.
Theo lời ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến các cuộc đình công là do tiền lương và thu nhập của người lao động thấp, trong khi đó tình trạng lạm phát gia tăng, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Chính phủ VN, thu nhập bình quân hàng tháng của một người lao động là 1.365.000 đồng (tương đương 65 đô la). Trong khi đó, lạm phát ngày càng tăng cao khiến vật giá tăng mạnh.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước có mức lạm phát cao nhất thế giới.
Nhân viên sứ quán tiếp tay buôn lậu?
Sau các vụ nhân viên ngoại giao Việt Nam bị tố cáo liên quan đến các đường dây buôn lậu thuốc lá ở Đông Âu, mua bán sừng tê giác ở Nam Phi, nay đến lượt viên chức sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ bị tình nghi tiếp tay cho các tay buôn lậu xe hơi.
Đầu tuần này báo chí Ấn Độ đồng loạt loan tin về việc các nhà điều tra nước này đang lần theo dấu vết của các tay chuyên buôn lậu xe hơi được sự tiếp tay của nhân viên hai tòa đại sứ Việt Nam và Bắc Hàn ở New Delhi.
Tất cả các chiếc xe bị tịch thu đều thuộc các nhãn hiệu đặt tiền như BMW, Ferrari, Lexus, Porsche, Mercedes… Trong số này còn có cả một chiếc Aston Martin được nhập khẩu dưới tên Đỗ Trọng Hiếu.
Các nhà điều tra Ấn Độ cho biết hiện họ đang tiếp tục thẩm vấn một tay buôn lậu tên Sumit Walia, thường gọi là Sunny, để xác định vai trò của các nhân viên sứ quán Việt Nam và Bắc Hàn trong đường dây này.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-weekly-review-05202011183328.html