Mặc Lâm, biên tập viên RFA - Mỗi năm cứ đến ngày 3 tháng 5 toàn thế giới lại tổ chức kỷ niệm ngày "Tự do báo chí Thế Giới” ngày mà Liên Hiệp Quốc xem là nối kết giữa các nước với nhau cổ xúy và tôn vinh cho tự do của báo chí trên toàn cầu.Mặc Lâm tìm hiểu thêm về tình trạng tự do báo chí trong nước hiện nay ra sao qua tâm tư của nhiều nhà báo, mời quý vị theo dõi.
Quầy bán báo và các loại tạp chi. RFA
Vào ngày lễ 30 tháng 4 năm nay, nhà thơ Bùi Chát, người chủ trương nhà xuất bản tự do mang tên Giấy Vụn trở về từ thành phố Buenos Aires của Argentina sau khi nhận giải thưởng Xuất bản Tự do năm 2011 do Hiệp hội Các nhà xuất bản Quốc tế IPA trao tặng. Ông bị chặn lại tại phi trường, giải thưởng bị tịch thu, bản thân nhà thơ Bùi Chát bị giữ hai ngày và vẫn tiếp tục bị công an làm việc mỗi ngày.
Tự do báo chí hay tự do bắt báo chí
Việc bắt giữ này làm cho “Ngày Tự do báo chí thế giới” tại Việt Nam có sắc diện khá u ám. Việt Nam rất tự hào là một đất nước có trên 17.000 nhà báo làm việc trong 706 cơ quan báo chí của nhà nước và Việt Nam cũng có 54 nhà xuất bản và gần 10 cơ quan báo chí nước ngoài đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Thế nhưng việc bắt giữ một người nhận giải thưởng tự do xuất bản do Thế giới trao tặng có phải là đi ngược lại những gì mà Việt Nam cố gây dựng trước đôi mắt báo chí quốc tế hay không?
Ông Alexis Krikorian, giám đốc của IPA nơi phát giải thưởng cho nhà thơ Bùi Chát đã nói với đài Á Châu Tự do như sau:
“Thực sự đây là một tình huống tệ hại nhất. Chúng tôi đã trao giải Tự do Xuất bản nhiều năm nay rồi, Chúng tôi đã trao giải Tự do Xuất bản nhiều năm nay rồi, nhưng nay là lần đầu tiên một chính quyền sở tại cho bắt giữ người được trao giải khi trở về lại đất nước của người ấy.
Vì vậy ở một mức độ nào đó, chúng tôi thấy ngạc nhiên. Tuy nhiên không thể nói chúng tôi không hình dung ra một tình huống xấu nhất.
Tôi xin lặp lại là ông Bùi Chát không làm gì sai trái cả. Ông ta được trao giải thưởng của một tổ chức phi chính phủ quốc tế. Nhiều người đã được trao giải này trước ông Bùi Chát, những người đó sống tại những quốc gia như Zimbabuê, Iran… Và tất cả họ, tôi nhấn mạnh là tất cả những người đó, khi trở về quê nhà sau khi nhận được giải thưởng Tự do Xuất bản không hề bị bắt bớ.
Trường hợp ông Bùi Chát là trường hợp đầu tiên. Chúng tôi lấy làm tiếc đó là trường hợp thứ nhất. Chúng tôi lên án việc bắt giữ đó như đã nêu trong thông cáo báo chí của chúng tôi”
Trường hợp của nhà thơ Bùi Chát là trường hợp mới nhất, chứ không phải duy nhất. Trước đó nhiều nhà văn, nhà báo đã không được đăng tải hay xuất bản bài viết của mình.
Nhà báo tự do Bút Thép cho chúng tôi biết ý kiến của ông về chuyện có tự do trong ngành báo chí truyền thông tại Việt Nam hay không, ông nói:
-Nói là báo chí tự do thì ở Việt Nam khó có thể nói là báo chí tự do. Viết để bày tỏ quan điểm thì hầu như tôi thấy tất cả các cây viết ở Việt Nam mà đang viết cho các tờ báo thì họ chỉ viết để giữ cây bút của họ đủ để kiềm cơn thôi chứ hầu như tôi thấy họ không trung thực. Không ám bộc lộ tư tưởng quan điểm của mình.
Nhà văn Võ Thị Hảo, tuy là chủ một nhà xuất bản nhưng việc in ấn và xin phép cho chính tác phẩm của bà không phải là chuyện đơn giản, bà cho chúng tôi biết:
-Những bài viết của tôi trước hết là chia sẻ với những người Việt Nam và những người đang bị ảnh hưởng trước hết đấy là những người trong nước. Nhưng khổ cái là báo chí Việt Nam không bao giờ đăng những bài như thế. Ngay cả mấy tác phẩm gần đây của tôi như “Dạ tiệc quỷ”, hay tập truyện ngắn “Ngồi hong váy ướt” và rất nhiều bài báo khác thì cũng không được đăng, bị từ chối cấp giấy chứng nhận bản quyền.
Thông tin theo định hướng
Một nhà báo tại Hà nội không muốn nêu tên rất bức xúc khi được hỏi về tính chất khách quan của báo chí Việt nam hiện nay ông trả lời:
-Báo chí Việt Nam là công cụ của đảng và nó là một bầy rắn dưới cây gậy điều khiển của người diễn xiếc là đảng cộng sản. Tất cả ngóc đầu lên múa may còn khi cây gậy chúc xuống thì tất cả nằm rạp xuống. Bản chất của nền báo chí nhà nước hiện nay là thế.
Từ Thành phố HCM nhà báo tự do Bút Thép nhận định về hệ thống báo chí trong nước hôm nay:
-Nước Việt Nam trong những năm qua cũng như hiện tại theo tôi không có gì gọi là tiến triển hết cả, nó chỉ là một nền báo chí một chiều, theo ý đảng chứ còn nói tự do thì ở Việt Nam khó có thể nói là báo chí có tự do.
Cơ bản thì phải nói thẳng một điều là tại Việt Nam làm gì có chuyện báo chí trung thực chính xác được? Những thông tin theo dạng xe cán chó thì nó còn trung thực được chứ những thông tin thuộc dạng chính trị xã hội thì hầu như không có gì gọi là trung thực cả. Nó bị bóp méo và theo một định hướng có sẵn. Đảng cộng sản cũng đã nói rõ là định hướng. Họ có cả một cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương chuyên định hướng thông tin cho dư luận. Đã định hướng thì làm sao gọi là đúng là trung thực được?
Cứ sáng sớm ra tại thành phố Hồ Chí Minh, anh ra mua một tờ Tuổi Trẻ, một tờ Thanh Niên rồi bao nhiêu tờ báo khác anh sẽ thấy thông tin rất giống nhau. Có nghĩa là thông tin của tờ báo này lát nữa đọc tờ báo kia nó cũng y như vậy, một kiểu một thôi, hầu như là có định hướng sẵn. Đặc biệt những thông tin như tin thế giới thì họ cũng đưa theo chiều hướng có lợi cho họ họăc là theo định hướng chung của họ.
Tăng cường kiểm soát các cửa hàng Internet hoạt động trong nước. AFP Photo/Hoang Dinh Nam
Để định hướng các nguồn thông tin của thế giới thì cơ quan tuyên giáo của Đảng làm gì với báo chí? Nhà báo không muốn nêu tên tại Hà Nội chia sẻ:
-Những thông tin họ đưa ra theo định hướng của họ có thể thì có những cái cũng đúng sự thật và có những cái không đúng hay sự thật đó được nhìn về một góc cạnh khác. Chẳng hạn như cuộc cách mạng Hoa lài ở Tuynia, ở Bắc Phi chẳng hạn, thì người ta coi đó là đám dân nổi loạn, trong khi người dân ở đó họăc các nước khác trên thế giới thì lại coi đó là yêu cầu chính đáng.
Tự do báo chí không có hại
Chào mừng ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, trên trang blog của TS Nguyễn Xuân Diện post một bài viết nhan đề “Về Tự do báo chí” của Phan Đăng Lưu đăng trên Báo Dân Tiến số ra ngày 10 tháng 11 năm 1938 có nội dung như sau:
Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền vì nhiều lẽ:
-Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ
-Một tờ báo đã sống đương nhiên nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy
-Một tờ báo nói vượt qua trình độ của dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù
-Một tờ bào sống một cách mạnh mẽ có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chính sách cai trị đi để chuộc lòng dân.
Căn cứ vào những lẽ đó chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi
Phan Đăng Lưu, là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn tại Bà Điểm, Hóc Môn cùng với các ông Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần và bà Nguyễn Thị Minh Khai.
Hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị bắt vì đưa tin vụ PMU 18. AFP
Hiện nay chính quyền Việt Nam lấy tên ông đặt tên cho một con đường có nhà tù nổi tiếng tại số 4 Phan Đăng Lưu Thành Phố Hồ Chí Minh và người dân chỉ quen cách gọi một cách ngắn gọn là trại giam Phan Đăng Lưu.
Nhà tù này cũng từng nhốt rất nhiều người có liên quan đến tự do báo chí. Thật là buồn cho một nhà cách mạng không sống đủ lâu để nhìn thấy thành quả tranh đấu của mình. Và buồn hơn khi chính ông là người đổ máu ra để cổ vũ cho một nền tự do báo chí của nước nhà.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vn-world-pres-free-day-05032011123509.html