Quốc Dũng (NLĐ) - Mỗi tối, 120 hộ dân của “xóm đèn dầu” cứ đau đáu nhìn về khu đèn điện sáng choang ở bên kia con kinh mà thèm thuồng, mơ ước
Hết đời cha đến đời con, nhiều gia đình ở ấp Phú Thuận, xã Tây Phú và ấp Phú Hiệp, xã An Bình, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vẫn chong ngọn đèn dầu dù cách đó chưa đầy 1 km, “cả thiên hạ” sống trong ánh đèn điện sáng choang. Người dân nơi đây mang nặng nỗi niềm này chỉ vì “ông” Xí nghiệp Điện nước huyện Thoại Sơn không đồng ý kéo điện.
Hơn 20 năm thắp đèn dầu
Ông Sáu Đậm, ở ấp Phú Thuận, xã Tây Phú, cho biết định cư ở vùng đất này đã hơn 20 năm nay và cũng ngần ấy thời gian gia đình ông chỉ biết đến chiếc đèn dầu leo lét. Mấy năm nay khi gom góp được ít tiền, ông trang bị thêm bình ắc-quy để “điện hóa” căn nhà của mình. Ông Sáu Đậm tính: Hai chiếc bình ắc-quy loại 100A và 75A nhưng cứ 7 – 8 tháng là phải thay một lần.
Một chiếc bình ắc-quy loại 100A bây giờ giá hơn 2 triệu đồng, còn bình 75A cũng 1,2 triệu đồng, tốn kém quá. Trong khi đó, tiền sạc bình mỗi lần hết 10.000 đồng mà chỉ xài được có 4 – 5 ngày, mặc dù chỉ dám bật tivi trắng đen coi xong chương trình thời sự là tắt. Còn đèn điện cũng chỉ mở vào đầu giờ tối, đến lúc đi ngủ thì đốt đèn dầu.
Ông Sáu Đậm dẫn chúng tôi ra con kênh nhỏ, bảo đó là ranh giới phân cách giữa “xóm đèn điện” ở chợ Tây Phú và “xóm đèn dầu” ở đây, dù cách nhau chưa đến 1 km. “Mỗi tối đứng bên này bờ kênh, người dân chúng tôi chứ nhìn về khu đèn điện sáng choang bên chợ mà thèm thuồng, mơ ước cái ngày không còn sống trong tăm tối” – ông Sáu Đậm tâm sự.
Chỉ một số ít người dân “xóm đèn dầu” sắm được bình ắc quy để thắp sáng nhưng cũng phải hết sức tiết kiệm
Do đã quen với tình trạng không có điện nên những học sinh ở “xóm đèn dầu” cũng tập thích nghi bằng cách… học bài vào ban ngày. Em Phan Thị Ngọc Quý, học sinh lớp 5B Trường Tiểu học “B” An Bình, bộc bạch: “Hôm nào đi học buổi sáng thì con tranh thủ học bài vào buổi chiều và ngược lại. Nếu ngày nào học bài hoặc làm bài tập không kịp thì tối đốt đèn dầu rồi chui vô mùng nằm học vì ở ngoài muỗi cắn không chịu nổi”.
Còn em Phạm Thị Tố Nữ, lớp 3B, cho biết hôm đi chợ thấy chiếc đèn sạc hình con mèo đẹp quá, mẹ liền mua cho con học bài. Khi về đến nhà, chị mới sực nhớ nhà chưa có điện nên không thể sạc đèn được. Vậy là ban ngày trước khi đi học, Tố Nữ tranh thủ đem “con mèo” đến nhà dì Hai sạc điện nhờ, chiều đi học về lấy.
Không có… kế hoạch (?!)
Láng giềng của “xóm đèn dầu” trên tuyến Kênh 2 của ấp Phú Thuận, xã Tây Phú còn có hơn 50 hộ dân thuộc ấp Phú Hiệp, xã An Bình, huyện Thoại Sơn cũng chịu cùng cảnh ngộ. Người dân bức xúc là khu vực này đã có sẵn đường dây, chỉ cần hạ thế xuống là có thể sử dụng điện.
Thế nhưng theo ông Lê Hồng Dân, Chủ tịch UBND xã An Bình, xã đã nhiều lần kiến nghị Xí nghiệp Điện nước huyện Thoại Sơn hạ thế điện cho dân “nhưng xí nghiệp này lại cho rằng phải đợi ít nhất đến năm 2012 mới thực hiện do… chưa có trong kế hoạch phủ lưới điện của đơn vị”.
Còn ông Lê Văn Đà, Chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho biết “xóm đèn dầu” ở ấp Phú Thuận có đến 73 hộ dân sống dọc theo tuyến Kênh 2. Từ năm 2008, xã đã đề nghị Xí nghiệp Điện nước huyện Thoại Sơn kéo điện vào khu vực này. Song lãnh đạo xí nghiệp cho rằng đoạn đường kênh chạy dài hơn 2 km, chi phí đầu tư đường dây cao nên họ chưa đồng ý.
*
Lừa dân ôm tiền bỏ trốn
Biết người dân ở tuyến kênh Vĩnh Chánh, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn có nhu cầu kéo điện về sử dụng nên ông Đinh Công Trí ở xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn đến gạ gẫm.
Sau khi thuyết phục được 20 hộ dân ở đây đóng góp 160 triệu đồng (8 triệu đồng/hộ), ông Trí hứa sẽ liên hệ với Xí nghiệp Điện nước huyện Thoại Sơn để kéo điện về.
Song, ông Trí chỉ tiến hành cắm một ít cây cột điện cho có rồi ôm tiền bỏ trốn.
Theo phản ánh của 54 hộ dân ở Kinh Cùng, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, với thủ đoạn tương tự, ông Trí đã nhận 192 triệu đồng của họ rồi “mất tích” đến nay.
Bài và ảnh: QUỐC DŨNG