Chiều buồn, đắng lòng đọc một bức thư buồn - Dân Làm Báo

Chiều buồn, đắng lòng đọc một bức thư buồn

Thư Sài Gòn - Nhà văn Vũ Ngọc Tiến gửi Nhà văn Trần Nhương

... Chị vốn là người trụ cột kinh tế thay chồng kiếm tiền nuôi cả gia đình với 3 đứa con vẫn còn đang đi học, thì không may mắc bệnh ung thư đã gần 10 năm nay. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, bế tắc như thế mà Đinh Kim Phúc vẫn quên mình, dấn thân đi đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, hỏi còn gì đáng trân trọng hơn? Tôi không rõ 3 cán bộ an ninh rất uyên bác kia, sau 2 buổi làm việc với Đinh Kim Phúc đã đánh giá thế nào về nhiệt tình yêu nước của anh hay vẫn còn nghi ngờ?... 

Anh Trần Nhương thân kính!

Lẽ ra thư này viết gửi anh ngay từ đêm 12/6/2011, nhưng tôi lại bận đi huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thăm vùng quê Định Yên, nơi có chợ Ma, làng nghề dệt chiếu cói và một thời từng nổi danh là Định Yên Quốc- một nước riêng của người theo đạo Hòa Hảo.

Mà thôi, chuyện này kể sau. Tôi đi miền Tây sông nước với tâm trạng bất an bởi nỗi ám ảnh vì trước đó tận mắt chứng kiến cháu sinh viên Phan Nguyên bị đuổi bắt trên sân nhà thờ Đức Bà. Cảnh tượng nom kinh hãi không sao tưởng tượng nổi cái gọi là sự “chuyên chính…” đối với lớp trẻ đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo đang bị xâm phạm. Lại nữa, trong ngày 12/6 ấy còn có hai người bạn của tôi cũng bị bắt giữ, càng làm tôi bất an suốt dọc đường đi huyện Lấp Vò...

Nhà văn Nguyễn Viện, sau khi chở Bloger Mẹ Đốp về nhà, vừa quay xe ra đầu ngõ thì lập tức có 2 chiếc xe máy chở theo 4 người hùng hổ chặn trước chặn sau, mời về trụ sở công an phường Bến Nghé làm việc. Họ chẳng có cớ gì bắt giữ một ông lão viết văn gần 60 tuổi, người nhỏ thó, đi biểu tình ôn hòa và lịch lãm nên chỉ câu lưu anh Viện đến 12h30’ thì tha, kèm riết về tận nhà riêng của anh. Thế thôi cũng đủ để tôi cảm thấy bất an, lo cho số phận bạn mình sau này.

Trường hợp với nhà nghiên cứu biển Đông - Đinh Kim Phúc thì khác, phức tạp và tế nhị hơn nhiều. Phúc khá nổi tiếng vì những bài viết hay trả lời phỏng vấn với nhiều lập luận sắc bén, chứng cứ hùng hồn, hành văn khúc chiết về chủ quyền của ta trên biển Đông và dã tâm xâm lược của bọn bành trướng phương Bắc từ xưa cho đến bây giờ không hề thay đổi. Khoảng 9h30’ ngày 12/6, họ kèm Phúc về trụ sở công an Quận Nhất, đưa giấy triệu tập và sau đó làm việc với 3 cán bộ an ninh hình như từ Hà Nội vào, rất giỏi ngoại ngữ, kiến thức uyên bác. Cuộc làm việc giữa 3 cán bộ an ninh với Phúc hôm đó khá căng thẳng, đề cập đến rất nhiều vấn đề, sự kiện mà tôi không tiện nói ra đây. Chỉ biết rằng, qua lời thuật lại của bạn mình, tôi có cảm nhận dường như một số người có trách nhiệm hiện nay không tin dân, không phân biệt nổi giữa người yêu nước chân chính với “thế lực thù địch” rất mơ hồ. Trong mắt họ, hễ ai biểu tình chống sự bành trướng trên biển Đông của ông bạn láng giềng phương Bắc đều có thể đã bị một tổ chức cực đoan, quá khích nào đó ở bên ngoài lợi dụng hoặc tuyên truyền kích động nên cứ răn đe, bắt nhầm còn hơn bỏ sót! Lấy trường hợp bạn tôi, anh Đinh Kim Phúc làm minh chứng cụ thể. Phúc từng là chiến sĩ cảm tử ở mặt trận Căm-pu-chia (1977- 1980). Anh xuất ngũ và theo học khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội& nhân văn Tp Hồ Chí Minh. Năm 1986- 1988, anh ra Hà Nội làm luận văn cao học về những cứ liệu lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Được các Giáo sư tận tình giúp đỡ, lại mạnh dạn mở rộng giao lưu với các học giả nước ngoài, nhất là các học giả Việt kiều ở hải ngoại nên trong đầu Phúc là cả một kho tư liệu quý giá về biển Đông. Phúc như anh thợ cắt tóc xứ Ba Tư, biết vua Đặc La Vương có tai lừa, không nói ra không nhịn được. Nhiệt tình yêu nước và lương tâm nghề nghiệp thôi thúc anh kiên trì phát ngôn, lập thuyết để bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà là lẽ đương nhiên. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, đang là người phụ trách khoa Đông Nam Á của trường Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh, Phúc bị buộc nghỉ đứng lớp, làm công tác nghiên cứu, thực chất là ngồi chơi xơi nước?! Vợ anh - chị Lý Lan Phương là con gái ông Lý Chánh Đức, một nhân sĩ nổi tiếng và là anh ruột GS Lý Chánh Chung. Chị vốn là người trụ cột kinh tế thay chồng kiếm tiền nuôi cả gia đình với 3 đứa con (Đinh Phương Mai, Đinh Phúc Nguyên, Đinh Phương Thảo) vẫn còn đang đi học, thì không may mắc bệnh ung thư đã gần 10 năm nay. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, bế tắc như thế mà Đinh Kim Phúc vẫn quên mình, dấn thân đi đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, hỏi còn gì đáng trân trọng hơn? Tôi không rõ 3 cán bộ an ninh rất uyên bác kia, sau 2 buổi làm việc với Đinh Kim Phúc đã đánh giá thế nào về nhiệt tình yêu nước của anh hay vẫn còn nghi ngờ? Cuộc đấu tranh về mặt pháp lý về chủ quyền biển Đông với ông bạn láng giềng “16 chữ vàng” lúc này đang rất cần những người như Đinh Kim Phúc. Sao Nhà nước không tin anh, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho anh tập hợp một đội ngũ các học giả trong và ngoài nước để thu thập và xử lý hàng triệu trang tài liệu về biển Đông Nam Á đang nằm ứ trong kho lưu trữ của Quốc hội Mỹ và kho lưu trữ thuộc địa của Pháp ở ngoại ô Paris?...

Anh Trần Nhương thân kính!

Thư đã dài, hẹn dịp khác tôi sẽ lại viết thư, kể tiếp anh nghe về những suy nghĩ của mình trong chuyến đi huyện Lấp Vò, thăm Định Yên Quốc xưa của những người theo đạo Hòa Hảo. Ở đó, tôi đã ngộ ra bài học đắt giá về sự không tin dân của mấy ông lãnh đạo Việt Minh thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp và còn nhiều chuyện khác liên quan đến hành tung và số phận của 4 ông tướng Hòa Hảo là Long Thành Nguyên, Lê Quang Vinh (Ba cụt), Trần Văn Soái (Năm lửa), Nguyễn Giác Ngộ.

Chúc anh và bạn bè ngoài đó khỏe, nhiều may mắn! 

Sài Gòn đêm 21/6/2011
VNT
Nguồn: Trần Nhương.com.

*

Nguyễn Xuân Diện đọc xong lá thư mà cảm thấy đau buồn quá! Một người như anh Đinh Kim Phúc từng tả xông hữu đột, phản ứng tức thì trước các luận điệu của bọn học giả và chính khách Tàu - trong khi các nhà sử học mũ cao áo dài hưởng đủ mọi bổng lộc thì vẫn làm thinh một cách khó hiểu. Vậy mà Nhà nước vẫn cứ nghi ngờ, an ninh vẫn cứ gây khó dễ anh ấy. Không hiểu Nhà nước cần một nhà trí thức như thế nào? Buồn quá! Lại càng buồn hơn khi biết sáng mai chị Phương - vợ anh, lại nhập viện. Bao giờ thì an ninh buông tha anh Phúc?

Nguyễn Xuân Diện-Blog trân trọng giới thiệu cuốn sách do Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc chủ biên:


Chủ biên: Đinh Kim Phúc
Nhóm biên soạn: Đinh Kim Phúc – Dương Danh Huy – Nguyễn Xuân Diện
Hoàng Việt – Đinh Ngọc Thu

Số trang: 152  -  Giá bìa: 30.000 đ
Khổ sách: 13 x 19 cm -  Loại bìa: mềm, tay gấp
Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2010.

LỜI GIỚI THIỆU SÁCH CỦA NXB TRI THỨC

Việc nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông là một việc làm vô cùng cần thiết, tập tư liệu này sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Đây sẽ là khởi đầu để những ai quan tâm tiếp tục tìm hiểu, tạo ra một ý thức mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền cũng như ở biển đảo của dân tộc ta.

Đề từ trên bìa 4:

“Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta, đó là mong muốn của nhân dân. Có hòa bình, hữu nghị thì nhân dân mới có cuộc sống ổn định, đó là thiện chí của cả dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Làm việc này trên cơ sở thương lượng, trao đổi, vận động, thuyết phục. Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, quyết tâm không gì lay chuyển được của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”. 

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết.

Đề từ trên bìa gấp 1:

Ngày 7.9.1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, đã lên tiếng tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao tại Hội nghị San Francisco.

"Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam".

("Et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour e'touffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les iles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ontfait du VietNam").

Đề từ trên bìa gấp 2:

Với công hàm ngày 7.5.2009 có kèm bản đồ thể hiện "đường lưỡi bò", có vẻ Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận "tính chất lịch sử của đường lưỡi bò, coi biển Đông như một vịnh lịch sử". Đường này sẽ được ngộ nhận là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc. Họ cũng rất khéo kết hợp con đường này với các khái niệm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố dưới dạng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Trường Sa.

Với luận điệu như vậy, toàn bộ biển Đông vô hình trung trở thành ao hồ của Trung Quốc. (Hoàng Việt).

Lời nói đầu

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi dân tộc. Biên giới của mỗi quốc gia là biểu hiện của nền độc lập dân tộc bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia đó. Quốc gia bao hàm trong nó 3 vấn đề lớn: dân tộc, chủ quyền và lãnh thổ. Biên giới luôn luôn gắn liền với lãnh thổ nên luật pháp và tập quán quốc tế thừa nhận tính bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia. Do đó, việc bảo vệ biên giới cũng chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chống lại mọi hình thức ngoại xâm. 

Ngày xưa: 

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Tạm dịch:

Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
Trần Nhân Tông (1258-1308)

Ngày nay: 

Ngày 1-4-2010, đến thăm trung đoàn HQ 953 đóng quân trên đảo Bạch Long Vĩ, và tại buổi làm việc với Bộ tư lệnh hải quân, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn muốn cùng các nước láng giềng giải quyết các vấn đề biên giới, nhất là biên giới trên biển, bằng con đường thương lượng hòa bình.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta, đó là mong muốn của nhân dân. Có hòa bình, hữu nghị thì nhân dân mới có cuộc sống ổn định, đó là thiện chí của cả dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Làm việc này trên cơ sở thương lượng, trao đổi, vận động, thuyết phục. Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, quyết tâm không gì lay chuyển được của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”.

Việc nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông là một việc làm vô cùng cần thiết, hi vọng tập tư liệu này sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. 

Tuy chưa khai thác đầy đủ nguồn tư liệu phong phú hiện có về vấn đề biển Đông nhưng hi vọng tập tư liệu này sẽ là khởi đầu để những ai quan tâm tiếp tục tìm hiểu, tạo ra một ý thức mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền cũng như ở biển đảo của dân tộc ta.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo