Trần Khải (Việt Báo) - Quê nhà may mắn còn có những người như thế, những người luôn luôn suy nghĩ về an nguy của đất nước, luôn luôn tìm sách lược để đưa đất nước mau chóng đi kịp cùng người, những người lúc nào cũng bênh vực dân oan và đa số dân đang cùng khổ, và những người khi bị nhà nước bắt giam và đàn áp mà vẫn kiên tâm không lùi, vì tin rằng lịch sử sẽ phá án cho họ và vì lòng dân cả nước đang kỳ vọng vào cuộc chiến của họ.
Đó là những Cù Huy Hà Vũ, những Đỗ Thị Minh Hạnh, những Phạm Minh Hoàng, những Điếu Cày, và thật nhiều người khác, trong đó có rất nhiều người vô danh mà hải ngoại chưa thể biết hết.
Ngược lại, trong tình hình đất nước dầu sôi lửa bỏng, nơi biến trấn giặc Bắc Phương đưa quân, đưa tiền chiếm từng tấc đất, lấn từng tấc biển... rất nhiều cán bộ lãnh đạo chỉ lo vơ vét cho mình và gia đình, như dường rằng với họ, cơ may bước lên lãnh đạo đất nước là trận cuối trước khi chạy sang nước ngoài...
Cơ chế y hệt như Trung Quốc, tất cán bộ phảỉ y hệt như Trung Quốc.
Một bản tin AP loan hôm Thứ Sáu 17-6-2011 cho biết, có tới 18,000 cán bộ Trung Quốc đã vơ vét hơn 120 tỉ đôla và trốn khỏi TQ kể từ giữa thập niên 1990s.
Bản tin nói, ngân hàng trung ương TQ nói đa số cán bộ vơ vét đó đã chọn Hoa Kỳ làm điểm đến. Bản nghiên cứu đó nói là có từ 16,000 tới 18,000 cán bộ nhà nước và cán bộ lãnh đạo các công ty quốc doanh đã xuất lậu 800 tỉ yuan ra khỏi TQ từ giữa thập niên 1990s tới năm 2008.
Các cán bộ TQ đã đưa tiền này vào Mỹ, Úc, Canada và Hòa Lan, sử dụng các trương mục ngân hàng hay đầu tư như mua nhà đất hay cổ vật sưu tập.
Bản nghiên cứu nói các cán bộ che giấu tiền trộm này như các giao dịch kinh doanh bằng cách thiết lập các công ty tư để nhận tiền chuyển sang này.
Vậy thì, cán bộ CSVN đã trộm tiền nhà nước và chuyển sang hải ngoaị bao nhiêu? Bao nhiêu cán bộ đã bỏ trốn cùng với tiền này? Không có bản nghiên cứu nào hết, hẳn nhiên, có thể hiểu rằng chính các cán bộ gộc đã không cho thực hiện các cuộc khảo sát đó.
Thậm chí ngay như chuyện báo chí Úc đã nói rõ rằng ông Lê Đức Thúy, người từng giữ chức thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam từ năm 1999 tới 2007và mới 3 năm trước cũng chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định bổ nhiệm Lê Đức Thúy vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận tiền hối lộ cả chục triệu Úc Kim để in tiền Polymer mà vẫn thoát hiểm, vẫn hạ cánh an toàn. Không có cuộc điều tra nào từ phía Việt Nam.
Trong khi đó, tất cả những người đặt vấn đề cơ chế, đòi dân chủ hóa đều bị đàn áp thê thảm.
Thậm chí, vô nhân đạo tới mức giam tù hình sự với tù nhân lương tâm để chơi trò “mượn dao chém người.” Gần nhất là trường hợp Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Thư của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà (vợ của Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ) gửi ông Giám thị Trại tạm giam số 1 Hà Nội đăng trên mạng BauxiteVN hôm 17-6-2011 nói rằng:
“Kính thưa ông Giám thị, mặc dù được Quý Trại đối xử đúng mực nhưng có một số vấn đề mà tôi thấy cần phải trình bày, đề đạt tới ông như sau:
1- Về vấn đề sức khỏe: hơi thở của chồng tôi nằng nặng, sắc diện rất kém, hai tay của chồng tôi rất lạnh, dù để trên bàn nhưng tay cứ rung rung như tay của những người bị bệnh parkinson. Đặc biệt là 10 đầu ngón tay của chồng tôi bị thâm (tím) mà tôi không biết là do nguyên nhân gì.
2- Về vấn đề an toàn tính mạng: Chồng tôi có nói là bị giam cùng buồng với một người có tên là Nguyễn Đức Tuấn, có ba tiền án về tội đánh người. Hiện nay Nguyễn Đức Tuấn lại đang bị giam vì tội chém người gây thương tích 68%. Đã có lần Tuấn hỏi chồng tôi có sợ bị người ta thủ tiêu hay làm gì đó đại loại như vậy. Hồi đầu khi chồng tôi được bác sĩ phát thuốc cho uống thì Tuấn đòi ép chồng tôi đưa thuốc của chồng tôi cho Tuấn để Tuất uống và chồng tôi đã phải kiên quyết đấu tranh với Tuấn để giữ lại phần thuốc chữa bệnh của mình…”
Chưa bao giờ có chuyện tàn bạo như thế ở Việt Nam Cộng Hòa năm xưa, nơi các tù nhân chính trị đều được giam riêng, và các phóng viên quốc tế đều được đưa đi thăm thường kỳ. Nhưng bây giờ thì ngay cả các nhà hoạt động cánh tả của thế giới cũng biến hẳn rồi, có thể là đang chuyển sang để lo cứu mạng cá voi sắp tuyệt chủng, hay loàì cọp thưa thớt hơn, và vân vân.
Thậm chí, ngay cả những người hoạt động nằm vùng tại Sài Gòn cũng im tiếng: không thấy họ nói gì về sự tàn bạo của chế độ CSVN hiện nay. Và nếu có, thì chỉ là một vài tiếng nói lạc lõng, bị vùi dập tức khắc.
Thậm chí tới ngay như ông Tôn Đức Thắng, người từng giữ chức cao nhất nước (giữ chức Chủ tịch nước từ 1969-1981), cũng sợ chính guồng máy công an mà ông góp sức tạo dựng.
Cựu Đảng viên lão niên Nam Bộ Nguyễn Văn Trấn đã kể lại trong cuốn Viết Cho Mẹ Và Cho Quốc Hội nơi trang 303: ‘Nè nghe má. Có lần anh chị em Nam Bộ đại biểu tôi đến gặp ông già Tôn mà hỏi, tại sao ổng để cho cải cách ruộng đất giết người như vậy? Bác Tôn đang ngồi, nghe tôi hỏi, liền đứng dậy bước ra khỏi ghế, và đi và nói. - Đụ mẹ, tao cũng sợ nó, mầy biểu tao còn dám nói cái gì?’
Ngay như nghệ sĩ tuyệt vời như nhà văn Nguyễn Tuân cũng kinh hoàng. Sau khi Nguyễn Tuân chết, nhà phê bình Nguyễn Minh Châu kể lại, một hôm nhà văn Nguyễn Tuân râu tóc run rẩy, nước mắt tràn ra trên má trên môi, vừa khóc vừa nói ‘...mình tồn tại được cho tới nay là bởi biết sợ!’
Và rồi những người một thời tự cho là liều thân yêu nước như Lê Hiếu Đằng, như Huỳnh Tấn Mẫm bây giờ làm gì? Tối đa chỉ là biểu tình vào ngày chủ nhật, tiếng rằng không dám chống cơ chế hung hiểm CSVN mà chỉ chống lại Trung Quốc lấn đất, lấn biển... Họ là những quả chanh bị vắt hết nước, đâỷ qua bên lề, nhưng vẫn không dám nói lên sự thực rằng ngaỳ xưa, ngày họ biểu tình chống Mỹ, chống ông Thiệu... chế độ VNCH đã cho tự do tuyệt vời biết là bao nhiêu.
Mới đây, trên báo Thanh Niên, có ghi lời ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, “cảnh báo cái lớn nhất bị mất ở Việt Nam là đạo đức. Những khuyết tật trong hệ thống nhà nước ở Việt Nam đang khiến người Việt phải 'tự nói dối với nhau để sống', Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thừa nhận. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn thẳng thắn trên báo Thanh Niên, ông Trần Quốc Thuận nói tham nhũng ở Việt Nam không chỉ gây ra thiệt hại vật chất mà còn khiến đạo đức của cả xã hội suy thoái.
"Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Không tham nhũng mới là lạ! Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ."...”
Đúng như Cù Huy Hà Vũ đã nói, lịch sử sẽ phá án cho anh. Nhưng cần thấy rằng, lịch sử sẽ không chỉ đơn độc phá án các nhà hoạt động đang bị đàn áp, giam tù hiện nay. Không chỉ thế. Lịch sử còn sẽ quy tội cho những người thiết lập cơ chế hiện nay là đã phá hoại căn bản đạọ đức. Chính đó là tội nặng cực kỳ, vì đaọ đức là cái để phân biệt giữa người và thú. Và không chỉ thế, lịch sử cũng sẽ kết án các nhà lãnh đạọ đã và đang làm mất đất, mất biển như đang diễn tiến.
Trần Khải