Hồ Ngọc Hân (FTUNEWS) – Những ngày gần đây, từ các phương tiện thông tin đại chúng cho đến blog cá nhân đều rộ lên nhiều tin tức và bình luận trái chiều về vấn đề Việt Nam – Trung Quốc. Mỗi người trẻ lại có những quan điểm và cách thể hiện lòng yêu nước khác nhau. FTUNEWS xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của bạn Hồ Ngọc Hân – vô địch “Đường lên đỉnh Olympia 9” và là á khoa kì thi tuyển sinh ĐH Ngoại thương CSII năm 2009. Ngọc Hân hiện đang học tập tại Melbourne, Australia, vừa qua bạn đã có dịp tham gia biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Úc.
Các bạn trẻ Việt Nam có lẽ đều đã đọc qua “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”. Bản thân tôi khi học tác phẩm này năm lớp 7 cũng mơ hồ không hiểu thất sự lòng yêu nước là như thế nào. Hồi đó tôi đã nghĩ: “Làm sao để biết là em có yêu nước hay không?” Nhưng tôi đã không dám hỏi cô.
Hồi cấp 1, đọc về việc quân nhà Trần khi chống giặc Nguyên Mông đã khắc lên tay hai chữ “Sát Thát”, tôi đã ước một ngày mình cũng được khắc lên tay như vậy. Tất nhiên đó chỉ là ước mơ con nít khi tôi chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của việc này.
Lớn lên một chút, tôi biết được lòng yêu nước là tinh thần màu cờ sắc áo, là sự vỡ òa, là ngồi trên giường mà bật dậy nhảy rầm, vừa nhảy vừa khóc khi Công Vinh đánh đầu vào lưới Thái Lan năm 2008; là hai chị em ngồi thẫn thờ tới nửa đêm ở hồ Con Rùa sau chung kết SEAGAMES 2009, dù rằng tôi không hề hâm mộ môn thể thao vua.
Lớn thêm chút nữa, lúc mới ra nước ngoài, tôi hiểu thêm về lòng yêu nước. Đó là khi đi vào wc công cộng của bạn, mà ao ước đến bao giờ học sinh cấp 1 của ta mới có cái wc bằng một phần thế này. Đó là khi đi trên xe lửa của bạn, mà mong mỏi xe buýt của thành phố Hồ Chí Minh khi nào mới được gọi là văn minh. "Không lâu nữa đâu, đất nước chờ bàn tay xây dựng của thế hệ mình, mẹ Tổ quốc ơi hãy chờ và hãy tin ở chúng con."
Đó là khi nghe bạn bè quốc tế nói không đúng về Việt Nam, tức đó, tranh luận đó, nhưng tôi vẫn không thuyết phục được nhiều. Một thời gian sau, nhận ra những gì bạn nói có cái phiến diện, sai lệch nhưng bạn không hoàn toàn sai, xót xa...
Đó là khi nghe kể một sinh viên quốc tế đã từng hỏi bạn tôi:
- Where are you from?
- Vietnam.
- Ohhh... How about the war?
Đó là một lần vào quán nước, ngồi nói chuyện với một sinh viên Úc về Việt Nam, về biển Đông, xấu hổ vì kiến thức lịch sử nước mình mà bạn nhớ rõ không thua gì tôi, còn kiến thức chính trị xã hội thì rõ ràng là hơn hẳn tôi, tự trách, mình đã không quan tâm, hay mình đã không được biết?
Tác giả, bạn Hồ Ngọc Hân – vô địch “Đường lên đỉnh Olympia 9” hiện đang du học tại Úc |
20 tuổi nhưng tôi không được thực hiện quyền công dân - quyền bầu cử. Dù vẫn còn nhiều thiếu sót, tôi vẫn tin rằng mỗi công dân Việt Nam cần có ý thức và trách nhiệm bầu cử để chọn ra được những lãnh đạo tài giỏi cho đất nước.
Nhưng hôm nay tôi tin tôi đã làm tròn một quyền công dân khác: góp tiếng nói bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giản dị thôi nhưng với tôi đã là đủ. Hôm nay, tôi đi biểu tình.
Tôi gọi điện báo về cho bạn bè ở Việt Nam với thái độ dè dặt, không phải tôi sợ hay thiếu tin tưởng việc làm của mình, nhưng không biết sao tôi vẫn hạ giọng xuống khi nói đến hai chữ “biểu tình”. Có thể bởi chữ “biểu tình” từ nhỏ đã ăn sâu vào tôi theo nghĩa chống đối, gây rối.
Nhưng hôm nay, tôi đã được chứng kiến, và hơn cả chứng kiến, là tham gia vào một cuộc biểu tình đúng nghĩa trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Melbourne, Australia.
Mọi người biểu tình rất văn minh và lịch sự, ai cũng ý thức được phải tạo ấn tượng đẹp để không làm mất thể diện người Việt Nam. Biểu tình chỉ hô khẩu hiệu và hát: ‘We love peace, we love friendship! Chinese government stops violating Vietnam! Chinese government hands off Vietnam! Paracel and Spratly belong to Vietnam! Việt Nam muôn năm!’ Hô ròng rã suốt mấy tiếng, mệt thì giải lao bằng văn nghệ với Nối vòng tay lớn, Lên đàng, Tự nguyện, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam,... Biểu tình không hề có bạo lực, hỗn loạn hay chống đối. Cảm giác được mặc áo mang cờ Việt Nam, tay cầm cờ Việt Nam và miệng thì hô vang hai chữ Việt Nam ở giữa trời Úc thật không còn gì bằng! Đây có thể nói là lần đâu tiên có nhiều cờ đỏ sao vàng như thế phấp phới ở Melbourne (theo lời anh Vũ Anh Minh).
Tôi thấy trên mạng nhiều người kêu gọi không biểu tình và gọi những kẻ đi biểu tình là "thiển cận" bởi biểu tình chỉ làm rối thêm chứ không giải quyết được gì. Vốn những người đi biểu tình hôm nay cũng hiểu chính sách Trung Quốc dễ gì tự nhiên thay đổi vì mấy chục người trước cửa lãnh sự quán. Rõ ràng là không rồi. Nhưng ít ra đó cũng là cách nâng cao tinh thần dân tộc, lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam, thể hiện cho Trung Quốc thấy người Việt Nam chúng ta đoàn kết trên dưới một lòng và không hề sợ bất cứ thế lực nào cả, chứ không phải để Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Biểu tình ở nước ngoài còn để kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhiều người đi ngang lấy tờ rơi của mình, nghe mình nói chuyện mới ngạc nhiên: ‘Ồ, lâu nay không hề biết gì về vấn đề này cả.’ Biểu tình cũng là để nói cho những người bạn Trung Quốc ở đây biết thêm về sự thật, bởi khi ở Trung Quốc, họ toàn bị chính quyền nhồi nhét, tới sách lịch sử của Trung Quốc từ 50 năm trước đến nay vẫn ghi Việt Nam như là chư hấu của Trung Quốc chứ không hề là láng giềng, là hàng xóm, là đối tác,...
Thêm nữa, cuộc biểu tình ngày hôm nay đã có sự tham gia của một số trí thức Việt Nam dưới chế độ cũ ở đây. Họ nghe nói đến cuộc biểu tình, họ đến để ủng hộ, để thể hiện tinh thần dân tộc, để chung tiếng nói dân tộc. Một số người có uy tín trong cộng đồng người Việt ở đây đã ngỏ ý tổ chức một cuộc biểu tình hòa hợp cả hai thế hệ, hai chế độ, hai quan điểm chính trị. Cũng phải thôi, những khác biệt đó có là gì, khi Tổ quốc cần thì chúng ta đều là một, là người Việt Nam. Xét tới khía cạnh hòa hợp dân tộc thì cuộc biểu tình cũng xem như là đã thành công.
Chiều hôm nay, tôi đã hô thật to để giải tỏa tình cảm kìm nén bấy lâu, để phản đối Trung Quốc, hô cho cả bạn bè ở Việt Nam nhờ "biểu tình giùm", hô vì mấy chục con người xung quanh đang giơ cao lá cờ trên đầu và làm như tôi.
Chiều hôm nay đứng trước lãnh sự quán Trung Quốc, tôi cùng với hơn 40 con người Việt Nam, khắp vùng miền, nhiều lứa tuổi và hai chế độ, cùng hòa làm một trong từng câu khẩu hiệu, từng từ trong “Nam quốc sơn hà”. Giơ cao lá cờ trên đầu, ngửa cổ lên, nhắm mắt lại và cứ thế hô, nhiều khi mệt và không thật sự ý thức được những tiếng vừa phát ra. Duy tôi luôn lấy hết sức để hô thật rõ và dõng dạc hai chữ cuối cùng. Tôi đã cảm nhận được một tình cảm như thế, rất thật, lắng đọng trong hai tiếng: VIỆT NAM!
Tôi viết bài này không phải để kêu gọi biểu tình, bởi mỗi người thể hiện lòng yêu nước theo cách riêng của họ. Hơn nữa tôi cũng biết rằng ở mỗi nơi, trong nước và ngoài nước sẽ có những đặc thù riêng, tôi tin rằng những nhà lãnh đạo đang và sẽ tìm ra những bước đi khéo léo để giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Tôi chỉ mong rằng thế hệ trẻ ở Việt Nam hãy đừng thờ ơ với tình hình đất nước.
Lại nhớ tới câu hát trong bài Tự nguyện: ‘Là người, tôi xin chết cho quê hương!’ Chết, đơn giản là sống hết mình vì quê hương đất nước, vì Việt Nam.
Hồ Ngọc Hân