Luật sư Trần Lâm (danluan) - Vụ án Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ đã được xét xử sơ thẩm vào ngày 4/4/2011. Phiên toà đã gặp nhiều sóng gió, có thể nói là nghiêm trọng. Hơn một tháng rồi, bản án vẫn chưa có. Dư luận đã râm ran: huỷ án sơ thẩm để xử lại từ đầu, hay là sai đâu sửa đó tại phiên toà phúc thẩm.
Việc xem lại vụ án Cù Huy Hà Vũ là cần thiết, đồng thời lục lại một số vụ án cùng loại, có thể thấy rõ thêm các nguyên nhân trục trặc.
I- Một Vài Vụ Án Chính Trị
1/ Vụ án Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn.
Hơn 10 năm trước, phiên toà sơ thẩm xử Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn cũng có nhiều trục trặc, đe doạ vỡ phiên toà. Khi phiên tòa chuẩn bị khai mạc, bị cáo vẫn ngồi im lặng trong phòng xép, nơi câu lưu các can phạm, cách phòng xử lớn một hành lang và 2 lần cửa. Bị cáo lặng thinh, gương mặt lộ vẻ khinh khi, đầy thách thức. Tôi đã gặp Bác Sĩ Sơn mấy buổi, tôi hiểu ra rằng ông kiên định thái độ bất hợp tác, không lùi bước, không cúi đầu. Kinh nghiệm nghề nghiệp cho tôi biết: Chắc chắn Tòa sẽ không hoãn xử, sẽ lập biên bản và xử vắng mặt bị cáo. Như thế, mức án chắc chắn sẽ tăng lên ít nhất là 2 năm. Là Luật Sư tôi thực sự lo âu và bối rối, thấy choáng trước tình huống bất ngờ này.
Hội đồng xét xử hội ý trong lúng túng. Ai cũng muốn làm cho xong việc. Tôi đánh liều đề nghị Tòa cứ xử bình thường, tôi xin thay mặt cho bị cáo…Thật bất ngờ, Tòa chấp nhận, phiên tòa đã diễn ra êm ả.
Hôm Tòa xử Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, Bác Sĩ Sơn xuất hiện gần tòa án, bị Công An câu lưu. Sau đó, tôi tình cờ tái ngộ ông tại nhà Cụ Lê Hồng Hà. Ông Sơn người xanh xao, tôi thấy ông Sơn có vẻ như không hài lòng về một điều gì đó về tôi, tôi không tiện hỏi. Rồi câu chuyện đưa đẩy thế nào, bất ngờ ông Sơn hồn nhiên đưa ra một thắc mắc: “Không hiểu vì sao ngày đó, khi xử phúc thẩm, tôi (Ống Sơn) lại được giảm 2 năm!”. Một lần nữa, tôi lại tự kiềm chế: Chẳng lẽ tôi nói ra: Sau khi xử sơ thẩm, tôi đã phản bác đến Chủ Tọa phiên tòa: Bị Cáo Sơn chưa hề được nhắc nhở, tài liệu là công khai của Phòng thông tin Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, lúc này ta đang lôi kéo Mỹ…Bị cáo hoạt động một mình, mới có một hành vi đầu tiên, mức án thông lệ cao nhất chỉ là 3 năm. Đến khi xử phúc thẩm, tôi lại là người bào chữa, tôi cũng đòi giảm án cho bị cáo, lúc đó tôi quên việc tôi đã can thiệp sau khi xử sơ thẩm…Đến nay, nếu không tình cờ có vụ Cù Huy Hà Vũ, thì việc này đã đi vào quên lãng. Thế là một bí mật được bạch hóa: Phiên tòa không có bị cáo mà như có bị cáo, bị cáo được giảm án mà không biết vì lẽ gì. Hơn nữa, tôi cũng không hào hứng kể lể vì biết đâu việc giảm án còn có nhiều nguyên nhân khác.
2/ Vụ án Vi Đức Hồi.
Tôi cho rằng vụ án một bị cáo, không có tình tiết nào chưa rõ ràng, không có tranh chấp nào. Tôi cho mức án có thể được định trước. Tôi lơ là trong việc chuẩn bị. Việc lên Lạng Sơn coi như để chia sẻ với ông Hồi. Bản bào chữa trước phiên tòa cũng lưu loát, được cử tọa lắng nghe. Nhưng nay xét lại, bản bào chữa cũng không có hồn, không có thực chất.Khi Tòa tuyên mức 8 năm tù, tôi bàng hoàng, thấy mình có lỗi nặng.
Chuẩn bị xử phúc thẩm, hồ sơ được chuyển về Hà Nội, Tôi “cầy cuốc” kĩ càng để nắm chắc vụ án. Tôi thay đổi cách tiếp cận: làm bản sơ thảo cho bài cãi…Kinh nghiệm chỉ ra: xét xử của ta về những vụ án chính trị, nơi quyết định lại là “Cung Đình”, còn “Pháp Đình” chỉ là nơi dàn dựng để công bố bản án. Người của “Cung Đình” vừa thiếu thông tin, vừa thiếu kiến thức pháp lý và không phải không có người có tấm lòng.Trong hoàn cảnh này, nếu viết được cho có tình, có lý …thì sẽ có thể dành được kết quả nhiều, ít ngay từ “Cung Đình”. Tôi viết bản đề xuất và gửi đi, tính sao cho khớp thời gian với việc bàn soạn ở “Cung Đình.”
Trong phiên tòa phúc thẩm, tôi hầu như không nói gì
Công tố viên nói trước tôi, ông đã đề nghị hạ án 3 năm, không tịch thu tiền, tôi còn gì để nói nữa!
Tôi chỉ bầy tỏ trước Tòa là mức án 5 năm tù là còn quá nặng.Sau phiên tòa, nhiều người đề xuất với tôi đưa vụ án lên Tòa Giám Đốc Thẩm để đòi giảm án. Tôi biết là bản án sơ thẩm có thể sai sót ở mức án cao thấp chút ít, việc này Tòa Giám Đốc Thẩm thường không xét. Vì thế dự định của tôi là: Khi Ông Hồi thụ hình được một phần án, có thể những người ủng hộ ông sẽ kiến nghị giảm án, tha tù trước thời hạn đối với ông, điều này là khả thi vì ông Hồi được nhiều người yêu mến, bản thân ông là người mực thước.
Vụ án này xử cùng thời điểm với vụ Cù Huy Hà Vũ. Tạm thời không bàn đến về hệ thống pháp luật, chỉ nói riêng về mặt hình thức, phiên tòa phúc thẩm xử ông Vi Đức Hồi: Nhanh, gọn, mạch lạc… Cuối cùng, được tất cả những người tham dự vui vẻ chấp nhận.
3/ Vụ án Lê Thị Công Nhân.
Tôi gặp Lê Thị Công Nhân trong trại giam, cùng cô xem bài cãi của tôi. Bài cãi của tôi làm cũng mất thời gian, cô đọc lướt chưa đầy 15 phút rồi thản nhiên chỉ vào điều mà tôi trăn trở, với lời phê ngắn gọn: “ Cháu chấp nhận điều này!”
Tại phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, cô bình thản, nói năng nhỏ nhẹ, chấp nhận tất cả. Khi cô ở trong tù một thời gian, nhà chức trách đề xuất: Nếu cô có lời đề nghị, nhà nước sẽ tha cô. Cô bình thản trả lời: “Đây là nhà tù nhỏ, ra ngoài kia là nhà tù lớn…có gì là hơn!”.
Trong hoàn cảnh giam cầm, đói khát, bệnh tật…Cô vẫn không hận thù, không la ó, không gào thét…chỉ duy nhất là một lời từ chối nhẹ nhàng mà mang sức nặng tố cáo bằng cả ngàn cân.
Tôi còn ngồi vụ án Lê Hồng Hà và Hà Sĩ Phu. bất ngờ, luật sư kết thúc bài bào chữa trong một tràng vỗ tay! Trong vụ Nguyễn Khắc Toàn, tại phiên tòa, bị cáo phản bác luật sư đến mức mà tôi phát sợ! Còn các vụ như Nguyễn Vũ Bình thì mọi sự êm ả. Các vụ này không giúp gì cho sự suy nghĩ đối với vụ Cù Huy Hà Vũ
II- Vụ án Cù Huy Hà Vũ.
Ám sát, dàn dựng, cài bẫy, bôi nhọ…vì mục đích chính trị là hành vi cần phải lên án. Nhưng mặt khác chẳng có thể ngăn chặn được. Hàng ngàn năm nay, có lúc nào loại việc này không xẩy ra!
Đoán định là phương pháp để tìm ra sự thật. Không bác bỏ được thì đành phải chấp nhận.
Tôi nghĩ rằng, “Thái Tử” Vũ đã làm nhiều việc gây phiền hà cho ‘Triều Đình” ,việc nhắc nhở là cần thiết. Vụ “Nhà Nghỉ Mạch Lâm” nên dừng đúng lúc. Người bị cáo buộc và người cáo buộc, hai bên cùng thắng trong trạng thái nửa vời. Ngay ban đầu tôi đã lên tiếng không đưa vụ việc vào vụ án vì không có liên quan đến tội danh được truy tố. Để việc này đi vào quên lãng. Đó là nội dung cuộc phỏng vấn số 1.
Các vụ án chính trị khi ra tòa, việc bào chữa, lý lẽ chỉ xoay quanh mấy văn bản quốc tế. Vụ án Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài có đến 5 Luật Sư, trong đó có người có tên tuổi, thế mà đến 2 người chẳng còn gì để nói. Tôi là một trong 5 Luật Sư. Tôi thấy “Túi Khôn” của Luật Sư thực là hạn hẹp.
Buộc Toà phải công nhận các công ước, các tuyên ngôn quốc tế là đúng, nhưng nó cũng gây căng thẳng và xung đột. Tôi đã nghe người có quyền lực nói: “Cứ buộc phải công nhận cái nọ, cái kia vì đã phê chuẩn, thế là họ muốn đuổi chúng ta ra gầm cầu Long Biên, buộc chúng ta phải tự sát à?”. Lãnh đạo quốc gia khó khăn là vậy, cho nên phê chuẩn là một việc, còn thực thi lại là việc khác.
Vụ việc trở nên càng căng thẳng hơn khi phong trào trong và ngoài nước ủng hộ ông Vũ mạnh mẽ chưa từng thấy, như một sức ép đầy uy lực.
Gia đình ông Vũ cũng dùng mọi hình thức đấu tranh, dốc mọi nỗ lực quyết tâm không khoan nhượng. Việc gia đình ông Vũ đưa vụ việc lên Liên Hợp Quốc đã đặt Nhà nước vào tình thế khó xử. Thế là “Thái Tử” Vũ bị tước mũ áo và phải chịu “đáo tụng đình” như một tiện dân.
Cuộc chiến bị cả 2 bên đưa lên tầm chót vót như vậy thì việc đổ vỡ là có thể xẩy ra và thực tế đã xảy ra, để lại bao điều đáng tiếc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn lần thứ 2, tôi đã bầy tỏ sự lo lắng, với câu: “Vụ án khó xử”
Sẽ chẳng đi đến đâu, nếu cứ tham gia vụ án theo nếp cũ. Tôi xem xét lại tất cả, nhìn và nghĩ khác đi
Tôi quan tâm đến các sự việc, các hiện tượng: Ông Vũ chụp ảnh chung với nhiều vị lãnh đạo cấp cao, nhìn ông Vũ thấy ông thật hưng phấn. Ông Vũ làm một số việc cũng khác người. Ông làm việc gì cũng làm đến cùng, Ông thường nói: “Tôi không chống nhà nước…!”. Tôi nghĩ đến các vị thánh tử vì đạo, không bước qua cây thánh giá và vui vẻ bước vào giàn hoả thiêu. Tôi nhớ đến những nhà bác học như Cô Péc Ních, Ga li lê … cũng bước lên giàn lửa, kiên quyết không phủ nhận chân lý khoa học với câu nói còn vang dội đến ngày nay: “Dù sao, trái đất vẫn quay ”. Tôi nhớ đến ông đồ già ở làng tôi và nhớ đến cha tôi, sao họ có những nền nếp ăn nói, ứng xử, quan hệ nhiều khi thấy như quá cầu kỳ, câu nệ…Rồi tôi ngộ ra là họ được học hành, họ làm theo những gì mà họ đã học, như họ thường nói: “Học và làm theo chữ nghĩa thánh hiền”.
Tôi chưa rõ sự uyên bác của ông Vũ, nhưng ai cũng biết ông đã có 2 văn bằng cao nhất của một trường Đại Học danh giá của Pháp . Tôi cho rằng ông tiếp cận văn hóa Châu Âu, nền văn hoá có cái gốc: Tự Do – Dân Chủ - Công Bằng - Bác Ái, nền văn hoá tôn vinh con người và thượng tôn pháp luật.
Tôi đã gặp ông Vũ 3 lần, có lần tôi đã thăm dò ông. Chúng tôi nói chuyện với nhau về Nguyễn Mạnh Tường, ông cũng nhắc đến Trần Đức Thảo. Có lúc ông trầm ngâm, khác hẳn phong thái sôi nổi thường ngày của ông.
Qua các văn bản của ông, tôi chưa thấy ở ông một quan điểm chính trị mang tính hệ thống. Ông Vũ không giao du với những người đang được coi là những “nhân vật bất đồng chính kiến”. Việc gì ông Vũ đề xuất, tham gia, cũng là những vụ việc cụ thể. Tôi nghĩ ông Vũ hành động theo sở học và lương tâm, phù hợp với khát vọng của con người nói chung.
Tôi quyết định thoát ra khỏi sự ồn ào, một mình một đường, cố tìm ra một cách nhìn có lợi cho ông Vũ.
Tôi bắt đầu, cũng như kiểu đến với phiên toà phúc thẩm ông Vi Đức Hồi: viết một bài báo ngắn hướng đến tai của “Cung Đình”. Người ủng hộ ông Vũ, sẽ có thêm lý lẽ để suy nghĩ và can thiệp có lợi cho ông Vũ. Giai đoạn này, tôi rất bối rối, lo lắng và bận rộn. Bài viết phải nhờ Tiến Sĩ Trần Nhơn hiệu đính, đánh máy và đưa lên mạng. Ông Nhơn đã là đồng tác giả. Đó cũng chính là bài thứ 3 “Cù Huy Hà Vũ chỉ làm theo lương tâm và sở học”. (Thông Luận)
Tôi chờ đợi phản ứng từ người đọc rồi mới quyết định viết bài góp ý gửi đích danh tới các người có thẩm quyền đối với vụ án, trong thời gian thích hợp. Bài cãi trước Tòa sẽ được bổ khuyết từ kết quả thăm dò, cộng với diễn biến cụ thể tại phiên tòa…
Cái đích cuối cùng là: Tòa tuyên bố: Ông Cù Huy Hà Vũ vô tội, ông hành động theo lương tâm và sở học. Hành vi không có mục đích làm suy yếu sự tồn tại của nhà nước. Nói theo ngôn ngữ pháp lý: vô tội vì không có dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Chưa rõ lời bào chữa theo hướng này, có kết quả đến đâu, nhưng chí ít cũng làm cho sự suy nghĩ rộng mở hơn
Hôm đến nhà ông Vũ, ngồi ngoài sân, ngước nhìn tượng ông Cù Huy Cận và tượng ông Xuân Diệu, tôi bỗng nhớ đến câu thơ:
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men!”
Chẳng nhớ được là thơ của ai. Ông Xuân Diệu có uống rượu bao giờ đâu, ông Huy Cận chỉ thích có phở. Lần ông Cận ở Paris trở về, gặp gỡ anh em Văn phòng Phủ Thủ tướng, tôi có dự, ông Cận vui vẻ: “…tớ ăn một lúc 3 bát phở!”
Ông Cận và anh ruột tôi cùng học một trường. có lẽ ông Cận ra trường trước 1 - 2 năm. Chúng tôi lúc đó nghèo, ông Cận đã tươm tất, đĩnh đạc. Họ thích nhau vì cùng trường, cùng nghề, cùng sở thích và quan trọng hơn cả là họ cùng chí hướng. Ông anh tôi ở Nhóm Truyền Bá Học Quốc Ngữ cùng với ông Nguyễn Hữu Đang…ông Cận ở nhóm Việt Minh nào đó… Nhìn họ, nghe họ bàn chuyện đời, luận thời cuộc, bình văn thơ…tôi như uống từng lời. Nhớ lại những ngày ấy, thấy họ thật sung sướng. Họ có những năm tháng độc lập và tự do tinh khôi. Họ là những tài năng và có một tương lai khoa học. Nay ngẫm lại, hoá ra họ cũng chỉ là những “Viên Thư Lại cao cấp”.
Việc gia đình ông Vũ bất ngờ rút lại lời mời tôi bào chữa cho ông Vũ trong phiên toà sơ thẩm vì tôi “Không cãi theo luật”. Theo họ phải cãi theo các Tuyên Ngôn và Công Ước quốc tế. Họ không chấp nhận quan điểm “Ông Vũ chỉ làm theo lương tâm và sở học”.
Việc rút lại lời mời Luật Sư có khi xẩy ra ngay tại Toà. Đó là điều bình thường.
Lần này, điều không bình thường đã xẩy ra: bạn bè tôi ở Hà Nội, Hải Phòng tìm gặp tôi, có người đến tìm tôi mà như đến để “phân ưu” bằng những lời úp mở, như tôi vừa có sai phạm gì, có điều bất hạnh nào! Họ là những người bạn chí cốt, những trí thức đúng nghĩa như Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, như hai nhà giáo già ở Hải Phòng…Tôi thấy thật khó hiểu…!
Tôi phải đi hỏi Tiến Sĩ Trần Nhơn, người có quan hệ với gia đình ông Vũ trong vụ án này. Tiến Sĩ Trần Nhơn cho biết dư luận ầm ĩ là vì người ta cho tôi là cãi không thật khách quan, không vô tư… người ta nghi ngờ!
Vậy căn nguyên sâu xa của điều nghi ngờ này là từ đâu? Tìm mãi …hoá ra cũng giản đơn:
Bài thăm dò của tôi mà ông Trần Nhơn đưa lên mạng Thông Luận đăng tải ngày 14/3/2011 với tiêu đề “Cù Huy Hà Vũ chỉ làm theo lương tâm và sở học” là bài trả lời phỏng vấn thứ 3 của tôi đã bị một người nào đó có Email: “Phan Hoang Oanh”phoanhhue@gmail.com> viết thêm các dòng:
“Ông Trần Lâm: Kiểu nói của Luật Sư quốc doanh: Toà nói có tội là đúng có tội rồi, nay xin toà xem xét khoan hồng…”.
Câu viết thêm trên cùng với bài trả lời phỏng vấn Thông Luận của tôi đã được gửi đến havulaw@yahoo.com vào ngày 15/3/2011.
Nguồn gốc sự hiểu nhầm và cũng là nỗi phiền lòng của tôi chỉ có vậy mà thôi!
Các người thân quen của tôi, khách hàng của tôi, đang sống ở Hà nội, có khi lúc này đang đọc bài viết này, xin cho tôi biết: tôi đã công nhận ai có tội và tôi đã xin khoan hồng cho ai trong các vụ án mà tôi bào chữa
Tôi vừa gọi điện cho các bạn tôi ở Hải Phòng, mời họ lên chơi ăn thịt “Chó Sói Hoà Bình” vì động rừng, chạy về Hà Đông, chắc là họ hiểu họ đã bị lừa vì bản tin Thông Luận ngày 14/3/2011. Ghép cho tôi biệt danh Ông Trần Lâm: “Luật sư quốc doanh”.
III- Giải quyết vụ án Cù Huy Hà Vũ thế nào?
1) Vụ án Cù Huy Hà Vũ, xét xử sơ thẩm, sai lầm cả về hình thức lẫn nội dung. Không thể để tồn tại và “sai đâu, sửa đấy” khi xử phúc thẩm. Phải có quyết định hủy bản án và xét lại từ khâu sơ thẩm.
Hiện tại hồ sơ nằm ở tòa Hà Nội hay đã gửi lên Tòa Phúc Thẩm tòa nhân dân tối cao, nằm ở đâu thì nơi ấy ra quyết định hủy bản án. Về các loại việc này, trong ngành tòa án đã có quy trình, quy phạm, vì thế không cần nói thêm
2) Trong trường hợp nào cũng loại bỏ những tình tiết không liên quan đến vụ án. Nói khác đi, là không dính đến có tội hay không có tội; tội nặng hay tội nhẹ; có liên quan đến tiền nong tài sản phải giải quyết trong vụ án. Vì lẽ đó gạt bỏ không để lại một dòng nào nói đến việc ở nhà nghỉ “Mạch Lâm”. Điểm này để trong bản án đã gây bao dư luận bất lợi cho ngành tư pháp.
3) Cuối cùng, xét loại án này chỗ dựa ở điểm nào là cơ bản?
Vụ Pham Thị Thanh Nghiên, hành vi “tọa kháng”: Cô ngồi dài lâu trước khẩu hiệu “Hoàng sa, Trường sa là của Viêt Nam”. Cô vào thăm các ngư dân Thanh Hóa bị Trung Quốc bắt giữ, cùng họ ôn lại những giờ phút hãi hùng, và cô viết những dòng làm rung động lòng người…
Cô bị xét xử và bị tù đày. Lúc ấy, đường lối của ta là hòa dịu với Trung Quốc, tránh đụng chạm đến Trung Quốc ….
Hôm nay, chúng ta dõng dạc tuyên bố “Hoàng Sa, Trường sa là của Việt Nam”. Chúng ta công khai bao nhiêu hành vi sai trái của trung Quốc ở Biển Đông. Chúng ta tôn vinh những ngư dân bám biển bảo vệ lãnh hải của tổ quốc.
Như thế, đáng lẽ chúng ta phải xóa bản án đối với Phạm Thanh Nghiên, đền bù thiệt hại……
Xét xử các vụ án chính trị là căn cứ vào đường lối chính trị từng lúc mà kết tội hoặc không kết tội. Lấy thước đo từ khoản này điều kia trong các bộ luật, là cần thiết nhưng không phải là tất cả.
Vụ án Cù Huy Hà Vũ, trong khi xét xử, tôi nghĩ cần phải có tầm nhìn: Liệu trong tình hình đầy biến động, đang đòi hỏi phải thay đổi. Liệu chúng ta có mở rộng dân chủ, tự do, từng bước sốc lại khối đoàn kết toàn dân, phát động sức dân để chống lại mọi thách thức trong, ngoài.
Nếu như chúng ta quyết tâm thay đổi để tự cứu lấy mình thì tôi nghĩ hãy tha bổng đối với Cù Huy Hà Vũ, coi đó là một thông điệp, “Việt Nam mở rộng dân chủ, đoàn kết toàn dân để tồn tại”!