Nguyễn Bá Chổi (danlambao) - Nhiều người đang lo lắng cho số phận hai nghệ sĩ yêu nước một già một trẻ, một ở Hà Nội, một từ Sài Gòn ra, đã dùng violin và saxophone đi đầu đám đông xuống đường khiến cho cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng lần thứ 5 tại Hà Nội ngày 3/7 vừa rồi nổi bật so với những lần trước.
Người ta lo lắng cho hai nghệ sĩ yêu nước can đảm hiếm hoi giữa thời đại “còn đảng còn mình” mà cái “mình” đây ai nghe đến cũng phải rùng mình. “Mình” hiện hữu khắp mọi nơi mọi lúc, dưới nhiều “diện” khác biệt nhau có khi đối kháng nhau. “Mình” biến thiên từ sắc phục đầy đủ với bảng tên, lon lá cấp bậc đơn vị chuyên ngành, đến quần áo ngụy trang lung tung xoè của bọn côn đồ móc túi, hay anh lúi húi xe ôm, chị lôm côm bát phố, cậu lố nhố đụng xe, nói chung là phe quần chúng nhân dân tự phát; xuóng hàng bốn chân chó nghiệp vụ, và hoá thân tận đáy cả thứ vô tri mang cái tên thiên hạ tránh nhắc đến chỗ đông người: bao cao su , phải là “bao cao su đã qua sử dụng” ...
Chẳng những thế, “mình” còn vươn tới tầm cao của hàng thần linh, như lời Đức Gám mục Địa phận Vinh Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công Lý & Hoà Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới đây phát biểu "Xưa nay chỉ được biết ở đâu có hai người tụ họp cầu nguyện là có Chúa Thánh Thần hiện diện. Nhưng bây giờ có hai người là có hiện diện của công an".
Hai chàng nghệ kèn đàn kia có thổi gì thì thổi, gẫy chi thì gẫy; có “Việt Nam quê hương ngạo nghễ “ hay cả đến “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc” thì sự có mặt của hai “chàng” trong đám người xuống đường để làm cái chuyện mà “mình” đã nhắc tới nhắc lui, nói nặng nói nhẹ, đã hăm he không chịu nghe đưa xe xúc về đồn, rằng “chớ có lo, đã có nhà nước lo”, lại càng được mắt thần “mình” chiếu cố tận tình hơn.
Do vậy, những ai đã lỡ mê tiếng kèn saxophone và tiếng violon của hai nhà nghệ sĩ yêu nước kia đang nóng lòng chờ đợi Chủ Nhất tới đây, lần biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng lần thứ 6 tại Hà Nội đừng “tuyệt vọng, tôi ơi, xin đừng tuyệt vọng” (1) nếu như khi “hai chàng” đã biến mất vì “mình” không chịu nổi cảnh: KÈN THÉT HOÀNG SA TRƯỜNG SA, nghe như KÈN ĐƯA MA PHƯỜNG BÁN NƯỚC.
Rõ ràng là phường bán nước.
Trong khi lòng dân Việt sôi sục trước những hành vì xâm lăng liên tục của giặc phương Bắc khiến thế giới quan tâm. Cụ thể là cuộc Hội thảo quốc tế về An Ninh Hàng Hải tại Biển Đông ở Mỹ ngày 21/6/2011 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc Tế (CSIS) Mỹ tổ chức, gồm 150 học giả, các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Australia, Na Uy, Trung Quốc và một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tại cuộc hội thảo này, các diễn giả đều lên án hành động ngang ngược của Trung Cộng, chỉ trừ người đại diện của nước này, thì nhà cầm quyền Việt Nam, một mặt trấn áp dân chúng biểu tình bày tỏ lòng yêu nước, mặt khác cử thứ trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn làm đặc sứ đi phủ phục giặc cướp bằng bản “Thông cáo chung Việt Nam - TQ” ký với Quốc Bỉnh Đới, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc , ngày 25/6/2011 tại Bắc Kinh.
Nội dung trong bản thông cáo chung đó, Việt Nam cam kết những gì đang được giữ kín như “mèo dấu kít”. Nhưng theo Tân Hoa Xã ngày 28/6, đã hé ra đôi chút qua những lời lẽ kẻ cả:
“Việt Nam hãy thực hiện đầy đủ một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam (Biển Ðông) vốn đã đạt được trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt của Việt Nam Hồ Xuân Sơn vào tuần trước...”
“Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam.”
“Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.”
Ðồng thời không quên “nhắc nhở” Việt Nam về bức thư ngoại giao của Thủ Tướng Việt Nam Phạm Văn Ðồng năm 1958 gửi tới Thủ Tướng TQ lúc bấy giờ là Chu Ân Lai, đã công nhận chủ quyền này.
Phụ họa theo đó là lời Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh của Việt Nam trong buổi tiếp đón Đại sứ Trung Cộng ngày 6/7/2011:
"Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc; Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, đều kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và là hai nước xã hội chủ nghĩa, có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua..."
Cùng một dàn nhạc bán nước, tiếp theo quan võ là lời quan văn tức “giáo sư chư hầu” Nguyễn Thế Sự nguyên Trưởng khoa tiếng Trung trường Đại học Hà Nội (Thanh Xuân Hà Nội) được đăng trên báo Phượng Hoàng (Hong Kong) ngày 2/7/2011.(2):
“Thanh niên biểu tình chống Trung Quốc là do bị kích động bởi thế lực phản động hải ngoại”
Một nhà cầm quyền đất nước hành xử với dân với giặc như thế không đáng gọi là phản động thì gọi là gì?
Một đất nước xấp xỉ trăm triệu dân luôn tự hào với truyền thống bất khuất trước ngoại xâm mà nay khi bị giặc, thứ đã nghênh ngang trên đất liền, thứ đang ngang ngược lăm le ngoài cửa biển, chỉ có vài trăm người thoát được sự truy nã của bọn cầm quyền phản động xuống đường phố thủ đô Ha Nội để cất tiếng nói chống xâm lăng, với một cái saxopnhone và một cái violin dẫn đầu.
Tiếng kèn đòi Hoàng Trường Sa, hay là tiếng kèn đưa ma một nhà nước đã chết hoàn toàn trong lòng dân Việt.
Ghi Chú: (1) lời trong một bài hát của TCS ; (2) Theo Nguyễn Mai (danlambao)