Nhà báo Úc: Việt Nam không hợp tác trong vụ Securency - Dân Làm Báo

Nhà báo Úc: Việt Nam không hợp tác trong vụ Securency

Việt Hà (RFA) "Điều chúng tôi quan ngại là chính phủ Úc đã có hồ sơ ghi lại là một quan chức trong bộ công an Việt Nam, tức là một người làm trong cơ quan tình báo của Việt Nam lại tham gia vào vụ này. Ở Úc việc trả tiền cho một quan chức để lấy hợp đồng là trái pháp luật, và có thể là sự cáo buộc này cho thấy là vị quan chức này đã bị mua hàng triệu đô la để trao những lợi thế kinh doanh cho công ty in tiền ở Úc."  - Phóng viên Nick McKenzie


*

Cuộc điều tra vụ tham nhũng liên quan đến ngân hàng dự trữ liên bang Úc và một số quan chức nước ngoài, trong đó có Việt Nam, đã có thêm nhiều chi tiết mới với việc bắt giữ một số các nghi phạm tại Malaysia, Úc và Đức.

AFP photo - Một cựu nhân viên từ một trong hai công ty in tiền liên quan đến ngân hàng trung ương Úc rời tòa án, sau khi bị buộc tội hối lộ các quan chức châu Á để bảo đảm các hợp đồng in tiền của họ, tại Melbourne vào ngày 01 tháng 7 năm 2011.


Việt Hà nói chuyện với phóng viên Nick McKenzie, một trong hai phóng viên điều tra vụ việc này của báo The Age của Úc về những diễn tiến mới có liên quan.

Quan chức bộ công an

Trước hết, phóng viên McKenzie nói về các diễn tiến mới của cuộc điều tra như sau:

Những thay đổi chính phải nói tới kể từ bài báo mà chúng tôi viết hồi tháng 1 cho đến nay là vào hồi tuần trước, cảnh sát Úc đã cáo buộc tội tham nhũng và đút lót đối với một loạt công dân Úc, đặc biệt là đối với trường hợp Việt Nam thì những người liên quan thuộc công ty in tiền polymer của Úc đã đút lót cho cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam lúc đó là ông Lê Đức Thúy để có thể thắng được hợp đồng in tiền cho Việt Nam, họ trả tiền học cho con trai ông Thúy đi học ở Anh.

Đó là một trong những nghi án dành cho ông Lê Đức Thúy ở Việt Nam, và còn nhiều cáo buộc nữa sẽ dành cho một số các quan chức khác tại Việt Nam và trị giá hàng triệu đô la.

Việt Hà: Cũng trong bài báo mới của ông nói về vụ tham nhũng này, có một chi tiết mới là ông Lương Ngọc Anh thực ra là một đại tá thuộc ngành an ninh. Xin ông giải thích thêm về những thông tin liên quan đến nhân vật này?

Nick McKenzie: Đúng vậy, điều chúng tôi quan ngại là chính phủ Úc đã có hồ sơ ghi lại là một quan chức trong bộ công an Việt Nam, tức là một người làm trong cơ quan tình báo của Việt Nam lại tham gia vào vụ này. Ở Úc việc trả tiền cho một quan chức để lấy hợp đồng là trái pháp luật, và có thể là sự cáo buộc này cho thấy là vị quan chức này đã bị mua hàng triệu đô la để trao những lợi thế kinh doanh cho công ty in tiền ở Úc.

Việt Hà: Trong các chi tiết mới, chúng tôi cũng thấy là số tiền tham nhũng bây giờ được ước tính là 20 triệu đô la chứ không phải là 15 triệu đô la như trước, thực ra bao nhiêu tiền trong số này đã vào tay của Lương Ngọc Anh?


Nick McKenzie: Chúng tôi ước tính là 20 triệu đô la nhưng rõ ràng là 15 triệu đô la đã vào tay của Lương Ngọc Anh và công ty của ông ta là CFTD, cho nên khoản tiền đó, hàng triệu đô la bao gồm cả những khoản đút lót đã vào tay ông ta và công ty ở Việt Nam.

Việt Hà: Trong bài báo của mình ông có nói rằng còn một số quan chức cao cấp Việt Nam khác liên quan đến vụ này ngoài những cái tên đã nêu trước kia, ông có thể cho biết những người nằm trong vòng nghi vấn này là ai?

Nick McKenzie: Tôi không thể xác nhận tên nào vì việc điều tra vẫn đang tiếp tục nhưng rõ ràng là hàng triệu đô la đã vào công ty CFTD và từ đó đi đến tay của các quan chức khác ở Việt Nam, và rất có thể là khi ra tòa tại Úc thì người ta sẽ có kết luận là có một số quan chức Việt Nam đã được đút lót.


Việt Hà: Ông có nói đến bố và bố vợ của ông Lương Ngọc Anh là những quan chức cao cấp trong chính phủ, nhất là bố vợ thì là bộ trưởng bộ nội vụ, xin ông có thể giải thích thêm về chi tiết này?

Nick McKezie: Những tài liệu đó đưa ra từ khoảng năm 1998 và các tài liệu này cho biết là Lương Ngọc Anh có rất nhiều họ hàng làm quan chức cấp cao trong chính phủ vào lúc đó, tài liệu điều tra của Úc cho thấy là bố vợ ông ta là một quan chức rất cao trong chính phủ.

Chính phủ VN chưa hợp tác

Việt Hà: Cơ quan chức năng Việt Nam tham gia đến mức độ nào trong việc hợp tác với phía Úc trong những diễn tiến mới này thưa ông?

000_Was2420593-250.jpg
Ông Lê Đức Thúy, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại trụ sở LHQ ở New York ngày 24 tháng 6 năm 2009. AFP photo

Nick McKenzie: Thực sự thì công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Việt Nam không giúp đỡ trong việc điều tra, nhưng những cáo buộc và phiên tòa tại Úc sẽ vẫn tiếp tục mà không có những giúp đỡ này. Những quan chức Việt Nam đó hiện không phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng tại Việt nam, cho nên điều quan trọng là chính phủ Việt Nam phải nghiêm túc trong việc chống tham nhũng và phải cho thấy những hành động cụ thể và cung cấp các thông tin cần thiết cho phía Úc để điều tra và những người bị cáo buộc tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Việt Hà: Liệu việc Việt Nam không hợp tác với phía Úc có cản trở sự điều tra từ phía Úc và nếu phía Úc yêu cầu giúp đỡ, liệu có cách nào để Việt Nam phải thực sự hợp tác với phía cảnh sát Úc trong vụ án này?

Nick McKenzie: Chính phủ Việt Nam cho đến lúc này theo tôi vẫn chưa hợp tác với phía Úc và họ chắc biết rõ là chính phủ Úc cũng như cảnh sát Úc đang mong chờ sự giúp đỡ từ phía họ mà họ vẫn không làm. Cho đến lúc này thì mọi việc cho thấy là dường như những quan chức trong chính phủ Việt Nam đang muốn che giấu vấn đề này. 

Tôi không thể nói nhiều liệu chính phủ Việt Nam sẽ có thể hợp tác với phía Úc để điều tra ra ngọn ngành hay không, đến giờ thì chưa thấy gì và điều này làm cho chúng ta phải tự hỏi lý do tại sao? 

Đã có những thỏa thuận giữa hai bên liên quan đến việc thực thi luật pháp, cảnh sát Úc thì có người liên lạc tại Việt Nam và Việt Nam thì có đội ngũ ngoại giao tại Úc, có những mối quan hệ được thiết lập giữa hai bên cho nên việc trao đổi thông tin giữa hai bên có thể sẽ xảy ra nhưng nó tùy thuộc vào phía Việt Nam có muốn hay không. 

Cũng có thể là bởi vì các quan chức cao cấp của chính phủ có tham gia vào vụ này mà chính phủ Việt Nam muốn bảo vệ những người này nên không muốn hợp tác, đó là lý do duy nhất mà tôi có lúc này.

Việt Hà: Tại các nước khác có liên quan đến vụ án này, sự hợp tác của các chính phủ ra sao?

Nick McKenzie: Chúng tôi tìm thấy rất nhiều ở Việt Nam và ở nhiều nước đã có những nghi án được đưa ra và đã có nhiều thông tin quan trọng hỗ trợ cho những cáo buộc này, tức là có đút lót, tham nhũng lớn liên quan đến ngân hàng dự trữ liên bang Úc và công ty nhỏ của nó, và các quan chức ở Malaysia, Việt Nam, Nigeria, Indonesia và một số nước khác.

Bây giờ thì giới chức Malaysia đang giúp đỡ cảnh sát Úc, cảnh sát  Anh tại London cũng giúp cảnh sát Úc  còn Việt Nam thì không giúp, việc chính phủ Việt Nam tham gia giúp đỡ là rất quan trọng.

Việt Hà: Trong bài báo mới của The Age, ông cũng nói đến sự tham gia của những lãnh đạo trong cơ quan Austrade tại Việt Nam liên quan đến việc giới thiệu Lương Ngọc Anh với phía Úc trong suốt thời gian từ khoảng năm 1999 đến 2001, xin ông cho biết thêm chi tiết về phát hiện mới này và tên của những người có liên quan là ai?


Nick McKenzie: Tôi chưa muốn công khai bất cứ tên nào bây giờ đối với những người thuộc Austrade, có một số quan chức thuộc Austrade tại châu Á, và Việt Nam trong suốt hơn một thập niên qua đã có những trao đổi rất thân cận với Securency và giúp tạo dựng các mối liên hệ và dẫn đến những mối làm ăn có tham nhũng, có rất nhiều thông tin cho thấy là Austrade và các quan chức Austrade tại Việt Nam đã biết Lương Ngọc Anh là một quan chức chính phủ, và biết là việc trả tiền cho ông ta là vi phạm luật chống tham nhũng của Úc, họ phải biết điều này vì họ đã có những gặp gỡ liên hệ với ông ta hơn 20 lần, họ ăn cơm với nhau.


Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của những phát hiện mới trong vụ án này tại Úc?

Nick McKenzie: Tại Úc thì đây là một phát hiện rất lớn, đây là lần đầu tiên ở Úc. Đã có 9 người bị cáo buộc bao gồm ở Úc và Malaysia, tại Úc họ có thể phải đối mặt với 10 năm tù cho mỗi người nếu bị kết tội đút lót, và điều tra thì vẫn tiếp tục, nhiều người nữa sẽ bị bắt ở Úc và châu Á và có thể là cả ở Anh và châu Phi. Đây là một đột phá lớn trong điều tra, cuộc điều tra tìm thấy đủ căn cứ để cáo buộc, bây giờ còn tùy thuộc vào tòa án và bồi thẩm đoàn phán quyết là họ có tội hay không.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo