Trịnh Hữu Long - Lúc này đã là hơn 1 tháng kể từ cuộc biểu tình ngày 5.6.2011. Đất nước này đã trải qua 1 tháng nóng bỏng chưa từng thấy trong cuộc đời của những thanh niên ngày nay, với 5 cuộc biểu tình đã nổ ra liên tiếp ở trong nước và cũng chừng ấy cuộc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Một tháng qua đã đem lại cho những người như tôi và rất nhiều người khác những trải nghiệm và cảm xúc đặc biệt.
Tôi đã định viết "Nhiều Chuyện - 3" khi đọc bản dịch bài phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Thế Sự trên báo Trung Quốc, nhưng do chưa thẩm định được tính chính xác của bản dịch mà tôi đã trì hoãn lại và sau đó vô tình chứng kiến những sự tréo nghoe cay đắng mà lịch sử dành cho ông.
Số là, không hiểu vì lý do gì, tờ Phượng Hoàng của Hồng Kong đã đăng một bài họ phỏng vấn ông Sự, với những lời lẽ làm đau lòng bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào. Chi tiết tại đây:
Theo lời bài báo, ông Sự đã nói rằng "Thanh niên biểu tình chống Trung Quốc là do bị kích động bởi thế lực phản động hải ngoại”. Điều này khiến cho những người biểu tình chết đứng như Từ Hải với khuôn mặt tím tái vì nhục nhã. Ruột gan họ như bị ngàn lưỡi dao xé nhỏ khi đọc những lời lẽ vuốt ve quân xâm lược của một Giáo sư người Việt Nam. Cơn thịnh nộ bốc lên, nhưng hầu hết mọi người vẫn tỉnh táo và chờ xác minh tính chính xác của bản dịch. Tréo nghoe thay, điều kỳ thú lại không đến từ tính chính xác của công việc dịch thuật, mà từ tính chính xác của thông tin.
Hai ngày sau khi bản dịch kia được đăng, ông Sự thanh minh rằng ông bị tay nhà báo Trung Quốc kia lừa, đơm đặt, dựng chuyện chứ ông không nói như thế. Chi tiết tại đây:
Thực hư câu chuyện thế nào, chắc còn phải chờ những diễn biến tiếp theo. Nhưng câu chuyện này và những câu chuyện có liên quan khiến tôi phải suy nghĩ về những cái chạm tay của lịch sử đến họ tên của từng người.
Một Giáo sư, nguyên Trưởng khoa tiếng Trung của một Đại học danh tiếng bậc nhất như ĐH Hà Nội, lúc về hưu tưởng chừng như đã trọn vẹn một đời công danh, tiếng thơm xa gần, con cháu đời đời hưởng phúc. Thế rồi bỗng một ngày nọ, không biết vì lỡ lời hay cố ý buông những lời lẽ bán nước, hoặc cũng có thể bị gã phóng viên họ Tàu tên Khựa kia phỉnh lừa, mà đã vĩnh viễn đóng đinh tên tuổi của mình vào một trong những trang nhơ nhuốc nhất của lịch sử, bất kể ông có thanh minh gì đi chăng nữa.
Rồi không chỉ có ông Sự.
Những hình ảnh lực lượng an ninh đàn áp thô bạo đối với đoàn biểu tình, đặc biệt là ở Sài Gòn; videoclip ông Phó hiệu trưởng trường ĐHKHXH-NV TP. Hồ Chí Minh cầm loa cố gắng giải tán đoàn biểu tình; tờ công văn cấm sinh viên đi biểu tình của ông Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, và rất nhiều gương mặt khác nữa, đã vĩnh viễn được lưu trữ trong cái ổ cứng to lớn, vĩ đại của nhân loại. Nếu lực lượng an ninh đã tổ chức ghi hình đoàn biểu tình để phục vụ cho công tác nghiệp vụ, thì những nhiếp ảnh gia nhân dân cũng đã ghi lại đầy đủ hình ảnh của họ, chờ lịch sử phán xét.
Bài học của ông Nguyễn Thế Sự hãy vẫn còn nóng hổi để những ai đang có ý định làm trái với lợi ích của dân tộc phải cảnh tỉnh, trước hết là vì vết nhơ ngàn năm của chính bản thân họ.
Nên nhớ rằng, 726 năm đã trôi qua, cả dân tộc này vẫn réo tên Trần Ích Tắc lên mà chửi rủa.
Và họ sẽ còn chửi rủa trong hàng triệu năm nữa.
Trịnh Hữu Long
*Ghi chú: Em Trịnh Hữu Long đã tham gia 3 cuộc biểu tình chống TQ ở Hà Nội.