Thanh Trúc (RFA) - Một phụ nữ ở Hà Nam, bị bắt vì la lớn khi thấy công an trấn áp và đánh người biểu tình hôm Chúa Nhật ngày 10 vừa qua ở Hà Nội, thuật lại cách thẩm cung áp đặt, cách nghĩ và cái nhìn của công an đối với những người đi biểu tình hoặc tình nghi đi biểu tình chống Trung Quốc ở trong nước.
Chế độ công an trị còn tồn tại đến bao giờ?
Mở đầu câu chuyện với Thanh Trúc, chị Trần Thị Nga cho biết:
Trần Thị Nga: Hôm đấy là ngày Chủ Nhật, em bế thằng con trai nhỏ mười lăm tháng tuổi lên trên Hà Nội để cùng với một người bạn đi Sơn Tây để dự đám ma. Khi đi qua vườn hoa Lê Nin em thấy công an bố ráp rất đông. Vì sự hiếu kỳ, em gởi con cho người bạn, nói là em muốn quay lại để xem.
Đến thì công an không cho vào vườn hoa, nói là khu vực cấm. Em thấy ngoài đường Hoàng Diệu có một tốp người đang đứng rất ôn hoà, thấy có một số anh chị em đưa lên biểu ngữ “Hoàng Sa Trường Sa Của Việt Nam”, “Phản Đối Trung Quốc Xâm Lấn Việt Nam”.Khoảng mười phút thôi thì em thấy công an mặc đồng phục và những thanh niên tự quản đeo băng đỏ, họ bắt chị Dương Thị Xuân rất là thô bạo. Sau đấy có hai người công an mặc đồng phục và một tốp thanh niên tự quản xô đẩy một cậu thanh niên đội mũ tai bèo nằm xuống dưới đất. Những người công an và những người thanh niên tự quản đứng giang ra để lấy một khoảng trống cho một thanh niên khác, mà em nghi đấy là công an mặc thường phục, sút cậu thanh niên đội mũ tai bèo đang nằm dưới đất giống như là đá một quả bóng. Ác như thế đấy.
Khi thấy như thế thì em mới hô là “công an đánh bắt người công an đánh bắt người”.
Sau khi hai người đấy bị bắt thì một tốp nữa cũng bị công an đẩy hết lên một chiếc xe bít. Em với một anh tên tên Quốc Ngữ, hai anh em đi về. Đi được hai ba trăm mét thì thấy có một tốp thanh niên tự quản đeo băng đỏ, khoảng hai chục người, đuổi theo và bắt em với anh Quốc Ngữ lên xe. Đầu tiên họ đưa lên công an quận Ba Đình. Ở công an quận Ba Đình họ lại đổi xe để đưa chúng em đến công an phường Mỹ Đình huyện Từ Liêm Hà Nội. Đến đấy, một chị tên Quỳnh Nga, là công an, hỏi cung.
Em xuất trình giấy tờ của em cho chị xem nhưng mà chị vẫn viết sai. Em tên Trần Thị Nga thì viết là Trần Thị Nghe. Số chứng minh thư của em chị cũng viết sai. Cái thứ hai nữa, em khai em nhìn thấy công an dùng hình thức thô bạo để bắt chị Dương Thị Xuân , em có nhìn thấy một cậu thanh niên đội mũ tai bèo bị công an và thanh niên tự quản đẩy ngã xuống đất để cho một thanh niên khác đá. Cô công an lại ghi là “thấy một em bé bị đánh”. Viết xong cô bắt em ký vào biên bản làm việc.Em bảo em không ký vì viết sai họ tên và lời khai của em. Nhưng mà cô ấy không nghe, bảo là em nên hợp tác với công an vì nếu công an ghi đúng lời khai thì sẽ bất lợi cho em.
Thanh Trúc: Chị Nga có nghĩ cô công an Quỳnh Nga ghi sai tên, số chứng minh và lời khai của chị rồi cho chị về, hay là cô có dụng ý nào khác? Chỗ này hơi khó hiểu một tí…
Trần Thị Nga: Em cũng không hiểu được lý do tại sao, trừ trường hợp là người nhà muốn bảo vệ nhau thì người ta mới làm việc như thế. Đó là câu hỏi mà em vẫn đang suy nghĩ không biết tại sao cô công an làm điều đấy.
Thanh Trúc: Nhưng mà cô có nói với chị là chị nên hợp tác vì nếu như công an viết xuống những lời khai thật của chị thì sẽ rất phiền phức cho chị?
Công an ghi sai hay ghi đúng thì em không biết nhưng cái câu yêu cầu anh hoặc yêu cầu chị hợp tác với chúng tôi thì sẽ có lợi, nếu không hợp tác thì sẽ bất lợi.
Lúc em bị hỏi cung trong đồn Mỹ Đình thì có hai mươi mốt người bị bắt và đang bị thẩm vấn ở đấy tất cả.
Thanh Trúc: Sau đó chị có chịu ký vào biên bản không và họ giữ chị lại trong đồn bao lâu?
Trần Thị Nga: Do cái giấy hỏi cung không đúng sự thật nên em không ký. Thì cô công an có gọi một người khác đến ký làm chứng. Thế rồi có lệnh trên Bộ Công An yêu cầu đưa em về thành phố Hà Nội, số 8 đường Quang Trung thị xã Hà Đông. Đến tới công an thành phố Hà Nội là gần mười hai giờ.
Tùy hứng giải quyết vấn đề luật pháp?
Thanh Trúc: Họ có nói vì sao phải đưa chị lên trên công an bên Hà Đông?Trần Thị Nga: Em có hỏi, em yêu cầu họ cho biết lý do, họ bảo đến công an thành phố Hà Nội thì sẽ biết. Khi đến họ cho em vào một cái phòng họ đóng của lại. Vì em là một phụ nữ đang cho con bú nên cơ thể mình rất đói và mệt mỏi. Em có nói với cả mấy công an là tôi cần phải ăn cơm để có sữa cho con tôi bú, con tôi mới mười lăm tháng mà tôi gởi cho một người bạn, vì thế tôi không biết hiện giờ con tôi ở đâu. Mấy chú ấy bảo chưa làm việc mà đòi ăn cái gì. Thế là các chú đi. Một lúc sau có mấy chú công an khác vào, em lại bảo tôi cần ăn cơm. Các chú bảo có tiền thì đưa đây nhờ người mua hộ.
Thanh Trúc: Sau đó người công an cầm tiền của chị đưa nhờ đi mua thức ăn có đem về cho chị không?
Trần Thị Nga: Có, ăn xong rồi em ngồi chờ cho tới mười ba giờ bốn mươi thì có anh công an tên Nguyễn Văn Sĩ cùng với một anh công an khác không cho biết quí danh, mặc thường phục thôi, đưa em đến phòng làm việc. Họ bảo em bị bắt vì tội quấy rối an ninh trật tự, vì em đã hô lên là công an đánh người công an bắt người.
Em có nói em nhìn thấy cảnh đánh và bắt người như thế nên em mới hô. Các chú công an đấy bảo em không được phép hô, nếu em là người yêu nước thực sự thì khi nhìn thấy cảnh công an làm việc mà đánh bắt người thì không được hô mà phải đến công an phường nào đấy để báo.
Họ còn nói với em trường hợp công an đi bắt ma tuý thì công an có quyền đánh, bắt, bắn chết ngay tại chỗ. Đấy là anh công an Nguyễn Văn Sĩ nói với em như thế. Còn anh công an ngồi bên cạnh mà không cho biết quí danh thì bảo người thanh niên bị bắt biết đâu có hai bánh hêrôin trong túi thì sao? Em mới nói cậu thanh niên đấy không có ma túy trong người vì khi tôi bị bắt vào đồn công an Mỹ Đình tôi có gặp cậu ấy, và khi tôi ngồi ăn cơm anh Quốc Ngữ có gọi điện nói ảnh và tất cả mọi người được thả ra rồi và đang trên đường về nhà, chính vì thế mà cậu thanh niên kia mới không có hai bánh hêrôin trong túi, vì thế tôi được quyền kêu , nếu tôi không kêu nhỡ đâu cậu thanh niên này lại bị công an đánh giống như anh công an Nguyễn văn Ninh đã đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng gây đến tử vong thì sao? Thì hai anh công an đấy bảo dù thế nào cũng không được kêu, nếu chị kêu lên như thế thì chị phạm cái tội gây rối trật tự an ninh.
Thanh Trúc: Chị có nói với họ những người kia được về thì phải cho chị về để chị cho con bú?
Trần Thị Nga: Em nói thường xuyên cái điều đấy. Em nói con em đang trong tình trạng không biết đang ở đâu và như thế nào nên em rất sốt ruột. Công an nói phải làm việc với em xong thì thôi. Thế nhưng khi làm việc với công an thành phố Hà Nội xong thì có bốn người công an của phòng chính trị công an tỉnh Hà Nam lên. Công an thành phố Hà Nội bàn giao em cho bốn người công an của Hà Nam. Lúc đấy là hơn bốn rưỡi chiều.
Khi công an Hà Nam yêu cầu em đi theo họ về Hà Nam làm việc tiếp thì em có nói con tôi đang ở Hà Nội mà tôi không biết ở đâu, tôi phải đi tìm con tôi. Các anh ấy bảo không theo về thì cũng không được các anh sẽ cưỡng chế. Các anh vẫn bắt em lên xe đưa về Hà Nam. Lúc đấy em biết là em không kềm chế được nữa rồi, em oà khóc rất là to, em không cần biết cái gì nữa vì cái sự ức chế nó vượt quá khả năng rồi. Các anh công an thấy em khóc trong tình trạng như vậy thực sự lúc ấy là các anh hoảng sợ, các anh thả em xuống trên đường Quốc Lộ Một. Bước chân xuống xe em vẫn đang khóc, thế là họ phóng xe đi mất. Em mới đón xe quay về Hà Nội tìm con, gặp lúc tắt đường, khi gặp được con em là hai mươi hai giờ đêm rồi.Em muốn nói hiện tại Việt Nam đang là chế độ công an quyền, họ có quyền làm tất cả những điều phi pháp mà họ muốn. Họ bắt em vì em là người nhìn thấy sự thật công an đánh và bắt người em hô lên. Thế mà công an đã hành xử đã chia cắt mẹ con em như thế. Đấy là cái điều rất bức xúc. Nếu em không nói lên thì nó sẽ xảy ra với tất cả những người phụ nữ khác.
Xin cảm ơn chị Trần Thị Nga .