Quỳnh Như (RFA) - Người Trung Quốc bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long thông qua chiến dịch thuê đất trồng khoai lang ở một số huyện tại Vĩnh Long. Không chỉ thu mua khoai lang như trước đây, một số thương lái Trung Quốc đã thuê đất cho nông dân trồng khoai lang tím để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Thực hư của vấn đề này ra sao? Quỳnh Như tìm hiểu và trao đổi với Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn ở Hà Nội.
Núp bóng dân bản xứ?
Thu hoạch khoai lang
Theo nguồn tin của người dân địa phương, ở hai huyện Bình Tân và Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay do giá thu mua khoai lang tăng cao gần 17.000đ/kg nên bà con trồng khoai ở hai huyện này đang nâng diện tích trồng khoai lên trên 6.000 hectare.
Số diện tích đất trồng khoai này một phần là do bà con tự nguyện trồng, phần khác là do người Trung Quốc thuê để nông dân trồng khoai lang cho họ. Người Trung quốc thuê đất khu Giáo Mẹo, xã Thuận An, huyện Bình Minh với giá từ 4 đến 5 triệu đồng/công, tức khoảng 1.000m2. Trong khi nhiều nông dân đang trồng lúa thu hoạch lời không hơn 3 triệu đồng/công, nên nhiều người chấp nhận giá thuê đất của người Trung quốc.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho biết:
“Việc người Trung quốc thuê đất làm nông nghiệp ở Việt Nam tôi có thấy một số báo chí đưa tin này. Theo tôi, đây chỉ mới là những nhận xét ban đầu, các thông tin một cách chính xác, cụ thể thì chưa rõ ràng. Vì thường những người này thuê đất thông qua hộ nông dân ở tại địa phương. Tức là người địa phương đứng ra thuê đất nên có thể nói chưa hoàn toàn thể hiện thực chất là người Trung quốc thuê đất nông nghiệp của Việt Nam."
Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Minh, bà Phan Thị Bé cũng xác nhận, "con số đất do người Trung Quốc thuê chưa được thống kê chính xác vì hầu hết đều núp bóng người bản xứ."
Theo người đứng đầu của Viện đề xuất các chính sách chiến lược để phát triển nông thôn, Việt Nam không hề có kế hoạch cho người nước ngoài thuê đất nông nghiệp để canh tác. Ông Đặng Kim Sơn giải thích:
“Nhìn chung Việt Nam là vùng có tỉ lệ nông hộ trên đầu người rất thấp, diện tích đất rất nhỏ, khoảng độ 0,6 hectare/một hộ nông dân. Cho nên Việt Nam không có chủ trương và cũng không mong muốn các nước khác đến thuê đất canh tác ở đất mình. Ngược lại Việt Nam lại chủ trương sẽ tập trung đất đai lại vào tay một số ít người để đưa bớt lao động ra khỏi nông ngư nghiệp, chuyển sang các ngành chuyên nghiệp. Vì thế có thể nói rằng, nếu thực sự xảy ra việc thuê đất của người Trung Quốc ở Việt Nam thì đây không phải là một việc là chúng ta mong muốn.”
Chỉ riêng tại huyện Bình Tân, hơn phân nửa trên tổng số khoảng 95 ngàn người dân ở đây đang sống dựa vào nghề trồng khoai lang, số thì làm nhiệm vụ canh tác ngoài đồng, số thì lo thu mua, đóng gói để chở sang Trung Quốc. Người ta ước tính, hơn 70% sản lượng khoai sản xuất ở Bình Tân và Bình Minh được xuất khẩu, trung bình mỗi tháng hơn 10.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Cũng tại những điạ phương này hiện có khoảng 10 cơ sở thu mua khoai, sau đó đóng gói bao bì, dán nhãn hàng Trung Quốc và xuất đi.
"Lành ít dữ nhiều"
Tuy nhiên việc mua bán theo đường tiểu ngạnh này có rất nhiều rủi ro, mà người nông dân gọi là “lành ít dữ nhiều”, nói như một chủ doanh nghiệp ở xã Thuận An, huyện Bình Minh là “hàng giao qua cửa khẩu Trung Quốc rồi thì coi như họ nắm đằng chuôi, mình nắm đằng lưỡi”. Vì có những lúc rớt giá, đọng hàng, thì chuyện bị ép giá là thường xuyên xảy ra. Thậm chí, có khi hàng bị ứ đọng không có kho lạnh, khoai không có xe lạnh chỉ hơn một tuần là hư thì coi như trắng tay. Ấy là chưa kể đến khả năng có thể bị “giựt nợ” khi đưa hàng qua đất khách như trường hợp của ông Huỳnh Ngọc Phó, chủ doanh nghiệp cổ phần kinh doanh khoai lang.
Ông nói với báo chí trong nước rằng, "phiá bạn hàng Trung quốc sẵn sàng đặt cọc để bà con mình chở hàng ra, khi hàng tập trung càng đông tại cửa khẩu, chờ đợi mòn mỏi thì giá nào cũng phải bán. Khi đó thì họ mới mở cửa kho lạnh mua vào dự trữ.”
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bình Tân, ông Võ Văn Theo, "việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch như thế này bà con nông dân dễ bị thua thiệt. Cái khó cho nông dân và địa phương là không có thông tin về thị trường xuất khẩu, nên bà con làm ăn theo kiểu ăn may, lỡ khi rủi ro xảy đến thì xem như bó tay.”
Cũng theo người phụ trách vấn đề nông nghiệp ở huyện Bình Tân, hiện nay khoai lang là nông sản xuất khẩu đứng hàng thứ nhì, sau lúa gạo của toàn tỉnh Vĩnh Long.
Liệu việc nông dân đồng bằng sông Cữu Long tập trung trồng khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc về lâu dài có gây ảnh hưởng cho việc sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam hay không. Đề cập đến vấn đề này Viện Trưởng Đặng Kim Sơn cho biết:
“Như tôi đã trao đổi, chúng tôi không hoan nghênh người nước ngoài đến Việt Nam để tiến hành đầu tư sản xuất nông nghiệp mà thuê đất của nông hộ như thế. Tuy nhiên xét về mặt ngành hàng, tôi thấy khoai lang là một cây trồng rất tốt, rất phù hợp đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Trong phạm vi nông dân trồng một vài ngàn hectare ở một vài xã thì không có ảnh hưởng gì đáng kể đến an ninh lương thực.
Khả năng sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long rất lớn và khả năng sản xuất lúa đó có được là nhờ tăng vụ và tăng năng suất. Chúng tôi nghĩ rằng ngay ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay Bộ Nông nghiệp vẫn chủ trương tiếp tục đa canh, luân canh cho các cây trồng khác nhau ở ngay trên diện tích đất lúa. Với diện tích mà chúng ta có thể sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn thì chúng ta vẫn có thể dư sức đảm bảo được một khối lượng gạo tiêu dùng tốt trong nước và đảm bảo xuất khẩu an toàn.”
Ngăn chặn cách nào
Cũng theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, trước mắt có thể một số cá nhân vì hám lợi mà tiếp tay với người Trung Quốc trong việc thuê đất canh tác để sản xuất sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho việc xuất khẩu sang nước thứ ba của Trung Quốc, nhưng về lâu dài người ta sẽ nhận ra những điều bất cập trong vấn đề này, cộng với những rủi ro xảy ra từ xuất khẩu tiểu ngạch sẽ làm thay đổi tình hình này.
Đồng thời chính phủ cũng sẽ có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng người nước ngoài, hay người Trung Quốc nói riêng thuê đất canh tác tại Việt Nam. Ông Đặng Kim Sơn nói thêm:
“Chắc chắn là ngay sau khi các tin tức này được đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng, thì các cơ quan quản lý của nhà nước Việt Nam lập tức đã có biện pháp để nắm lại tình hình. Tôi nghĩ chắc chắn rằng ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường sẽ kiểm tra lại các hộ đứng tên trung gian về kinh doanh có phải thực sự là người đầu tư hay không, hay là đằng sau họ là các thương nhân nước ngoài.
Nếu họ thực sự là người chủ đứng ra đầu tư thì việc này hoàn toàn là hợp lệ. Nếu do người nước ngoài mượn tên họ để tiến hành đầu tư thì chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp cần thiết, bởi vì đây là việc làm trái luật. Luật của Việt Nam quy định rằng chỉ có các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh một cách chính thức thì mới có thể thuê đất để đầu tư, chứ trong Luật của Việt Nam quy định không cho phép là các hộ trực tiếp cho thuê đất với các đối tác nước ngoài.
Đây là một việc làm trái luật. Cho nên chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm làm việc, và chúng tôi nghĩ rằng ngay cả bà con nông dân, sau khi họ hiểu biết ra những hệ lụy như thế thì họ cũng sẽ có biện pháp để đáp ứng cho phù hợp.”
Việc người Trung Quốc thuê đất ở tỉnh Vĩnh Long trồng khoai có phải chỉ đơn thuần là một vấn đề kinh tế, hay ẩn chứa bên trong là mưu đồ bành trướng của bá quyền phương Bắc. Mời quý vị theo dõi tiếp cuộc nói chuyện của Quỳnh Như với nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Lê Văn Triết trong bài tới.