Nguyễn Hữu Quý - Theo dõi tình hình đất nước trong những năm qua, chủ Blog tôi thử đưa ra những cái “nhất” của người Việt; mà theo người viết, đó là nguyên nhân góp phần “làm nghèo đất nước”.
1. Bất cứ ai cũng có thể làm Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước… miến là được một số phe nhóm thỏa hiệp, sau đó được đưa vào diện “cơ cấu” trong một Đại hội, thông qua một nghị quyết, hoặc thông qua bỏ phiếu nội bộ.
2. Tương tự như thế; Bất cứ ai cũng có thể làm được Bộ trưởng, hoặc đứng đầu một ngành, một lĩnh vực… không nhất thiết phải có chuyên môn theo yêu cầu của ngành, miễn rằng được một số ít người hoặc các nhóm thỏa hiệp với nhau (tình trạng này rất phổ biến ngay sau ngày thống nhất, về sau này và bây giờ tuy có đỡ hơn, nhưng vẫn đang là phổ biến). Thậm chí mấy năm gần đây có thể dùng tiền để mua được.
Trước đây, ta hay thấy những người làm công tác tổ chức trong các cơ quan (từ Trung ương xuống các địa phương; sở, ngành…), thường chỉ là bộ phận đánh máy các quyết định bổ nhiệm, phân công công tác v.v.. theo yêu cầu của lãnh đạo; nhưng sau này những người làm công tác tổ chức cũng “biết làm kinh tế”, thậm chí “kinh doanh” không cẩn phải bỏ ra một đồng vốn nào; nói ra thì dài, nhưng có thể tóm tắt (đại ý): Họ gọi điện thoại đến nhiều người cùng có khả năng vào vị trí đó, thế là có một cuộc “ma ra tông” mua – bán giữa những người này; cuối cùng, tiền mất tật mang mà chẳng dám kêu; bởi vì, chức thì chỉ có một, trong khi kẻ bỏ tiền ra mua thì nhiều. Đây là trường hợp rất phổ biến hiện nay ở mọi cấp, mọi ngành. Bất kỳ một vị trí “cơ cấu” nào cũng đều “có giá” của nó.
Đến nỗi, người ta còn nghĩ ra mẹo “sáp nhập, tách chia”; mở ra các cục, vụ, viện; phân chia các địa danh hành chính v.v… để có nhiều vị trí mới cần bố trí cán bộ, qua đó có cơ hội “làm kinh tế”.
3. Sau 65 năm thành lập, nhưng Quốc hội Việt Nam (QH) chưa bao giờ hoạt động đúng nghĩa là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân, đại diện cho ý chí và quyền làm chủ của nhân dân. Chính vì vậy, vừa rồi, không úp mở nữa, báo QĐND đã khẳng định “Quốc hội của Đảng và cũng là của dân”.
Vì vậy, giữa QH và Ban chấp hành Trung ương, trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước chắc là chỉ khác nhau cái tên gọi giữa hai tổ chức này. Thậm chí, kể cả hai tổ chức này, trong nhiều vấn đề hệ trọng cũng chẳng được biết đến.
Việc “không kỷ luật ai” trong vụ Vinashin là một ví dụ điển hình cho tính hình thức (thậm chí là thừa) của cả hai tổ chức này.
4. Cũng sau 65 năm thành lập, lần đầu tiên QH mới có buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng nhà nước để bàn về lãi suất và lạm phát; nghĩa là mảng Kinh tế, tài chính trong suốt 65 năm qua, QH không hề kiểm soát vì không có chuyên môn. Điều này khẳng định một lần nữa rằng, lãnh đạo các cơ quan của Việt Nam, cho dù là Hành pháp, Lập pháp hay Tư pháp không nhất thiết là phải có nghiệp vụ chuyên môn như đã nói trên.
Ví dụ điển hình cho các trường hợp này, đó là sự đổ bể của Vinashin, hay như việc cho Tập đoàn Innov Green thuê đất rừng Biên giới trong 50 năm v.v.. đều nằm ngoài sự quản lý và kiểm soát của QH; chỉ đến khi báo chí lên tiếng thì QH mới biết, nhưng đã muộn.
Chắc chắn rằng, trên thế giới này không có QH nào như thế, trừ những nước chỉ có chế độ độc Đảng cộng sản lãnh đạo.
5. Điều hành quốc gia thiên về thực hiện lý tưởng hơn là dựa vào các quy luật vận động của tự nhiên và xã hội (cơ chế thị trường tự do chính là một quy luật như thế, nhưng đang cố tình bóp méo, chính trị hóa… bằng cách thêm “Định hướng XHCN”).
Ban bí thư, gồm những người chủ yếu có xuất phát điểm có trình độ chuyên môn về lý luận Mác-Lênin (chính quy, tại chức) nhưng lại điều hành và vận hành cả một quốc gia.
Dự án khai thác Bô xít Tây Nguyên là ví dụ điển hình cho lối làm việc này; tức là bất chấp các điều kiện về kinh tế, khoa học công nghệ, môi trường… nhưng vì “Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” cho nên cứ thế theo lao, bất châp hậu quả, mặc dù đã được giới khoa học cảnh báo.
6. Vì ai cũng có thể làm được Bộ trưởng, đứng đầu ngành… cho nên, việc chọn cán bộ tham mưu cũng theo lối phe nhóm…, hậu quả là đời sống văn hóa, giáo dục, xã hội Việt Nam đã bị suy đồi. Được “cơ cấu” ngồi vào vị trí rồi thì mới nói đến chuyện “phổ cập” bằng cấp để củng cố quyền lực, là nguyên nhân của nạn chạy bằng cấp ở nước ta. Căn bệnh này thực tế rất khó chữa, bởi vì không thể có một ông “bằng đểu” ở cấp trên lại đi xử lý một ông “bằng giả” ở cấp dưới (he he!).
Còn rất nhiều những cái “nhất” mà trong 65 năm “xây dựng chế độ mới” và xây dựng “con người mới XHCN” đã tạo ra trên khắp các mặt của đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội… Việt Nam được tóm tắt bằng một câu trong bài trả lời phỏng vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc, rằng “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn”.
Cũng có thể nói, “thành quả” của 65 năm “xây dựng chế độ mới” và xây dựng “con người mới XHCN” mà Việt Nam đã đạt được, đó chính là: “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn”.
Bao giờ cho đến… ngày xưa!
Giữa lúc “giặc trong, giặc ngoài” mà ta hiếm thấy trong lịch sử đất nước như giai đoạn hiện nay; Nhân đây, tôi muốn nói hình ảnh đẹp nhất, đến độ tinh khiết khi nói về một con người, đó là Hồ Giáo, người được hai lần phong tặng anh hùng về chăn nuôi bò, sau đây là một câu trả lời của người anh hùng trong một bài báo:
..."Mỗi người làm một việc, hãy làm đúng khả năng của mình. Anh tưởng người ta không gợi ý tôi làm giám đốc chắc? Có đấy. Nhưng tôi chối từ vì nghĩ rằng mình chỉ biết mỗi việc nuôi bò. Đừng ham những gì mà khả năng mình không có, điều đó chỉ làm khổ mình thôi”.
Lại cũng là một cái nhất khi nói về ông:
Trong một thời gian quá dài từ thuở đôi mươi đến bây giờ, ông vẫn mải miết đi với đàn bò qua những cánh đồng, những thảo nguyên mà không hay biết quanh ông bao vô cảm, bao tranh giành, bao đố kị, bao ích kỷ, bao trục lợi, bao ngạo mạn, bao thù hận… đang tua tủa mọc lên như gai sắc, như nấm độc. Con đường ông đã đi là con đường của một vẻ đẹp tinh khiết và dâng hiến.
Ôi, bao giờ cho đến… ngày xưa!
*
và...
Những cái “ngu” của người Việt
Chừng nào chưa có một bản Hiến pháp, theo đó, đặt lợi ích dân tộc là tối thượng, thì mọi cải cách, đổi mới... chỉ là vòng luẩn quẩn, vô nghĩa
Tôi đã lạm bàn đến Những cái “nhất” của người Việt, bây giờ xin lạm bàn thêm về Hai sai lầm chính của người Việt (hay là Những cái "ngu" của người Việt).
Nói về “những thói xấu của người Việt” thì đã có rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đề cập đến; thậm chí có những trang mạng còn đặt thành chuyên mục “người Việt xấu xí”, tất cả không nhằm ngoài mục đích để mỗi người trong chúng ta tự rút ra bài học cho mình, tiến tới xây dựng một cộng đồng và hơn hết là từng bước xây dựng lại một văn hóa Việt, hay sâu xa hơn nữa là một minh triết Việt.
Sở dĩ nói rằng, đây là "Hai sai lầm chính" vì theo tôi, nó vượt lên thói xấu thông thường trong mỗi cá nhân; nó quyết định đến sự thành công hay thất bại của cả dân tộc Việt Nam.
Hai sai lầm chính, đó là:
1. Không chịu rút ra bài học thất bại và cay đắng từ quá khứ.
Lịch sử Việt Nam không thiếu những thời cơ bị bỏ lỡ trong quá khứ, chính vì thế mà phải trải qua các cuộc chiến tranh làm hy sinh hàng triệu người, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu… là cơ sở để ngoại bang thèm muốn, thôn tính. Bài học hôm nay, khi China muốn độc chiếm Biển Đông là một ví dụ.
Bài học phụ thuộc vào China để đi đến sai lầm trong cải cách ruộng đất vẫn chưa chịu rút ra, để hôm nay còn lún sâu hơn trong vòng tay cương tỏ của họ; như vậy, rồi đây hậu quả sẽ lớn hơn những sai lầm trong cải cách ruộng đất trước đây. Và chắc chắn oan khuất sẽ được chất đầy.
Chính vì thế, trong bài viết “Tâm sự của bác Đoàn Phú Hòa”, TS Đoàn Phú Hòa có nói đến một đoạn như sau:
Tổ tiên chúng ta chỉ phải lo đánh giặc Phương Bắc chứ chưa bao giờ phải lo đến giặc bên trong, kể cả Hán lẫn Việt và cũng chưa bao giờ các Cụ bị lệ thuộc kinh tế, văn hóa. Ngẫm nghĩ mãi mà mình không thấy có gì có thể gọi là "thiên thời, địa lợi" cho dân tộc mình ngoài lòng yêu nước của nhân dân. Lãnh đạo không tin dân thì làm sao dân có thể tin vào lãnh đạo được. Khi mà đảng (bất kỳ đảng nào) đưa quyền lợi của đảng trên quyền lợi của dân tộc thì làm sao có thể có đường lối đúng đắn cho đất nước?
2. Biết sai mà không sửa.
Tất cả những gì đang hiện hữu trên đất nước ta hôm nay đó chính là hậu quả của những sai lầm từ quá khứ, và rất tiếc hiện tại đang trượt dài trên những sai lầm.
Biết sai mà không sửa có thể sẽ trở thành tội ác. Hôm nay chúng ta có thể bịt mắt, bịt tai… để làm ngơ, nhưng chắc chắn chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, một vài thế hệ tiếp theo sẽ đánh giá khách quan đối với những sai lầm của ngày hôm nay.
Có thể mai này, không xa nữa, con cháu chúng ta sẽ phải đặt ra câu hỏi, rằng “tại sao cha anh mình biết sai lầm như thế mà không tìm cho dân tộc một hướng đi khác, một cách giải quyết khác?”.
Tôi đã đọc được ở đâu đó rằng, các nhà “Việt Nam học” của thế giới, khi được hỏi về những điều đáng tiếc đối dân tộc Việt Nam, thì họ rút ra 3 nội dung chính sau:
- Sự kiện cướp ngôi của Hồ Quý Ly khi ở giai đoạn cuối thối nát của triều Trần, và đặc biệt là những cải cách của cha con Hồ Quý Ly đã không được nhân dân ủng hộ; và vì thế, triều nhà Hồ chỉ tồn tại được tám năm ngắn ngủi, từ 1400-1408, và sau đó cả triều đình bị nhà Minh bắt và đưa sang phương Bắc.
- Cái chết của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ quá đột ngột, làm cho những dự tính lớn lao của một bậc thiên tài và tương lai Đại Việt thời bấy giờ cũng đi theo cái chết của ông.
Triều Nguyễn sau này, tuy có công thống nhất đất nước và mở cõi về phương Nam như ngày nay…; nhưng nếu như Quang Trung đòi về Lưỡng Quảng, và như thế China ngày nay lấy đâu ra mặt biển phía Nam để có cơ hội vẽ nên lưỡi bò phi pháp? Ấy là chưa nói đến ông sẽ tràn qua Cao Miên, ngược lên Xiêm La (Thái Lan) để “hỏi tội” vì đã giúp Nguyễn Ánh, mà trận Rạch Gầm-Xoài Mút vẫn vang vọng mãi trong lịch sử Đại Việt.
- Những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) bị đám gian thần và triều đình nhà Nguyễn bỏ ngoài tai; để đất nước lỡ dịp canh tân chìm sâu trong sự đô hộ của thực dân Pháp và tạo cơ hội cho người Mỹ sau này vào Việt Nam bằng... súng đạn.
Nhắc đến Nguyễn Trường Tộ, ta lại nhớ đến các bản Kiến nghị mà một số nhân sỹ, trí thức gửi đến lãnh đạo và Quốc hội, đang rất nóng hổi của ngày hôm nay. Liệu bài học này có được rút ra?
Nếu như hôm nay, người Việt Nam có thể không trách cha ông mình nhiều, do yếu tố lịch sử, thời đại ngày ấy; nhưng liệu rằng, con cháu chúng ta, những người viết sử sau này có “thông cảm” với thế hệ hôm nay khi mà bối cảnh lịch sử hoàn toàn thuận lợi?
Được biết, tới đây Quốc Hội sẽ thành lập Ủy ban sửa Hiến Pháp, mong rằng không có những hội thảo, hội nghị được tổ chức vô bổ, chỉ để mất thời gian, tốn kém… Muốn vậy, mong rằng các GS-TS liên quan đến sự kiện trọng đại này, mang danh là những trí thức… hãy nói lên tiếng nói của những con người, mà không phải là đám cừu, ngựa quen bị dẫn dắt… để có cơ hội sửa chữa sai lầm.
Năm 2010 tôi có đọc một bài báo về “Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết Hiến Pháp 1992”, thú thực, mới đọc cái tựa đề bài viết tôi đã thấy nó tối om, vô bổ và phi khoa học rồi. Không có lẽ trình độ của các nhà lập pháp chỉ đến như vậy? nó khó đến mức phải cần đến cả một Hội thảo chỉ để “xây dựng tiêu chí”, rồi đến “phương pháp tổng kết”...
Hay là ở Việt Nam ta vì quá nhiều GS-TS cho nên nó thế? Chắc là vậy.
Trở lại với nội dung chính của bài này, thiết nghĩ chỉ cần nêu 2 sai lầm nổi bật như trên, mà tôi cho là nó quyết định đến tiền đồ của cả dân tộc. Còn đối với những thói xấu khác thì chỉ ở góc độ cộng đồng nhỏ, hoặc chỉ là thói quen (dẫu đã ăn sâu vào tiềm thức và đã tạo thành văn hóa của người Việt).
Mong sao, việc sửa đổi Hiến Pháp lần này để không lặp lại điều mà trước khi vĩnh biệt cõi đời này, cụ Nguyễn Trường Tộ đã phải nuối tiếc mà than rằng:
"Một lỡ bước đi, muôn thuở hận
Ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm".