Anh Vũ/Thanh Phương (RFI) - Quốc hội khóa 13 khai mạc kỳ họp thứ nhất tại Hà Nội hôm nay, 21/07/2011. Sự kiện đáng chú ý là lần đầu tiên, các đại biểu tiến hành thảo luận về hồ sơ Biển Đông, hiện đang căng thẳng do những hành động gây hấn của Trung Quốc. Trong chương trình nghị sự, Quốc hội cũng sẽ tiến hành lựa chọn nhân sự lãnh đạo cao cấp của Nhà nước và chính phủ Việt Nam.
Hôm nay, 500 đại biểu vừa đắc cử trong tháng 5 vừa qua đã tham dự buổi khai mạc kỳ họp thứ nhất. Lần đầu tiên, vấn đề chủ quyền Biển Đông được đưa vào chương trình nghị sự. Ngay trong trong báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, nhân vật được cho sẽ là tân chủ tịch Quốc hội, đã tuyên bố Việt Nam sẽ “tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt trên các vùng biển đảo”.
Tuy không nêu ra tên Trung Quốc, nhưng ông Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại chủ trương của Việt Nam là giải quyết vấn đề chủ quyền Biển Đông “trên cơ sở luật pháp quốc tế” và thông qua “tiếp xúc song phương, đa phương”. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định là chính phủ sẽ “bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản, các hoạt động kinh tế, thương mại, khai thác, thăm dò dầu khí, tài nguyên khoáng sản trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia”.
Đại biểu Quốc hội, sắc tộc Hmong, chụp ảnh chung với lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng (trái) và ông Nguyễn Tấn Dũng (phải) REUTERS
Quốc hội Việt Nam đã buộc phải bàn về vấn đề Biển Đông dưới sức ép của dư luận trong nước, ngày càng bất bình trước những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Một vấn đề quan trọng khác nằm trong chương trình nghị sự của Quốc hội là bầu nhân sự lãnh đạo cao cấp của bộ máy Nhà nước.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 sẽ dành 11 ngày trong khoảng 14 ngày để bầu các chức danh như chủ tịch Quốc hội, chủ tịch nước, thủ tướng và quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Ngay trong diễn văn khai mạc kỳ họp, ông Nguyễn Phú Trọng, hiện là tổng bí thư Đảng, đồng thời là chủ tịch Quốc hội khóa trước đã nhấn mạnh, «đây là công việc rất quan trọng, có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy Nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ». Ông cũng đề nghị các đại biểu «nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn nhân sự cho các chức danh lãnh đạo chủ chốt».
Trên nguyên tắc thì nhân sự lãnh đạo cấp của bộ máy Nhà nước đã được sắp xếp từ đại hội Đảng 11 hồi đầu năm này và danh sách sẽ được đưa Quốc hội thông qua dưới hình thức bầu chọn. Tuy nhiên, vấn đề này dường như chưa được giải quyết xong tại Đại hội Đảng, Ban chấp hành Trung ương Đảng vẫn tiếp tục phải đưa ra bàn tại Hội nghị Trung ương 2 kết thúc hôm 10/7/2011.
Sau hội nghị, theo bản tin của thông tấn xã Việt Nam thì «Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước trình Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn». Như vậy có nghĩa là vấn đề nhân sự lãnh đạo cao cấp vẫn chưa ngã ngũ.
Trong thời gian trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội lần này, theo nhiều thông tin đã lan truyền không chính thức tại Việt Nam, thì ông Trương Tấn Sang, hiện là thường trực Ban bí thư sẽ làm chủ tịch nước, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục làm thêm một nhiệm kỳ nữa và chức chủ tịch Quốc hội do ông Nguyễn Sinh Hùng nắm giữ.
Giới quan sát nước ngoài đều có chung nhận định, việc bầu bán nhân sự này chỉ là vấn đề nội bộ của Đảng, không có ảnh hưởng nhiều đến đường lối chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam.
Anh Vũ / Thanh Phương