Thanh Trúc (RFA) - Một vụ tranh cãi đất khá căng thẳng tại giáo xứ Ngọc Long thuộc miền quê Nghệ An vì nhà thờ xây bãi đá bóng trên khu đất do giáo dân hiến tặng, trong lúc chính quyền địa phương buộc tháo dỡ vì đó là đất do nhà nước quản lý.
Ngọc Long là tên một giáo xứ thuộc xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, có vị chánh xứ là linh mục Trần Văn Phúc.
Giáo dân hiến đất để xây bãi đá bóng
Năm 2007, một số giáo dân ở Ngọc Long hiến tặng đất ruộng mà họ sở hữu cho nhà thờ để xây một bãi bóng đá cho con em địa phương. Linh mục Trần Văn Phúc cho biết:
"Theo nhu cầu nguyện vọng của giáo dân có đất để làm sân bóng đá, cùng với chủ trương của chính quyền huyện là thành lập ở xã Công Thành bốn cụm thể thao, nhưng thực sự ra bên chính quyền không có cuộc đất nào để làm sân bóng đá cả. Thì bà con giáo dân xứ Ngọc Long đã hiến đất ruộng của người ta cho giáo xứ, diện tích khoảng bảy ngàn mét vuông.
Trong gần bảy ngàn mét vuông này thì một số là giáo dân cho, và một số còn lại thì giáo xứ bỏ tiền ra mua.”
Nhà thờ Giáo xứ Ngọc Long - Giáo hạt Bảo Nham
Sau đó giáo xứ làm tờ trình lên chính quyền xã, xin xây cất khu đất này thành sân bóng đá nhưng không được giải quyết hay trả lời:
"Mà trước đó thì chính quyền cũng có tổ chức những cuộc họp ở nơi xã, mời những gia đình có đất lên để thuyết phục họ hiến đất cho chính quyền xã nhưng giáo dân nhất mực không chịu.
Sau đó chính quyền cũng làm một mẫu đơn và họ cùng một người trong ban hành giáo đi từng nhà. Thì giáo dân nghĩ là có ban hành giáo tức người của cha xứ cho nên nhiều người đã ký. Nhưng mà lá đơn của họ được ký sau khi họ đã ký dâng cúng đất cho giáo xứ hai tháng rồi.
Sau đó giáo xứ xúc tiến làm thủ tục chuyện giáo dân hiến đất để làm sân bóng. Giáo xứ đã đổ đến tám trăm xe ô tô đất lên đó để san mặt bằng.
Lúc thi công như thế thì chính quyền không có ý kiến, đến lúc đổ đất xong rồi làm mương mán thoát nước thì chính quyền cũng không có ý kiến."
Ngày 26 tháng Năm vừa qua, linh mục Trần Văn Phúc kể tiếp, ông vận động bà con giáo dân xây tường bao để bảo vệ sân bóng. Khi đang thi công tường bao này thì cũng không nhận được giấy báo hay lệnh đình chỉ gì cả từ phía chính quyền:
"Xây xong thì mới có giấy triệu tập của chính quyền. Chính quyền bảo sân này là sân của xã. Người ta cho tôi là một ông linh mục đi chiếm đất của xã hội về làm cho giáo xứ, trong lúc trong tay tôi đã có những giấy tờ đảm bảo được rằng sân này là sân của giáo xứ."
Linh mục Trần Văn Phúc cho biết ông đã yêu cầu viên chức chính quyền cùng Hội Đồng Giáo Xứ, Tòa Giám Mục và bản thân ông, cùng ngồi lại với nhau trong một cuộc họp để tìm giải pháp:
"Sau cuộc họp đó thì chủ tịch huyện Yên Thành, ông Nguyễn Tiến Lợi, có một văn bản kết luận cuộc họp gởi cho các cấp chính quyền, Hội Đồng Giáo Xứ, Tòa Giám Mục, gởi cho tôi và những nơi họ cần gởi, kết luận rằng đến ngày 30 tháng Sáu là giáo xứ phải tự tháo dỡ. Nếu như không chịu tháo dỡ thì sau đó chính quyền sẽ ra tay."
Trước lệnh tháo dỡ của chính quyền địa phương, từ ngày 10 tháng Sáu đến ngày 28 tháng Sáu linh mục Trần Văn Phúc đã gởi văn bản phản hồi lại kết luận của chủ tịch huyện Yên Thành:
"Tôi cũng gởi đến những địa chỉ mà người ta đã gởi văn bản kết luận của họ. Đến nay thì tôi cũng không hề nhận được cái gì cả.
Nhưng mà những ngày gần đây thì giáo xứ này trở nên nóng lên. Có nhiều nguồn tin là chính quyền sẽ dùng vũ lực để đàn áp giáo dân ở đây. Cụ thể là tin mấy ngày nữa đây thì chính quyền tổ chức một cuộc tập trận trong vùng này, đem súng ống rồi đạn dược về tập bắn đạn thật ở đây."
Một giáo dân ở giáo xứ Ngọc Long, thuộc một trong hai mươi bảy hộ đã ký đất cho nhà thờ, xác nhận đất ông ký cho nhà thờ là tài sản tư mà ông sở hữu:
"Đất của tôi bảy thước đất, mỗi thước là ba mươi ba mét vuông, hiến cho nhà thờ, cả vợ cả chồng ký vào đó mà. Nhà nước họ nói như vậy biết làm sao."
Giáo dân thứ hai, hiến mảnh đất của ông diện tích một trăm mét vuông:
"Đất của tôi ở ngay trước cửa nhà thờ. Chính thức đất ở trước của nhà thờ là hai mươi bảy hộ, người hiến một trăm mét vuông, người hiến hai trăm. Tất nhiên giáo dân thì phải hiến cho nhà thờ rồi chứ có hiến cho xã hội đâu, xã hội đất thiếu gì."
Vẫn ông này cho hay mọi người đang nghe ngóng động tĩnh vì thời hạn tháo dỡ 30 tháng Sáu đã qua, trong lúc tin đồn về việc chính quyền địa phương sẽ dùng vũ lực đang làm ai nấy căng thẳng:
"Để tôi nói rõ ràng vấn đề này. Ngày hiến đất là có trưởng ban xứ đi với ông địa chính. Thì giáo dân như gia đình tôi bây giờ tin ai? Rõ ràng là phải tin vào ông chánh xứ chứ. Ông vào thì ông nói tôi là cứ yên tâm, cái mẫu(đơn) này là theo mẫu của cha xứ.
Cha xứ này trước đây là cha Nguyễn Duy Khanh đó. Không những là vào gia đình tôi mà vào tất cả những gia đình có đất ở ngay trước cửa nhà thờ đó. Sau đó thì giáo dân tin vào ông chánh xứ rồi thì ký thôi, không đọc đơn nữa, chúng tôi là yên tâm rồi."
Đất của nhà nước
Trong khi đó chủ tịch huyện Yên Thành với văn bản kết luận tháo dỡ sân bóng đã xây, ông Nguyễn Tiến Lợi, khẳng định đó là cuộc đất của chính phủ:
"Đó là khu thể thao của xã quản lý, nhưng mà linh mục xứ đạo đã xây dựng khi chưa được cấp phép của chính quyền. Cái thứ hai là xây không đảm bảo điều kiện và qui chuẩn của Việt Nam về mặt xây dựng. Vì sân bóng là nơi mà coi như rất là nhạy cảm, làm không tốt mà đông người thì rất là dễ xảy ra tai nạn. Xây khu thể thao phải có tiêu chuẩn của nhà nước, xây không đủ tiêu chuẩn thì phải tháo dỡ thôi."
Được hỏi trong trường hợp phải tháo dỡ thì khu đất thuộc về nhà thờ hay thuộc về chính quyền, ông Nguyễn Tiến Lợi khẳng định:
"Đó là đất của nhà nước, đất văn hóa chứ không phải đất của giáo hội, đất đó có qui chế quản lý thể thao. Sân này do ủy ban nhân dân xã Công Thành quản lý, nhưng mà tự nhiên linh mục đứng ra chỉ đạo xây dựng mà không hỏi qua chính quyền không có hồ sơ gì cả thì bắt buộc phải tháo dỡ."
Rõ ràng những chi tiết mâu thuẫn về cuộc đất trước nhà thờ, được xây lên thành sân bóng, là đầu mối tranh cãi giữa giáo xứ Ngọc Long với chính quyền địa phương xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Đó cũng là ý kiến của người giáo dân thứ hai trong bài này:
"Tôi cũng vừa đi họp qua, hôm đó họ nói là xây dựng trái phép thì tôi có ý kiến là giả sử trái phép thì sao cái ngày chúng tôi xây móng thì không việc gì, mà tại sao bây giờ chúng tôi xây ngay trên nền móng cũ thì lại sai là sai ở chỗ mô? Sau đó tôi cũng về báo cho cha xứ để cho Ngài lo liệu. Mà chúng tôi hiến đất đai là hiến cho nhà thờ chứ có phải hiến cho nhà nước đâu."
Linh mục Trần Văn Phúc thì cho biết ông từng đề nghị với chính quyền địa phương một cách giải quyết:
"Tôi có yêu cầu thế này, là cái sân bóng này nguyên là ruộng lúa, nó rất sâu, bùn lầy, giáo dân chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức tiền của để làm nên sân bóng. Nếu như phải tháo dỡ thì xin tháo dỡ từ ven đất đầu tiên, có nghĩa những gì chúng tôi đã xây lên thì tháo dỡ hết để tôi trả ruộng lại cho dân. Giải pháp này họ cũng không chịu. Chúng tôi làm xong sân bóng này rồi thì chính quyền cho là của chính quyền, như thế thật bất công."
Một giải pháp khác mà linh mục Trần văn Phúc từng đề nghị trước đó, là triệu tập một buổi họp giữa chính quyền các cấp với giáo dân Ngọc Long, qua đó hỏi ý kiến dân xem họ muốn hiến đất cho ai:
"Nếu họ hiến đất cho xã thì xã cứ tự do thoải mái, còn hiến đất cho xứ thì chính quyền phải xét lại."
Đáng tiếc là chính quyền xã Công Thành huyện Yên Thành cũng không đồng ý đề nghị này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi kết quả cuối cùng của câu chuyện này và tường trình đến với quý vị trong thời gian tới.
Thanh Trúc
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/land-dispute-in-a-parish-of-nghe-an-ttruc-07102011150112.html
Thanh Trúc
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/land-dispute-in-a-parish-of-nghe-an-ttruc-07102011150112.html