Nhạc sĩ Tuấn Khanh (danlambao) - Một thói quen đẹp được hình thành từ nhiều năm ở Việt Nam, là vào ngày lễ Vu Lan, những đứa con không còn mẹ được gắn những bông hồng trắng, còn những đứa con may mắn còn mẹ, thì sẽ được gắn bông hồng đỏ.
Bông hồng đỏ nhắc nhở niềm hạnh phúc là mẹ vẫn còn, vẫn chở che và còn cho những đứa con một cơ hội tuyệt diệu là báo hiếu với mẹ. Mùa Vu Lan năm nay, sẽ có bao nhiêu người gắn chiếc bông hồng đỏ lên áo và nghĩ ngợi về điều này, đặc biệt với trung úy công an Lang Thành Dũng ở Nha Trang, sau sự kiện ngày 26.7 vừa rồi?
Theo các bản tin, khoảng 22 giờ ngày 26-7, trong lúc đậu xe ôm chờ khách trên đường Trần Phú - Nha Trang, anh Nguyễn Trường Vũ và anh Trương Chí Bình bất ngờ bị trung úy công an - Đội cảnh sát hình sự TP Nha Trang - Lang Thành Dũng, tự xưng là Dũng "gấu", xông tới, quát tháo và đánh phủ đầu. Sau khi bị cưỡng chế đưa về trụ sở, trung úy Dũng tiếp tục đánh đập bằng dùi cui, roi điện… ép buộc anh Vũ nhận tên là Hùng, ăn cắp tiền du khách. Tham gia đánh đập còn có thực tập sinh tên là Hiền. Tuy rất đau nhưng anh Vũ một mực khẳng định không biết ai tên Hùng và chuyện ăn cắp. Hơn 1 giờ sáng ngày 27-7, anh Vũ được thả, sau khi bị lập biên bản thu giữ 5,8 triệu đồng, điện thoại và xe máy.
2g sáng, bà mẹ của Vũ chở anh vào bệnh viện cấp cứu. Mùa Vu Lan này, sau đợt hôn mê ướt đẫm nước mắt lo âu của người mẹ mình, chắc chắn anh Vũ sẽ phải khóc nhiều khi cài chiếc bông hồng màu đỏ. Không có mẹ, đời anh sẽ ra sao khi lịm dần với các vết thương và máu vương vãi trên chiếc giường của mình, trong đêm oan nghiệt đó?
Không nghe thấy viên sĩ quan công an đã nói gì, ngoài tin tức chậm chạp bồi thêm, được biết rằng ngày 6.8, công an TP Nha Trang đã quyết định tạm đình chỉ công tác 3 tháng với Dũng, do bị gia đình của anh Vũ tố cáo việc nhục hình với công dân.
Bản tin nhỏ kế tiếp, đem lại nhiều suy nghĩ, nói rằng mẹ của viên sĩ quan công an Lang Trung Dũng tự mình tìm đến nhà của nạn nhân, xin lỗi và tỏ ý muốn đền bồi cho nạn nhân - vốn vẫn phải tiếp tục điều trị.
Nghe mà đắng lòng. Đúng là con dại cái mang. Nhưng người thanh niên trưởng thành tên Dũng đó, được ăn học tử tế, có cả chức quyền, lại không có đủ nhân cách đối diện với cái ác mà mình đã tạo ra. Trong câu chuyện này, Dũng đẩy đấng sinh thành của mình ra tuyến đầu của mọi lời nguyền rủa, cam chịu cho cái ác mà mình gây ra - sự độc ác mà bà mẹ hiền lành của anh chắc chắn chưa bao giờ dám nghĩ rằng đứa con của mình ngày nào lại có thể hành xử với đồng loại mình như vậy.
Dũng sẽ cài bao nhiêu bông hồng đỏ trên ngực áo mình, trong mùa Vu Lan này? Cái nắm tay mạnh mẽ của Dũng giáng vào thân thể của một công dân sao đột nhiên lại trở nên quá tầm thường và hèn hạ trước đôi bàn tay gầy của mẹ anh, run run, nắm chặt nhau để nói xin lỗi với gia đình nạn nhân. Một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy từng nói về sự bao la chấp nhận của mẹ, rằng “sinh con anh hùng người hiền nhân ái, hay sinh kẻ hèn bạo chúa vô loài...”. Bà mẹ chợt bừng sáng, vĩ đại hơn bao giờ hết khi không từ chối đó là con mình, dù đó là kẻ thủ ác. Một bông hoa đỏ như thế nào mới xứng đáng cho mẹ?
Và với Lang Trung Dũng, anh sẽ cài một bông hồng như thế nào trong đời mình?
danlambaovn.blogspot.com
Ngày 30/08, nạn nhân Nguyễn Mậu Thuận (SN 1958 trú tại Thôn Đoài, xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) đã bị Công an tra tấn đến chết, chỉ sau 3 tiếng đồng hồ.