Hoàng Liên Sơn (danlambao) - "Bản chất vụ án Cù Huy Hà Vũ là gì? Bản chất đó đã được Tổ chức Nhân quyền Thế giới nói ra trong báo cáo của Tổ chức đó: Đảng Cộng sản đối đầu với nhà hoạt động pháp lý Cù Huy Hà Vũ. Nói cách khác, trong vụ án này, có hai bên, một bên là Đảng Cộng Sản Việt Nam chậm trễ như thể cố tình cưỡng lại việc thực hiện một Nhà nước Việt Nam pháp quyền, và một phía bên kia là một Cù Huy Hà Vũ như một tiếng nói đại diện cho tất cả những những tiếng nói đòi xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền (*).
Nhà nước pháp quyền được hiểu một cách đơn giản nhất là mọi người - không phân biệt giai cấp, tầng lớp hay chức tước đều phải sống và hành xử theo pháp luật. Chính quyền chỉ được thực thi quyền hành một cách hợp pháp theo các luật đã được soạn thảo ra và phát hành rộng rãi. Trước pháp luật,mọi người đều phải được bình đẳng.
Trước đây sự sáng tạo trong bản tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) của Hồ Chí Minh đã từng được ngợi ca không tiếc lời cho đoạn "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được."
Rất chính xác cho ý tưởng bình đẳng về quyền tự do của Hồ Chí Minh. Tạo hoá sinh ra con người, ban cho họ sự tự do để mưu cầu những điều tốt đẹp và không một ai có quyền tước đoạt những quyền ấy. Nhà nước pháp quyền được xây dựng dựa trên chính nguyên tắc tôn trọng nhân dân, tôn trọng những giá trị cuộc sống tốt đẹp mà bản tuyên ngôn độc lập thủa nào từng hướng tới. Do tất cả mọi giai tầng trong xã hội đều làm việc trên cơ sở pháp luật nên chế độ độc tài hay tình trạng vô chính phủ đều không thể tồn tại trong một nhà nước lấy luật pháp làm "kim chỉ nam".
Việt Nam ngày nay có rất nhiều người đã và đang đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài như Hàn Quốc, Anh,Pháp,Đức... nhưng ông tổ của ngành xuất khẩu lao động này có lẽ là... Hồ Chí Minh ?! Hành trình đi đến xứ sở mẫu quốc thời đó của ông Hồ mang cho ông và dân tộc An Nam sau này (được biết đến qua cuốn "Vừa đi đường, vừa kể chuyện" do ông Hồ viết và ký tên T. Lan) hết sự ngỡ ngàng này đến điều ngạc nhiên khác. Ngay khi đặt chân lên đất Pháp ông đã rút ra một chân lý: "Ở Pháp cũng có người tốt " do nhận được tiếng gọi bằng "ông" của người bồi bàn tây dành cho một con dân mũi tẹt da vàng.
Mượn chuyện xưa để nói về một xứ sở mà đã lâu nay ai cũng đồn đại và nói đến là nơi tự do, miền đất con người được tôn trọng không phải vì bộ Comple họ mặc hay chiếc xe họ đi, đơn giản cho sự tôn trọng đó: họ là con người ! Cách hành xử theo nguyên tắc tôn trọng pháp luật và nhân quyền được sử dụng thành một chuẩn mực xã hội kéo theo hệ quả là tính văn minh trong văn hoá ứng xử giữa người với người. Dân lao động ta ngay kháo nhau rằng "ở tây người ta va chạm xe vào nhau hay đơn giản chỉ là va vào nhau trên đường lúc đi bộ thì họ sử dụng ngay cửa miệng những tiếng "xin lỗi". Tiếng "xin lỗi", "cảm ơn" theo thống kê được sử dụng nhiều nhất trong ngày của mỗi người dân xứ ngoại. Còn ở Việt Nam thì sao? Chắc chúng ta ai cũng tủm tỉm khi nghe câu hỏi này. Bởi thế cho nên chuyện xứ người được thuật trực tiếp bởi các Việt kiều hồi hương luôn tạo sức hút trong các câu chuyện tào lao thường ngày của các hội bàn đèn thuốc lá.
Lối hành xử vô ý thức, hay gây gỗ và bất lịch sự của người dân Việt Nam ngày nay không phải tự nhiên mà được sinh ra. Người nước ngoài họ lịch sự với nhau vì một nguyên nhân chung là do họ đều nhận được sự bảo vệ của luật pháp. Còn ở Việt Nam ai bảo vệ dân? Công an hay quân đội nhân dân? Mặt trận tổ quốc hay lực lượng dân phòng? Những người dân nếu không dùng chính sự sùng sỏ của mình làm vũ khí tự vệ thì liệu họ có được bình đẳng và an toàn khi tham gia giao thông hay đơn giản tranh chấp một món hàng ngoài chợ? Chuyện những người già lẩm cẩm hoặc trẻ con khi đi lạc ở nước ngoài thường hay nhận được sự giúp đỡ từ các cảnh sát là chuyện chẳng có gì đáng tự hào nhưng ở ta thì chắc nếu có phải đưa vào mục..."chuyện lạ Việt Nam". Người dân thường ngày nay ra đường dường như đều sợ gặp các cảnh sát giao thông hay công an vì lí do sợ bị phạt tiền hay tậm chí... đánh chết. Họ mỗi khi chẳng may đụng độ phải các nhà thừa hành luật pháp mẫn cán này đều mang một suy nghĩ giống nhau" chắc hôm nay ra đường bước chân trái hoặc gặp gái chi đây!"
Tôi viết những chuyện này không phải là mục đích đề cao hay sính ngoại mà chỉ đơn giản nói về xã hội nơi tồn tại nhà nước pháp quyền. Luật pháp là công cụ để nhà nước quản lý nhân dân và có vai trò rất lớn hình thành văn hoá ứng xử trong xã hội giữa người với người, giữa doanh ngiệp với doanh nghiệp và rộng hơn nữa là giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tam quyền phân lập tạo nền tảng cho sự đề cao vai trò của toà án do vậy tiêu diệt triệt để các phiên toà kiểu căng-gu-ru.
Quay lại dòng trích trong bức thư của CHHV để thấy được khao khát cháy bỏng trong nhà hoạt động pháp lý về một xã hội tự do thực sự cho Việt Nam khi nỗ lực tranh đấu cho một nhà nước pháp quyền. Anh Vũ có tội hay không khi chấp nhận hy sinh tất cả để mưu cầu hạnh phúc,văn minh cho cả một dân tộc đang lầy lội trong mớ bòng bong hỗn loạn của "luật rừng cộng sản"? Tổ quốc và nhân dân sẽ phá án cho anh!
Đôi điều trăn trở và lời cầu nguyện cho sự công bằng trước phiên toà của anh Cù Huy Hà Vũ.
Ngày 01/08/2011
* trích Thư cảm ơn đồng bào trước ngày xử phúc thẩm của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ