Bút Lông - Cứ ngỡ câu chuyện vận chuyển bauxite khi chưa có cảng Kê Gà (Bình Thuận) sẽ kết thúc sau tuyên bố và cuộc làm việc của tân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thì sự việc đã có thêm diễn biến mới: Chủ đầu tư (TKV) đã khước từ việc bỏ tiền ra (khoảng ngàn tỉ đồng) để sửa chữa, nâng cấp đường!
Cụ thể, đáp lại yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng Giám đốc TKV, nói rằng việc sửa chữa và nâng cấp cầu, đường “cần san sẻ lợi ích giữa ba bên: Bộ GTVT, TKV và địa phương”. Những yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, theo ông Hòa, là “chưa hợp lý và khiến TKV chịu thiệt”. Bởi vì theo ông, nếu không có xe chở bauxite đi qua thì (cầu, đường) vẫn phải nâng cấp, sửa chữa!
Câu chuyện khai thác bauxite từng gây tranh cãi rất nhiều, không chỉ vì yếu tố công nghệ hay môi trường mà còn là vì bài toán vận chuyển hàng chục vạn tấn bauxite (khi chưa có cảng Kê Gà) chưa có lời giải đích đáng. Nhận nhiệm vụ của chủ đầu tư, TKV dựa dẫm khá nhiều vào chủ trương chính trị mà ít quan tâm đến bài toán kinh tế đơn giản nhất là vận tải khiến cho đến nay sự việc không dễ giải quyết. Việc họ cho nhập những đoàn xe chuyên dụng trên 40 tấn, trong khi hệ thống cầu, đường chỉ chịu được xe nhỏ (dưới 25 tấn), là một minh chứng hùng hồn cho kiểu tính toán này!
Thế nhưng cái sự “liều” đó không còn là thái độ của một doanh nghiệp mà còn là vấn đề kỷ cương phép nước, là môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa mọi loại hình doanh nghiệp. Việc xe quá khổ, quá tải chở quặng của TKV quần nát các cung đường hàng tháng trời qua không chỉ đem lại sự xuống cấp hệ thống cầu, đường mà còn tạo nên sự so bì ở các doanh nghiệp vận tải khác đang chấp hành đúng pháp luật nhà nước.
Ngay khi mới nhậm chức, tân Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rằng nếu có thực quyền ông sẽ lập lại trật tự trong ngành và trong “bài toán bauxite” này ông tuyên bố sẽ không có ngoại lệ. Hiểu theo lẽ đó, việc đầu tư nâng cấp cầu, đường vận chuyển bauxite không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà đầu tư TKV mà còn là lẽ phải ở đời : Muốn ăn thì phải làm !